CHÚA NHẬT XXIX TN C:
LỜI CẦU NGUYỆN CÓ SỨC LAY ĐỘNG THIÊN CHÚA


Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – GP Xuân Lộc


Cách đây mấy năm khi quan hệ giữa Hoa Kỳ và các nước Trung Đông căng thẳng, có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến tranh lớn, Đức Thánh Cha đã kêu gọi toàn Giáo Hội cùng cầu nguyện cho hoà bình thế giới. Chúa đã nhận lời, căng thẳng giữa các nước đã hạ xuống. Đức Hồng Y Tôi Tớ Chúa Fx Nguyễn Văn Thuận đã chia sẻ: “Suốt hàng chục năm bị biệt giam, có những lúc tôi mệt mỏi đến chết được, tôi không còn sức để đọc hết được kinh Kính Mừng. Tôi chỉ còn thầm thĩ: Chúa ơi cứu con! Mẹ ơi cứu con! Chúa và Đức Mẹ đã gìn giữ tôi đến ngày hôm nay.” Có người hỏi mẹ Têrêsa Calcutta: “Mẹ lấy sức đâu để suốt ngày phục vụ các người nghèo, người hấp hối cách không mệt mỏi như thế?”. Mẹ trả lời: “Tôi cầu nguyện mỗi ngày.” Ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Cofi Anan trong sứ mệnh hoà giải giữa các quốc gia và Iraq. Các phóng viên hỏi ông: “Trước khi đến Iraq ông chuẩn bị phương án nào?”. Ông trả lời: “Tôi cầu nguyện suốt đêm.” Hình ảnh Huấn luyện viên Park Hang-seo của đội tuyển Việt Nam cúi đầu cầu nguyện trong mỗi trận đấu đã trở thành hình ảnh hết sức quen thuộc với khán giả. Những phút cầu nguyện này tăng thêm sức mạnh cho ông và đội tuyển.

Thưa quý OBACE, chúng ta có thể kể ra rất nhiều điều kỳ diệu xảy ra do lời cầu nguyện chân thành tha thiết của con người. Nói cách khác lời cầu nguyện chân thành tha thiết luôn có sức lay động Thiên Chúa. Có nhà tu đức còn nói: “Lời cầu nguyện có thể “sai khiến” được Thiên Chúa.” Hôm nay, các bài đọc Lời Chúa cũng muốn chứng minh cho chúng ta niềm xác tín đó.

Bài đọc một cho thấy lời cầu nguyện của ông Môsê đem lại chiến thắng cho dân Israel. Lúc đó, dân Israel phải đương đầu với quân Amalech. Cuộc chiến được dự báo là không cân sức. Tuy nhiên, ông Môsê đã kêu gọi toàn dân hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa và khấn xin cùng Ngài. Hôm sau, ông truyền cho ông Giôsuê cầm quân ra trận, còn ông Môsê thì lên đỉnh đồi cầu nguyện. Cuộc giao tranh ác liện diễn ra, cứ khi nào ông Môsê giơ cao tay cầu nguyện thì quân Israel thắng thế, khi ông hạ tay xuống thì quân Amalech phản công lại. Cuộc chiến diễn ra từ sáng tới chiều. Các cộng sự viên thấy ông Môsê mỏi tay đã phải nâng tay ông và còn lấy hai hòn đá kê vào dưới tay, để ông khỏi mỏi mà tiếp tục cầu nguyện. Nhờ vậy, tay ông Môsê được giơ cao lên mãi cho đến khi ông Giôsuê và quân Israel toàn thắng.

Câu chuyện cho thấy cuộc chiến thắng quân Amalech hoàn toàn tuỳ thuộc vào lời cầu nguyện của Môsê chứ không phải do khả năng của quân binh. Một chi tiết cho thấy Môsê trong vai trò lãnh đạo, ông cũng là người đứng ra cầu nguyện cho dân, nhưng bên cạnh còn có nhiều người trợ giúp ông trong việc này. Họ nâng tay ông để ông khỏi mỏi, họ kê đá để giữ cho tay ông được mãi vươn cao. Điều đó cho thấy: để cho lời cầu nguyện được “thấu đến tai Chúa” và giữ được sự liên lỉ kiên trì, cần có nhiều người cùng hợp ý hợp lòng, chung tay góp sức. Lời cầu nguyện của từng cá nhân là điều tốt nhưng lời cầu nguyện chung của cả gia đình, của mọi người trong cộng đoàn sẽ mang lại ích lợi và hoa trái thiêng liêng nhiều hơn nữa.

Chúa Giêsu là con người cầu nguyện; Ngài nêu gương cầu nguyện; Ngài cầu nguyện tâm sự với Thiên Chúa mọi lúc mọi nơi; Ngài xin Chúa Cha soi sáng trước mỗi quyết định; Ngài tạ ơn Chúa và xin Chúa Cha nâng đỡ thêm sức đối diện với khó khăn thử thách. Hôm nay, Ngài dạy chúng ta sự kiên trì và tin tưởng trong cầu nguyện qua dụ ngôn bà góa và vị quan toà: Có một vị quan toà cao ngạo không kính sợ Thiên Chúa và cũng không coi ai ra gì. Khi có một bà góa đến gõ cửa xin ông xét xử minh oan. Ông không hề chạnh lòng trước lời kêu oan của bà, ông không kể đến lương tâm, cũng không quan tâm đến đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, sau một thời gian ông đã thay đổi suy nghĩ. Ông quyết định nhận lời minh oan cho bà vì lý do: “Bà góa này quấy rầy mãi thì ta xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài làm ta nhức đầu nhức óc.” Chúa Giêsu đã kết luận câu chuyện: “Đến một ông quan toà vô đạo còn làm như thế, vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Ngài sao?”.

Qua câu chuyện, Chúa Giêsu không so sánh Thiên Chúa với vị quan toà bất lương kia, nhưng Ngài muốn chúng ta noi gương kiên trì cầu xin của bà góa, nhờ sự kiên trì đó, bà được như ý nguyện. Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thấy rằng: Thiên Chúa không bao giờ che tai bịt mắt trước những lời kêu cứu của con cái Ngài. Tuy nhiên, Ngài muốn để thời gian như sự thử thách, để thanh luyện ý hướng và mục tiêu cầu nguyện của chúng ta. Vì có nhiều người cầu xin với Thiên Chúa giống như kiểu của dân ngoại, họ đến với Chúa để cầu xin, những lại hồ nghi sự quảng đại của Thiên Chúa. Nhiều người đến với Chúa không phải vì sự thành tâm tin tưởng mà chỉ là khi nào gặp khốn khó thì đến, hết khốn khó thì thôi. Có những người xin Chúa, thậm chí ép Chúa phải làm theo giải pháp của mình mà không muốn lắng nghe và đón nhận giải pháp của Chúa trong các biến cố. Người khác lại vừa cầu xin với Thiên Chúa nhưng lại vừa khấn vái ông địa và các thần linh khác theo kiểu “có thờ có thiêng có kiêng có lành.” Đó là những lối sống đạo và cách cầu nguyện theo kiểu nước đôi, khi không được như ý muốn, họ dễ nản lòng bỏ Chúa, bỏ cầu nguyện.

Chúa Giêsu cũng đưa ra một cái nhìn không mấy sáng sủa về tương lai lòng tin của con người khi Ngài nói: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người con thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”. Điều này cũng đang phản ánh một thực tế trong lối sống của con người ngày nay, đó là lối sống cậy dựa vào bản thân và khoa học mà loại trừ Thiên Chúa, lối sống đạo không cầu nguyện. Ngày nay, con người càng ngày càng cao ngạo về khả năng của mình khi họ nghiên cứu ra những điều mới mẻ. Con người đang tìm cách chiếm quyền của Thiên Chúa trong việc sáng tạo và quan phòng vũ trụ này khi họ cho rằng con người có thể làm được tất cả mọi sự, làm chủ cả sự sống và sự chết mà không cần Thiên Chúa. Có nhiều người khác thì cho rằng khoa học công nghệ ngày nay có thể giải quyết được tất cả mọi sự, người ta chạy theo khoa học công nghệ đến độ không quan tâm đến sự hiện diện và trợ giúp của Thiên Chúa nữa.

Lối sống ngạo mạn này đang thể hiện qua việc con người ngày càng ít cầu nguyện, ít trò chuyện tâm sự với Chúa, không muốn lắng nghe sự chỉ dạy của Chúa. Đời sống đạo mà không cầu nguyện thì cũng giống như một cái xác chết không còn hơi thở và sức sống. Có nhiều người còn cho rằng việc cầu nguyện là việc của mấy người già rảnh rỗi, của mấy ông cha bà sơ không có việc làm, là việc của trẻ con, mất thời giờ không giải quyết được vấn đề. Vì thế, họ không dám dành cho Chúa mỗi ngày một ít phút để cầu nguyện chuyện trò, cũng không đủ tin tưởng và kiên trì trong cầu nguyện.

Trong đời sống gia đình, nhiều người đã bỏ thói quen đọc kinh cầu nguyện chung và riêng. Những cuộc ăn nhậu, xem phim có thể kéo dài hàng giờ hết ngày này qua ngày khác, nhưng mười lăm hai mươi phút cả gia đình cùng đọc kinh cầu nguyện trở nên hiếm hoi hoặc không còn nữa. Mỗi tuần ngày Chúa nhật họ đến với Chúa hoàn toàn không phải để tạ ơn và cầu xin, mà chỉ đi cho qua lần, xong việc. Vì thế, họ đến nhà thờ nhưng không cầu nguyện, họ hiện diện ở khu vực nhà thờ như cái xác không hồn. Có những gia đình gặp thử thách về vợ chồng đau bệnh, gia đình bất hoà, con cái ngỗ nghịch phá phách, họ đã không tìm đến Chúa, không kiên trì để xin ngài minh xét giải gỡ, nhưng lại tìm kiếm nơi sự bói toán hoặc những lời khuyên của kẻ vô đạo đức, hoặc tìm những giải pháp dễ dãi như ly dị, chia tay. Tất cả những biểu hiện đó đang thể hiện một đời sống đạo èo uột, thiếu sức sống, thiếu động lực và nhất là thiếu đức tin.

Lời Chúa hôm nay, một lần nữa khẳng định cho chúng ta rằng: Lời cầu nguyện có sức mạnh vô song, có thể lay động lòng trắc ẩn của Thiên Chúa. Lời cầu nguyện của cá nhân và của các thành viên trong gia đình có sức mạnh thay đổi hoàn toàn hoàn cảnh khó khăn hiện tại của gia đình và thay đổi được toàn thế giới, miễn là chúng ta biết kiên trì cầu nguyện. Đừng bao giờ nản lòng và đừng bao giờ ngừng cầu nguyện với sự tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa là cha yêu thương.

Hôm nay cũng là ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, chúng ta cùng cầu nguyện xin Chúa mở lòng để mọi người đón nhận Tin Mừng của Chúa và xin cho chúng ta biết dùng đời sống gương sáng của mình để đem Chúa đến cho anh chị em chung quanh. Amen