GIÁO DỤC TÂM LINH


Parare Domino Plebem Perfectam – Chuẩn Bị cho Thiên Chúa một Dân Tộc Hoàn Hảo.

Sau khi các môn đệ la rầy lũ trẻ, Chúa Giêsu liền gọi chúng lại và nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em thì sẽ chẳng được vào.” (Lc 18:16-17) Đó là trạng thái tâm linh cần thiết: hoán cải, biến đổi để trở nên tốt hơn và đạt tới mức hoàn thiện, chỉ như vậy mới có thể vào Nước Trời.

Chúa Giêsu khuyến cáo: “Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5:48) Hoàn thiện là nên giống Chúa Giêsu và có Ngài trong mình, như Thánh Phaolô xác định: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2:20)

I. VẤN ĐỀ TÂM LINH

Chữ “spirit” có gốc từ tiếng Pháp cổ là “espirit”, tiếng Pháp lại có gốc từ tiếng Latin là “spiritus” – nghĩa là linh hồn, tinh thần, sự can đảm, lòng nhiệt thành, hơi thở, và tự nó liên quan động từ “spirare” – nghĩa là hít thở.

Từ thế kỷ IV, người ta dùng chữ “spiritus” của Latin để dịch chữ “pneuma” của Hy Lạp và chữ “ruah” của Do Thái. Ngày nay, tâm linh cũng được kết hợp với các truyền thống tôn giáo và không tôn giáo. Nhưng mọi dạng tâm linh vẫn là “dòng chảy” phổ biến, “sự tìm kiếm của tinh thần con người về điều gì đó cao hơn chúng ta – nghĩa là to lớn hơn, sâu xa hơn, vượt ngoài thực tế đời thường.” (Guinan, Christian Spirituality: Many Styles - One Spirit, Catholic Update, 1998 tr. 1)

Các dạng tâm linh đều có các đặc tính cơ bản này: tính siêu việt, tạo ý nghĩa, và khả năng thực chất nội tại của con người. Tâm linh gồm trí tuệ, ý thức, tinh thần, linh hồn của sinh vật cấp cao là con người. Tâm linh còn liên quan các hiện tượng kỳ bí vượt ngoài phạm vi hiểu biết thông thường của con người như ngoại cảm, thần giao cách cảm, trực giác, giác quan thứ sáu,… mà khoa học chưa phát hiện, không thể giải thích hoặc chứng minh.

1. TÂM LINH TRONG TRUYỀN THỐNG CÔNG GIÁO

Cho tới thời gian gần đây, từ ngữ “spirituality” (tâm linh) là thuật ngữ Công giáo đề cập kinh nghiệm sống đời sống Kitô hữu và lĩnh vực khổ hạnh trong đời sống Kitô giáo, đặc biệt thấy trong nhiều phong trào và các dòng tu Công giáo.

Một cách hiểu của Công giáo về tâm linh có nguồn gốc trong thần học và truyền thống tông đồ. Cả Kinh Thánh của Do Thái giáo và Kitô giáo đều có nghĩa cụ thể đối với chữ tâm linh: trong chữ “ruah” của Do Thái và chữ “pneuma” của Hy Lạp, nghĩa cơ bản là “gió/khí”, diễn tả hơi thở của sự sống. Nguồn gốc thần học Kitô giáo của từ ngữ này là do Thánh Phaolô.
Pneumatikos (thuộc tinh thần, tâm linh) là chữ mới tạo và áp dụng cho bất cứ ai hoặc một thực tế được coi là tràn đầy Thần Khí. Như vậy, nghĩa gốc có bao hàm riêng biệt đề cập cả con người chịu ảnh hưởng Thần Khí hoặc Hơi Thở của Thiên Chúa.

Như nhiều nguồn Kitô giáo phát triển, ngày nay tâm linh được diễn tả trong Chính Thống giáo Đông phương có vẻ rất khác với cách diễn tả trong Công giáo Rôma. Chẳng hạn, sự nhấn mạnh về bí tích theo truyền thống Công giáo tương phản với truyền thống của Tin Lành.

Khi nắm bắt lại tính chất của tâm linh tập trung vào Đức Kitô và tầm nhìn mới về đời sống Kitô giáo được Công Đồng Vatican II (1961-1965) báo hiệu, các học giả hậu Công Đồng Vatican II đã quay sang nền tảng thời kỳ đầu của Do Thái giáo và Kitô giáo.

2. ĐỊNH NGHĨA TÂM LINH

Trong cuốn “Proclaim Jubilee: A Spirituality for the 21st Century” (1996, tr. 75), Harris định nghĩa: “Tâm linh là cách hiện hữu ở thế gian trong ánh sáng của sự bí ẩn tại trung tâm của vũ trụ.”

Theo định nghĩa này, điều bí ẩn đó là Thiên Chúa; bí ẩn này thấm vào các thụ tạo. “Cách sống ở thế gian”, cùng với cách phản ứng cá nhân, ảnh hưởng bởi truyền thống Công giáo, văn hóa rộng hơn và thực tế cá nhân của người đó.

Khi mới có khoa thần học, tâm linh Kitô giáo nói về cách hiểu và liên kết với Thiên Chúa – điều bí ẩn trong đời sống – ảnh hưởng nhiều đến cách sống của chúng ta. Việc đào tạo tâm linh là hợp nhất việc tạo ý nghĩa của một người, giá trị và niềm tin với cách cư xử của người đó trong cuộc sống hằng ngày – cả riêng tư và chuyên nghiệp – căn cứ vào sự bí ẩn đó.

3. CÁC THÁNH VÀ CÁC ĐẶC SỦNG

Suốt dòng lịch sử 2.000 năm của Kitô giáo, các nhân vật uy tín đã có những cách canh tân tôn giáo. Qua cuộc sống và gương sáng, họ đã thu hút nhiều người đi theo suốt nhiều thế kỷ qua. Các nhà tâm linh này là Thánh Teresa Avila, Thánh Benedicto và Thánh Scholastica, Thánh Phanxicô và Thánh Clara, Thánh Đa Minh, Thánh Angela Merici, Thánh Ignatio Loyola. Khi họ chưa thiết lập các truyền thống mới, gương sáng của họ đã gợi hứng người khác đi theo Đức Kitô như họ đã làm, đặc biệt là qua các dòng. Chúng ta có được linh đạo của các dòng như Biển Đức, Phan Sinh, Đa Minh, Y Nhã, Ursuline.

Trong phần sau của thế kỷ XX, các dòng bắt đầu dùng chữ “charism” (đặc sủng, đoàn sủng) nhiều hơn chữ “spirituality” (tâm linh) để diễn tả đặc tính riêng của họ. Điều này cùng với sự phát triển trong thế giới bắt đầu dùng chữ “spirituality” để diễn tả chiều kích sâu xa về kinh nghiệm con người. Đồng thời có sự đề cập “tâm linh nền tảng” như kết quả của Công Đồng Vatican II thu hút sự tranh luận về tâm linh và thần học đối với các dạng kinh nghiệm Kitô giáo trên thế giới. Bắt đầu có đối thoại liên quan “tâm linh nền tảng”.

Bất cứ quan điểm Công giáo đúng đắn nào cũng sẽ nhận biết rằng không có dạng tâm linh hoặc truyền thống nào giành được tất cả đời sống Kitô giáo. Chúng ta đang xử lý các kiểu, cách diễn tả, sự sửa đổi về ơn gọi nên thánh theo tinh thần của Chúa Giêsu. Nhiều loại thể hiện sự phong phú của đời sống Kitô giáo và tất cả những gì trong đó cũng thể hiện sự phong phú của cộng đồng Kitô giáo qua các thời kỳ (Guinan, Christian Spirituality: Many Styles – One Spirit, Catholic Update, 1998).

4. HƯỚNG DẪN TÂM LINH

Hướng dẫn tâm linh là giúp giáo dân đạt được sự đồng thuận sau Công Đồng Vatican II. Phát triển từ truyền thống bầu bạn (anam cara – nghĩa là “bạn tâm giao”, anam: tâm hồn, cara: bạn bè) phổ biến trong thời kỳ đầu truyền thống Kitô giáo Celtic, sự linh hướng đã phát triển thành đặc điểm trong các tu viện thời Trung Cổ và ngày nay vẫn giữ vai trò quan trọng là giúp những người tìm kiếm đời sống thiêng liêng. Từ năm 1980, viễn cảnh tâm linh tâm lý do Wicks tiên phong, Parsons và Capps đã phát triển thành yếu tố ảnh hưởng về sự hiểu biết đương đại và phương pháp linh hướng, tâm linh nền tảng, và sự đào tạo theo Kitô giáo.

Rõ ràng là Chúa Giêsu đã thiết lập cộng đồng có tổ chức (Mt 16–18) và Thánh Phaolô mô tả các vai trò khác nhau trong Nhiệm Thể Đức Kitô (x. 1 Cr 12, Rm 12), Tân Ước như phần loại bỏ tư tưởng về tâm linh riêng biệt đối với các thành viên của Giáo Hội, và bất cứ khái niệm nào về tâm linh nền tảng đặc biệt. Chữ “laikos” không thấy xuất hiện trong Tân Ước; danh từ Hy Lạp được dùng để mô tả tất cả những người được thánh hiến cho Thiên Chúa qua bí tích Thánh Tẩy, những người trở thành “dân riêng” (laós) của Thiên Chúa: “Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền.” (1 Pr 2:9)

Tất cả những người đã rửa tội, không phân biệt ai, đều được mời gọi nên thánh. Thật tốt cho chúng ta có được “anam cara” đồng hành tới ơn gọi đích thực là những nhà giáo dục Công giáo.

II. ĐÀO TẠO TÂM LINH

Đào tạo tâm linh theo truyền thống Công giáo là một quá trình phát triển mạnh mẽ. Chữ “formation” (đào tạo) thường đề cập các kinh nghiệm để chuẩn bị một người hoặc một nhóm về mục đích riêng nào đó. Khi đề cập từ ngữ như rèn luyện, chữ “formation” thường được dùng nhiều nhất theo nghĩa phát triển tâm linh và gợi lên hình ảnh về sự học hỏi sâu sắc liên quan thái độ, giá trị, quyết tâm sống theo định hướng cuộc đời cũng như kiến thức và kỹ năng.

Chữ “formation” có gốc từ tiếng Latin là “formare”, nghĩa là “tạo hình” hoặc “đúc khuôn”. Chúng ta luôn được tạo hình và được đúc khuôn bởi hoàn cảnh và môi trường xung quanh, dù chúng ta nhận biết hay không. Khi chúng ta nói về việc đào tạo tâm linh là chúng ta nói về việc chọn cái gì sẽ tạo hình hoặc đúc khuôn chúng ta, và đối với cái gì chúng ta chú ý nhất.

Liên quan việc đào tạo tâm linh là thấy thực tế bên dưới thực tế của vật đó! Trong quá trình này, có nền tảng trong thực tế đó, là học cách hợp nhất việc tạo ý nghĩa trong giá trị và niềm tin của người đó, với cách cư xử hằng ngày – cả riêng tư và chuyên nghiệp. Cách đào tạo BCE là phương pháp “Head, Heart, Hands” (3H – nói theo Việt ngữ là 3T: Trí, Tim, Tay) – đây là phương pháp mang tính chính thể luận, liên quan trí tuệ và trái tim, dẫn tới sự thay đổi tích cực.

Sự đào tạo tâm linh Công giáo liên quan cách đáp lại Đức Giêsu Kitô, Đấng là con đường, sự thật và sự sống, và Chúa Thánh Thần hoạt động trong cộng đồng môn đệ (Giáo Hội) đặc biệt với sứ vụ giáo dục Công giáo và trường học Công giáo.

Liên quan việc đào tạo tâm linh là quan ngại về sự thay đổi không ngừng của cá nhân và cộng đồng. Việc đào tạo tâm linh liên quan cá nhân và cộng đồng theo tầm nhìn và thói quen. Cuối cùng, khi đã có sự tạo hình về đời sống tâm linh, vấn đề bí ẩn giữa Thiên Chúa và cá nhân đó, tâm linh theo truyền thống Kitô giáo được phát triển theo những vấn đề khác. Không có điều như vậy với tư cách một cá nhân Kitô hữu.

Khi tầm nhìn thay đổi về sự đào tạo tâm linh vẫn không ngừng, hành trình tới nơi trái tim “bắt lửa” cũng khác và thánh thiêng với tư cách mỗi cá nhân. Thách đố và trách nhiệm của chúng ta là làm cho việc đào tạo thuận lợi sau khi “bắt lửa” và lửa lan tỏa. Đó là hướng của loại lửa nhen nhóm các trường học Công giáo với Thần Khí.

1. HY VỌNG CHÍNH TRONG VIỆC GIÁO DỤC CÔNG GIÁO

Việc đào tạo tâm linh trong các trường Công giáo là sứ vụ sống cụ thể với ơn gọi cũng như sống phong phú và sâu sắc, cả chuyên ngành và tôn giáo. Đặc biệt nhất là đòi hỏi nhà giáo dục phải có đời sống tâm linh trưởng thành và chứng tỏ qua đời sống Kitô giáo.

Cấu trúc và phương kế hiệu quả của việc đào tạo tâm linh vừa ủng hộ sứ vụ này vừa đáp lại cuộc sống đương đại của con người là vấn đề thách đố đối với việc giáo dục Công giáo. Đào tạo tâm linh là quá trình biến đổi suốt đời và đạt kết quả liên quan hành trình nội tâm. Việc đào tạo là trách nhiệm của cả cá nhân và nhà trường.

2. NUÔI DƯỠNG TÂM LINH

Trẻ em bẩm sinh đã có tính tâm linh. Nuôi dưỡng sự phát triển tâm linh nơi trẻ em là vấn đề quan trọng trong việc giáo dục ở các lớp giáo lý và các trường mẫu giáo Công giáo. Chương trình giáo dục tôn giáo cần kích thích trẻ tưởng tượng và thắc mắc qua truyện tranh Kinh Thánh, trò chơi, sinh hoạt,... Hoạt động cần bao gồm việc cầu nguyện, suy niệm và Phụng Vụ.

Nuôi dưỡng tâm linh giúp trẻ em tìm kiếm Thiên Chúa trong sự tĩnh lặng và sự giản dị. Thiên Chúa đã truyền lệnh: “Hãy biết Ta đây là Thiên Chúa! Ta thống trị muôn dân, thống trị địa cầu.” (Tv 46:11) Giáo dục cần phải tâm niệm: “Μαρανα θα” (Marana-tha, tiếng Hy Lạp; Moran-eto, tiếng Aram; Maran-Atha, tiếng Latin) – “Xin ngự đến, lạy Chúa Giêsu!” Tất cả phải nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài. Quan trọng đối với trẻ em về tâm niệm như vậy để suốt đời chúng không ngừng thuộc về Chúa và muốn sống với Ngài trong “hoang địa tâm hồn” và coi đó là “khoảng lặng linh thiêng”.

3. TẦM NHÌN GIÁO DỤC TÔN GIÁO

Đối thoại, nhận thức và hành động cần được đào tạo, giúp giới trẻ học sâu hiểu rộng, biết đánh giá và phản ứng với những sự bí ẩn trong cuộc sống, được tác động bởi Chúa Thánh Thần.

Mục đích của quá trình này nhằm giúp kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, tạo mối quan hệ đúng đắn với người khác, yêu mến Giáo Hội nhiều hơn, kích thích hoạt động kiến tạo một thế giới công bình và an bình. Đó là hoạt động chung, cần sự hợp tác của cộng đồng về các phương diện, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa và tôn giáo. Hãy mời gọi giới trẻ khám phá và trải nghiệm cuộc sống đa dạng qua việc suy tư, cầu nguyện, từ thiện, quan tâm làm điều tốt cho người khác và xã hội.

4. TRƯỞNG THÀNH ĐỨC TIN

Cha mẹ là các nhà giáo dục đầu tiên dạy cho con cái biết đức tin. Nhờ đó, con cái có thể tiếp tục phát triển và phong phú hóa đức tin khi thấy cha mẹ sống đức tin một cách sống động giữa đời thường. Các cơ phát triển đức tin có thể ở nhiều nơi: gia đình, nhà thờ, nhà trường,… Cha mẹ cũng nên tham gia các hoạt động với con cái khi có thể. Nhưng đừng dừng lại ở mức độ cơ bản, hãy cố gắng phong phú hóa đức tin để làm cho đức tin trưởng thành.

III. TÂM LINH CÔNG GIÁO

“SI COR NON ORAT, IN VANUM LINGUA LABORAT” – Nếu trái tim không cầu nguyện thì cái lưỡi hoạt động cũng vô ích. Đó là dòng chữ Latin viết hoa được Thánh Bernadine Siena, nhà cải cách Dòng Phanxicô, đã viết nơi ngài cử hành phụng vụ hằng ngày. Cấu đó nhắc nhở về chân lý tâm linh. Câu đó lời nhắc nhở đối với những người theo Chúa, không chỉ đối với các tu sĩ Dòng Phanxicô, mà còn đối với Dòng Tên và Dòng Cát Minh như Thánh Teresa Avila và Thánh Gioan Thánh Giá, đối với các dòng khác cũng vậy và đối với mọi tín nhân, những người mệnh danh là Kitô hữu, để nhìn vào đó mà có được sự gợi hứng và sự hướng dẫn.

Ý nghĩa đơn giản nhưng thâm thúy của câu đó được nhiều Kitô hữu biết ngay sau khi Chúa Giêsu phục sinh. Họ không chỉ biết ý nghĩa sâu sắc của câu đó, mà còn lặp lại 5 lần mỗi ngày như Chúa Giêsu đã làm theo lời dặn của Đức Maria và Đức Giuse, truyền thống cổ Do Thái cho biết như vậy. Như thấy Chúa Giêsu ở trước mặt, trái tim họ cháy lửa yêu mến Chúa Cha mà họ cùng nhau diễn tả khi cử hành nghi lễ mà về sau được gọi là “Divine Liturgy”, được hiểu là Phụng Vụ Thánh, đặc biệt về những gì chúng ta gọi là Thánh Lễ ngày nay. Thánh Lễ là “đỉnh cao núi thánh” trong Phụng Vụ, nhưng không có đỉnh nào mà không có núi của những lễ vật tình yêu hằng ngày dâng lên Thiên Chúa qua lời cầu nguyện riêng và hoa trái là phục vụ người khác.

2. KINH THÁNH VÀ TÔNG TRUYỀN

Đối với người Công giáo, Kinh Thánh và Tông Truyền đều chuyển tải giáo huấn của Đức Kitô cho mọi thế hệ. Bạn không thể mô tả cách bơi của con cá, nhưng đó vẫn là cách nó bơi. Bạn cũng không phải giải thích cách cầu nguyện đối với các Kitô hữu thời kỳ đầu, nhưng đó vẫn là cách họ đã làm. Đó là môi trường mà họ đã sống và họ có cách của họ. Điều cốt lõi của lời cầu nguyện Do Thái cổ xưa được Chúa Giêsu và các môn đệ đã dùng trước khi các Kitô hữu dùng, nhưng chúng đã được biến đổi. Lời cầu nguyện đó đã từng được đọc với Chúa Giêsu trước, ngày nay cũng đọc trong Nhiệm Thể của Đức Kitô, nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài. Sức mạnh và sức sống nội tâm là chất lượng của lời cầu nguyện hằng ngày và các phụng vụ khác. Đó là lễ vật được dâng lên Chúa Cha trong Thánh Lễ, nhờ Đức Kitô, với Ngài và trong Ngài.

3. ĐỈNH CAO PHỤNG VỤ

Điều được coi là đỉnh cao Phụng Vụ (liturgical climax) có thể là “đối đỉnh” (anti-climax), nếu những người tham dự Thánh Lễ không có gì để dâng vì đã không thi hành hai điều răn mới mà Chúa Giêsu truyền. Hằng ngày nỗ lực thi hành giới răn là lễ vật chúng ta đem tới để dâng lên Chúa Cha, qua Đức Giêsu Kitô, khi tham dự Thánh Lễ. Nếu chúng ta không có gì để dâng thì chúng ta chẳng nhận được gì, và Thánh Lễ trở nên vô nghĩa, không phải tự Thánh Lễ, mà tại vì người tham dự không có lễ dâng khi vào nhà thờ.

Việc canh tân trong Giáo Hội không tùy thuộc Phụng Vụ hoàn hảo, nhưng tùy thuộc chất lượng đời sống tâm linh của những người tham dự. Giả sử tôi có chiếc đũa thần và có thể “biến hóa” Phụng Vụ cho mọi người chọn mỗi khi tham dự Thánh Lễ. Có thể là Phụng Vụ mới như Công Đồng Vatican II giới thiệu, với bản dịch làm thỏa mãn mọi người. Mặt khác, có thể là Thánh Lễ kiểu xưa theo Công Đồng Trentô dùng tiếng Latin, hoặc Thánh Lễ hát trang trọng với âm nhạc của Perosi, Palestrina và Purcell, hoặc Thánh Lễ thời Trung Cổ được một số các thánh yêu thích, hoặc Thánh Lễ thời các Giáo Phụ dùng tiếng Hy Lạp, trước khi được dịch sang tiếng Latin; hoặc có thể là Thánh Lễ theo nghi lễ Chaldean dùng tiếng Aram – loại ngôn ngữ mà Chúa Giêsu đã dùng trong Bữa Tiệc Ly.

4. PHỤNG VỤ HẰNG NGÀY

Đã từ lâu, giới thiệu nghi lễ nào cũng không làm chúng ta thay đổi chính mình hoặc Giáo Hội mà chúng ta thuộc về, nếu chúng ta không tích cực năng động và được gợi hứng bởi Phụng Vụ hằng ngày nhờ nỗ lực tâm linh như các Kitô hữu thời sơ khai, bắt chước Chúa Giêsu về cách cầu nguyện và cách phục vụ người nghèo trong suốt cuộc đời Ngài trên dương thế.

Simone Weil, triết gia và nhà thần bí Do Thái, nói: “Người ta không gì hơn là chất lượng nỗ lực của mình.” Chính nỗ lực này chứng tỏ trong lời cầu nguyện riêng của chúng ta, và qua Chúa Giêsu, chúng ta dâng những việc tốt mà chúng ta làm lên Chúa Cha mỗi khi chúng ta tham dự Thánh Lễ.

Sự trọn vẹn của đức tin chỉ có thể được biết và được hiểu, không chỉ qua Kinh Thánh mà còn qua truyền thống mà chúng ta theo. Những người Tin Lành đầu tiên đã chế nhạo những việc tốt lành, và bao gồm lời cầu nguyện riêng vì họ không thể biết điều đó. Cả Kinh Thánh và tông truyền đều quan trọng vì cả hai soi sáng lẫn nhau. Theo sát cả hai sẽ tạo nên chính chúng ta, không chỉ các Kitô hữu mà cả người Công giáo, là những người thực sự sống, cầu nguyện, chịu đau khổ và chịu chết với Đức Kitô. Nếu giảm bớt việc cầu nguyện riêng hằng ngày thì đó là Tin Lành, tuyên xưng và sống điều đó thì là Công giáo.

Ngày 28-10-1965, Công Đồng Vatican II đã ban hành Tuyên Ngôn “Gravissimum Educationis” về giáo dục Kitô giáo. Tài liệu này mô tả đặc tính của các trường Công giáo. Số 8 cho biết:

Giáo Hội hiện diện đặc biệt trong lãnh vực học đường qua trường công giáo. Thực ra trường công giáo cũng theo đuổi những mục tiêu văn hóa và giáo dục nhân bản cho thanh thiếu niên không kém gì các trường khác. Ðiều riêng biệt của trường công giáo là có sứ mệnh tạo cho môi trường học đường một bầu khí sống động, thấm nhuần tự do và bác ái theo tinh thần Phúc Âm, giúp thanh thiếu niên phát triển nhân cách mình đồng thời làm phát triển con người mới đã được thành hình khi chịu phép rửa tội. Sau cùng, trường công giáo còn phải hướng nền văn hóa chung của nhân loại vào việc loan truyền ơn cứu rỗi để cho các học sinh dần dần nhận thức về thế giới, cuộc đời và con người nhờ ánh sáng đức tin soi chiếu. Như thế trong khi mở cửa tiếp nhận đúng mức những điều kiện của thời đại đương tiến bộ, trường công giáo huấn luyện học sinh biết mưu cầu lợi ích cho xã hội trần gian một cách hữu hiệu, và chuẩn bị cho chúng biết phục vụ để mở mang Nước Chúa. Do đó, nhờ sống đời gương mẫu và tông đồ, chúng trở nên như men cứu rỗi cho cộng đoàn nhân loại.

Thực vậy, trường công giáo còn giữ một vai trò rất quan trọng trong hoàn cảnh chúng ta đang sống, vì có khả năng góp phần lớn lao trong việc chu toàn sứ mệnh của Dân Thiên Chúa và giúp cuộc đối thoại giữa Giáo Hội và cộng đoàn nhân loại nhằm đạt tới lợi ích cho cả đôi bên. Vì thế Thánh Công Ðồng tuyên bố một lần nữa rằng Giáo Hội có quyền thiết lập và điều khiển các trường thuộc các cấp và các ngành, như Quyền Giáo Huấn đã xác nhận qua nhiều văn kiện. Công Ðồng cũng nhắc lại rằng việc thi hành quyền lợi này sẽ đóng góp nhiều cho việc bảo đảm tự do lương tâm và những quyền lợi của cha mẹ cũng như sự tiên bộ của nền văn hóa.

Tuy nhiên các nhà giáo nên nhớ rằng họ là những nhân vật chính giúp cho trường công giáo thực hiện được những chương trình và sáng kiến của mình. Vậy họ phải được chuẩn bị hết sức chu đáo để lãnh hội những kiến thức đạo đời, được chứng thực do những văn bằng tương xứng, cũng như phương thức giáo dục phù hợp với những phát minh của thời đại tiến bộ. Các nhà giáo dục, nhờ liên kết với các bạn đồng nghiệp và với các học sinh trong tình bác ái và thấm nhiễm tinh thần tông đồ, sẽ làm chứng cho một vị Thầy duy nhất là Chúa Kitô bằng đời sống cũng như bằng lời giảng dạy. Hãy cộng tác với nhau, nhất là với các bậc phụ huynh, và trong suốt thời gian giáo huấn, hãy cùng với họ quan tâm đúng mức đến sự khác biệt phái tính và mục đích riêng của cả hai phái trong gia đình cũng như ngoài xã hội do Chúa Quan Phòng đã đặt định. Hãy cố gắng khuyến khích học sinh làm việc riêng, và khi thời gian học tập chấm dứt, hãy tiếp tục liên lạc với chúng bằng những ý kiến xây dựng, tình thân hữu và bằng việc thành lập các hiệp hội theo đúng tinh thần của Giáo Hội. Thánh Công Ðồng cũng tuyên bố rằng chức vụ của nhà giáo là một hoạt động tông đồ đích thực, rất thích hợp và cần thiết cho thời đại chúng ta, đồng thời là một phục vụ chính đáng cho xã hội. Công Ðồng còn nhắc nhở cho cha mẹ công giáo bổn phận ký thác con em vào các trường công giáo nếu hoàn cảnh thời gian và nơi chốn cho phép. Phải tùy khả năng nâng đỡ và hợp tác với các trường ấy để mưu cầu lợi ích cho con em mình.

Gia đình rất quan trọng trong việc giáo dục – đặc biệt về tâm linh. Gia đình thực sự là cái nôi giáo dục tâm linh cho con cái, vì thế hãy nhớ nguyên tắc 3F – Family Faith Formation (đào tạo đức tin trong gia đình).

TRẦM THIÊN THU (biên soạn theo www.bne.catholic.edu.auwww.catholicstand.com)

[Đăng báo DMHCG số 399, tháng 11-2019, DCCT xuất bản tại Hoa Kỳ]
Mạng Lưới Cầu Nguyện