LỄ CÁC LINH HỒN 2019: SỐNG TRỌN ĐẠO LÀM CON


Lm. Giuse Đỗ Đức Trí - GP Xuân Lộc


“Mẹ ơi, con thương bố mẹ nhiều; Con chết vì không thở được; Con xin lỗi bố mẹ nhiều mẹ ơi; Con đường đi nước ngoài không thành”

Đó là những dòng tin nhắn cuối cùng của một cô gái trẻ tên Trà My gửi cho gia đình trong lúc tuyệt vọng. Cô là một trong 39 nạn nhân di cư nhập cảnh vào Anh đã bị chết cóng trong một thùng xe container, được cảnh sát Anh phát hiện vào tuần qua. Cho đến nay, cảnh sát Anh cho biết hầu hết các nạn nhân đều là người Việt Nam. Cả thế giới bàng hoàng trước thông tin này, các tờ báo lớn trên thế giới đều đưa tin động trời này. Tại Anh Quốc và nhiều nơi, nhiều người đã thắp nến cầu nguyện cho 39 nạn nhân xấu số, mặc dù họ không biết các nạn nhân là ai. Tòa Đại Sứ Anh cũng ra thông cáo và gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân. Riêng chính phủ và báo chí Việt Nam hầu như không mấy quan tâm. Ở đây không bàn về sự kiện đúng, sai hoặc lý do nào khiến cho 39 người này đã phải đánh đổi cả cuộc đời để đi tìm một chân trời mới, nhưng muốn nói đến tâm trạng của cô gái trẻ đã để lại qua những dòng tin nhắn cuối cùng.

Các tờ báo nước ngoài có đăng đoạn tin nhắn này, nhưng có lẽ nhiều người nước ngoài sẽ không thể hiểu tại sao lúc cận kề với cái chết, cô gái này lại nói lời: “Con xin lỗi bố mẹ nhiều mẹ ơi. Con đường đi nước ngoài không thành.” Người Việt khi đọc đoạn tin nhắn này sẽ hiểu ngay đó là lời xin lỗi của một người con đối với cha mẹ vì chữ hiếu chưa trọn, đạo làm con chưa thành, chưa kịp làm gì để báo ân mà nay lại còn để lại nỗi đau cho cha mẹ.

Đạo Hiếu của người Việt Nam và giới răn Thứ Bốn của Thiên Chúa nhắc nhở và đòi buộc con cái phải biết kính trọng yêu mến mẹ cha. Sự hiếu thảo được thể hiện bằng sự ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ trong mọi sự. Cãi lại cha mẹ hoặc không vâng lời bị coi là bất hiếu. Sự hiếu thảo con được thể hiện qua việc giúp đỡ cha mẹ khi tuổi già, làm mọi việc để cha mẹ già vui lòng. Khi cha mẹ đau yếu bệnh tật, phận làm con phải hết lòng chăm sóc chạy chữa. Khi các Ngài qua đời phải lo tang lễ, chôn cất, xây mồ và cúng giỗ hàng năm. Nhắc lại một vài điểm trong đạo hiếu của người Việt chúng ta sẽ hiểu tại sao trong giờ phút cận kề với cái chết, cô gái trẻ Trà My kia đã mấy lần lặp lại lời xin lỗi cha mẹ. Cô xin lỗi vì với lứa tuổi đôi mươi chưa kịp làm gì để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Cô đánh đổi mạng sống của mình với hy vọng khi đến được vùng đất mới, cô có điều kiện làm việc, kiếm tiền giúp đỡ trả ơn cho cha mẹ. Cô mơ ước một ngày nào đó cha mẹ và gia đình cô sẽ bớt khổ. Vậy mà ý trời không muốn, cô chỉ kịp đặt chân đến xứ sơ mơ ước trong một chiếc xe cùng với 38 người khác trong tình trạng đã chết dưới cái lạnh âm 37 độ của chiếc xe đông lạnh. Cô hối tiếc và xin lỗi vì giấc mơ đi nước ngoài không thành, vì chưa kịp làm gì cho cha mẹ bớt khổ, mà nay còn để lại cho cha mẹ thêm món nợ và thêm nỗi sầu.

Cử hành lễ cầu cho tổ tiên ông bà và cho các linh hồn hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng nhau suy niệm về mầu nhiệm của sự chết, đồng thời nhắc cho chúng ta bổn phận chu toàn Đạo Hiếu và những đòi buộc của giới răn thứ bốn: “Thảo kính cha mẹ.” Chúng ta phải sống thế nào để khi phải rời xa nhau ta không phải sợ hãi và không hối tiếc vì chưa sống trọn đạo với những người đã khuất.

Đối với niềm tin Kitô Giáo, cái chết không còn là điều kinh sợ nữa, vì cái chết của mỗi người đã được Đức Kitô biến đổi nhờ cái chết trên thập giá của Ngài và biến cái chết của mỗi người thành niềm hy vọng lớn lao. Thuở ban đầu, cái chết chỉ là một qui luật của tự nhiên, có sinh ắt có tử, có bắt đầu sẽ có kết thúc. Sau khi nguyên tổ loài người phạm tội, cái chết đã mang một ý nghĩa kinh khủng hơn, nó trở thành một án phạt cho sự chối từ Thiên Chúa. Đức Giêsu là một vị Thiên Chúa, đã chấp nhận vâng phục hoàn toàn thánh ý Chúa Cha, đến trần gian và sống trọn vẹn đạo hiếu với Thiên Chúa. Đức Giêsu luôn tìm mọi cách để làm vui lòng Cha, vâng theo sự hướng dẫn và ý muốn của Cha, cuối cùng, Ngài chấp nhận hy sinh cả mạng sống vì vâng phục Chúa Cha và vì muốn đem lại sự sống mới cho các anh em của Ngài là nhân loại. Thiên Chúa Cha đã đón nhận sự hy sinh vâng phục của Chúa Giêsu và đã dùng quyền năng Thiên Chúa để làm cho Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại. Thiên Chúa đã tha thứ tất cả tội lỗi cho nhân loại cùng ban cho nhân loại sự sống mới của Chúa Giêsu. Từ đây, nhờ cái chết của Chúa Giêsu, cái chết của nhân loại không còn là điều ghê sợ nữa, mà đã trở thành một ngưỡng cửa mà mọi người phải bước qua để được vào chung hưởng sự sống với Chúa Kitô.

Tất cả những ai tin vào Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng cứu độ và sống theo giáo lý Tin Mừng của Ngài, thì sẽ được sống và không phải chết đời đời nữa. Đây chính là điều kiện tiên quyết cho tất cả những ai muốn được chung hưởng hạnh phúc và được sống đời đời với Chúa: “Ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy Người con và tin vào Người con thì được sống muôn đời và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” Tin Mừng Luca thuật lại câu chuyện hai người trộm cùng chịu đóng đinh với Chúa Giêsu. Một tên không tin Chúa Giêsu là Đấng cứu thế, anh ta còn nặng lời mỉa mai, thách thức Đấng đang cùng chịu đóng đinh bên cạnh mình: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa.” Trái lại, tên bên kia đã tin rằng, người đang bị đóng đinh bên cạnh mình là một Đấng quyền năng. Mặc dù đức tin của anh còn rất mỏng manh, nhưng anh đã bênh vực Chúa và trách tên trộm đồng nghiệp kia, anh thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi!” Chúa Giêsu đã cho anh điều vượt sức mong đợi của anh khi Ngài trả lời: “Ngay hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” Trong câu chuyện Chúa cho Lazarô chết bốn ngày được sống lại, Ngài cũng đã giúp cho cô Matta tin vào Ngài và tuyên xưng: “Thưa Thầy! Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.” Phép lạ đã xảy ra, Lazarô được gọi từ trong mồ bước ra.
Như vậy, khi đặt niềm tin chắc chắn vào Chúa Giêsu là Đấng cứu độ, chúng ta sẽ được sống, được sống lại sau cái chết và được chia sẻ vào sự sống của Chúa. Cử hành lễ cầu cho các linh hồn tổ tiên ông bà, chúng ta một lần nữa cùng nhau tuyên xưng đức tin của chúng ta vào Chúa Giêsu là Thiên Chúa và tuyên xưng niềm tin, niềm hy vọng của chúng ta: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại; Tôi tin cuộc sống đời đời mai sau.”

Cử hành ngày cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, chúng ta đặc biệt nhớ đến ông bà tổ tiên, cha mẹ và những người thân đã ra đi trước chúng ta. Các Ngài đã trải qua sự chết và ta tin rằng có những người đã hoàn tất giai đoạn thanh luyện, đang được chung hưởng hạnh phúc đời đời với Thiên chúa. Có nhiều người khác vì còn thiếu sót cách nào đó trước mặt Chúa, còn đang phải trải qua thanh luyện đền bù, chúng ta dâng những thánh lễ, lời kinh và những việc lành hy sinh để cầu nguyện cho các Ngài. Xin Chúa cho các Ngài mau được về hưởng tôn nhan Thiên Chúa.

Đứng bên nấm mồ của những người thân, có nhiều người trong chúng ta đang bị lương tâm dày vò vì mình đã chưa chu toàn bổn phận Đạo Hiếu đối với các ngài khi các ngài còn sống. Có những người con đã không làm cho cha mẹ vui lòng, ngỗ nghịch quậy phá. Có những người con đã khiến cha mẹ mất ăn mất ngủ vì phải lo lắng cho mình. Nhiều người khác đã thiếu kính trọng, không vâng lời, nhất là đã thiếu sót hoặc đã cố tình cư xử tệ bạc, bất hiếu với cha mẹ và người thân khi các Ngài còn sống. Đứng bên cạnh mộ của vợ, của chồng, nhiều người hối hận vì đã tỏ ra coi thường, không chu toàn bổn phận, không tôn trọng, yêu thương đối với vợ, với chồng khi họ còn sống dưới một mái nhà. Còn nhiều người khác đang bị dằn vặt, hối tiếc vì chưa bao giờ nói được một lời yêu thương, chưa kịp làm gì cho người thân khi họ còn sống.

Cử hành thánh lễ cầu cho các linh hồn, nhắc cho tất cả chúng ta ngay từ bây giờ cần phải sống trọn đạo đối với Thiên Chúa, sống trọn đạo với cha mẹ ông bà và sống trọn tình nghĩa vợ, chồng, anh chị em. Một điều chắc chắn là chúng ta không thể sống mãi trên trần gian này. Vì thế, cần biết tận dụng mọi cơ hội để chu toàn đạo làm con đối với Thiên Chúa. Chúng ta cũng sẽ không ở bên nhau mãi mãi, sẽ đến ngày cha mẹ, người thân, hoặc chính chúng ta sẽ phải ra đi, bỏ lại tất cả mọi mối liên hệ. Vì thế, hãy sống với nhau cho trọn đạo, trọn tình; sống với nhau cho hết mình, trọn nghĩa để khi cha mẹ, vợ chồng, người thân hay chính mình phải ra đi, chúng ta sẽ không hối tiếc vì chưa làm được gì cho người thân.

Dù có muộn màng cũng mạnh dạn nói với cha mẹ như cô gái Trà My: “Mẹ ơi, con thương bố mẹ nhiều; Con xin lỗi bố mẹ nhiều mẹ ơi; Con đường làm người và làm con của con đã chưa trọn”