ĐIỀU ĐÁNG SỢ NHẤT

Gần mười năm trước, một chị dược sĩ Công giáo sau khi đọc một cuốn sách viết về thị kiến hỏa ngục của ba trẻ được Đức Mẹ hiện ra ở Fatima đã hỏi tôi: “Nhờ đọc cuốn sách này con mới biết Hỏa ngục có thật. Từ trước đến nay con đâu nghĩ tới! Cha phải giúp người ta biết điều này!” Tôi ngạc nhiên vì biết chị là người đạo gốc, lại có anh ruột là linh mục, mà lại có suy nghĩ như thế! Cũng vậy, khi có dịp đi giảng ở Seattle-WA, một bà mẹ Công giáo than thở với tôi: “Mấy đứa con của con bây giờ nó chẳng chịu đi lễ đi nhà thờ gì nữa. Vì có lần một cha đến nhà con nói với chúng nó là không có hỏa ngục vì Chúa nhân từ vô cùng!”

Hai sự kiện trên khiến tôi nhớ lại lời Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II viết trong cuốn Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng: “Trong mức độ nào đó, con người đã lạc hướng, các nhà giảng thuyết lạc hướng, các nhà dạy giáo lý lạc hướng. Chính vì thế họ không còn dám nói lên sự đe doạ của hỏa ngục, và những người nghe họ cũng không còn sợ hỏa ngục.”

Đức Cha Fulton J. Sheen cũng có những nhận xét tương tự trong tác phẩm Chỗ Đứng của Chúng Ta trong Thế Giới của Thiên Chúa như sau: “Nếu có chủ đề nào chói tai những người duy cảm hiện nay, đó là chủ đề về hỏa ngục. Thế hệ của chúng ta la ó đòi hỏi điều mà một thi sĩ đã gọi là một nhà thuyết giáo yếu mềm… một người không bao giờ đề cập đến hỏa ngục để lọt vào những lỗ tai lịch sự, và thời đại vô hồn của chúng ta muốn một Kitô giáo đã bị dội nước để làm cho Phúc Âm Chúa Kitô không còn là gì hơn một thứ giáo lý dịu ngọt về thiện chí, một chương trình xã hội giúp cải thiện kinh tế, và một kế hoạch nhẹ nhàng của chủ thuyết lý tưởng tiến bộ.”

Đức Cha Sheen còn chỉ ra những lý do khiến người ta chối bỏ thực tại hỏa ngục: Lý do thứ nhất là lý do tâm lý: một người sống buông thả tội lỗi cần chối bỏ hỏa ngục để có thể an hưởng thú vui tội lỗi. Lý do thứ hai là người ta lầm lẫn giữa hình ảnh hỏa ngục do các họa sĩ tưởng tượng vẽ ra với thực tại về trật tự luân lý. Và lý do cuối cùng là người ta sai lạc khi tách biệt giáo lý về hỏa ngục ra khỏi sự toàn diện hữu cơ của các chân lý Kitô giáo; trong đó có thực tại về Thiên Chúa là Đấng vừa rất nhân từ vừa rất thánh thiện, thực tại về ơn cứu chuộc được trả bằng Bửu Huyết Chúa Kitô, thực tại về sự tự do của con người để thực hiện nhân đức hay liều mình phạm tội.

Hơn nữa, Đức Cha Sheen còn nhấn mạnh rằng cả hai sự công chính và tình yêu đều đòi hỏi sự hiện hữu của hỏa ngục. Ngài viết: “Chúa Kitô không bao giờ bảo đảm rằng Người sẽ thành công trong việc khiến mọi người chấp nhận ơn cứu độ. Chính sự kiện Chúa Kitô đổ ra đến giọt máu hy sinh mạng sống Người để chuộc tội chúng ta cho thấy rằng tội lỗi có thể đưa đến hậu quả kinh hoàng là hỏa ngục.” Và “Tình yêu tha thứ tất cả ngoại trừ một điều, đó là việc khước từ yêu thương.”

Sự “đe dọa của hỏa ngục” mà Đức Gioan-Phaolô II nói trên đây chính là điều Chúa Giêsu đã nhắc đến trong Tin Mừng hôm nay: “Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hỏa ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hỏa ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hỏa ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt” (Mc 9:43-48).

Với những kẻ khiến người ta không còn tin vào sự hiện hữu của hỏa ngục như người linh mục lạc đạo đã nói với bà mẹ Công giáo trên đây, Chúa Giêsu đã phải thốt lên những lời thật nặng nề như sau: “Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc cối thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn” (Mc 9:42). Vì khi một người làm cho kẻ khác đánh mất đức tin và lòng kính sợ Chúa, người ấy đã làm công việc của ma quỷ. Đúng như Thánh Augustinô viết: “Chúa tìm cách đặt vào lòng người ta niềm kính sợ Người, còn ma quỷ thì tìm cách cất khỏi lòng người niềm kính sợ Chúa.”

Chính vì đã đánh mất đức tin ngay chính và niềm kính sợ Chúa, mà người ta đã dùng mọi thủ đoạn, phạm mọi tội ác, để theo đuổi tìm kiếm của cải, thú vui, danh vọng, quyền thế ở đời này để rồi sẽ phải mang án phạt đời sau.

“Làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy” ở đây là làm cho người ta phạm tội hay đánh mất đức tin; như thế, cũng có nghĩa là làm cho người ta đánh mất sự sống đời đời hay khiến người ta phải bị hư mất đời đời hay sa vào hỏa ngục. Với Chúa Giêsu, đây chính là điều đáng sợ nhất. Vì thế, Chúa dạy mọi người phải chấp nhận “chặt tay”, “chặt chân”, “móc mắt”; nghĩa là phải chấp nhận mọi hy sinh hay mất mát, để khỏi phải phạm tội, khỏi mất đức tin, khỏi bị ném xuống hỏa ngục. Điều này bao gồm việc phải dứt khoát làm hay phải bỏ một số tâm tưởng, lời nói, hành động nào đó, hay phải cắt đứt liên hệ tình thân với những người nào đó, để khỏi phạm tội mất lòng Chúa, để gìn giữ tâm hồn trong sạch ngay thẳng và bảo vệ đức tin toàn vẹn.

Với những lời này, Chúa Giêsu xác định một sự thật mà ngày nay nhiều tín hữu không muốn chấp nhận: sự hiện hữu của hỏa ngục và cơ hội người ta phải vào đó!

Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo định nghĩa hỏa ngục như sau: “Hỏa ngục là án phạt đời đời dành cho những ai, do sự lựa chọn tự do của mình, chết trong tình trạng có tội trọng. Hình phạt chính yếu của hỏa ngục là đời đời bị tách khỏi Thiên Chúa. Chỉ nơi Ngài con người mới có sự sống và hạnh phúc; con người được tạo dựng là để hưởng những điều ấy và họ luôn khao khát những điều ấy. Đức Kitô đã diễn tả thực tại hỏa ngục bằng những lời này: Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời (Mt 25:41)” (#212).

Nhận biết tầm quan trọng của thực tại hỏa ngục trong các chân lý đời đời, Thánh Anphong Liguori-Quan Thầy các Cha Giải Tội-nhấn mạnh rằng cùng với mầu nhiệm tình yêu Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh Thánh Giá, tứ chung - sự chết, sự phán xét, thiên đàng và hỏa ngục - phải được thường xuyên đề cập đến trong các bài giảng. Ngài còn nhấn mạnh rằng hai đồ vật mà mỗi tín hữu Công giáo cần phải có trong phòng để nhắc nhở mình sống đức tin là Tượng Chịu Nạn và Chiếc Sọ Người!

Thánh Tiến Sĩ Têrêsa Avila cho rằng thị kiến về hỏa ngục mà Chúa ban cho ngài giúp ngài thêm lòng trung kiên tiến đức rất nhiều. Chân Phước Phanxicô và Jacinta nhờ thị kiến hỏa ngục Đức Mẹ cho thấy ở Fatima đã hăng hái gia tăng tinh thần hy sinh đền tạ cầu nguyện cho các tội nhân được ơn hoán cải và đã nên thánh ở tuổi thiếu nhi.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con hằng ghi nhớ, suy niệm và sống theo lời nguyện quý giá mà Mẹ Maria là Nữ Vương Thiên Đàng với tất cả sự khôn ngoan bởi trời tại Fatima đã dạy chúng con đọc sau từng chục kinh Mân Côi như sau: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con. Xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục. Xin đưa các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn.”

Lm Phạm Quốc Hưng