CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG A:
THIÊN CHÚA CÓ HIỆN DIỆN KHÔNG – NGÀI Ở ĐÂU KHI TÔI ĐAU KHỔ?



Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – GP Xuân Lộc


Vụ khủng bố đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ tại toà tháp đôi Trung Tâm thương mại Thế giới New York ngày 11/09/2001 đã làm 2.996 người bị chết, hơn 6.000 người khác bị thương, ngoài ra còn gây thiệt hại về tài sản và cơ sở hạ tầng ít nhất 10 tỉ đôla và gây tổn thất tổng cộng 3 nghìn tỷ đôla.

Sau biến cố 11 tháng 9 năm 2001 tại Mỹ, con gái của một vị Mục sư giảng thuyết nổi tiếng được mời trả lời phỏng vấn trên truyền hình và người hướng dẫn chương trình đã hỏi cô ta như sau: “Tại sao Thiên Chúa lại có thể để xảy ra một thảm họa khủng khiếp như vậy?” Cô gái đã trả lời: “Tôi nghĩ là Thiên Chúa rất buồn vì điều đó, ít nhất là Ngài cũng buồn bằng chúng ta. Từ bao năm nay, chúng ta đã yêu cầu Ngài ra khỏi trường học, khỏi chính phủ và khỏi đời sống của chúng ta. Ngài là người 'quân tử' nên đã lẳng lặng rút lui.”

Làm sao chúng ta có thể mong Chúa ban ơn lành và che chở chúng ta khi chúng ta đã khẩn thiết xin Ngài để mặc chúng ta một mình? Về những biến cố xảy ra như tấn công khủng bố, bắn giết trong trường học, chiến tranh..., tôi nghĩ rằng mọi sự đã bắt đầu với quyết định của chúng ta đã không còn đọc kinh trong gia đình nữa. Một người khác lại có ý kiến là chúng ta không nên đọc Kinh Thánh nơi trường học, trong khi đó Kinh Thánh dạy chúng ta: 'Chớ giết người, chớ trộm cắp, yêu thương tha nhân như chính bản thân mình, v.v...', và chúng ta cũng đã đồng ý loại bỏ Kinh Thánh!

Điều Kì Lạ... là con người có thể vứt bỏ Thiên Chúa một cách dễ dàng, rồi sau đó lại tự hỏi Thiên Chúa ở đâu khi chúng ta đau khổ?

Thưa quý OBACE, những khi gặp khó khăn hay đau khổ, chúng ta thường đặt câu hỏi oán trách: Thiên Chúa ở đâu trong lúc tôi đau khổ, mà quên rằng chính chúng ta đã yêu cầu Chúa rời khỏi tâm hồn và cuộc sống của ta. Ngày xưa dân Do thái cũng vậy, họ dễ dàng từ bỏ Thiên Chúa và lề luật của Ngài để chạy theo lối sống của dân ngoại, bỏ rơi Thiên Chúa và quay lưng lại với Ngài. Thiên Chúa cũng đã tôn trọng tự do của họ. Nhưng lịch sử cho thấy, mỗi khi dân Do Thái loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống, thì cũng là lúc họ rơi vào tối tăm cùng cực. Bài đọc một hôm nay kể về một giai đoan lịch sử tăm tối của dân Israel: Lúc đó thay vì cậy dựa vào Thiên Chúa, thì Israel đã liên minh quân sự với các nước lân bang, nhưng họ cũng không tồn tại trước sự tấn công của người Babylon. Cả một dân tộc bị bắt đi lưu đày, làm thân trâu ngựa cho người Babylon hơn năm mươi năm.

Khi bị hành hạ, sống nhục nhã như vậy họ tự đặt câu hỏi: Thiên Chúa của Israel ở đâu? Tại sao Ngài lại để cho một dân tộc Ngài đã chọn làm dân riêng phải cực khổ thế này? Thiên Chúa có còn thương Israel như thủa xưa nữa không? Trước sự đau khổ, những dằn vặt và thất vọng chán chường như thế, Thiên Chúa đã dùng tiên tri Isaia để khôi phục lại niềm tin, niềm hy vọng cho Israel. Thiên Chúa muốn cho họ hiểu rằng Ngài vẫn ở bên họ để an ủi, bảo vệ và để giải thoát họ, chỉ có điều là họ có đồng ý mời Chúa trở lại hay không. Bằng những lời lẽ vui tươi và tràn đầy hy vọng, tiên tri Isaia đã nói với họ rằng: “Vui lên đi hỡi sa mạc và đồng cỏ khô cháy vì Thiên Chúa sẽ làm cho ngươi trổ hoa như bông huệ; Thiên Chúa sẽ tặng ban cho ngươi ánh sáng huy hoàng của núi Libăng, muôn dân sẽ nhìn thấy ánh sáng huy hoàng của Thiên Chúa… Thiên Chúa sẽ làm cho thân xác và tâm hồn các ngươi trở nên mạnh mẽ không còn sợ hãi. Hãy nói với những kẻ nhát gan sợ hãi: can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi…Chính Người sẽ đến cứu thoát anh em.” Những lời hứa hân hoan phấn khởi như thế, đã tạo nên một sức mạnh mới, một hy vọng mới cho Israel trong lúc tối tăm cùng cực, giúp Israel tin rằng, cho dù họ có lìa bỏ Thiên Chúa thì Thiên Chúa vẫn không từ bỏ họ, Ngài vẫn ở bên họ.

Không chỉ dân Do Thái mà như Gioan Tiền Hô trong lúc đau khổ tù đầy, cũng cảm thấy dường như Thiên Chúa vẫn ẩn mặt xa mình. Câu chuyện Tin Mừng thuật lại: “Lúc đó Gioan đang ngồi tù, ông sai các môn đệ đến hỏi Đức Giêsu: Thầy có phải là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi một đấng nào khác?” Sự kiện này cho thấy Gioan, cả một cuộc đời loan báo về đấng cứu thế, từng trình bày cho mọi người về một đấng cứu thế như một vị quan toà nghiêm khắc, thẳng tay trừng trị mọi kẻ sai lỗi: “cái rìu đã kề sẵn gốc cây, cây nào không sinh trái sẽ bị Ngài chặt đi hoặc các ngươi đừng hòng trốn chạy cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.” Nhưng thực tế Đấng Cứu Thế mà ông giới thiệu: “Đây chính là Chiên Thiên Chúa” lại không hành động như ông loan báo. Ngài nhân từ với kẻ có tội, Ngài tha thứ cho kẻ biết sám hối ăn năn, Ngài kiên nhẫn đợi chờ con người sinh hoa kết trái, Ngài không chặt không chém.

Gioan đã bị dằn vặn bởi điều này và sai các môn đệ đến hỏi Đức Giêsu: “Ngài có phải là Đấng phải đến không hay chúng tôi còn phải đợi một đấng nào khác?” Chúa Giêsu đã dùng những lời tiên báo của Isaia để trả lời cho các môn đệ Gioan: “Các anh về thuật lại cho Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi được khỏi, người chết sống lại và người nghèo được nghe Tin Mừng và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.” Khi trả lời như thế, Chúa Giêsu đã gián tiếp xác nhận với Gioan rằng Ngài chính là Đấng Cứu Thế mà các tiên tri đã loan báo. Ngài đến không phải để phá hủy, nhưng để xây dựng; không phải để phân tán, nhưng để quy tụ; không phải để trừng phạt, nhưng tha thứ và đổi mới; Ngài không ở xa hay ở bên ngoài, nhưng ở ngay bên để yêu thương và chữa lành các tâm hồn. Đức Giêsu cũng muốn Gioan thay đổi cách nhìn về Ngài, Ngài không phải một vị thần hung dữ nóng nảy, nhưng là một Thiên Chúa nhẫn nại và yêu thương, nên Ngài đã nói: “phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”

Thưa quý OBACE, nhiều Kitô hữu ngày nay vẫn mang cái nhìn như người Do Thái cho rằng: Thiên Chúa đã vắng mặt khi con người đau khổ, hoặc như Gioan Tiền Hô nhìn Thiên Chúa như một thẩm phán nghiêm khắc. Có những người nóng vội, muốn Thiên Chúa phải ra tay ngay lập tức trừng phạt kẻ ác và đáp ứng ngay mỗi khi con người cầu xin. Họ muốn Thiên Chúa phải chấp nhận giải pháp của mình thay vì ép mình phải đón nhận giải pháp của Thiên Chúa.

Mỗi khi có các biến cố hoặc gặp đau khổ, nhiều người đã không còn nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong các biến cố xảy ra vì họ đã mời Thiên Chúa ra khỏi nhà mình để đón thần tài, ông địa và tà ma vào gia đình. Họ muốn tự giải quyết tất cả hoặc dùng tiền bạc, công việc của mình để thay thế Thiên Chúa. Nhiều cha mẹ đã để gia đình mình trở nên trống rỗng hoặc đầy ắp các công việc và lo toan khác, mà không còn chỗ, không còn giờ cho Thiên Chúa trong đời sống gia đình. Cũng vậy, nhiều bạn trẻ nghĩ rằng khoa học và công nghệ sẽ thay thế Thiên Chúa, vì vậy họ tôn thờ khoa học và mời Chúa ra khỏi cuộc đời mình. Họ để cho sự cao ngạo, lười biếng và những thú vui làm chủ cuộc đời mình thay chỗ của Thiên Chúa.

Lời Chúa hôm nay là một lời nhắc cho chúng ta nhớ rằng: Thiên Chúa vẫn hiện diện bên cạnh chúng ta, trong từng biến cố vui buồn xảy ra của cá nhân và gia đình, xã hội. Ngài chờ chúng ta ngỏ lời với Ngài, xin Ngài trợ giúp, can thiệp và chừa cho Ngài một chỗ trong tâm hồn và gia đình, để Ngài có thể hiện diện, trợ giúp và bênh đỡ chúng ta. Thánh Giacôbê trong bài đọc hai còn khuyên chúng ta đừng để mình mất kiên nhẫn hoặc rơi vào chán nản thất vọng, đừng phàn nàn kêu trách, vì Thiên Chúa là Vị Thẩm Phán khoan dung nhân từ đang đứng ngoài cửa, đang chờ chúng ta mở cửa cho Ngài.

Xin cho niềm vui chờ đón ngày đại lễ Chúa Giáng Sinh không dừng lại ở việc trang trí bên ngoài, nhưng là niềm vui sâu thẳm trong tâm hồn vì mỗi người nhận ra sự hiện diện của Chúa, nghe được tiếng Chúa và mở cửa cho Chúa, mời Chúa bước vào tâm hồn cũng như gia đình mình. Chúa sẽ là thượng khách đem lại bình an và niềm vui cho tâm hồn. Amen.