LỄ GIÁNG SINH 2019:
ĐẤNG CỨU THẾ ĐỔI MỚI THẾ GIỚI VÀ BAN SỨC MẠNH CHO NHÂN LOẠI


Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – gp Xuân Lộc


Chuyến công du của Đức Thánh Cha đến hai nước Thai Lan và Nhật Bản đã thổi vào những người trẻ tại hai quốc gia này một động lực mới. Người Công Giáo tại hai quốc gia này chỉ là một thành phần rất nhỏ, do đó chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha không chỉ dành riêng cho người Công Giáo mà là cho tất cả người dân tại hai quốc gia này. Theo ghi nhận của các nhà bình luận, Đạo Công Giáo dù là thiểu số nhưng đã đóng góp rất lớn cho hai quốc gia này, nhất là trong lãnh vực giáo dục và y tế, góp phần tạo nên sự văn minh tiến bộ cho quốc gia. Trong cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ, Đức Thánh Cha đã truyền cho họ một động lực để sống và để cống hiến, mời gọi họ vượt qua sự sợ hãi, ngại ngùng để biết nghĩ đến người khác và dám dành thời gian cho người khác, lắng nghe họ, chia sẻ với họ, để hiểu họ. Khi mỗi người dám sống như thế, chúng ta mới có thể thay đổi chính mình và bắt đầu thay đổi thế giới xung quanh chúng ta.

Thưa quý OBACE, đêm nay chúng ta cùng với cả nhân loại mừng ngày Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Ngài đến để đổi mới thế giới và đổi mới cuộc đời mỗi chúng ta. Ngài không chỉ truyền cho chúng ta một động lực, nhưng còn thực sự ban sức mạnh để chúng ta có thể sống và truyền cảm hứng cho nhiều người khác nữa. Các bài đọc Lời Chúa đêm nay muốn nhấn mạnh cho chúng ta điều đó.

Bài đọc một trích từ sách tiên tri Isaia gợi lên một thời đại mới mà Đấng Cứu Thế sẽ đem lại cho thế giới. Lúc bấy giờ dân tộc Do Thái đang phải làm nô lệ tại Babylon, cuộc sống của họ như bị giam trong ngục tối của chán nản, thất vọng, cả thể xác lẫn tinh thần. Lời của Isaia quả thật như mặt trời bừng lên sau những ngày mây mù u ám của dân tộc. Vị tiên tri đã mô tả thời đại của Đấng Cứu Thế như ngập tràn ánh sáng, niềm vui và hy vọng. Thiên Chúa sẽ thay thế những tiếng than khóc bằng những lời ca hoan hỷ, thay thế những khổ đau bằng niềm vui hân hoan: “Đoàn dân đang lần bước giữa tăm tối đã thấy một ánh sáng huy hoàng; Chúa đã ban cho họ chứa chan niềm hoan hỷ và tăng thêm nỗi vui mừng. Thiên hạ sẽ mừng vui như trong mùa gặt, họ hoan hỷ chia nhau chiến lợi phẩm.”

Tiên tri Isaia còn cho thấy, Đấng Cứu Thế sẽ trả lại sự công bằng cho toàn dân, sẽ tiêu diệt quân thù của dân tộc, sẽ thiết lập nên một thế giới mới mà Thiên Chúa sẽ là Đấng hướng dẫn và chăm sóc dân người: “Cái ách đè lên cổ dân sẽ bị bẻ gẫy, những chiếc giày lính lộp cộp sẽ bị quăng đi, và những chiếc chiến bào sẽ làm mồi cho lửa. Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu chúng ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, Người Cha muôn thuở, vị Vua thái bình. Người sẽ mở rộng quyền bính và lập nên nền hoà bình vô tận.” Những lời tiên báo của Isaia quả thật đã nuôi dưỡng niềm tin và hy vọng cho dân tộc Do Thái, giúp họ vượt qua giai đoạn tăm tối và chờ đợi một thế giới mới mà Đấng Cứu Thế sẽ đem đến cho họ như đã được tiên báo.

Bài Tin Mừng đêm nay, thánh Luca thuật lại biến cố giáng sinh của Đấng Cứu Thế. Nếu chỉ nhìn và đánh giá theo những gì xảy ra bên ngoài, người ta sẽ không dễ dàng để đón nhận Ngài, nhưng những người có tâm hồn thành tâm thiện chí, hằng khao khát đợi chờ, sẽ có thể nhận ra Ngài nơi Hài Nhi bé nhỏ này. Đoạn Tin Mừng hôm nay thánh Luca cho chúng ta nhìn từ hai góc độ: góc độ tự nhiên và góc độ đức tin.

Theo cái nhìn tự nhiên, việc hài nhi Giêsu được sinh hạ cũng giống bao nhiêu hài nhi khác, có khác chăng là sự nghèo hèn mà thôi: “Thời hoàng đế Augustô ra chiếu chỉ kiểm tra dân số trong toàn dân. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên được thực hiện thời Quirinô làm tổng trấn xứ Syria.” Trong cái nhìn đức tin, biến cố kiểm tra dân số không phải là chuyện tình cờ, qua biến cố này, Tin Mừng cho thấy, Đấng Cứu Thế đã thực sự bước vào thế giới, Ngài được mang tên của một công dân trong một quốc gia cụ thể. Ngài không phải sản phẩm do óc tưởng tượng của con người, nhưng đã hiện diện trong một giai đoạn lịch sử nhất định, cuộc sinh hạ của Ngài đã trở thành một cột mốc lịch sử của nhân loại.

Giuse và Maria đã tuân theo chỉ thị của chính quyền, ông bà đưa nhau về quê là Belem để kê khai dân số, vì “Giuse thuộc dòng tộc nhà Đavít. Ông đến đó để khai tên mình và tên người vợ là Maria lúc đó đang có thai. Khi hai người đang ở đó thì Maria đến ngày sinh. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy khăn bọc con, đặt nằm trong máng cỏ, vì hai người không tìm được nhà trọ.” Chi tiết này càng làm rõ hơn lời các Ngôn sứ đã báo trước về việc Đấng Cứu Thế sẽ xuất thân từ dòng dõi vua Đavít và được sinh ra trên chính quê hương của dòng tộc.

Phần thứ hai của trình thuật hôm nay, thánh Luca muốn chúng ta nhìn biến cố giáng sinh trong cái nhìn đức tin như các mục đồng. Những người này là thành phần thấp kém trong xã hội, cuộc đời của họ dường như gắn liền với đàn vật, nhưng họ lại có tâm hồn thật đẹp. Họ sẵn sàng mở lòng ra để đón nhận Tin Mừng và dám giũ bỏ khỏi mình cuộc sống đơn điệu nhàm chán để bước vào hành trình tìm theo ánh sáng. Họ dám để lại đàng sau giấc ngủ đêm khuya, sự an phận tầm thường để bước theo lời mời gọi lớn lao hơn là tìm gặp Đức Kitô – Đấng Cứu Thế. Trong lúc họ đang canh đàn vật, bỗng sứ thần Thiên Chúa hiện ra đứng kề bên họ, vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ sợ hãi kinh hoàng. Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại cũng là niềm vui cho toàn dân: Hôm nay Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa. Anh em sẽ thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ. Bỗng có đạo binh thiên quốc cùng với sứ thần ca hát rằng: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” Với những dấu chỉ hết sức đơn sơ bình thường như thế, các mục đồng đã tin, đã bỏ lại kiếp sống gắn với đàn vật hôi hám để đến tìm gặp Đấng sẽ ban cho họ phẩm giá của một con người và là phẩm giá là người con của Chúa.

Theo thư gửi cho Titô trong bài đọc hai, thánh Phaolô chỉ cho biết phải làm gì để thay đổi từ bóng tối ra ánh sáng, từ nếp sống cũ qua nếp sống mới, từ con người tầm thường qua tư cách là con Thiên Chúa: “Con thân mến, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ… Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục mà sống chừng mực, công chính đạo đức ở thế gian này.” Xã hội ngày nay đưa ra cho chúng ta một cái vỏ hào nhoáng, nhưng đàng sau đó là bóng tối của lối sống vô luân trần tục; cuộc sống có vẻ tự do, nhưng nhiều người đang bị những đam mê trói buộc; Nhiều bạn trẻ đang biến mùa Giáng Sinh trở thành mùa của mua sắm, ăn chơi, hưởng thụ, để sau đó tiếp tục với mùa phá thai và giết chóc trẻ thơ. Sự phát triển của công nghệ thông tin dường như không đưa con người đến gần nhau để hiểu nhau và cảm thông, nhưng trái lại nó làm cho con người ngày càng cảm thấy cô đơn nhiều hơn.

Mừng đại lễ Giáng Sinh hôm nay, chúng ta được mời gọi sống niềm vui thánh thiện của Chúa chứ không phải chạy theo thú vui xác thịt hoặc tìm kiếm chốn vui theo kiểu trần gian. Trong Tông Huấn Hãy Vui Mừng Hân Hoan, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Thiên Chúa muốn chúng ta nên thánh chứ không muốn chúng ta bằng lòng với cuộc sống nhạt nhẽo và tầm thường” (số 1). Chúa đến để đổi mới thế giới và truyền cảm hứng sống cho chúng ta, Ngài muốn chúng ta cộng tác với ơn Chúa để làm mới bản thân và đổi mới xã hội này mỗi ngày nên tốt đẹp hơn. Như các mục đồng năm xưa, chúng ta sẵn sàng mở lòng ra đón nhận Tin Mừng Giáng Sinh và dám giũ bỏ khỏi mình cuộc sống đơn điệu nhàm chán, để bước vào hành trình tìm theo ánh sáng; dám để lại đàng sau giấc ngủ đam mê, sự an phận tầm thường để bước theo lời mời gọi lớn lao hơn, là tìm gặp Đức Kitô – Đấng Cứu Thế; bỏ lại kiếp sống gắn với đàn vật hôi hám để đến tìm gặp Đấng sẽ ban cho ta phẩm giá của một con người và là người con của Chúa.

Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ và cũng là nhắc nhở cho các bậc cha mẹ và các gia đình: “Hãy dành thời gian cho gia đình và các bạn hữu của các bạn, nhưng cũng dành thời gian cho Chúa qua suy tư và cầu nguyện. Và nếu các bạn thấy khó cầu nguyện, đừng bỏ cuộc. Vì, cầu nguyện chủ yếu là vấn đề hiện diện với Chúa. Hãy tĩnh lặng; tạo không gian cho Chúa; hãy để Người nhìn các bạn và Người sẽ lấp đầy các bạn bằng sự bình an của Người.”

Xin cho mỗi người chiêm ngắm hang đá Belem, xác tín cách sâu xa Hài Nhi Giêsu chính là Thiên Chúa làm người và là Đấng cứu độ duy nhất của thế giới. Xin cho niềm vui và ơn bình an của Chúa Giáng Sinh lan toả trong các gia đình và trong tâm hồn mỗi người, giúp biến đổi mỗi người trở thành người đem niềm vui và bình an của Chúa đến cho những người chúng ta gặp gỡ và cho cả xã hội này. Amen.