Love Telling ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN và Quý Khách: BQT-TCVN xin cáo lỗi cùng ACE vì trục trặc kỹ thuật 2 ngày vừa rồi. Trân trọng! Loan Pham nhắn với Gia Đình TCVN: Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể quý anh chị em một Giáng Sinh ấm áp bên gia đình, người thân và tràn đầy ơn lành từ Chúa Hài Đồng. ThanhCaVN nhắn với TCVN: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 16 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. Edit LM Loan Pham nhắn với TCVN: Kính Chúc Cà Nhà Một Tam Nhật Thánh và Một Mùa Phục Sinh Tràn Đầy Thánh Đức ... Loan Pham nhắn với TCVN: Chúc mừng năm mới đến quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể quý anh chị em tron gia đình TCVN thân yêu... Xin Chúa xuân ban nhiều hồng ân đến mọi người. Amen ThanhCaVN nhắn với ÔB & ACE: Kính chúc Năm Mới Quý Mão: Luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN: Kính chúc Giáng Sinh & Năm Mới 2023: An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa. bethichconlua nhắn với Gia Đình ThanhCaVietNam: Chúc mừng sinh nhật thứ 15 website ThanhCaVietNam. Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể anh chị em luôn tràn đầy ơn Chúa. Amen ThanhCaVN nhắn với Quý ACE: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 15 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. phale nhắn với cecilialmr: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với thiên thần bóng tối: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với teenvnlabido: Ngày mai (1/6) sinh nhật của bạn teen / chúc mọi điều tốt lành trong tuổi mới. phale nhắn với tất cả: Xin Chúa cho dịch bệnh sớm qua đi và ban bình an cho những người thành tâm cầu xin Ngài. ThanhCaVN nhắn với ACE: Kính chúc ACE: Giáng Sinh & Năm Mới 2021 - An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa

+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới
kết quả từ 1 tới 1 trên 1

Chủ đề: Các bài giảng lễ tết nguyên đán - Canh Tý 2020

  1. #1
    gioanha's Avatar

    Tham gia ngày: Nov 2008
    Tên Thánh: Gioan
    Giới tính: Nam
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 2,773
    Cám ơn
    2,242
    Được cám ơn 5,666 lần trong 2,007 bài viết

    Default Các bài giảng lễ tết nguyên đán - Canh Tý 2020

    THÁNH LỄ GIAO THỪA TẾT CANH TÝ:
    TẠ ƠN CHÚA VỀ TẤT CẢ - CẦU XIN PHÚC LÀNH BỞI TRỜI


    Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – GP Xuân Lộc

    Thưa quý OBACE, chúng ta dành những giờ phút còn lại của năm cũ, quy tụ trước tôn nhan Chúa, để mỗi người từ đáy lòng mình dâng lên Chúa tâm tình tạ ơn và tạ lỗi. Nhìn lại một năm với nhiều biến cố khác nhau, thành công và thất bại, chuyện vui hay chuyện buồn, chúng ta nghiệm ra rằng: tất cả đều do bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Một năm trôi qua, chúng ta có rất nhiều cơ hội, có thể là những điều tốt đẹp cho mình và gia đình; cũng có khi là những sự việc không may mắn khiến chúng ta đau khổ. Tuy nhiên, ai cũng nhận ra rằng Thiên Chúa là Đấng quan phòng và làm chủ mọi sự, tất cả mọi dự tính, công việc cần phải có sự trợ giúp từ Thiên Chúa. Trong tâm tình biết ơn, Người Công Giáo Việt Nam dành những phút giây cuối cùng của năm cũ, bước qua năm mới để nhìn lại tất cả mọi sự kiện đã xảy ra để tạ ơn Thiên Chúa và cầu xin phúc lành của Chúa xuống trên năm mới sắp tới.

    Ngày xưa dân Do Thái tin nhận Thiên Chúa như người Cha của họ, là Đấng dìu dắt và bảo vệ họ khỏi mọi nỗi gian nguy và là người Cha tốt lành. Vì thế, dân Do Thái được mời gọi phải sống với Thiên Chúa như con thơ đối với cha mẹ, lắng nghe sự dạy bảo, hết lòng tin tưởng cậy trông và luôn làm cho cha mẹ vui lòng. Qua Môsê, Thiên Chúa chỉ cho Aaron và con cháu ông cách cầu nguyện và chúc lành cho dân chúng, bằng cách chạm đến trái tim thương xót của một người cha nơi Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là trong mọi hoàn cảnh khi chạy đến với Thiên Chúa như một đứa con đến với cha mình, thì với tình thương Hiền Phụ, Thiên Chúa sẽ lắng nghe lời con cái nài xin và ban cho họ như họ mong ước: “Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em; Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em. Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em. Chúc như thế là đặt con cái Israel dưới quyền bảo trợ của Ta và Ta sẽ chúc lành cho chúng.” Lời chúc lành này còn là lời cầu xin để cho mỗi người luôn được ở trong sự canh phòng của Thiên Chúa, giống như trẻ thơ vui đùa ngoài sân, được Thiên Chúa để mắt trông nom, canh chừng khỏi những nguy hiểm. “Xin Chúa tươi nét mắt nhìn đến” có nghĩa là xin Chúa luôn mỉm cười với chúng ta, vì khi Chúa mỉm cười với ai thì phúc lành của Thiên Chúa sẽ xuống trên người ấy.

    Nhìn lại một năm qua, có thể là một năm tốt đẹp, nhưng cũng có những người còn để trong lòng mình những lăn tăn, buồn chán vì một năm qua không được như ý. Thánh Phaolô nhấn mạnh: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, vì Thiên Chúa muốn anh em làm như vậy.” Điều đó có nghĩa là chúng ta được mời gọi nhìn mọi sự việc trong cái nhìn đức tin và trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Có thể có những điều chúng ta không bằng lòng, là vì chúng ta không được như ý, không như toan tính. Nhưng trong cái nhìn đức tin, chúng ta nhận ra rằng: “Chúa muốn anh em như vậy”, là để chúng ta biết tín thác và cậy dựa vào Chúa hơn, thay vì chỉ cậy vào sức lực khả năng của mình. Nhận ra như thế, để chúng ta không chán nản, nhưng biết cầu nguyện và phó dâng công việc cho Chúa. Đối với những người cảm thấy hài lòng về một năm đã qua, Thánh Phaolô cũng nhắc rằng: “hãy tạ ơn Chúa” vì những thành quả đó là do Chúa ban để nâng đỡ cho đời sống đức tin cũng như đời sống gia đình, để từ đó biết củng cố đời sống và tín thác vào Chúa hơn.

    Cũng theo thánh Phalô khi thành công chúng ta biết đến tạ ơn Chúa là điều đương nhiên, nhưng khi không được như ý, chúng ta vẫn đến để tạ ơn chúa thì “đó mới là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Giêsu Kitô.” Khi biết tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, dù thành công hay thất bại, tin tưởng hoàn toàn vào Chúa, thì: “Chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an sẽ thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em được gìn giữ vẹn toàn, không có gì đáng trách trong ngày Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta quang lâm.” Nói cách đơn giản hơn, khi chúng ta biết làm mọi việc trong cái nhìn đức tin và sự quan phòng của Chúa thì tâm hồn chúng ta sẽ được bình an và được Thiên Chúa chúc phúc.

    Bài Tin Mừng được công bố trong ngày cuối năm hôm nay là những lời chúc phúc của Chúa Giêsu. Tất cả các lời chúc phúc này không có lời chúc nào nhắc đến sự giàu sang hay tiền bạc vật chất, nhưng nhắm đến các giá trị tinh thần. Điều này phần nào cũng nói lên rằng: hạnh phúc đích thật là hạnh phúc đến từ Thiên Chúa và được trao ban trong tâm hồn. Như vậy, hạnh phúc mà Tin Mừng nói tới, không phải là những cuộc vui hoặc những thành công bên ngoài, mà là những gì được xây đắp từ cuộc sống và từ bên trong tâm hồn.

    Người đời cho rằng nhà cao cửa rộng, nhà lầu xe hơi giàu có sung túc là hạnh phúc, nhưng thực tế không hẳn như vậy. Vì nhiều gia đình giàu có nhưng không hạnh phúc, nhiều người vẫn buồn bã khóc lóc trên đống của cải của mình. Chúa Giêsu chúc phúc cho những người có tinh thần nghèo khó: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ.” Như thế, người có tinh thần nghèo khó là tất cả những ai không để lòng mình bị ràng buộc và làm nô lệ cho vật chất, dù giàu hay nghèo nhưng lòng vẫn khao khát tìm kiếm Nước Trời, thì đó là người có phúc. Vì ai tìm kiếm Chúa, Chúa sẽ cho gặp, ai tìm Nước Trời Chúa sẽ ban Nước Trời cho người ấy.

    Trong năm qua nhiều người đầu tư vào nhà đất đã bị thất bại vì thị trường nhà đất nhiều nơi bị đóng băng. Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta một nơi có thể đầu tư đất, nhưng không phải là đất đai trên quả địa cầu này, mà Chúa hứa ban Đất Hứa làm gia nghiệp. Đất Hứa Chúa Giêsu đề cập đến chính là đất trong Nước Trời, Đất ở nước trời không thể đầu cơ ghìm giá, phân lô bán nền, không phải là những khu biệt thự sang trọng dành cho người giàu, cũng không phải là khu ổ chuột xóm trọ dành cho người nghèo, mà là nơi chỉ dành cho những ai sống hiền lành mới được cư ngụ mà thôi. Người hiền lành và khiêm nhường là người nhận ra sự giới hạn nhỏ bé của mình và biết cậy dựa vào quyền năng của Thiên Chúa. Chắc chắn Đất Hứa - Nước Trời là nơi không còn sự tranh chấp, kèn cựa, ghanh tị, cũng không còn sự lừa đảo bất công, mà là nơi dành cho những ai dám sống hiền lành theo gương của Chúa Giêsu như lời Ngài mời gọi: “Hãy học cùng tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng.”

    Trong bài Tin Mừng Chúa chúc phúc: “Phúc cho những ai sầu khổ vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.” Có nhiều nỗi khổ xảy đến cho cuộc sống con người, nhưng cái khổ nhất có lẽ là cái khổ trong cô đơn, buồn chán và thất vọng vì không có người cảm thông và chia sẻ. Kinh nghiệm trong cuộc sống cho thấy, mỗi khi gặp đau khổ, điều người ta cần là một bờ vai để tựa vào mà khóc, một cánh tay đưa ra để họ nắm lấy, hoặc một cái vỗ vai, một cái ôm cảm thông để họ đứng dậy. Nhưng thực tế, con người dường như ngày càng trở nên lạnh lùng vô cảm với nhau, họ nhắm mắt làm ngơ trước nỗi đau khổ của người bên cạnh. Thiên Chúa thì không bao giờ cư xử như thế vì Ngài là Cha, là Thầy và là Bạn của mỗi chúng ta. Mỗi khi chúng ta đau khổ, Thiên Chúa vẫn ở bên, Ngài sẽ lau khô những giọt nước mắt của chúng ta, Ngài sẵn sàng để chúng ta gục đầu vào vai Ngài mà kể lể tâm sự, Ngài đưa tay nắm lấy tay chúng ta để an ủi vỗ về và nâng chúng ta chỗi dậy. Những ai nhận ra sự hiện diện của Chúa và để cho Chúa an ủi đó là những người có phúc, vì Chúa luôn ở bên những kẻ kêu cầu cậy dựa vào Ngài.

    Dâng thánh lễ Giao Thừa giờ này, mỗi người dành một ít phút thinh lặng để nhìn lại một năm qua, từ gia đình đến công việc và những biến cố vui buồn xảy ra cho bản thân và gia đình để biết dâng lời tạ ơn Chúa. Trong giây phút cuối năm này chúng ta cũng không quên thành tâm nói lời xin lỗi đối với Chúa vì trong năm qua chúng ta đã lơ là, vô ơn đối với Chúa, chưa chu toàn bổn phận làm con đối với Chúa. Chúng ta xin lỗi Chúa vì tình yêu thương, sự quan phòng và bao nhiêu điều tốt lành Chúa ban, nhưng ta vẫn chưa nói hoặc chưa bày tỏ lòng biết ơn đối với Chúa.

    Trong giây phút này chúng ta cũng nhìn lại trách nhiệm của mình đối với những người thân, gia đình: chúng ta đã sống, đã cư xử thế nào với vợ, chồng, cha mẹ, con cháu, anh em, bạn hữu? Đã chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mình chưa? Những gì còn vướng mắc trong các tương quan với họ? Trong những ngày đầu năm này, ta mạnh dạn bước đến để nói lời xin lỗi nhau và quyết tâm để nối lại tình nghĩa.

    Qua việc lắng nghe Lời Chúa và tham dự Hy lễ Thánh Thể giờ này, xin Chúa chúc lành, tươi nét mắt nhìn đến chúng ta, mỉm cười với chúng ta và ban ơn cho chúng ta trong năm mới sắp đến. Amen



    MỒNG MỘT TẾT CANH TÝ 2020:
    CẦU XIN BÌNH AN VÀ PHÚC LỘC CỦA CHÚA

    Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – GP Xuân Lộc


    Ngày Mồng Một Tết theo truyền thống Việt Nam, được coi là ngày khởi đầu cho một chu kỳ mới không chỉ của thiên nhiên thời tiết, mà còn là khởi đầu của công việc, tương quan và tất cả nhịp sống cá nhân, gia đình, bạn hữu. Vì thế ai cũng muốn ngày Mồng Một là khởi đầu một năm mới tốt đẹp, vui tươi, phấn khởi nhất theo quan niệm: “đầu xuôi đuôi lọt.” Cũng trong những ngày đầu năm ai cũng có kế hoạch riêng cho năm mới của mình, những dự tính trong việc học hành, làm ăn, xây nhà…Cũng trong niềm tin và văn hóa dân gian, người Việt Nam tin rằng: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”, vì thế ngày đầu năm, người Việt vẫn có thói quen đến nhà thờ, đến chùa xin ơn bình an và phúc lộc bởi trời.

    Các thực hành theo niềm tin dân gian và văn hóa của người Việt được Tin Mừng soi sáng và được đức tin Công Giáo chỉ dạy, nên người Kitô Hữu Việt Nam dành cho ngày Mồng Một một ý nghĩa hết sức đặc biệt: đó là niềm tin vào sự sáng tạo và quan phòng của Thiên Chúa; phó dâng năm mới cho Chúa; xin ơn bình an và phúc lành của Thiên Chúa cho mọi toan tính dự định trong năm mới.

    Bài đọc một sánh Sáng Thế gợi lại cho chúng ta ngày đầu tiên của vũ trụ khi Thiên Chúa dùng quyền năng để tạo dựng nên trời đất và muôn vật muôn loài. Thiên Chúa dựng nên tất cả mọi loài mọi vật, Ngài không để cho nó như một mớ hỗn độn, nhưng đã xếp đặt, định liệu cho mỗi loài mỗi vật có vị trí và có nhiệm vụ riêng của mình. Đoạn sách hôm nay kể lại việc Thiên Chúa tạo dựng nên hai vầng sáng lớn trên trời, để phân rẽ ngày và đêm, làm dấu chỉ xác định các ngày lễ và thời gian, năm tháng. Như thế ngay từ những trang đầu tiên, Kinh Thánh đã muốn khẳng định cho chúng ta một chân lý quan trọng: Thời gian là của Chúa và mọi sự là của Chúa. Khẳng định điều này nhằm nhắc cho chúng ta biết sử dụng thời gian sao cho đẹp lòng Chúa và sinh lợi ích tốt nhất cho bản thân và gia đình, đồng thời biết sống trong sự tin tưởng phó thác cho Chúa.

    Từ ý tưởng này, chúng ta được mời gọi để nhìn lại thời gian Chúa đã ban cho mỗi người. Thiên Chúa công bằng vô cùng, Ngài ban cho mỗi người, dù giàu hay nghèo, sang hay hèn, đều có số lượng thời gian 24 giờ mỗi ngày. Có những người biết tận dụng tốt thời gian, đã làm lợi cho bản thân, cho gia đình và cuộc sống. Trái lại, có nhiều người đã để thời gian trôi qua trong vô ích, không đem lại lợi gì cho mình. Trong những giờ phút đầu năm mới, tụ họp nơi thánh đường này, chúng ta cũng muốn dâng lên Chúa tất cả thời gian của cuộc đời để xin Chúa là chủ thời gian thánh hóa và chúc phúc, giúp chúng ta biết dùng thời giờ để thánh hoá bản thân, sinh ích cho mình và gia đình.

    Cũng qua đoạn Kinh Thánh này cho chúng ta thấy Thiên Chúa không chỉ sáng tạo, mà Ngài còn trang trí tô điểm và làm cho tác phẩm của Ngài thêm tốt đẹp và sinh động hơn: “Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng: vầng sáng lớn để điều khiển ban ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển ban đêm; Người cũng làm ra các ngôi sao… Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.” Điều này nhắc cho chúng ta rằng: Khi chúng ta làm việc là chúng ta được cộng tác với Thiên Chúa trong việc tạo dựng và làm cho vũ trụ trái đất ngày càng tốt đẹp hơn. Như thế, làm bất cứ công việc gì trong năm mới, chúng ta không thể bỏ qua bổn phận làm cho vũ trụ, công trình của Thiên Chúa được tốt đẹp hơn. Vì Thiên Chúa đã tin tưởng trao tác phẩm vũ trụ này cho con người, Ngài muốn chúng ta duy trì, phát triển và góp phần làm cho vũ trụ đạt đến mức hoàn hảo. Vì thế, huỷ hoại môi trường, tàn phá thiên nhiên là đi ngược lại chương trình của Chúa.

    Qua bài Tin Mừng Chúa Giêsu dạy chúng ta phải biết sống và phân định, đâu là điều quan trọng, là ưu tiên trong cuộc sống của mỗi người. Với hai dụ ngôn về việc Thiên Chúa quan phòng lo liệu cho hoa cỏ ngoài đồng và muôn chim trên trời: chúng không gieo trồng, không may mặc, mua sắm, mà Thiên Chúa vẫn lo liệu cho nó đầy đủ và còn vượt trội hơn cẩm bào của nhà vua. Khi kể dụ ngôn này, Chúa không bảo chúng ta có thái độ lười biếng ỷ nại, hoặc không cố gắng, trái lại mỗi người vẫn phải làm việc với hết khả năng, hết sức mình và tin tưởng trao phó sự thành – bại cho Chúa.

    Thầy bảo cho các con biết: “Đừng lo lắng cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?” Cơm ăn áo mặc là những nhu cầu căn bản không thể thiếu của con người; việc tìm kiếm cơm ăn áo mặc cho bản thân và gia đình là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, ở đây Chúa cảnh báo chúng ta một điều là, đôi khi chúng ta lo tìm kiếm cơm ăn áo mặc đến độ quên cả mạng sống, người thân, gia đình của mình. Điều này có thể thấy trong cuộc sống ngày nay: Nhiều người bận rộn say mê, cuốn hút vào công việc đến độ không quan tâm đến sức khoẻ, mạng sống của mình, cũng không quan tâm đến gia đình và người thân. Vì thế có nhiều người kiếm cho thật nhiều cơm gạo, áo tiền, nhưng khi đã có được những thứ đó, thì sức khoẻ suy kiệt, gia đình tan nát, đổ vỡ. Nhiều người đi làm từ sáng tới tối vất vả vì vợ vì con, vì gia đình, nhưng thực tế gia đình vẫn không hạnh phúc. Họ quên rằng điều các thành viên trong gia đình cần không phải là cơm áo, mà là tình yêu, thời giờ và sự quan tâm đến nhau trong gia đình.

    Kể dụ ngôn về chim trời, không gieo, không gặt, thế mà Chúa vẫn nuôi chúng, Chúa Giêsu kết luận: “Có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà có thể kéo dài đời mình thêm một gang không?” Đặt câu hỏi này, Chúa Giêsu muốn mỗi chúng ta cần xác định đâu là điều chính yếu, đâu là điều tùy phụ trong cuộc sống. Hơn nữa, giữa cuộc sống ngắn ngủi ở trần gian và sự sống đời đời trên nước trời, mỗi người cần biết chọn và đặt đúng thứ tự ưu tiên trong đời sống và chọn lựa của mình. Tìm kiếm cơm áo là điều cần, nhưng vẫn chưa phải là điều quan trọng nhất. Tìm kiếm hạnh phúc Nước trời mới thực sự là điều quan trọng nhất, ưu tiên nhất trong cuộc đời. Có rất nhiều người vì lo làm giàu, lo công việc mà họ sẵn sàng đặt Chúa xuống hàng thứ yếu, đặt cuộc sống đời đời trở thành tuỳ phụ.

    “Vì thế anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì? Tất cả những thứ đó dân ngoại vẫn tìm kiếm. … Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho.” Khi kết luận điều này, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta hai điều quan trong: Trước hết, Chúa muốn mỗi người biết dành ưu tiên tuyệt đối cho việc tìm kiếm hạnh phúc Nước Trời và ưu tiên này sẽ trở thành động lực chi phối mọi công ăn việc làm của chúng ta. Điểm thứ hai, đó là tất cả công việc đời sống và cách hành xử của chúng ta phải được đặt trên nền tảng là Đức Công Chính của Thiên Chúa. Nói cách dễ hiểu hơn là tất cả công việc làm ăn, đời sống và cách ứng xử của chúng ta phải được đặt trên nền tảng đạo đức.

    Thưa quý OBACE, Lời Chúa ngày Mồng Một Tết quả là lời nhắc nhở mỗi chúng ta cần phải dành ưu tiên xây dựng lại nền tảng đời sống đạo đức cho bản thân và cho gia đình. Ngày đầu năm mới chúng ta đến đây để tạ ơn và cầu xin Chúa ban cho một năm bình an. Đây là việc làm rất tốt đẹp. Qua việc tạ ơn và cầu xin này, chúng ta tin tưởng phó thác công việc, gia đình và người thân cho Chúa, tin tưởng vào tình yêu quan phòng của Chúa và xin Chúa chúc lành cho mọi ngày trong năm mới được bình an. Ngày đầu năm cũng là dịp để chúng ta bắt đầu một khởi điểm mới, xin cho chúng ta biết nhìn lại và bắt đầu lại việc xây dựng đời sống, công việc và gia đình ta trên nền tảng đạo đức. Vì nếp sống đạo đức là nền tảng vững chắc của đời sống kinh tế và là nền móng vững chắc cho đời sống gia đình.
    Ông Lowrence Kudlow cố vấn kinh tế của Nhà Trắng đã nhận định: Sự thịnh vượng về đạo đức và kinh tế phải đi đôi với nhau. Tổng thống Trump đang nỗ lực đưa nước Mỹ trở thành vĩ đại trở lại, ông Trump đang thực hiện được quyết tâm đó. Nhiều lần tổng thống Trump đã tuyên bố với toàn dân: Chính nền tảng đời sống đạo đức mới làm nên kinh tế Nước Mỹ, chính Thiên Chúa mới làm cho Hoa Kỳ trở nên vĩ đại. Vì thế chúng ta phải khôi phục lại nền tảng đạo đức của Hoa Kỳ, khôi phục lại giá trị đạo đức nơi các gia đình, khuyến khích và nỗ lực bảo vệ tư do tôn giáo và loại trừ tất cả những gì vì phạm đạo đức như việc phá thai, hôn nhân đồng giới…Để giải quyết các vấn đề lớn của nước Mỹ thì đức tin có sức mạnh hơn chính quyền và không có điều gì quyền năng hơn Thiên Chúa.

    Xin Chúa chúc lành cho tất cả mỗi người, mỗi gia đình chúng ta; xin Chúa chúc lành cho quê hương Việt Nam của chúng ta trong năm Canh Tý này và luôn mãi. Amen



    MỒNG HAI TẾT CANH TÝ 2020:
    KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ CHA MẸ


    Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – GP Xuân Lộc


    Thưa quý OBACE, ngày tết vẫn được coi là dịp Đoàn Viên, có nghĩa là ngày gia đình ông bà cha mẹ con cháu xum vầy để chào đón một năm mới và cầu chúc cho nhau những điều tốt lành. Những gia đình vắng bóng cha, mẹ hay người thân trong dịp này thì coi như niềm vui chưa trọn vẹn. Tuy nhiên, ngày tết truyền thống của Việt Nam ngày nay đã mang màu sắc của tết hiện đại: Nhiều người không quan tâm đến việc xum họp gia đình, không coi là quan trọng, linh thiêng vào giờ phút giao thừa và sáng sớm mồng một tết. Việc thắp một nén hương tạ ơn trời đất vào đêm ba mươi được thay thế bằng bữa nhậu hoặc đưa nhau ra các tụ điểm ngoài phố; việc thắp hương cho tổ tiên ông bà bị thay thế bằng các chuyến du lịch xa nhà; việc chúc tuổi mừng xuân ông bà, họ hàng được thay thế bằng tiền hoặc vài tấm bánh cho qua lần... Nhịp sống của xã hội hiện đại và thực dụng đang dần lấy đi nét đẹp truyền thống của ngày tết cổ truyền Việt Nam.

    Ngày Mồng Một Tết, Giáo Hội hướng chúng ta lên Thiên Chúa là chủ của thời gian, là Đấng cầm quyền sinh tử, tạo tác đất trời, là Thiên Phụ, để dâng lời tri ân cảm tạ vì tất cả bao điều tốt lành Thiên Chúa đã an bài xếp đặt cho chúng ta, đồng thời tin tưởng phó dâng Năm Mới cho Chúa. Hôm nay bước qua ngày Mồng Hai Tết, Giáo Hội nhắc chúng ta kính nhớ và bày tỏ lòng thảo hiếu kính trọng và biết ơn Tổ Tiên và Ông Bà Cha Mẹ những người còn sống cũng như đã qua đời. Các Ngài là là những người được cộng tác với Thiên Chúa để sinh thành dưỡng dục mỗi chúng ta. Theo văn hoá Việt Nam, công sinh thành dưỡng dục là công ơn mà mọi người làm con đều phải ghi tâm khắc cốt và thể hiện bằng việc thờ cha kính mẹ, thảo hiếu biết ơn.

    Con người chúng ta hơn hẳn các con vật vì chúng ta biết nghĩ đến cội nguồn, tổ tiên ông bà, vì nhờ các ngài mới có chúng ta ngày nay. Chúng ta mang nợ tổ tiên, ông bà, cha mẹ chính gen di truyền cùng dòng máu đang lưu chuyển trong huyết quản của chúng ta. Thiên Chúa đã cho các ngài được cộng tác với Thiên Chúa để sinh ra chúng ta trong tình yêu. Không chỉ đón nhận sự sống từ tổ tiên ông bà, cha mẹ, chúng ta còn đón nhận được cả truyền thống văn hoá đạo đức của các ngài như một gia sản. Sách Huấn Ca đã dùng những lời thật đẹp để dạy chúng ta về điều này: “Chúng ta hãy ca tụng những vị danh nhân cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ. Các ngài là những vị đạo hạnh, công đức của các ngài không bị chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu, đó là lũ cháu đàn con.” Như thế, theo sách Huấn Ca, chúng ta có quyền tự hào về tổ tiên cha ông của chúng ta. Niềm tự hào về tổ tiên dòng họ không phải là những đám tang rềnh rang tốn kém, cũng không phải là xây dựng những lăng tẩm của dòng họ cho to, nhưng thể hiện qua việc phát huy những công đức các ngài để lại, nuôi dạy các thế hệ con cháu ngoan hiền, tài giỏi để làm cho danh thơm, tiếng tốt dòng dõi của cha ông ngày càng rạng rỡ.


    Người Công Giáo khi đón nhận đức tin, không đánh mất truyền thống văn hoá của mình, cũng không làm phai mờ bổn phận thờ cha kính mẹ, nhưng được sự thúc đẩy, soi sáng của Tin Mừng để chu toàn các bổn phận thảo hiếu cách đúng đắn, trọn vẹn hơn và làm cho các giá trị văn hoá truyền thống được thăng hoa hơn. Sai lầm mà nhiều người mắc phải là khi tiếp cận với những giá trị mới, người ta có xu hướng đập bỏ, loại trừ các giá trị truyền thống, hoặc ngược lại là bảo thủ ôm giữ những cái cũ để loại trừ những giá trị mới tốt đẹp hơn. Ví dụ: có những người vì muốn thoái thác bổn phận thảo hiếu cúng giỗ ông bà cha mẹ, họ lấy lý do là chỉ thờ Chúa thôi để bỏ qua bổn phận này, ngược lại, có những người chỉ vì muốn giữ tập tục truyền thống mà từ chối đón nhận Tin Mừng.

    Ngày xưa người Do Thái cũng rơi vào các hình thức cực đoan như vậy, tệ hơn nữa là họ muốn phô trương với mọi người về việc dâng cúng cho Thiên Chúa, nhưng lại bỏ qua việc chăm lo cho ông bà cha mẹ. Họ tìm kiếm danh dự, lời khen, được ghi tên là ân nhân lớn của đền thờ mà bỏ quên việc phụng dưỡng cha mẹ. Chúa Giêsu đã không chấp nhận lối sống giả hình, vô trách nhiệm đó, Ngài sẵn sàng chỉ cho thấy cái sai và sự mưu mô của của người Do Thái. Câu chuyện được Tin Mừng Matthew thuật lại: “Những người Biệt Phái và Kinh Sư tìm gặp Đức Giêsu và trách Ngài: Tại sao các môn đệ của ông vi phạm truyền thống của tiền nhân không chịu rửa tay khi dùng bữa?” Truyền thống rửa tay của của người Do Thái giống như một nghi thức thanh tẩy của tôn giáo, chứ không phài là phép vệ sinh. Khi trách Chúa Giêsu như thế, họ coi Chúa Giêsu và các môn đệ là những người không giữ trọn lề luật. Chúa Giêsu đã chỉ cho thấy: Những người Biệt Phái này chỉ chú trọng vào những điều tuỳ phụ mà bỏ qua điều chính yếu, Chúa muốn họ phải thanh tẩy tâm hồn hơn là thanh tẩy bên ngoài, phải điều chỉnh lại cuộc sống hơn là giữ những nghi thức vô hồn.

    Chúa Giêsu chỉ cho thấy việc làm sai trái của họ: “Tại sao các ông lại dựa vào truyền thống mà bỏ qua giới răn Thiên Chúa? Thiên Chúa dạy: Hãy thờ cha kính mẹ, kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông lại bảo: Ai tuyên bố với cha mẹ: Những gì con có để giúp cha mẹ, đều đã được dâng cho Chúa rồi. Người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa.” Có lẽ lúc đó việc xây dựng đền thờ Giêrusalem đang còn giang dở, những Luật Sĩ, Biệt Phái, Thượng Tế đã bày ra luật này. Nhiều người Do Thái muốn chạy theo danh, muốn sống hình thức bên ngoài nên sẵn sàng tuyên bố sẽ dâng cúng toàn bộ tài sản cho đền thờ. Sau đó, các Luật Sĩ sẽ tuyên bố miễn trừ cho họ bổn phận phụng dưỡng cha mẹ. Chắc chắn đó không phải là luật Chúa và Thiên Chúa cũng không thể chấp nhận một của lễ được dâng lên để trốn tránh trách nhiệm, bất hiếu vô ơn với cha mẹ. Qua câu chuyện này, Chúa Giêsu đã chỉ cho những người Biệt Phái thấy cái sai trầm trọng của họ: “Các ông không thể dựa vào truyền thống của các ông để huỷ bỏ lời Thiên Chúa dạy là phải thờ cha kính mẹ.”

    Nhiều người ngày nay cũng đang vì danh dự hay vì lý do nào đó mà đối xử rất tệ với ông bà, cha me của mình. Có nhiều người vì thể diện, đẳng cấp đã sẵn sàng đãi bạn bè hết bữa này đến bữa khác, nhưng lại tính toán với ông bà cha mẹ từng đồng qua tấm bánh. Nhiều người rất ân cần, hào phóng với bạn hữu nhưng lại không mấy khi quan tâm đến ông bà cha mẹ già trong gia đình. Nhiều người khác xây được căn nhà đẹp nhưng không muốn cho bố mẹ già ở vì sợ bẩn nhà, sợ mùi khai khắm của người già. Có những gia đình đông anh em, họ tranh giành nhau từng đồng tiền, từng tấc đất của cha mẹ già, nhưng không ai muốn nhận nuôi dưỡng chăm sóc cha mẹ, họ gửi cha mẹ vào nhà nuôi người già. Có những người con ngày tết này không dành một lời hỏi thăm, không một lời chúc xuân đến cha mẹ già. Có nhiều cha mẹ già những ngày tết này chỉ trông mong con cháu về xum họp, nhưng nhiều người con lấy lý do bận rộn, đi du lịch hoặc đi nghỉ, để trốn tránh bổn phận tết lễ ông bà, cha mẹ. Như đã nói ở trên, thời buổi hiện đại đang làm mất đi những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam vào những dịp tết. Ngày tết cổ truyền không còn là ngày xum họp gia đình mà đã trở thành mùa du lịch mà thôi.

    Ngày tết là ngày của gia đình, ngày của tình thân, ngày con cháu xum họp để bày tỏ lòng thảo hiếu với tổ tiên ông bà cha mẹ. Đây là một trong những giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hoá rất phù hợp với Giới răn Thứ Bốn của Thiên Chúa: “Hãy thảo kính cha mẹ.” Cả năm chúng ta vất vả ngược xuôi vì công việc, những ngày tết này, hãy trở về với gia đình, dành thời gian ở bên ông bà, cha mẹ, dành hơi ấm cho gia đình và làm tất cả những gì tốt đẹp nhất cho ông bà và người thân của mình. Vì có thể giờ này tết năm sau các ngài đã không còn trên cõi đời này chăng! Cũng đừng quên dành những ngày tết thật ấm áp cho vợ, chồng, các con và gia đình mình; dành nhiều giờ bên nhau để trò chuyện tâm sự, vui cười, lắng nghe và thấu hiểu. Đừng để chuyện say sưa, cờ bạc, nóng nảy cướp đi bầu khí ấm áp của gia đình trong những ngày xuân.

    Thư Êphêsô một lần nữa nhắc cho mỗi người: “Hỡi kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này.” Thánh Phaolô cũng nhắc các bậc cha mẹ: “Đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.”

    Xin Chúa chúc lành cho các gia đình, ban niềm vui sự bình an hạnh phúc xuống trên các gia đình chúng con trong Năm Mới canh tý này để các gia đình tràn ngập hạnh phúc và tiếng cười. Xin cho mỗi người biết giữ gìn giá trị và nề nếp đạo đức cho gia đình, vì những giá trị đạo đức này sẽ là nền tảng giúp gia đình bền vững an vui. Amen.



    MỒNG BA TẾT CANH TÝ 2020:
    THÁI ĐỘ LÀM VIỆC LÀM NÊN GIÁ TRỊ CÔNG VIỆC


    Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – GP Xuân Lộc


    Từ trước đến nay, người Việt Nam thường đề cao dân tộc của mình, giới thiệu người Việt như những con người hiền lành, cần cù, chịu khó làm việc và thông mình. Nói như thế có lẽ không sai. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đã dần trở thành một quốc gia công nghiệp, nhưng những thói quen thuộc về văn hoá nông nghiệp dường như vẫn chưa thay đổi cho phù hợp với sự biến chuyển của xã hội. Trong tựa sách: “Người Việt xấu Xí” của tác giả Vương Trí Nhàn đã liệt kê ra rất nhiều thói xấu dường như đã ăn vào máu thịt của nhiều người Việt. Một trong thói xấu đó là sự lè phè trong công việc, thói vô trách nhiệm, ỷ nại vào các mối quan hệ thân quen, không đúng giờ, không có tinh thần sáng tạo, chỉ giỏi bắt chước, ... Nhiều nhà đầu tư cũng than phiền về những thói xấu này của công nhân Việt Nam. Những thói xấu này tạo thành thái độ không tốt khi làm việc và dĩ nhiên sẽ để lại ảnh hưởng xấu cho công việc, và tạo cái nhìn không thiện cảm trong mắt của người nước ngoài.

    Bước vào ngày Mồng Ba Tết, Giáo Hội mời gọi chúng ta phó dâng mọi toan tính công việc cho Thiên Chúa và xin Chúa chúc lành, giúp chúng ta biết thánh hoá công việc thường ngày của mình. Thánh hoá công việc là cầu xin Chúa giúp, để công việc hàng ngày thực sự trở nên những việc thánh thiện và qua công việc đó, chúng ta được nên thánh. Lời Chúa hôm nay chỉ cho chúng ta thái độ làm việc theo tinh thần của Tin Mừng, để có thể biến các công việc thường ngày nên những việc thánh thiện, sinh ích cho mình và người khác.

    Bài đọc sách Sáng Thế cho thấy “thái độ” làm việc của Thiên Chúa. Với trình thuật này, Thiên Chúa được giới thiệu như một người thợ miệt mài làm tất cả mọi việc, từ việc gieo trồng, tưới nước, cầy cấy đất đai hoặc như một nghệ nhân khéo tay nặn ra các sinh vật. Sau cùng Thiên Chúa làm nên một tác phẩm tuyệt đẹp đó là nặn lên con người và dùng quyền năng để thổi sinh khí vào lỗ mũi, trao ban cho con người sự sống. Thiên Chúa còn trồng cây, tạo bóng mát, cho suối chảy quanh tạo cảnh quan thơ mộng và đặt vào đó con người mà chính Ngài nặn ra. Qua trình thuật này cho thấy Thiên Chúa như người thợ làm việc với một thái độ chăm chỉ cần mẫn và sáng tạo. Nhưng quan trọng hơn, Thiên Chúa làm tất cả những việc tốt đẹp đó không phải để giữ riêng hay làm lợi cho Ngài, nhưng Thiên Chúa làm là vì con người và để trao tặng cho con người.

    Khi đã hoàn tất công trình sáng tạo vũ trụ trời đất, Thiên Chúa thấy tất cả mọi sự đều tốt đẹp, “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Eđen để cầy cấy và canh giữ đất đai.” Chi tiết này Kinh Thánh cho thấy, khi trao công trình sáng tạo cho con người, công trình này vừa mới hoàn tất, đang trong tình trạng hết sức tốt đẹp, Thiên Chúa muốn con người tiếp tục công việc của Chúa là cầy cấy, chăm sóc, có trách nhiệm phải gìn giữ, bảo vệ, làm cho vũ trụ này thêm tốt đẹp hơn, không để cho nó tồi tệ đi. Điều đó có nghĩa là con người được trao cho một tư cách là cộng tác viên và là người quản lý được Chúa tín nhiệm. Thiên Chúa không dựng nên con người theo mẫu các công tử con nhà giàu, cũng không đặt con người vào vườn địa đàng như khách du lịch dạo chơi ngắm cảnh, nhưng là để cho con người lao động, canh tác và có trách nhiệm cộng tác với Thiên Chúa làm cho công trình tạo dựng nên tốt đẹp hơn. Như thế, làm việc hàng ngày là cách thể hiện lòng yêu mến, biết ơn và tinh thần trách nhiệm đối với Thiên Chúa. Đây chính là thái độ làm việc mà Chúa muốn và Giáo Hội hướng dẫn chúng ta trong ngày Mồng Ba Tết này.

    Câu chuyện những người đầy tớ và những nén bạc trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc đến thái độ cần thiết khi làm việc: “Một người kia sắp đi xa, ông gọi các đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông đưa cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến tuỳ khả năng riêng mỗi người.” Điều này có nghĩa là ông chủ đã hoàn toàn tin tưởng các đầy tớ của mình và cũng biết khả năng riêng của mỗi người. Vì thế ông trao cho họ hoàn toàn phù hợp với khả năng, không quá sức. Vì hiểu được tấm lòng và sự tin tưởng của ông chủ, những đầy tớ này đã bắt tay vào làm việc với tất cả lòng yêu mến, sự nhiệt thành để đáp lại sự tín nhiệm của ông. Họ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao như thể làm việc của mình. Người đã lãnh năm nén đã sinh lời được năm nén khác, người hai nén cũng sinh lời được hai nén khác.

    Tuy nhiên, người lãnh một nén đã không có được tinh thần trách nhiệm như những người kia, anh đã chọn giải pháp đào lỗ chôn giấu nén bạc của chủ. Có lẽ vì anh không nhận ra sự tín nhiệm của chủ, cũng không yếu mến ông chủ. Anh cho rằng số bạc đó là của chủ, không phải là của anh, nên anh không làm lời. Anh cho rằng mình chỉ cần giữ cho đến lúc chủ về sẽ trả lại cho chủ là hết bổn phận. Thế nhưng, anh đã sai lầm. Ông chủ đã đối xử quảng đại hơn anh nghĩ rất nhiều. Ông không những không đòi lại số bạc ông đã gửi, mà ông còn cho luôn cả gốc lẫn lời. Ngày ông trở lại, ông cho gọi những người đã nhận bạc của ông trình bày sổ sách. Người lãnh năm nén đã sinh lời được năm nén khác, người lãnh hai nén cũng lời được hai nén khác. Ông chủ đã khen những đầy tớ này: “Khá lắm! Anh là người tài giỏi và trung thành. Được giao ít mà anh đã trung thành thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh.” Như vậy, ông chủ khen những đầy tớ này là vì họ đã trung thành làm việc không chỉ khi ông hiện diện, mà ngay cả khi ông vắng mặt, họ vẫn làm việc hết trách nhiệm, hết lương tâm của mình, không giả dối, không lè phè lười biếng.

    “Rồi người lãnh một nén cũng đến và nói: Thưa ông, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo thu nơi không vãi. Vì thế tôi đâm sợ mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông vẫn còn nguyên đây.” Ông chủ đã không hài lòng về thái độ và suy nghĩ của người này. Anh tìm cách biện minh cho sự lười biếng, thiếu trách nhiệm và phụ lòng tin của chủ bằng cách vu khống cho chủ. Ông chủ đã trách anh: “Anh là người đầy tớ xấu xa và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo thu nơi không vãi, thì đáng lý ra anh phải gửi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!” Ông chủ đã thu hồi yến bạc khỏi tay nó và trao cho người đã có mười nén. Còn tên đầy tớ vô dụng này bị quăng ra chốn tối tăm bên ngoài. Ở đó phải khóc lóc nghiến răng.

    Thưa quý OBACE, qua câu chuyện rõ ràng cho thấy thái độ làm việc hết sức quan trọng. Một khi mỗi người ý thức được rằng, dù mình đang làm bất cứ công việc lương thiện nào, thì cũng giống như yến bạc Chúa trao cho chúng ta. Chúa muốn chúng ta nhận ra sự yêu thương quan phòng của Chúa và làm việc trong sự tin tưởng phó thác cho Chúa, làm việc hết mình với tất cả trách nhiệm còn kết quả lời hay thua lỗ là hoàn toàn do Thiên Chúa. Hơn nữa, khi làm việc với tinh thần trách nhiệm như thế, chúng ta còn mang một sứ mạng cao trọng hơn đó là được cộng tác với Thiên Chúa để làm cho vũ trụ và cuộc sống này thêm tốt đẹp hơn.

    Khi mỗi người ý thức được như vậy, thì dù chúng ta làm công việc nặng nhọc hay nhẹ nhàng, lao động trí óc hay chân tay, thì chúng ta cũng đang là những người đầy tớ được Chúa tín nhiệm trao phó. Do đó khi mỗi người từng ngày miệt mài hy sinh từng giọt mồ hôi, từng giọt nước mắt, những lao công vất vả giãi nắng dầm sương là từng ngày chúng ta đang sinh lời cho cuộc sống hiện tại, cho gia đình và trở thành công phúc cho chúng ta trước mặt Chúa mai sau.

    Chắc chắn Chúa không muốn chúng ta trở thành kẻ lười biếng, bỏ phí những khả năng vốn liếng Chúa ban. Chúa không muốn chúng ta chôn giấu những tài năng, nhưng mỗi người cần phải khám phá ra những khả năng Chúa ban và làm cho khả năng ấy được phát huy tối đa đem lại lợi ích cho mình, cho người khác và làm đẹp thêm vũ trụ và cuộc sống. Tuổi trẻ, sức khoẻ, thời giờ, khả năng, là điều kiện và cơ hội hiện tại đó là những yến bạc Chúa trao cho mỗi người. Chúng ta không thể chôn vùi tuổi trẻ trong u mê nghiện ngập, hưởng thụ, cũng đừng hoang phí sức khoẻ của mình với những hình thức ma tuý, ăn chơi, phung phí sức khoẻ quá mức. Cũng vậy, thời gian là số vốn có hạn Chúa trao cho mỗi người khác nhau, là số vốn không thể phục hồi, đừng tiêu phí thời gian vào những chuyện vô ích, đừng để thời gian trôi qua uổng phí, hoặc than thân trách phận, nhưng cần biết tận dụng tối đa thời gian để sống và làm những việc có ích.

    Gia đình, vợ chồng, con cái cũng là “tài sản” quý giá Chúa ban, vì thế hãy trân trọng gia đình, vợ chồng, con cái mình. Mỗi thành viên cần cố gắng hết mình để vun đắp và làm cho gia đình mình ngày càng êm ấm thuận hoà; làm cho gia đình có thêm nhiều tiếng cười nhiều niềm vui và hạnh phúc hơn. Các bậc cha mẹ có bổn phận làm việc để đem thêm nhiều cơm bánh cho gia đình nhưng phải là “cơm sạch, áo sạch và tiền sạch” đừng quên rằng: “Con người sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống bằng Lời Chúa”; sống bằng tình yêu và cần thời giờ, sự lắng nghe và cảm thông hơn là tiền bạc.

    Xin Chúa chúc lành cho các gia đình, cho công việc, toan tính của các gia đình. Xin cho mọi người biết làm việc với tinh thần yêu mến và làm việc theo giới răn lề luật của Chúa. Amen.

    Chữ ký của gioanha
    Ráng chiều ửng hồng, rạng đông sẽ đẹp

  2. Được cám ơn bởi:


+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới

Quyền hạn của bạn

  • Bạn không được gửi bài mới
  • Bạn không được gửi bài trả lời
  • Bạn không được gửi kèm file
  • Bạn không được sửa bài

Diễn Đàn Thánh Ca Việt Nam - Email: ThanhCaVN@yahoo.com