LỄ TRO 2020: THÀNH TÂM TRỞ VỀ VỚI CHÚA


Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – GP Xuân Lộc


Trong thiên nhiên, thời tiết thay đổi theo bốn mùa xuân hạ, thu đông. Trong đời sống đạo, hôm nay chúng ta bước vào mùa Sám hối, chay tịnh mùa trở về trong hy vọng. Có lẽ khác hẳn với mọi năm, mùa chay năm nay rơi vào cao điểm của mùa dịch viêm phổi do virus Corona gây ra đang làm cho cả thế giới sợ hãi. Cho đến hôm nay, con số những người bị mắc bệnh và con số những người tử vong vẫn chưa ngừng lại, cao điểm của đại dịch dường như chưa giảm. Mọi người đều đang cảm thấy bất lực, mạng sống của mình bị đe doạ trước con virus nhỏ bé này.

Sự kiện trùng hợp này gợi lại cho chúng ta rất nhiều sự kiện tương tự đã từng xảy ra trong Kinh Thánh. Lịch sử của dân Do Thái đã nhiều lần chứng kiến các cơn đại dịch như: cào cào phá hoại mùa màng, những cái chết bí ẩn do thần hủy diệt gây ra cho các con trai đầu lòng của người Ai Cập; bệnh tật trong sa mạc; đến những đại dịch chết người như dịch tả dưới thời vủa Đavit đã giết chết hàng vạn người. Trong tất cả những tai ương đó, các tiên tri đã xuất hiện để kêu gọi mọi người sám hối, trở về cùng Chúa, ăn chay hãm mình, đền tội để xin Thiên Chúa ra tay chặn đứng cơn dịch. Khi toàn dân thành tâm sám hối và cầu nguyện trong chay tịnh, thay đổi đời sống, Thiên Chúa đã ra tay cứu chữa họ. Trong những ngày qua toàn Giáo Hội đang kêu gọi mọi người chúng ta thiết tha cầu nguyện, ăn chay hãm mình và làm nhiều việc bác ái hy sinh để xin Thiên Chúa ra tay cứu nhân loại khỏi cơn đại dịch đang làn tràn. Chúng ta tin tưởng rằng cơn đại dịch này là lời nhắc nhở Thiên Chúa muốn gửi đến các vị lãnh đạo quốc gia, các dân tộc và mỗi chúng ta để mời gọi mọi người trở về với Chúa, tin tưởng nơi Chúa. Chúa cũng muốn chúng ta cầu nguyện nhiều hơn, thật lòng hơn và sám hối thay đổi lại cuộc sống, tin nhận sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa trên vũ trụ này, Chúa sẽ ra tay chặn đứng cơn dịch đang lan tràn.

Lời tiên tri Gioen chúng ta nghe trong bài đọc một hôm nay cũng xảy ra trong bối cảnh tương tự. Lúc đó dân chúng đã xa rời giới răn lề luật của Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho tai ương xảy ra như một lời nhắc nhở cho họ. Lời của vị tiên tri hôm nay là những đòi hỏi và cũng là những lời mời gọi tha thiết của Thiên Chúa: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta trong chay tịnh, khóc lóc và than van. Hãy xé lòng chứ đừng xe áo. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, vì Người là Đấng từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương.” Qua những lời mời gọi này, Thiên Chúa cho thấy Ngài chính là một người cha giàu lòng thương xót và sẵn sàng tha thứ, Ngài luôn đợi chờ con người quay trở lại với Ngài để được yêu thương. Thiên Chúa muốn một thái độ thật lòng thành tâm trở về, xé lòng chứ không xé áo. Trở về với Chúa bằng trọn cả con người và trái tim, tâm hồn, chứ không chỉ là hình thức bên ngoài.

Vị tiên tri cũng quả quyết rằng, một khi con người trở về với đường lối của Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ ngừng lại các tại hoạ và thay vào đó là phúc lành và tình yêu thương. Lời mời gọi trở về được gửi đến với tất cả mọi người không trừ một ai: “Hãy triệu tập dân chúng, từ cụ già đến các em thiếu nhi cũng như trẻ thơ còn đang bú sữa.” Mỗi người hãy dừng những hành động bất chính, những công việc gian dối, các thú vui xác thịt của mình lại như “tân lang ra khỏi loan phòng, tân nương rời bỏ phòng khuê” để ra trình diện Đức Chúa. Các thượng tế, những người phụng sự trong đền thờ cũng được mời gọi sám hối, than khóc và cầu xin cùng Thiên Chúa cách khẩn thiết hơn, để xin Chúa thể hiện quyền năng cho mọi người mọi dân nhận ra sự hiện diện của Chúa.

Chúng ta sám hối bằng cách nào? Thưa, Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta cách sám hối đó là: “Hãy làm hòa với Thiên Chúa…Đấng làm cho chúng ta nên công chính.” Tội lỗi và sự kiêu căng của con người đã biến con người trở thành thù nghịch với Thiên Chúa. Ngày nay, con người đang lạm dụng tự do Chúa ban để chống lại Thiên Chúa, muốn mọi người coi mình như thiên tử, như thần linh ngang hàng với Thiên Chúa, thách thức Thiên Chúa. Tất cả các hình thức tội lỗi đó đang trói buộc con người và che mờ lương tâm cũng như đôi mắt, khiến con người không còn nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa. Làm hoà với Thiên Chúa là thành tâm sám hối, xin lỗi Chúa, trở về với đúng thân phận thụ tạo của mình, khiêm nhường xin ơn tha thứ và xót thương của Thiên Chúa. Làm hòa với Chúa là thật lòng nối lại mối tương quan với Thiên Chúa, tương quan con cái với người cha của mình, tạo hoá với tạo vật, để từ đây sống tốt hơn, ngoan hơn.
Sám hối thật lòng trở về với Chúa còn được thể hiện qua việc thực hành việc bác ái, thành tâm cầu nguyện, chay tịnh hãm mình. Thực hành ba việc làm này chính là làm hoà, là làm mới lại mối tương quan với anh em, với Chúa và với bản thân.

Trước hết là điều chỉnh lại cái nhìn và mối tương quan với anh em: Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đặt việc bác ái lên trước hết: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em chớ phô trương…Khi bố thí đừng khua chiêng đánh trống. Khi bố thì đừng cho tay trái biết việc tay phải làm…Cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo sẽ trả lại cho anh em.” Tin Mừng dạy chúng ta trong mùa chay này và trong suốt cuộc đời người tín hữu đừng bao giờ xao nhãng việc phúc đức và việc bác ái. Vì khi thực hiện việc bác ái và những việc lành, chúng ta sẽ gặp được Chúa nơi anh chị em đau khổ, thiếu thốn và trái tim chúng ta sẽ mở ra với Thiên Chúa. Cũng cần nhớ rằng: Bác ái Kitô giáo không chỉ là việc từ thiện, cứu trợ, nhưng là san sẻ tình yêu thương của những người con cùng một Cha là Thiên Chúa. Khi làm những việc phúc đức và việc bác ái, chúng ta không tìm kiếm sự ca tụng, không phải để được ghi danh là ân nhân hoặc làm vì thành tích, chỉ tiêu, nhưng chúng ta làm vì trái tim thúc đẩy. Những việc bác ái, công đức được làm thường xuyên cách âm thầm, chỉ có mình Chúa biết, có sức chữa lành tâm hồn của chính chúng ta và thúc đẩy chúng ta tìm gặp Chúa qua những anh chị em đau khổ.

Kế đến là nối lại tương quan với Chúa qua việc cầu nguyện: “Khi cầu nguyện… đừng cho người ta thấy… hãy vào phòng đóng cửa lại và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo.” Như vậy, cầu nguyện cùng Cha nới kín đáo có nghĩa là Thiên Chúa muốn chúng ta đến với Chúa, gặp gỡ Chúa trong sự riêng tư của mỗi người. Qua việc gặp gỡ riêng tư này, chúng ta có thể dễ dàng trải lòng ra với Chúa, Chúa có thể soi dọi và chạm vào tận tâm hồn chúng ta, chúng ta có thể dễ dàng nghe được tiếng nhắc bảo của Chúa. Chắc chắn với việc gặp được Chúa cách riêng tư trong cầu nguyện như thế, Chúa sẽ ban sức mạnh để giúp ta biến đổi, giúp chúng ta nối lại mối dây thân tình Cha – Con với Chúa và mạnh dạn làm hòa cùng Chúa khi chúng ta lỗi lầm.

Việc sau cùng là điều chỉnh lại tương quan với bản thân qua việc chay tịnh: “Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ để cho người ta trông thấy…Còn anh em khi ăn chay, hãy rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm để không ai biết anh là người ăn chay ngoại trừ Cha của anh em, Đấng thấu suốt nơi kín đáo, sẻ trả lại cho anh em.” Cầu nguyện kèm theo việc chay tịnh, hy sinh hãm mình sẽ có sức lay động và chạm đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì thế theo truyền thống Kitô giáo, chúng ta luôn được mời gọi cầu nguyện kèm theo sự chay tịnh hy sinh hãm mình. Chay tịnh của Kitô giáo không nhắm vào việc ăn uống cho bằng sự hy sinh tiết chế, làm chủ con người và bản năng của mình. Con người tự nhiên luôn bị lôi cuốn hành động theo bản năng, dục vọng. Chay tịnh, hy sinh để giúp con người thực hành mỗi ngày việc kiểm soát bản năng ăn uống, điều khiển dục vọng và các ham muốn bản thân, giúp con người mỗi ngày sống thanh thoát nhẹ nhàng hơn và có nhiều giờ hơn dành cho Chúa và cho anh em.

Thưa quý OBACE, Giáo Hội mời gọi chúng ta dành 40 ngày mùa chay này để thực hiện việc bác ái, thành tâm cầu nguyện, chay tịnh hãm mình một cách triệt để hơn, cùng với sự trợ giúp của ơn Chúa, chúng ta sẽ được biến đổi nên những người con xinh đẹp hơn, dễ thương hơn và trong trắng hơn trước mắt Thiên Chúa. Vì thế, bước vào mùa chay với việc cúi đầu lãnh nhận nhúm tro, chúng ta nhìn nhận thân phận thụ tao, tro bụi của mình, nhận ra sự mong manh giới hạn của thân phận con người, để biết tín thác vào Chúa là Đấng hằng sống, là sức mạnh, là tình yêu và là Cha của chúng ta. Mùa chay này cũng là những ngày để mỗi người nhìn lại các tương quan của mình với Chúa với anh em và với chính mình. Những gì còn bận vướng bất hoà, bất bình, bất an…chúng ta mạnh dạn khắc phục sửa chữa. Bí tích Giải Tội và Thánh Thể chính là phương thế Chúa ban để chữa lành các mối tương quan này, để tìm lại sự bình an trong tâm hồn và thêm sức mạnh để giúp ta sống với một quyết tâm mới.

Xin Chúa cho mỗi chúng ta biết tận dụng 40 ngày hồng phúc này, đón nhận nhiều ơn Chúa, thực hành những điều Chúa dạy và xin Chúa biến đổi chúng ta. Amen