SUY TƯ MỤC VỤ MÙA COVID


Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Tuần Thánh 2020

Con Đường nào Chúa đã đi qua?

Trong những ngày phải cách ly vì đại dịch Covid này, trong tôi luôn vang lên câu hỏi: “Lạy Chúa, con đường nào Chúa đã đi qua?”. Tôi muốn đi sâu vào tình yêu của Chúa để hiểu rằng “nếu là Đức Giê-su thành Nagiaret năm xưa hiện diện trong thế giới lúc này, Ngài sẽ đi con đường nào để bày tỏ tình yêu của Ngài dành cho nhân loại chúng ta?”.
Nhìn ra thế giới tôi thấy các linh mục Ý đã chọn giải pháp mang ơn lành của Chúa đến với đàn chiên đang lo âu sợ hãi vì dịch bệnh. Có linh mục mang Mình Thánh đến chúc lành cho từng gia đình. Có nhiều linh mục đã can đảm đến xức dầu cho các bệnh nhân, và qua một cha đang du học tại Ý nói rằng: sở dĩ các linh mục già chết nhiều không phải vì các ngài ra đường mà vì các ngài cử hành an táng cho các nạn nhân ngay tại nhà tín hữu theo phong tục người Ý.

Một linh mục người Mỹ lại chọn giải pháp ngồi giải tội trong bãi đậu xe của nhà thờ để mọi người không cần xuống xe nhưng vẫn xưng tội, và vẫn giữ được khoảng cách an toàn. Có linh mục Tây Ban Nha thuê luôn cả máy bay để kiệu Mình Thánh Chúa chúc lành cho giáo dân của Ngài.

Đặc biệt tôi theo dõi bước chân của Đức Thánh Cha Phanxico, một cụ già đã luôn ra khỏi nhà lúc này. Ngài đi bộ đến nhà thờ Đức Bà Cả theo tôi nhớ cách nơi ngài ở cũng hơn 1km. Ngài đến cầu nguyện trước cây thánh giá đã từng cứu dân thành Roma và kiệu về Đền Thờ thánh Phê-rô để từ đây ngài ban phép lành cho toàn thế giới. Ngài đến một nhà thờ nơi có nhiều quan tài đang để đó chờ mang hoả táng để thịnh lặng và cầu nguyện. Trong các bài nói chuyện dường như Đức Thánh Cha luôn mở đầu với câu: “tôi muốn đến thăm từng gia đình anh chị em để chúc lành của Chúa cho anh em”.

Ý hướng ngài, và lòng khao khát của Ngài có lẽ là chọn con đường mà Thầy chí Thánh Giê-su sẽ đi chính là đến với những nơi tận cùng của khổ đau để an ủi, nâng đỡ và nhất là để cho những ai biết “Nhìn lên Thánh Giá và kêu cầu Chúa trên thánh giá sẽ được cứu độ”.

Người môn đệ của Chúa đã gọi là vác thánh giá là phải vác trên con đường khổ đau mới nên đồng hình đồng dạng với Thầy Chí Thánh Giê-su. Người tôi trung của Chúa không thể sống xa đàn chiên để tìm nơi an toàn cho mình! Theo Kinh Thánh thì ông Môi-sê cũng từng thưa với Chúa: Lạy Chúa, con muốn đàn chiên con ở đâu, thì con cũng ở đó. Con không thể xa họ.

Nhiều người nói rằng: các linh mục đi đến với con chiên lúc này là làm hại đàn chiên của mình! Tôi nghĩ, nếu linh mục dấn thân cũng trang bị đầy đủ quần áo ý tế, khẩu trang, bao tay, nước xúc miệng . . . như các nhân viên y tế họ vẫn đang dấn thân thì cũng là điều tốt đâu phải là mạo hiểm, mà là cứu người. Các nhân viên y tế giúp họ đỡ đau phần xác, các linh mục giúp tín hữu an ủi phần hồn.

Rất may ở Việt nam chúng ta chưa có xứ đạo nào là ổ dịch cần phải cách ly, nhưng để bảo vệ tốt nhất cho cộng đồng, chính phủ mời gọi người dân không nên tập trung quá 20 người để tránh rủi ro, nhưng không hiểu tại sao nhiều linh mục lại chọn cách online để gặp dân, và có nơi đã không dám cho bệnh nhân rước lễ hàng tháng, có nơi đóng cả cửa nhà thờ, có nơi còn cấm cả cộng đoàn dòng tu không được mời các cha đến dâng lễ? Sao không chọn gỉai pháp cử một cha dòng liên quan giúp họ trong lúc hoạn nạn mà lại ngăn cấm hoàn toàn? Có nơi còn cấm các nhà dòng không được rước lễ mặc dù họ có đủ lý do vì hoàn cảnh và lòng khao khát để rước lễ. Trong khi linh mục chánh xứ có quyền và bổn phận phải cho tín hữu rước lễ nếu vì hoàn cảnh họ không thể đến nhà thờ? Và trong lúc nguy tử thì buộc linh mục phải mang Mình Thánh Chúa đến cho họ, nhưng đáng tiếc lại có cả một văn bản cấm!

Thánh Thể Chúa là để ban phát! Vậy chúng ta đã ban phát thế nào? Hay chỉ ở quanh nhà thờ, làm lễ và cho rước lễ như một bổn phận mà không thấy trách nhiệm phải nuôi dưỡng đàn chiên? Trong lúc này đàn chiên đang quá thiếu thốn mọi sự sự, và nhất là sự cách ly của Việt nam mới chỉ dừng ở không tập chung quá 20 người, và như vậy, chúng ta cũng còn nhiều giải pháp để nuôi dưỡng bánh bởi trời cho đàn chiên?

Các Dòng tu không được mời các cha đến thì họ có thể đến từng 20 người xin một linh mục nào đó dâng lễ thì đâu vi phạm pháp luật nào?

Các gíáo dân vẫn có thể đến viếng Chúa và rước Chúa nếu họ thực sự khao khát?

Các giáo dân đặc biệt người già, người đau bênh họ không thể đến với Chúa thì tốt nhất các môn đệ của Chúa hãy mang Chúa đến cho họ.

Chính vì thế, Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay, tôi đã chọn vác thánh giá quanh giáo xứ và dựng lên từ con hẻm để cho mọi người tôn thờ, đặc biệt là “ngước nhìn lên Thánh Giá cứu độ của Chúa để xin ơn chữa lành và gìn giữ họ khỏi mọi sự dữ”.

Đôi dòng suy tư các nhân về việc mục vụ không liên quan đến tín lý giáo lý đức tin, vì thế, chỉ là cách chọn và dân thân của từng người.

Hy vọng sau mùa Covid này Giáo hội sẽ có nhiều cách chọn lực để phục vụ hơn.