CHÚA NHẬT VI SAU PHỤC SINH
Bài đọc 1 : ( Cv. 8: 5-8, 14-17). Bài đọc 2 : ( 1 Pr. 3: 15-18).Tin Mừng : ( Ga. 14: 15-21)

TẢN MẠN VỀ YÊU

Từ ngàn xưa cho mãi tận đến hôm nay, người ta đã tốn không biết bao công sức, giấy mực để nói, để viết về tình yêu. Yêu và được yêu gần như một khát vọng vô tận của con người. “ Trong tình yêu, bậc vương giả cũng như người hành khất đều giống nhau” (Ngạn ngữ An Độ). Hạnh phúc, đau khổ do tình yêu mang lại cũng không ít. “ Tình yêu là một hình phạt. Ta bị phạt vì không thể sống một mình.” ( Marguerite Yourcenar)
Trong Diễn từ gĩa biệt, Chúa Giêsu đã đưa ra một điều răn mới về yêu thương, chỉ cho các môn đệ con đường về Nhà Cha, việc Ngài đi dọn chỗ trước cho họ, và sẽ sai Đấng Phù Trợ đến để an ủi họ. Tin Mừng Chúa nhật VI Mùa Phục sinh, năm A, chúng ta lại được nghe lại lời trăn trối của Chúa ( Ga. 14: 15-21) : “ Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy.” Nhưng giới răn mới của Thầy là gì? Là “ Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”( Ga. 13: 34)
Thế nào là yêu như con người yêu và yêu như Chúa yêu?
Yêu như người ta yêu.
Trong tình yêu đồng loại giữa người với người hay trong tình yêu nam nữ, ít nhiều đều có tính chất cảm tính, tùy sở thích hay theo cảm quan của mình mà yêu hay ghét. Do đó, không thể không mang tính chất chủ quan hay vị kỷ. “Trong tất cả các loại tình cảm, tình yêu là thứ tình vị kỷ nhất , và bởi thế khi tình yêu bị thương tổn, nó trở thành ít độ lượng nhất”( Nietzsche).
Trong tình yêu con người có pha lẫn ghen ghét thù hận, có đố kỵ ghen tương.
“ Yêu nên tốt, ghét nên xấu.” Khi yêu thì “ cau sáu bổ ba, ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”( ca dao). Hay khi còn yêu thì cao thấp, béo gầy đều đẹp, đều tốt, nhưng khi hết yêu rồi thì :
Cao chê ngỏng, thấp chê lùn,
Béo chê béo trục béo tròn,
Gầy chê xương sống xương sườn phơi ra ( Ca dao ).
Có lẽ người ta sẽ chê cười, nhạo báng một ai đó là khùng, là điên, khi không yêu một người có « má lúm đồng tiền », có « đối mắt bồ câu », có « sóng mũi dọc dừa » ...mà lại đi yêu một người đui què, tàn tật xấu xí, bị con người bạc đãi, bị xã hội bỏ rơi.
Tình yêu như thế là một thứ tình yêu nhất thời, chóng qua,vị kỷ. Yêu người hay cũng chỉ là yêu chính ta ! Tình yêu như thế chưa phải là tình yêu Thiên Chúa mong đợi, chưa phải là tình yêu mà Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ phải thi hành.
Yêu như Chúa yêu.
Thiên Chúa là Tình yêu. Trong tình yêu Thiên Chúa không có ghen ghét, không có hận thù, không phân cách, không có ích kỷ, không vụ lợi. Bản chất của Tình yêu Thiên Chúa là ban tặng, cho đi, hiến dâng.
Có lần Chúa Giêsu đã hỏi Phêrô : “ Phêrô, con có mến Thầy không?”. Không phải Chúa Giêsu chỉ hỏi ông một lần mà đến ba lần. Cả ba lần, Phêrô đều quả quyết : “ Lạy Thầy, Thầy biết con mến Thầy.” Nhưng đến lần thứ ba thì có vẻ Phêrô tỏ ra đôi chút bực bội. Chúa biết rồi ra Phêrô sẽ chối Chúa ba lần, nhưng Chúa không nghi nghờ, không giận ông, mà còn trao cho ông quyền lãnh đạo anh em, lãnh đạo Giáo hội đầu tiên.
Rồi với một Guiđa, vì ba mươi đồng bạc mà bán đứng Thầy mình bằng một nụ hôn, bị chê bai là « cõng rắn cắn gà nhà », nhưng Chúa Giêsu vẫn yêu thương, vẫn tha thứ, không chút oán hận trách móc.
Tiếp đến là bị quân lính đánh đập nhục mạ hết sức tàn nhẫn, thế mà chẳng những Chúa không thù oán, không ghét bỏ họ mà con xin Chúa Cha « tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm. »
Và sau cùng, ngay cả tên trộm có lòng thống hối ăn năn, ngay đêm hôm đó, Chúa đã cho anh về với Cha trên trời.
Đó là Tình yêu của Thiên Chúa, Tình yêu « đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm, đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu. » ( Kinh Hoà bình)
Tột đỉnh của Tình yêu Thiên Chúa là « thí mạng sống vì con chiên », là chết cho người mình yêu. Hình ảnh người Cha nhân hậu hay người Mục tử nhân lành đã nói lên tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.
Đáp lại Tình yêu của Thiên Chúa, Kitô hữu phải yêu Chúa như thế nào ?
Giới răn mà Chúa Giêsu muốn truyền lại cho chúng ta là : “ Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giời răn Thầy »( Ga.14 :15)
Yêu mến Chúa thì phải giữ giới răn Chúa, mà giới răn Chúa là : « Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em » ( Ga.15 :12). Như thế yêu thương anh em là yêu thương Chúa.
Yêu thương anh em là dấu chỉ, là bằng chứng chúng ta là môn đệ của Thiên Chúa Tình yêu. « Người ta cứ dấu này mà nhận ra anh em là môn đệ của thầy, là anh em thương yêu nhau »( Ga. 13 :35)
Yêu mến Chúa, thì phải giữ giới răn Chúa, mà giới răn Chúa là ĐỪNG và HÃY. Hãy biết gạt bỏ những điều ĐỪNG mà Chúa đã ngăn cấm và hãy thực thi những điều HÃY mà Chúa khuyên làm.
ĐỪNG mắt đền mắt, răng đền răng. Đừng xét đoán kẻ khác. Đừng kết án người đồng loại. Đừng kiêu ngạo. Đừng hà tiện. Đừng hờn giận. Đừng mê ăn uống. Đừng ghen ghét...
HÃY yêu thương anh em. Hãy yêu mến kẻ thù. Hãy cho đi cách quảng đại. Hãy tha thứ cho kẻ có lỗi với mình. Hãy siêng năng việc Chúa. Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng...
Theo đạo, giữ đạo, giữ các giới răn cho mình chưa đủ, mà phải sống đạo, phải thực hành những giới răn Chúa truyền dạy. Như thế, Chúa không gọi chúng ta là « tôi tớ » nữa, nhưng là « bạn hữu ».
Kitô hữu là Bạn hữu của Chúa Giêsu Kitô. Điều này đưa con người Kitô hữu lên một cuộc sống cao hơn : cuộc sống của Thiên Chúa, Đấng là Tình yêu. Do đó, người Kitô hữu được xem như là người yêu.
Qua chữ Yêu, Chúa Giêsu cho xoay vòng chung quanh Ngài, Chúa Cha, môn đệ và mọi người : Yêu xuất phát từ Thiên Chúa. Do đó, người nào yêu, người đó giống Thiên Chúa.
Chúng ta cần hiểu và bắt chước cách yêu của Thiên Chúa qua cách yêu của Chúa Giêsu Kitô. Yêu Chúa như Chúa Giêsu yêu chúng ta và yêu thương anh em như Chúa Giêsu yêu chúng ta.
Lạy Chúa là Thiên Chúa Tình yêu. Xin ban cho chúng con lòng vị tha, đức can đảm để biết tha thứ cho anh em, biết hy sinh chính bản thân mình. Ngày nào chúng con chưa biết chết cho tội lỗi, cho dục vọng, cho ý riêng, cho ích kỷ, ngày đó chúng con chưa biết yêu. Xin giúp chúng con mở rộng vòng tay ôm lấy Chúa và ôm lấy mọi người trong tình thương như Chúa đã dành cho chúng con.

Hoàng Trung