Cư xử với người ngoài Công giáo

Nhiều người Công giáo gọi những người không theo đạo Công giáo là ngoại đạo hay quân bên đời. Cách gọi này có phần thiếu tôn trọng.

Người bên ngoài hay người ngoại hoặc người bên lương là những từ nhiều người Công giáo thường dùng để chỉ những người không theo đạo Công giáo.

Những kiểu nói này vô hình trung đã gây bực bội, khó chịu cho nhiều người ngoài Công giáo vì họ cho là bị khinh thường và đánh giá thấp.


Có thể do các nói hay cách cư xử lạ lùng của người Công giáo dưới mắt người ngoài đạo, mà những người này nhìn người Công giáo không mấy thiện cảm.

Người Công giáo “kỳ cục”


Người Công giáo Việt Nam chỉ là con số nhỏ trong cộng đồng dân tộc đông tới hơn 90 triệu dân. Chúng ta, người Công giáo, xưng mình là có đạo và quen sống với những người đồng đạo.


Chúng ta thường dùng ngôn ngữ theo lề thói của những người xưng mình là có đạo. Nhưng có mấy khi chúng ta nghĩ đến những người không cùng một đạo ở xung quanh và những phản ứng của họ khi thấy người Công giáo nói năng, cư xử?

Có thể vì kiểu nói hay cách cư xử lạ lùng của người Công giáo dưới mắt người ngoài đạo, mà những người này nhìn người Công giáo không mấy thiện cảm và cho là “kỳ cục”.

Quả thế, theo một nghĩa nào đó, người Công giáo “kỳ cục” thật, vì họ có suy nghĩ và hành xử khác với người ngoài Công giáo. Có lẽ vì vậy Thánh Phêrô mới bảo các Kitô hữu hãy coi mình như những kẻ xa lạ giữa trần gian (I Pr2,17).

Xa lạ ở đây phải hiểu theo nghĩa là vì theo đạo, phải giữ những điều đức tin dạy mà không giống những người khác.

Để không xa lạ với văn hóa dân tộc

Ở đây có vấn đề hội nhập văn hóa. Làm thế nào để người Công giáo không còn bị coi là xa lạ với văn hóa dân tộc và đồng bào của mình?

Người Công giáo cũng là người Việt Nam, cùng có chung một nguồn gốc và một di sản văn hóa. Những gì là giá trị của tổ tiên để lại, người Công giáo cũng phải tôn trọng và yêu quý. Vì thế hiện nay mới có phong trào tìm lại những giá trị trong văn hóa Việt Nam để đưa vào đạo và trình bày đạo trong ngôn ngữ và màu sắc văn hóa đó.

Vậy người Công giáo nên để ý đến những người bên ngoài, xem người ta hiểu và nghĩ gì về chúng ta, để chúng ta khỏi làm cớ gây ngạc nhiên và khó chịu cho họ về cử chỉ, ngôn ngữ và lối hành xử của chúng ta.

Vì tinh thần truyền giáo, người Công giáo chúng ta cũng nên lưu tâm đến hành vi, cử chỉ, lời nói của mình giữa những người không phải là Công giáo.

Chúng ta truyền giáo không phải chỉ bằng lời rao giảng nhưng nhất là bằng thái độ và đời sống với lòng trọng kính người khác, bằng đời sống phù hợp với những điều đạo dạy được cụ thể hóa ra bên ngoài, qua những hành động thiết thực hơn là chỉ đọc kinh cầu nguyện, tổ chức hành lễ, hành hương không thôi.

LM ANRÊ ĐỖ XUÂN QUẾ, OP

nguồn: donghanhonline.com