Tối thứ 2 (1/12/2008): Cảnh bầu trời đêm ngoạn mục với Mặt Trăng, Sao Kim Sao Mộc tụ họp
Đôi khi một sự kiện gì đó xẩy ra trên bầu trời đêm mà làm cả những người không bao giờ quan tâm tới thiên văn cũng phải chú ý. Thứ Hai tới đây cũng sẽ xẩy ra một sự kiện như vậy. Đêm đó, Mặt trăng lưỡi liềm rất mỏng sẽ hiện diện rất gần với 2 hành tinh sáng nhất trên bầu trời, đó là sao Kim và sao Mộc.

Chiều tối khi Mặt Trời vừa lặn, nhìn về hướng Tây bạn sẽ thấy một quang cảnh ngoạn mục (vietastro)

Ngay cả với những người không mấy khi để ý tới bầu trời đêm nếu họ liếc nhìn cảnh tượng 3 thiên thể đứng gần nhau như vậy chắc chắn cũng sẽ phải thốt lên: “ Hai cái ngôi sao sáng bàng bạc đứng cạnh Mặt trăng là ở đâu ra vậy trời?”. Đôi khi những sự kiện như vậy có thể dẫn tới những cú phone về các cơ quan chức năng, thậm chí với nội dung đại loại là “ hình như có UFO đang đứng cạnh Mặt trăng..”!!!

Những thiên thể thật sáng !
Từ cuối tháng Tám, sao Kim đã hiện lên để tô điểm cho bầu trời lúc chạng vạng tối với cái tên dân gian : sao Hôm. Không một hành tinh hay ngôi sao nào có thể so sánh với sao Kim về độ sáng. Trong chiến tranh thế giới thứ II, những người lo nhiệm vụ cảnh báo máy bay đã từng bị nhầm sao Kim là máy bay địch. Đã có trường hợp, súng phòng không đã phát hỏa do nhìn nhầm sao Kim thành mục tiêu. Bản thân tôi đã rất may mắn khi được ngắm sao Kim từ trên máy bay ở độ cao 10000m. Có thể nói, đó là cảnh tượng ngoạn mục nhất mà tôi từng đựơc ngắm – ND.

Quang cảnh ngoạn mục vào chiều tối thứ 2 (1/12/2008) ở hướng Tây
Quang cảnh ngoạn mục vào chiều tối thứ 2 (1/12/2008) ở hướng Tây
Vào mùa đông này, sao Kim là một ngôi sao sáng không có địch thủ với độ sáng luôn ở mức cao nhất trong suốt thời gian chập tối. Với độ ly giác so với Mặt trời của sao Kim là 3 giờ đồng hồ vào 1/12/08 và tăng lên 4 giờ vào tháng 1 năm 2009, đó chăc chắn là ngôi sao mà bạn sẽ thấy đầu tiên sau khi Mặt trời vừa lặn. Thực ra, nếu bầu trời trong, không khí sạch sẽ, bạn có thể tìm kiếm sao Kim ngay cả khi Mặt trời chưa lặn.
Từ tháng 12, sao Mộc nằm ngay phía trên sao Kim và chuyển động ngược hướng với sao Kim. Sao Mộc ngày càng mọc thấp đi, trong khi sao Kim thì ngày một cao. Vào cuối tháng 12 tới, sao Mộc còn gặp một hành tinh khác, đó là sao Thuỷ, nhưng tới lúc đó, anh chàng khổng lồ đã quá gần Mặt trời nên thực khó quan sát. Sao Mộc sẽ nằm ở phía đối diện với Trái đất ở phía bên kia Mặt trời vào ngày 24/1/09.

Mặt trăng phản xạ ánh sáng từ Trái đất
Sự tụ họp của Mặt trăng lưỡi liềm đầu tháng với một ngôi sao hoặc hành tinh sáng có thể coi như một cảnh tượng huy hoàng đến mê người. Nhà thơ, nhà phê bình và triết học của Anh , Samuel Taylor Coleridge (1772-1834) đã sử dụng một cảnh tượng thiên văn như vậy để làm điềm báo trong một bộ sử thi của ông. Thêm nữa, các bạn có thể nhận thấy một số quốc gia đã sử dụng hình ảnh trăng lưỡi liềm với một ông sao để làm quốc kỳ của họ, ví dụ như Thổ nhĩ kỳ, Pakistan, Malaysia, Mauritania và Tunisia.

Mặc dầu vậy, vào đêm thứ 2, bạn vẫn có thể nhìn thấy toàn bộ bề mặt của Mặt trăng (mặc dầu hôm đó mới là mồng 4/11 âm lịch). Phần bị tối của Mặt trăng được ánh sáng phản xạ từ Trái đât hắt lên tạo ra một nền ánh sáng mờ ảo. Hình ảnh này đôi khi còn được gọi theo kiểu mỹ miều là “ Trăng già trong vòng tay Trăng trẻ”. Leonardo da Vinci (1452 – 1519) đã lần đầu tiên phát hiện ra hiện tượng này đúng với bản chất chúng ta biết ngày nay : “ánh sáng từ Mặt đất”.

Nếu ta đứng từ trên Mặt trăng, “Đất rằm” sẽ có độ lớn khoảng 3,7 lần diện tích so với mặt trăng rằm. Hơn nữa, các phần đất, đại dương, mây làm cho Trái đất phản xạ ánh sáng Mặt trời tốt hơn so với Mặt trăng. Như vậy tổng thể, độ phản xạ ánh sáng của Trái đất so với Mặt trăng là lớn hơn từ 45 tới 100 lần. Vào những ngày không trăng trên Trái đất thì trên Mặt trăng, Trái đất của ta đang ở kỳ “Đất tròn”, như vậy ánh sáng phản xạ hắt lên Mặt trăng càng mạnh mẽ. Điều này giải thích tại sao hiện tượng ánh sáng phản xạ 2 lần thể hiện rõ vào những ngày trăng đầu (hoặc cuối) tháng âm lịch.

Như vậy trong hình Mặt trăng lưỡi liềm mỏng đầu tháng âm lịch, phần sáng rõ hình lưỡi liềm là do phản xạ ánh sáng từ Mặt trời, còn phần tối mờ còn lại là do phản xạ ánh sáng từ Trái Đất, đây là ánh sáng phản xạ 2 lần (Mặt trời => Trái đất => Mặt trăng).

Lưu ý đó chỉ là sự phối cảnh
Chúng ta cần lưu ý rằng, cảnh tượng đẹp mắt hôm tới đây chỉ là sự phối cảnh mang tính ảo giác: Mặt trăng cách chúng ta ‘chỉ có’ 403900km trong khi sao Kim cách xa hơn 371 lần (149,67 triệu km), còn sao Mộc thì còn xa hơn nữa : 2150 lần xa hơn với khoảng cách 869 triệu km.

Nếu ai đó sử dụng ống nhòm hoặc kính thiên văn nhỏ để xem hiện tượng này thì sẽ thấy Mặt trăng khá ấn tượng với hình ảnh như dạng 3D , nhưng với Venus thì khá đơn điệu với chỉ hình một chiếc đĩa trắng bạc không tròn hoàn toàn. Trong những tuần sau đó, hình ảnh sao Kim qua ống nhòm sẽ biến đổi khi góc tới của ánh sáng Mặt trời và hướng nhìn từ Trái đất thay đổi. Vào khoảng cuối tháng Hai và tháng Ba, sao Kim nhìn qua ống nhòm hoặc kính thiên loại nhỏ sẽ thể hiện rõ là một hình ‘ông trăng lưỡi liềm’.

Sao Mộc mặc dù có độ sáng kém hơn nhưng lại là một đối tượng khá đáng xem. Hình ảnh qua kính thiên văn là một đĩa tròn khá lớn, những dải mây đặc trưng và các vệ tinh Galileo. Vào hôm thứ Hai, cả 4 vệ tinh Galileo đều có thể xem được. Callisto nằm riêng về một phía của Jupiter, trong khi 3 vệ tinh kia Ganymede, Io và Europa nằm về phía kia. Io và Europa nằm rất gần nhau, chỉ khoảng 1/6 độ rộng biểu kiến của sao Mộc.

Châu Âu theo dõi được Sao Kim bị che khuất (Kim thực)
Cảnh tượng sao Kim, sao Mộc cùng các vệ tinh thật là mãn nhãn đối với những người yêu thích thiên văn. Những người dân sống ở một số khu vực thuộc châu Âu còn được chiêm ngưỡng một cảnh tượng hiếm thấy hơn : Mặt trăng sẽ đi ngang qua mặt sao Kim.

Các nhà thiên văn học gọi hiện tượng này là “sự che khuất”, xuất phát từ tiếng La tinh occultadre có nghĩa là “cất giấu”. Cảnh tượng bắt mắt này sẽ thấy rõ ở hầu hết các nước Đông Âu. Đi thêm về phía tây châu Âu, sao Kim sẽ bị biến mất đằng sau phần tối của Mặt trăng (phần phản xạ 2 lần). Khi sao Kim bắt đầu xuất hiện trở lại, trông hành tinh mỹ miều này giống như một viên ngọc rực sáng gắn trên vành trăng lưỡi liềm mỏng đầu tháng.

Chúng ta lưu ý rằng sự kiện ‘Kim thực’ như trên hoàn toàn không dễ dàng xẩy ra đối với một khu vực địa lý cho trước. Ví dụ như làn cuối cùng thành phố London được chứng kiến cảnh Kim thực là vào ngày 7/10/1961. Và sau lần Kim thực năm 2008 này, người dân nước Anh sẽ chỉ được chiêm ngưỡng cảnh tượng lạ mắt này vào ngày 10 tháng Giêng năm 2032.

Thohry
Theo Space.com
http://www.vietastro.org/news/index....020&Itemid=265