Love Telling ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN và Quý Khách: BQT-TCVN xin cáo lỗi cùng ACE vì trục trặc kỹ thuật 2 ngày vừa rồi. Trân trọng! Loan Pham nhắn với Gia Đình TCVN: Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể quý anh chị em một Giáng Sinh ấm áp bên gia đình, người thân và tràn đầy ơn lành từ Chúa Hài Đồng. ThanhCaVN nhắn với TCVN: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 16 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. Edit LM Loan Pham nhắn với TCVN: Kính Chúc Cà Nhà Một Tam Nhật Thánh và Một Mùa Phục Sinh Tràn Đầy Thánh Đức ... Loan Pham nhắn với TCVN: Chúc mừng năm mới đến quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể quý anh chị em tron gia đình TCVN thân yêu... Xin Chúa xuân ban nhiều hồng ân đến mọi người. Amen ThanhCaVN nhắn với ÔB & ACE: Kính chúc Năm Mới Quý Mão: Luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa ThanhCaVN nhắn với Gia đình TCVN: Kính chúc Giáng Sinh & Năm Mới 2023: An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa. bethichconlua nhắn với Gia Đình ThanhCaVietNam: Chúc mừng sinh nhật thứ 15 website ThanhCaVietNam. Kính chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể anh chị em luôn tràn đầy ơn Chúa. Amen ThanhCaVN nhắn với Quý ACE: Nhân dịp Sinh Nhật lần thứ 15 Website, BQT-TCVN kính chúc Quý Cha, Quý Tu sỹ Nam Nữ, Quý Nhạc sỹ - Ca Trưởng – Ca sỹ, Quý Ân Nhân và toàn thể ACE luôn tràn đầy HỒNG ÂN CHÚA. phale nhắn với cecilialmr: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với thiên thần bóng tối: Nhớ em nhiều lắm ! cầu mong nơi ấy được bình yên. phale nhắn với teenvnlabido: Ngày mai (1/6) sinh nhật của bạn teen / chúc mọi điều tốt lành trong tuổi mới. phale nhắn với tất cả: Xin Chúa cho dịch bệnh sớm qua đi và ban bình an cho những người thành tâm cầu xin Ngài. ThanhCaVN nhắn với ACE: Kính chúc ACE: Giáng Sinh & Năm Mới 2021 - An Bình & luôn tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa

+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới
kết quả từ 1 tới 1 trên 1

Chủ đề: Vì sao mình phải tin chúa?

  1. #1
    Nguyen That-Khe's Avatar

    Tuổi: 87
    Tham gia ngày: Aug 2013
    Tên Thánh: Đaminh
    Giới tính: Nam
    Đến từ: California, USA
    Quốc gia: Vietnam
    Bài gởi: 71
    Cám ơn
    1
    Được cám ơn 89 lần trong 53 bài viết

    Post Vì sao mình phải tin chúa?

    Vì sao mình phải tin Chúa?

    Lời mở đầu với con cháu. Những dòng Ba viết dưới đây không phải như một cuốn sách được sửa soạn trong một giai đoạn ngắn mà là những suy tư được ghi lại, tích lũy theo thực nghiệm trải dài trong cuộc sống hằng ngày. Thỉnh thoảng, Ba vẫn duyệt xét lại những dòng này và thay bằng cảm nghiệm mới thay đổi theo tuổi đời. Và, mỗi lần duyệt xét và sửa chữa như vậy, Ba lại muốn nhấn mạnh với các con rằng mình nhìn đời mỗi lúc có khác nhau đấy nhé. Nghĩa là mình nên tập lắng nghe để học hỏi thêm chứ đừng nghĩ là mình đã biết hết nhé.Một bài học đáng hối hận mà Ba muốn kể cho các con ghi nhớ là khi còn trẻ, Ba (cũng như một số bạn bè khác) thường hay chỉ trich giáo lý và giáo huấn của Giáo Hội, Ba luôn nghĩ mình đã biết nhiều lắm. Thực ra nhiều điều Ba được học lúc nhỏ chỉ là một số giáo lý căn bản đủ để xưng tội và thêm sức ở tuổi thơ. Rồi khi đi tu, được tiếp tục học hỏi thêm thì Ba lại càng tưởng mình biết hết… Nhưng đến nay dù vẫn cố gắng học hỏi thêm hàng ngày, Ba lại thấy ràng mình chỉ vừa biết đủ để vững vàng thêm đức tin mà thôi. Thật đáng tức cười khi nhìn lại thái độ kiêu ngạo của mình ngày xưa.Ba gạn lọc hết các chi tiết và chỉ viết thật tóm tắt, chỉ gợi lên những ý chính như cái chìa khóa để gợi ý đến những chi tiết của đề mục. Ba biết tuổi trẻ không thích dài dòng. Ba mong muốn các con coi đây là cái tài sản tinh thần (legacy) Ba để lại cho các con. Cái tài sản của thực nghiệm, thử thách trong cuộc đời của Ba qua những thành công, thất bại, lầm lỗi, có tốt có xấu, vui buồn…Hy vọng những tâm tư này giúp các con hiểu thêm về cuộc đời, tình Cha Mẹ, Gia đình, Đạo-giáo… Ba muốn thêm vài hàng nữa trong phần mở đầu ở đây là: THÁI ĐỘ NÊN CÓ KHI BÀN VỀ TÔN GIÁO. Tôn giáo thuộc lãnh vực tâm linh, mông lung và trừu tượng không nên chỉ căn cứ vào lý luận mà nên dành một phần cho cảm nghiệm.Khi bàn về tôn giáo, mình nên có thái độ cởi mở và hợp tác hơn là tranh thắng. Khi tranh thắng, mình có khuynh hướng chỉ chọn lựa ra những lý luận để thắng đối phương và bỏ qua hoặc che đậy những lý luận mà nếu nói ra sẽ có thể đi đến kết luận bất lợi cho khuynh hướng của mình. Và trường hợp này thì mình có thể thắng những chân lý không được soi sáng.Đức tin là một ơn to lớn không chỉ do lý luận mà có, ta phải biết cởi mở tâm trí để đón nhận. Ba nhớ mang máng một câu nói: “Người sẵn lòng tin thì chẳng cần nói nhiều còn người không muốn tin thì có nói cũng bằng thừa”.Dưới đây là đề tài: VÌ SAO MÌNH TIN CHÚA? Và những tiêu đề Ba chọn lựa để trả lời.

    1. VÌ CHÚA LÀ ĐẤNG TẠO HÓA.



    Có nhiều người không tin có Đấng Tạo Hóa:
    • Người thì vịn vào khoa học để giải thích vạn vật là do quá trình tiến hóa mà thành, Big-Bang hay Người bởi Khỉ và Khỉ bởi con gì đó, vật này do vật khác nảy sinh và cứ thế đi ngược dòng cho tới vật đầu tiên là gì gì đó và chất liệu đầu tiên này có thể coi như là KHÔNG hoặc không biết chăng!
    • Hoặc như bên đạo Phật thì tin là vạn vật tự nhiên mà có. Nghĩa là cũng từ KHÔNG mà có!
    • Đạo Công Giáo cũng tin rằng vạn vật từ KHÔNG mà ra nhưng có điều khác biệt là mình biết rằng có một Đấng đã đứng ở điểm khởi đầu KHÔNG để biến thành CÓ, đó là Tạo Hóa, là Thiên Chúa.Đây là Ba thử tìm những điểm tương đồng giữa các phe phái để có thể tránh bớt tranh luận gay go.
    Trong văn hóa Nhân Loại, nhất là Phương Đông, đều nói đến một Đấng thiêng liêng bằng những tên gọi như: Ông Trời, Ông Tạo, Thượng Đế, Thiên Tào, Thiên Chúa, ĐẠO (không phải là ĐƯỜNG) .v.v., tất cả đều có chung một cái nhìn hướng thượng tới một đấng cao cả, toàn năng, không định danh chính xác được như Lão Tử đã nói.
    Những người đưa ra thuyết này thuyết kia đều có cơ sở uyên thâm, Ba không đủ hiểu biết để phê bình. Ba chỉ nghiên cứu được đôi chút với mục đích bồi bổ cho Đúc Tin của mình thêm vững vàng.

    2. VÌ KINH THÁNH LÀ NGUỒN GỐC ĐÁNG TIN.
    Kinh Thánh được khởi sự viết ra ba bốn ngàn năm nay. Kinh Thánh gồm hai bộ: Cựu ước và Tân ước gồm tất cả là 73 cuốn. Tất cả không phải được viết đồng thời do một trường phái mà do nhiều người, từng thời điểm và không gian cách biệt nhau, trải dài mấy ngàn năm. Mấy chục tác giả thuộc nhiều thành phần xã hội. Có sách do các Vua, các Thẩm Phán là những thành phần cao sang và có các Tiên Tri thuộc thành phần dân dã, có tác giả thuộc thành phần con nít như Daniel, v.v.
    Cựu-ước: Chất liệu và văn tự của bộ Cựu-ước đã được giao nghiệm bởi các khoa học gia là phù hợp với niên ký của thời Cựu-ước. Vậy nếu niên ký của văn tự đã được xác định bởi khoa học thì ý nghĩa của văn từ trong Cựu-ước có giá trị thế nào, ta hy tách ra làm hai lĩnh vực:
    a. Lãnh vực cụ thể và vật-lí: có tính lịch sử và các địa danh tồn tại cho tới ngày nay. Ví dụ công cuộc vượt ra khỏi đất Ai-cập của dân Do-Thái và mấy chục năm di cư tiến về Đất-hứa. Đây là chứng tích lịch sử vĩ đại mà từ đó tới nay hàng trăm đời dân Do-thái dù tản mát khắp nơi trên thế giới vẫn bảo toàn được lịch sử này một cách rõ ràng và trân trọng. Đây là những chứng cớ sống của hàng triệu triệu người Do-thái trải qua mấy ngàn năm nay.
    b. Lãnh vực trùu tượng và thiêng liêng: Nếu công nhận sự hiện hữu của bộ Cựu-ước và sự hiển nhiên của những chứng tích lịch sử thì ta đương nhiên phải thành tâm đánh giá đến những phần trùu tượng và thiêng liêng vì chúng liên đới chặt chẽ với lãnh vực cụ thể và lịch sử kể trên.
    Có lẽ lãnh vực mà người ta phê phán nhiều nhất đó là phần đầu của Cựu-ước: Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và loài người. Những đoạn văn này có tính cách huyền thoại, không thể giải thích theo khoa học ngày nay. Ba lý luận đơn giản thế này: Nếu ta tin có sự tạo dựng thì đương nhiên ta hiểu rằng đấng Tạo-hóa phải là đầy quyền năng, dựng nên muôn loài với đầy đủ tính toán hoàn hảo. Ngài đương nhiên có thể truyển lại cho ông Môi-sen (là người viết ra Kinh-thánh) viết ra đầy đủ những chi tiết khoa học kĩ thuật của mọi tạo vật khi Ngài dựng nên.
    Nhưng nếu muốn viết ra thì sao? Ông Môi-sen sẽ phải viết ra hàng triệu trang sách kể ra những công thức khoa học kĩ thuật mà chính ông này cũng như cả dân tộc Do-Thái không có khả năng để hiểu và ngay cả thời nay cũng không mấy người hiểu được. Vậy không hiểu thì viết ra để làm gì? Có lẽ đó là lí do tại sao Cựu-ước có những đoạn văn kiểu huyền thoại.




    Noi dung Tân Ước: Phúc âm gồm bốn tác giả thì có ba tác giả (Mathieu, Marco, Luca) viết theo một kiểu giống nhau. Cũng kể lại những công việc của Chúa Kitô trong ba năm giảng đạo, các lời Chúa nói và việc Chúa làm. Riêng cuốn thứ tư của Gioan thì đi sâu về tình yêu và ơn cứu độ của Chúa.
    Liên hệ giữa Tân Ước và Cựu Ước: Cựu Ước dọn đường cho Tân Ước. Hàng ngàn năm trước, mấy chục tác giả khác nhau, thời điểm và không gian khác nhau, đã tiên báo về Đấng Cứu Thế (Tân Ước). Nhìn vào tổng quát thì điểm này thật quan trọng để chứng minh giá trị và khả tín của cả hai bộ Thánh Kinh.
    Lược qua một số dữ kiện trên đây, chúng ta thấy rằng không một người nào có đủ khả năng để đạo diễn hay dàn dựng một vở kịch lớn và trải dài mấy ngàn năm như vậy.Đọc Kinh Thánh, ta phải nhìn toàn thể để thấy sự liên tục và thống nhất, hướng về một con đường cứu chuộc nhân loại của Thiên Chúa.Lý do nữa là Kinh Thánh luôn là bộ sách được cả thế giới đọc nhiều nhất và đó là giá trị đương nhiên.

    3. VÌ CHÚA GIÊSU ĐƯỢC CHỨNG MINH TỪ CỰU ƯỚC.
    Chúa Giêsu Kitô là con người bằng xương bằng thịt trong lịch sử, điều này không cần bàn cãi. Nhưng làm sao chứng minh được Ngài là Con Thiên Chúa xuống trần gian để cứu chuộc nhân loại. Chúng ta hãy đọc Thánh Kinh để tìm hiểu ba giai đoạn: Trước thời Chúa sinh ra, đương thời và sau khi Chúa Giêsu tử nạn:

    a. Suốt thời gian mấy ngàn năm trước khi Chúa sinh ra, đã có nhiều tiên tri, ở nhiều nơi và nhiều thời khác nhau đã báo trước về chương trình Cứu Thế của Thiên Chúa.


    b. Những sự kiện trong đời Chúa từ khi sinh ra ở Bethlem cho tới khi chết trên Thánh Giá. Bao nhiêu chuyện ứng nghiệm các lời Tiên Tri đã báo trước trong Cựu Ước.Trong suốt thời kỳ rao giảng, Chúa đã nói thẳng thắn Người là Con Chúa Cha và song song với các giáo huấn, Người đã làm nhiều phép lạ để chứng minh thân thế của Người.

    c. Những sự việc xảy ra với các Tông Đồ sau khi Chúa hoàn tất công cuộc Cứu Thế.

    Mấy điểm Ba kể trên đây là để gợi ý cho phần biện luận, nhưng chẳng có gì mới lạ phải không?Chứng minh về Chúa Giêsu là con Thiên Chúa từ trời mà xuống vẫn là đề tài rất cao, Ba không dám dùng lý luận để tranh cãi. Biện luận giỏi có thể áp đảo được người nghe nhưng gây được tâm phục thì khác. Đức tin không chỉ do lý luận mà còn đó những đóng góp của cảm nghiệm và ơn Chúa.

    Vì thế Ba muốn chia sẻ cảm nghiệm này với các con:
    Mình hãy tạm dẹp lý luận qua một bên để ngồi lại và suy niệm đến tình yêu của Thiên Chúa với chúng ta. Chính tình yêu này là ĐỘNG CƠ ĐỂ CHÚA KITÔ XUỐNG THẾ LÀM NGƯỜI.
    Trong cuộc sống, nhiều lúc chúng ta cũng chỉ dùng tình yêu để cư xử với nhau. Nhiều chuyện xảy ra hằng ngày là từ động cơ tình yêu mà chúng ta ít khi cần đến lý luận. Trong gia đình, mọi thành phần yêu thương giúp đỡ nhau một cách tự nhiên, cha mẹ hy sinh thân mình cho con cái mà không cần lý luận hay nói cách khác là lý luận đã ẩn chứa và trở thành phụ thuộc trong hành động của tình yêu. Vì yêu mà ta có thể làm những chuyện điên cuồng hoặc phi lý, nghĩa là không lý luận được.

    Cũng vậy, Thiên Chúa là đấng tốt lành đầy tình yêu. Người dựng nên vũ trụ và loài người cũng do tình yêu chan chứa của Người. Khi loài người phản bội lại Thiên Chúa thì Người đau đớn xót thương đến nỗi có một hành động điên cuồng là sai Ngôi Hai Chúa xuống trần gian sống như một con người để giao hòa, dẫn dắt loài người trở về với Thiên Chúa Cha. Nhìn vào cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô ta thấy Người đã chọn một kiểu mẫu của người bình dân nghèo hèn, đến khi trưởng thành, ra đời rao giảng về Nước Chúa thì bị chống đối thù ghét và trước khi bị tử nạn Người cũng đã trải qua giờ phút run sợ về tinh thần và đau đớn thể xác. Điểm đáng nói ở đây là mỗi diễn biến đều ở trong chương trình của Thiên Chúa, nghĩa là Người hoàn toàn chủ động và tình nguyện hy sinh vì tình yêu nhân loại.
    Trong suy niệm về tình yêu của Thiên Chúa chúng ta thấy không thể lý luận mà hiểu được. Và không dám lý luận nữa.

    4. VI CÁC THÁNH TÔNG ĐỒ LÀ NHỮNG NGƯỜI CHẤT PHÁC ĐÁNG TIN.
    Một sự việc khác thường trong việc Chúa tuyển chọn các Tông đồ đó là Chúa không theo tiêu chuẩn thông thường của con người. Chúa không tuyển những người có bằng cấp hoặc có khả năng cho các chức vụ. Đa số các Tông đồ là dân lao động vô học hay ít học. Chúa cậy vào cái gì để làm ngược đời như vậy? – Chúa cậy vào Thiên Chúa Cha. Toàn thể chương trình cứu chuộc đều ngược với tiêu chuẩn loài người và điểm này cũng chứng minh là sự hiện diện của Con Người Giêsu là hiện diện của Thiên Chúa.

    Mười hai Tông đồ có lẽ ông Phêrô thuộc hàng ít học nhất nhưng lại được Chúa chọn làm thủ lãnh. Trong ba năm theo Chúa hình như Ông cũng như các Tông đồ khác chẳng tiến bộ bao nhiêu vì đôi khi các Ông hỏi Chúa những câu khá tầm thường hoặc có lúc Chúa cũng trách mắng các Ông chậm hiểu.

    Nếu Chúa chọn các Tông đồ từ những người thuộc hàng học thức thông thái biết đặt kế hoạch an bang tế thế để chinh phục thế giới bằng những mưu kế vĩ đại, qui mô thì có lẽ ngày nay người đời có lý do để bài bác thêm là các chuyện trong Kinh Thánh là vở kịch dàn dựng không có thực.


    Rồi thời kỳ sau khi Chúa về trời, các Ông được Chúa Thánh Thần biến đổi thành những con người mới. Các Ông xuất phát công cuộc mở nước Chúa với lòng can đảm, hoạt bát trong lời rao giảng, chịu đựng bao khó khăn, tù đày và chết vì Đạo. Sự biến đổi lạ lùng trong cuộc đời các Ông là những chứng minh hùng hồn cho sự hiện diện của chương trình cứu thế của Chúa Giêsu Kitô.


    5. VÌ CÁC THÁNH SỬ VIẾT KHÁC NHAU.
    Tân ước (Phúc âm) là một bộ gồm bốn cuốn do bốn Thánh sử, ở bốn phương trời và bốn thời điểm khác nhau, viết lại các công việc Chúa làm và lời Chúa dạy trong ba năm rao giảng Nước Chúa. Các nguồn tài liệu là chính các Ngài nhớ lại khi sống với Chúa trong mấy năm hoặc được các cộng đồng lập lại trong những khi sinh hoạt.

    Có một số tiểu tiết khác nhau từ cuốn này so với cuốn kia nhưng điều này không làm giảm giá trị sự thật mà trái lại nếu ta nhìn ở khía cạnh là: Cũng cùng một câu chuyện mà do nhiều người từ nhiều vùng khác nhau ở nhiều thời điểm khác nhau mà kể giống nhau gần như trăm phầm trăm thì câu chuyện đó đáng tin hơn là chỉ do một người dựng lên.

    6. VÌ GIÁO HỘI LÀ HỘI THÁNH CỦA CHÚA GIÊSU.

    Phúc âm nhiều chỗ đã kể lại việc Chúa lập Giáo Hội và trao cho Thánh Phêrô. Vậy Ba không cần biện minh nữa. Điều Ba muốn nói ở đây là sự kỳ diệu lạ lùng của cuộc sống của Giáo Hội. Không một Đạo giáo nào hay tổ chức nào trên trần gian bị đánh phá ghê gớm như Giáo Hội Công Giáo. Ngược lại chúng ta thấy Giáo Hội vẫn thăng tiến rộng rãi trên mặt đất này và được sự kính trọng của nhiều giai tầng xã hội.

    Trong cuộc sống hằng ngày, khi tiếp xúc với mọi người chung quanh, chúng ta vẫn thường nghe những lời phê bình về Giáo Hội có KHEN và CHÊ lẫn lộn. Nhưng nhiều khi ta không phân biệt rõ ràng danh xưng “GIÁO HỘI” khi áp dụng vào những trường hợp khác nhau và đôi khi mình thấy những KHEN CHÊ không được chính xác. Dưới đây, Ba thử phân tích những trường hợp khác nhau mà mình phải phân định khi dùng danh xưng “GIÁO HỘI”:
    Trước hết, ở cấp độ thiêng liêng và toàn thể, Giáo Hội là một Hội Thánh do Chúa Kitô lập nên và Người là Đầu của Giáo Hội. Giáo Hội là Hội Thánh vì thông phần Chí Thánh của Chúa và các Thánh ở trên trời là thành phần đã vượt qua được thử thách của cuộc sống trần thế. Và Giáo Hội ở trần thế này, ở nghĩa tổng quát cũng được gọi là Hội Thánh vì được thông công vào phần Thánh qua ơn Chúa và các bí tích. Giáo Hội có căn tính tình yêu.
    Nhưng trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thông thường gọi “GIÁO HỘI” với nghĩa của một tổ chức trần thế nghĩa là nhìn Giáo Hội thiên về lãnh vực trần tục qua các hoạt động cá biệt ở địa phương như: họ đạo, đoàn thể hay các cá nhân như Linh mục, Giám mục .v.v. Nhưng phê bình, khen chê theo cái nhìn này không hẳn là chính xác để áp dụng cho toàn thể Giáo Hội, nhất là phải phân biệt những sai lầm do cá nhân hay địa phương không phản ánh chính xác chủ trương hoặc giáo huấn của Chúa và Giáo Hội. Giáo Hội đã trải qua bao nhiêu sóng gió từ trong ra ngoài và như mới đây, những biến cố tại nội bộ Vatican cũng chỉ là cục bộ, cá biệt. Hội Thánh của Chúa đã trải qua nhiều sóng gió suốt hai ngàn năm mà vẫn bền vững vì Giáo Hội vẫn có Chúa Thánh Thần nâng đỡ.

    7. VÌ HÀNG NGÀN NGƯỜI ĐÃ ĐỔ MÁU ĐỂ CHỨNG MINH ĐẠO CHÚA.
    Từ những năm đầu tiên của Giáo Hội đã có tử đạo và ở mọi thời mọi nơi liên tiếp cho tới nay vẫn có nhiều người đã chết hoặc sẵn lòng chết vì Đạo. Những vị này thuộc mọi thành phần, người thì chất phác quê mùa nhưng đức tin mạnh mẽ vững chắc, người khác thuộc thành phần có học biết phân biệt phải trái, lý luận vững vàng. Họ không thể là bị mê hoặc hay hàm hồ.

    8. VÌ NHỮNG PHÉP LẠ ĐÁNG TIN.
    Khi Chúa Giêsu còn ở dưới thế, Người làm nhiều phép lạ: người chết sống lại, chữa những người bệnh nhãn tiền như người què, mù, câm khỏi hết bệnh. Không ai dám phản bác kể cả các thù địch của Chúa cũng không chối cãi được. Hai ngàn năm nay, biết bao phép lạ vẫn xảy ra. Chắc chắn có một số không đáng tin là phép lạ hoặc có thể là do trùng hợp nhưng chắc chắn là có hàng ngàn phép lạ rất hiển nhiên mà cả các nhà khoa học thù nghịch Giáo Hội cũng không chối bỏ được. Vậy phải nhận là có phép lạ và như vậy phải nhận ra Thiên Chúa có quyền năng làm phép lạ.

    9. VÌ BAO NHIÊU PHE PHÁI ĐÃ CHỐNG PHÁ ĐẠO CHÚA.

    Suốt hai ngàn năm qua Giáo Hội luôn bị đánh phá ở mọi nơi mọi thời. Những kẻ thù của Giáo Hội đã dùng mọi phương cách: trực tiếp chém giết, tàn sát hoặc gián tiếp như dùng văn hóa, chủ nghĩa tuyên truyền, gây khó khăn trong việc hành giáo. Có người đem khoa học ra để chứng minh rằng khoa học là tất cả, Thượng Đế đã chết rồi .v.v.
    Nhưng Đạo Chúa vẫn tồn tại và phát triển. Điều này đương nhiên chứng minh được rằng Giáo Hội là chính thống do Chúa.
    Giáo Hội sẽ vẫn còn bị chống phá vì Giáo Hội vẫn là tiếng nói cho công bình bác ái, chống mọi bất công, chống mọi tệ đoan xã hội v.v.


    10. VÌ NẾU KHÔNG CÓ CHÚA THÌ CUỘC ĐỜI NÀY SẼ KHÔNG ĐỦ NGHĨA.

    Chúng ta không thể giải thích được bao nhiêu sự bất công, vô lý xảy ra trước mắt. Người lành thì bị đàn áp trong khi kẻ dữ thì giàu sang phè phỡn; đói nghèo, bệnh tật, chiến tranh; người được sống trăm tuổi, kẻ chết yểu lúc sơ sinh…
    Đức Giáo Hoàng Benedic XVI khi được hỏi tại sao có đau khổ, Ngài trả lời: chính Cha cũng vẫn tìm hiểu. Chúng ta không thể dùng ngôn từ để giải đáp rõ ràng nhưng nếu mình tin là có Thiên Chúa là Người Cha nhân lành thì mình có thể cảm nghiệm được vấn đề dễ dàng hơn.

    (Ba vẫn tránh viết chi tiết nhưng ở đoạn này Ba phải dài dòng xen vào đây một chuyện để giúp sáng tỏ: Khi Ngọc, đứa con yêu của Ba và là chị em của các con bị bệnh ung thư rồi chết. Trong thời gian dài đau đớn, một hôm Ba suy niệm đến việc Chúa Giêsu xin Chúa Cha cất chén đắng. Chúa Cha đã không chấp nhận lời khẩn cầu và vẫn bắt người con yêu của mình phải đi hết con đường tử nạn để hoàn tất chương trình đã vạch ra để cứu chuộc nhân loại. Trong một thoáng, đầu óc Ba lóe sáng và một cảm nhận êm ái hiện lên. Chương trình của Chúa đối với Ngọc là thế đấy; Chúa trao cho ba mẹ tám đứa con, nay Chúa lấy lại có một đứa theo kỳ hạn. Vậy NẾU KHÔNG CÓ CHÚA THÌ KHÔNG ĐỦ NGHĨA).
    Nay ở tuổi già, Ba càng thấm thía hơn vì mình có tôn giáo, nếu chết là hết, không có niềm tin vào đời sau thì cuộc sống còn lại này sẽ trống rỗng và chán chường như thế nào.
    ……………………………………………………………..

    LỜI KẾT: KHÔNG CẦN BÊNH ĐẠO CHÚA BẰNG NHỮNG LÝ LẼ MIỄN CƯỠNG CHỈ VÌ MÌNH LÀ NGƯỜI CÔNG GIÁO. Quan niệm thông thường của mọi người là “ăn cây nào rào cây ấy” hoặc “mẹ hát con khen”.

    Quan niệm của nhiều người chúng ta trong khi làm việc truyền giáo là cãi lý với đối tượng để tranh thắng. Vì vậy đôi khi ta viện những lý lẽ gượng ép mà trong tâm chúng ta cũng biết là lý lẽ miễn cưỡng. Tuổi trẻ ngày nay ưa phân tích và giỏi lý luận hơn xưa, lý luận kiểu áp đảo và cả vú lấp miệng em là không hợp. Lý luận giỏi có thể khóa miệng được đối tượng nhưng KHẨU phục mà TÂM không phục.

    CÒN NHIỀU VẤN NẠN TA SẼ PHẢI ĐƯƠNG ĐẦU, ví dụ:Ngày nay mình biết là có thể có con người ở các hành tinh khác. Vậy họ có giống chúng ta là có tội và Chúa có cứu chuộc họ không? Họ có Đạo như chúng ta không?
    Hoặc nếu có nhà khoa học nào đó dám tạo ra một con người giả (clone) thì con người này có linh hồn không?
    Bạn bè của Ba trong lúc trà dư tủu hậu đã có những đàm luận lẩm cẩm này. Có những đáp án rất gượng gạo miễn cưỡng nhưng bây giờ mọi người cũng đồng ý rằng mình nên biết kiềm chế để khiêm nhường mà nhìn nhận rằng mình không biết, rồi sẽ học hỏi thêm… Nhưng đồng thời cũng nhắc nhủ mình rằng Chúa là Đấng Toàn Năng, Người đã dựng nên mọi sự từ trước và Người cũng biết mọi sự đang diễn biến ngày nay và ngày mai. Người có câu trả lời cho tất cả. Vậy chúng ta không nên lo con bò trắng răng.


    Nguyễn Thất - Khê
    thay đổi nội dung bởi: Nguyen That-Khe, 14-06-2020 lúc 10:43 PM Lý do: sai danh van

+ Trả lời chủ đề + Gửi chủ đề mới

Quyền hạn của bạn

  • Bạn không được gửi bài mới
  • Bạn không được gửi bài trả lời
  • Bạn không được gửi kèm file
  • Bạn không được sửa bài

Diễn Đàn Thánh Ca Việt Nam - Email: ThanhCaVN@yahoo.com