Người công giáo với những cuộc biểu tình Da Màu ở Mỹ.

Trong tinh thần Sống Phúc-âm, mọi vấn đề xã hội đều có ít nhiều liên hệ đến sống đạo.

Cách thức xử thế và lập trường của người công giáo phải dựa trên công bằng và bác ái.
Mọi suy tư và hành động cũng phải xứng đáng với tư cách và nhân phẩm của một con người dựa trên nhân bản và công lý.


Vì vậy, đứng trước một sự cố xảy ra trong cuộc sống, ta có thể có lập trường ủng hộ bên này hay chỉ trích bên kia nhưng phải biết tôn trọng chân lý, phải có tâm trạng ngay thẳng liêm chính để phán đoán, tránh ngụy biện vì bênh vực quyền lợi hay vì cảm tính, phải chọn lựa những tiêu chuẩn để phán đoán cho đúng lương tâm, cho dầu đối với những vấn đề có liên hệ đến chính trị thì việc phán đoán đúng lương tâm không phải dễ.

Nhân việc xuống đường biểu tình của dân da đen tai Mỹ, thử nghĩ đến những sự kỳ thị bất công trong xã hội trên đất Mỹ và nhiều nước khác: Chế độ nô lệ luôn ẩn ẩn hiện hiện trong lịch sử loài người. Từ trong Cựu ước Thiên Chúa đã ban nhiều luật lệ về cách xử trí với nô lệ trong nhà. Và trong lịch sử của nước Mỹ thì hoạt động mua bán nô lệ đã có từ ngày đầu lập quốc và cách hành xử với nô lệ đã theo thời gian mà biến chuyển.

Nhìn đến những vụ xuống đường mấy tháng qua từ sau vụ George Floyd: Các cuộc xuống đường trong vài tuần lễ đầu đều có đập phá các cửa hàng hai bên đường nhưng rồi các vụ đập phá giảm đi dần dần. Có vài hình ảnh trên tivi cho thấy là có một số người, cũng là dân da đen, đã dàn thành hàng rào đứng trước mấy cửa tiệm để ngăn chặn số người đang xông đến cửa tiệm để đập phá. Đây là hình ảnh tốt đẹp đáng vui mừng mà lần đầu tiên mới thấy xảy ra.
Nay thì không còn nghe đến vụ đập phá cửa hàng nào nữa và người ta nhận định rằng những người biểu tình ngày nay đã thức tỉnh và trưởng thành Ý thức hơn về chương trình đấu tranh của họ.
Theo dư luận thì trong các nhóm biểu tình có thể có những phần tử thuộc nhiều phe nhóm chính trị khác nhau, họ trả trộn để lũng loạn hoặc tác động theo khuynh hướng của họ nhưng may mắn thay là tới nay không có gì rõ ràng là các nhóm này, nếu có, cũng không làm được gì và tình hình hiện nay đang lắng dịu và có vẻ như mọi người đều có tâm trạng thức tỉnh và cởi mở hơn để đón nhận sự thay đổi! như là một bài viết trong tờ “The New York Times” ngày 22/6/20 với đề tài: “người da trắng đã tỉnh thức vì nạn kỳ thị”.

Trên đây là vài nhận xét của một số người về vụ George Floyd vậy so sánh với vụ trước đây là Rodney King thì sao?
Năm 1992, Rodney King chỉ bị cảnh sát hành hung mà thôi, không bị chết, nhưng dân chúng xuống đường đập phá, cướp bóc, đốt nhà đốt xe rất kinh hoàng, gấp nhiều chục lần vụ George Floyd này. Các cuộc xuống đường trong vụ Rodney King đều nặng về đập phá, ít có tinh thần đòi công lý hoặc chấm dứt kỳ thị, và kết quả chỉ là những kinh hoàng và gây ra thiệt hại vật chất nặng nề ở nhiều nơi.
Nhìn tổng quát hai vụ trên đây, ta thấy một điều nổi bật là người da đen ngày nay có ý thức chính trị và có tổ chức cao hơn trước nhiều.
Một số người hay có cách nhìn vào từng sự cố một cách cá biệt và cá nhân hay kể ra những cá tính và đời tư tội lỗi của các nạn nhân để bênh vực khuynh hướng chính trị của mình. Nhưng nếu nhìn ở toàn cảnh lịch sử ta sẽ thấy rằng vấn nạn kỳ thị là một chuyện dài trong lịch sử: Sự kiện kỳ thị là một hiện hữu, nó bắt nguồn từ thời lập quốc Hoa Kỳ, nô lệ là món hàng mua bán, rồi dần dần hiến pháp và luật pháp phải can thiệp.
Nhiều điều khoản luật lệ đã được sửa đổi để bênh vực người da đen nhưng tình trạng kỳ thị vẫn còn nên mới có những cuộc xuống đường tiếp diễn.
Không ai chối được là các vụ hành xử bất công từ phía cảnh sát vẫn xảy ra và những vụ xuống đường biểu tình là do sự dồn nén của đám đông dân chúng bùng nổ. Những cá nhân như George Floyd và Rodney King chỉ là cơ hội như giọt nước làm tràn ly kiểu “tức nước vỡ bờ” hay “vật cùng tắc biến”.

Đó là chuyện của xã hội Mỹ và người ta có thấy chút không khí đáng mừng là có số người da trắng đã tỉnh thức trước các cuộc biểu tình và nhận ra sự bất công mà người da đen đã phải chịu, như bài báo trong tờ “The New York Times” đăng ngày 22/6/20, tựa đề “White Americans say they are waking up to racism” (người da trắng nói là họ tỉnh thức vì nn kỳ thị) và cụ thể là nhiều người da trắng cũng đã tham gia biểu tình.
………………………………………………………………
Nước nào cũng có ít nhiều bất công xã hội vậy người công giáo phải làm gì đây?
Bài học từ cuộc sống cá nhân: Nhiều khi nhìn lại cuộc đời, tôi nhận ra rằng mình đã đối xử bất công với vợ con, anh em, rồi hàng xóm, rồi trong sở làm, nhân viên... Có những hành động bất công mình làm mà không biết hoặc biết mà lấp liếm đi để tự tha thứ cho mình.
Rồi tôi lại nhận ra rằng có những bất công tôi thấy là nhỏ nhưng người hứng chịu lúc đó lại ở trong hoàn cảnh nghèo khó thì hậu quả lại không phải nhỏ…
Tôi may mắn thấy mình còn lại một số ngày để ăn năn, cũng như để dậy dỗ con cháu những kinh nghiệm đời.

Và tôi nghĩ rằng
- Việc đầu tiên của người công giáo là tập Ý thức sự tai hại việc mình đối xử bất công với người khác nhất là hay xảy ra trong việc buôn bán, lừa dối, tham lam, tham nhũng...

- Việc thứ hai là truyền bá những dạy dỗ của giáo hội, kể cả của xã hội, cho những người chung quanh về cach đối xử công bằng ngay thẳng, liêm chính.

- Và việc thứ ba là tham gia các hoạt động xã hội để thăng tiến đời sống công chính trong mọi sinh hoạt thường ngày.

Ta có thể thờ ơ không?

Nguyễn Thất-Khê