CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN
Bài đọc 1 : ( Dc. 9: 9-10). Bài d05c 2 : ( Rm. 8: 9, 11-13).Tin mỪng : ( Mt. 11: 25- 30)

TẢN MẠN VỀ CÁI “ÁCH”.

Tin Mừng Chúa nhật thứ 14, mùa thường niên, năm A, theo Thánh Matthêu, chương 11, từ câu 25 đến câu 30, thuật lại: Sau khi nói cách thức Chúa Cha mặc khải mầu nhiệm Chúa Cha- Chúa Con cho con người, Chúa Giêsu nói tiếp: “ Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách của tôi êm ái, và gánh của tôi nhẹ nhàng”.
Chúa mời gọi chúng ta:
Hãy đến cùng tôi, ai đang mang gánh nặng nề.
Hãy mang lấy ách của tôi, vì ách của tôi êm ái.
Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.
Một sự việc, một biến cố nào đó không liên quan đến mình, nhưng mình lại phải liên lụy; hay một chuyện liên quan đến người khác, không dính dáng gì đến mình mà mình lại xía vào. Như thế là “ ách giữa đàng, quàng vào cổ”; và theo nghĩa đen, ách là vật dụng người nông dân tròng vào cổ con trâu hay con bò để chúng kéo cày, kéo bừa. Cả hai trương hợp đều nói lên những công việc khổ nhọc, nặng nề, vất vả. Thế mà tại sao Chúa Giêsu lại bảo chúng ta mang lấy ách của Ngài. Ách của Chúa nói đây phải chăng là bổn phận làm con cái Thiên Chúa? là mười điều răn Chúa đã truyền dạy? là mến Chúa yêu người? là học lấy gương của Chúa Giêsu? là sống và hành động như Ngài? là học lấy bài học “hiền lành và khiêm nhường trong lòng”?
Ách êm ái mà Chúa muốn chúng ta vác là ách hiền lành và khiêm nhường trong lòng, là gương Chúa muốn chúng ta noi theo, là bài học Ngài muốn truyền dạy.
Hiền lành và khiêm nhường là hai đức tính mà Chúa Giêsu muốn chúng ta học lấy ở nơi Ngài, “Đấng công chính, Đấng Cứu độ mà khiêm tốn ngồi trên mình lừa” mà đến.
Hiền lành không phải là yếu đuối, nhu nhược; nhưng người hiền lành là người có lòng vị tha quảng đại, biết tha thứ nhịn nhục, biết mình biết ta, đầy lòng nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu lòng hảo tâm. Người hiền lành không là người nhút nhát thụ động, nhưng là một người có sức mạnh nội tâm và lòng tự tin. Thánh Francois de Sales đã nói: “ Bánh xe ít dầu mỡ là bánh xe kêu to hơn hết. Người thiếu lòng nhân và đức nhẫn nại là người hay than vãn hơn cả”. Hiền lành là một phẩm chất cần thiết cho cuộc sống.
Hiền lành phải đi đôi với khiêm nhường. Có lẽ cũng có người, khi nghe Chúa nói: “ Hãy học với tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng”, thì vội cho rằng Chúa khoe khoang chứ đâu có khiêm nhường! Nói về mình nhưng nói trung thực những gì mình có, những gì mình là, thì đó không phải là kiêu ngạo mà là khiêm nhường tự nhận biết mình. Khiêm tốn quá mức thì lại hàm chứa một sự kiêu căng. Khiêm tốn là lòng tự phụ được kiềm chế bởi lý trí. Trong thư gửi tín hữu Rôma ( 12: 3), Thánh Phaolô cũng đã khuyên: “ Đừng đi quá mức khi đánh giá mình, nhưng hãy đánh giá mình cho đúng mức, mỗi người theo lượng đức tin Thiên Chúa đã phân phát cho”.
Trong một thế giới cạnh tranh, khiêm nhường được coi như thua kém. Khiêm nhường không phải là một hình thức bạc nhược, thua kém, nhưng là một hình thức của sức mạnh. Khiêm nhường không có nghiã là đánh thấp giá trị của mình, nhưng là khiêm tốn nhìn nhận cái tốt, cái xấu nơi mình. Nhận ra phẩm giá của mình sẽ làm cho chúng ta trở nên một con người thông minh hơn, sẽ giúp chúng ta sống khiêm tốn và kiên cường hơn.
Trái với hiền lành, khiêm nhường là ganh ghét, kiêu ngạo. Đây là ách nghiệt ngã, gánh nạng nề, là ách của con người “sống theo xác thịt”, là gánh của tội lỗi.
Kiêu ngạo thường đi đôi với ganh ghét. Nếu khiêm nhường là mẹ của mọi nhân đức thì kiêu căng là đầu mối của mọi sự dữ. Vì thiếu tự tin, cho nên người kiêu ngạo thường hay hạ bệ, chỉ trích, bêu xấu người khác để đưa mình lên. Nói nhiều về mình, nhạo báng kẻ khác, ganh ghét kẻ khác, tự phụ với chính mình… đó là những đặc nét của người kiêu ngạo. Kiêu căng cuối cùng là sự ích kỷ.
Tự cho mình là hay, là giỏi thì tai không còn nghe được lời hay lẽ phải, trí không còn muốn tiếp nhận những kiến thức hay hơn của người khác nữa.
Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Và có lần Chúa đã phán: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”.
Sống hiền lành và khiêm nhường là mang cái ách êm ái của Chúa để được Thiên Chúa chúc phúc, như Thánh Phêrô đã viết trong thư thứ nhất, chương 5, câu 5: “ Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường”.
Sống hiền lành và khiêm nhường là học theo gương của Chúa, là tin yêu và phó thác vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa, để cho Thiên Chúa hướng dẫn và hành động nơi chúng ta.
Sống hiền lành và khiêm nhường là gánh cái gánh nhẹ nhàng của Chúa, là trút bỏ gánh nặng nề của tội lỗi, của “con người mắc nợ xác thịt” để “sống cho con người thần trí”, là chết cho đam mê dục vọng để sống với một tâm hồn bình an thư thái, vì bên Chúa, chúng ta được “nghỉ ngơi và bồi dưỡng”.
Sống hiền lành và khiêm nhường là tuân theo thánh ý Chúa để được Thiên Chúa mặc khải cho những điều bí ẩn mà Chúa đã không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết đến.
Hãy tin tưởng rằng: “ Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán, và thánh thiện trong mọi việc Ngài làm. Chúa nâng đỡ hết những ai sa ngã và cho mọi người khòm lưng đứng lên”.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con sức mạnh, hiểu biết để mang ách êm ái, để gánh cái gánh nhẹ nhàng của Chúa là sống hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Xin giúp chúng con trút bỏ gánh nặng nề của tội lỗi, của con người xác thịt để được nghỉ ngơi và được bồi dưỡng trong Chúa.

Hoàng Trung