Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVIII TN - A (Lm John Trần Khả)



Lời Chúa hôm nay trích từ Tin Mừng Mat-thêu 14:13-21 trình bày bối cảnh rất đặc biệt được Chúa làm phép lạ chỉ có 5 chiếc bánh và 2 con cá mà có thể nuôi hàng chục ngàn người ăn. Thông điệp cho chúng ta là về tinh thần môn đệ và cách hợp tác với ơn Chúa để đáp ứng các nhu cầu của những người chúng ta phục vụ hàng ngày.

Cha xứ nói với giáo dân là mái nhà thờ bị giột, máy lạnh bị hư và cần 25 ngàn đô để sửa chữa. Cha mời Hội đồng tài chánh họp và tham khảo ý kiến. Người thì đề nghị bán vé số; người khác đề nghị làm bánh, nấu phở, nấu xôi bán sau lễ. Người khác thì đặt vấn đề ai làm ai bán?

Sau cùng cha cảm ơn tất cả mọi ý kiến và nói. Tôi nghĩ là chúng ta có đủ tiền để trang trải phí tổn sửa chữa.

Mọi người đều hướng nhìn về cha và một người hỏi, “Thưa cha sổ sách tài chánh của giáo xứ không có tiền. Tiền của giáo xứ ở ngân hàng cũng không có! Vậy thì lấy đâu ra tiền để sửa?”

Cha trả lời, “Chúng ta có tiền, có dư nữa là khác; vấn đề là tiền còn đang nằm ở trong túi của giáo dân.”

Hai Bữa Tiệc

Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta một số gia vị căn bản để nhìn thế giới theo quan điểm của Chúa Giê-su.

Khi đọc bất cứ bản văn Kinh thánh nào, điều quan trọng là chúng ta luôn đặt thông điệp đó vào bối cảnh của cái xẩy ra trước đó. Nếu chúng ta nhìn vào những câu văn ngay trước bản văn Tin mừng hôm nay, chúng ta được biết là Gioan Tẩy giả mới bị chặt đầu ngay giữa bữa yến tiệc trong cung điện của vua Hê-rô-đê. Bối cảnh này nói cho chúng ta hình ảnh về hai bữa yến tiệc. Yến tiệc của Hê-rô-đê và yến tiệc của Chúa Giê-su. Yến tiệc của Hê-rô-đê là sự giãi bày ăn nhậu say sưa, vui chơi buông thả, nhảy múa khêu gợi, hào nhoáng, phách lối, thủ đoạn, và sát nhân. Yến tiệc của Chúa Giê-su giãi bày xoa dịu chữa lành, trung tín vâng lời, và yêu thương chăm lo cho người khác bằng việc chia sẻ của ăn. Hai trải nghiệm rất khác nhau. Việc làm cho bánh và cá hóa ra nhiều chính là hình bóng ám chỉ đến bữa tiệc Thánh Thể. Và cũng thế, tiệc Thánh Thể luôn luôn là bữa tiệc trái ngược với các bữa yến tiệc văn hóa trần thế. Khi chúng ta đến thánh đường tham dự Thánh Lễ, chúng ta không tìm cảm nghiệm trần thế (tìm mình, tìm của cải vật chất hay tìm hưởng thụ) nhưng chúng ta tìm cảm nghiệm Nước Thiên Chúa với Đức Ki-tô (hiệp thông, tương thân tương ái, nhận lãnh ơn thánh . . .) Thay vì mong muốn cho Giáo hội hiệp thông với thế gian và trở nên giống thế gian, chúng ta cổ động để thế gian trở nên hiệp thông với Giáo Hội và giúp thế gian nhìn theo cách nhìn của Chúa Giê-su.

Hai Thái Độ

Chúa Giê-su và các môn đệ có phản ứng khác nhau trước nhu cầu của dân chúng. Khi đám đông dân chúng đến với Chúa Giê-su mang theo các gánh nặng trong cuộc sống, Chúa Giê-su ra tay cứu giúp họ, chữa lành cho họ và họ tiếp tục tìm đến ở bên Ngài. Khi Chúa Giê-su đáp ứng nhu cầu của họ, Ngài thiết lập được mối quan hệ với họ. Họ theo Ngài. Trái lại, các môn đệ có tâm tình và thái độ khác với Chúa Giê-su. Các môn đệ muốn giải tán đám đông để họ đi vào các làng mạc tự lo cho nhu cầu của bản thân họ. Chúa Giê-su không đồng ý với đề nghị của các môn đệ và Ngài muốn chỉ dạy cho các môn đệ một cách khác để lo cho dân chúng. Đây cũng là dịp để chúng ta suy tư thêm về cách đáp ứng nhu cầu của những người chung quanh chúng ta. Chúa Giê-su thấy nhu cầu của dân chúng là cơ hội để phục vụ; các môn đệ lại nhìn nhu cầu của dân chúng là gánh nặng cần tránh né hay phải giải tỏa.

Sách Công Vụ Tông Đồ dạy việc bác ái giúp đỡ những người thiếu thốn là đặc tính cá biệt của Giáo Hội sơ khai (CV 4:32-37; 6:1-6, và 11:27-30). Điều học được ở đây là các môn đệ cần biết chào đón những người đến với họ bất kể nhu cầu của họ là gì chứ không bảo họ giải tán để tự lo. Suy tư về thái độ hiếu khách của Chúa Giê-su, chúng ta học cách nhìn nhu cầu của những người khác là cơ hội để phục vụ hơn trách nhiệm phải chu toàn hay là gánh nặng cần tránh né hay phải giải tỏa. Thánh Phao-lô nói là tất cả chúng ta là một trong Chúa Ki-tô (Gal 3:28) và một người đau thì tất cả cùng đau, giống như một người vui mừng hạnh phúc thì tất cả cũng chia sẻ vui mừng hạnh phúc (1Cor 12:26). Một người làm quan cả họ được nhờ, hay một con ngựa đau cả tầu không ăn cỏ.

Thêm nữa, các môn đệ suy nghĩ theo lẽ tự nhiên và nhìn vào khả năng nhỏ bé thực tế không thể đáp ứng được nhu cầu đói khát của đám người đông đảo như thế. Các ông chỉ có năm ổ bánh và hai con cá. Giả như họ có dùng những thứ họ có đó thì cũng chỉ giúp cho được dăm ba người ăn mà thôi. Họ chưa có khả năng nhìn vào quyền năng của Chúa Giê-su với cái nhìn của đức tin. Khi họ vâng lời dâng phần ăn nhỏ bé không đủ đó cho Chúa Giê-su, Chúa có thể làm những việc vĩ đại không ngờ. Chúng ta thường nghe xúi dục “Ít như thế thì chẳng bõ công làm!” hoặc “Như muối bỏ bể như thế thì làm làm chi!” “Tốn kém, khó khăn, phức tạp như thế thì làm làm chi cho uổng công phí sức.” Chúng ta không được để cho mình rơi vào chước cám dỗ đó. Khi dâng cho Chúa dù là cái nhỏ bé nhất theo khả năng của chúng ta, Chúa vẫn có thể làm được những việc vĩ đại không ngờ. Vấn đề là chúng ta thường chẳng trao cho Chúa đủ nguyên liệu để Chúa có thể thực hiện việc vĩ đại; chúng ta thường nghĩ mình không có đủ, hay không xứng đáng.

Cách Nhìn của Chúa

Nhìn thế giới con người theo cách nhìn của Chúa Giê-su nghĩa là nhìn với cặp mắt cảm thông. Ông bà, anh chị em, chúng ta có cái nhìn cảm thông bao nhiêu với những người chung quanh chúng ta?

Chúa Giê-su nhìn mọi người và từng người bằng cái nhìn cảm thông. Để có cái nhìn giống Chúa Giê-su thì cảm thông là gia vị chính của Ki-tô hữu.
Đám đông dân chúng ngày hôm đó lên đến cả chục ngàn người. Chúa Giê-su bảo các môn đệ hãy lo cho họ ăn. Các ông đáp lại, “Chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá. Ít quá!”

Chúa Giê-su nói “Hãy đưa chúng lại cho ta.”

Chúa Giê-su dùng cái có trong tay để đáp ứng nhu cầu của dân chúng lúc đó. Đây là nguyên lý căn bản, nhưng luôn là bước đầu để phép lạ được thực hiện.

Chúng ta có thể đưa lịch làm việc ra và nói, “Lạy Chúa, con không có thời giờ để tình nguyện tham gia vào việc giáo xứ.”

Chúa Giê-su nhìn vào lịch làm việc của chúng ta và Ngài nói, “Hãy đưa nó đến đây cho ta.”

Chúng ta nhìn vào tài khoản ngân hàng và nói, “Lạy Chúa, con không có đủ tiền để đóng góp hay dâng cúng.”

Chúa Giê-su nhìn vào tài khoản và nói, “Hãy đưa check book đến đây cho Ta.”

Chúng ta vạch trái tim của mình ra và nói với Chúa, “Lạy Chúa, con không có tình thương để dành cho người đó. Không thể thương nó được. Và Chúa Giê-su nhìn vào lòng ta và nói, “Hãy đưa nó đến đây cho Ta.”

Nhìn theo cách nhìn của Chúa Giê-su chúng ta nói, “Lạy Chúa, đời con thuộc về Chúa. Con không có nhiều, chỉ có nhiêu đó thôi, nhưng bất kể con có bao nhiêu, xin Chúa hãy dùng vào việc của Nước Chúa. Khi làm như thế, bỗng nhiên chúng ta nhận ra hàng ngàn nhu cầu của những người chung quanh chúng ta và tìm cách đáp ứng cho các nhu cầu đó. Khi chúng ta quan tâm đủ, chúng ta sẽ sẵn lòng hy sinh những gì mình có thể để giúp đỡ cho hoàn cảnh của người khác được trở nên tốt hơn.

Nhìn thế giới như Chúa Giê-su nhìn sẽ khiến chúng ta đem lòng thương cảm.

Nhìn thế giới đúng theo cách nhìn của Chúa Giê-su sẽ dẫn chúng ta đến hành động thương yêu đối với tha nhân. Nhìn thế giới theo cách nhìn của Chúa Giê-su khiến chúng ta dám hy sinh một số quyền lợi, sự thoải mái và tài sản của cải của chúng ta để đáp ứng nhu cầu của người khác. Chúng ta có thể cảm thấy mình không có đủ để cho đi. Nhưng điều lạ lùng xẩy ra khi có bàn tay của Chúa nhúng vào.

Nhìn thế giới theo cách nhìn của Chúa Giê-su là sẵn lòng chia sẻ những gì mình có, sức lực, thời giờ, trí khôn, tình yêu, tiền của và các phương tiện trong tầm tay để giúp đỡ. Và chúng ta không phải đợi đến lúc có nhiều rồi mới chia sẻ. Chúng ta có thể bắt đầu với rất ít. Chúng ta chỉ cần khởi sự với đầy cảm thông và với đức tin mạnh mẽ. Thiên Chúa sẽ lấy cái ít ỏi bé nhỏ đó của chúng ta để thỏa mãn bất cứ nhu cầu nào cảm kích chúng ta. Chúng ta sẽ thấy mình không bị thiếu đi mà trái lại được dồi dào hơn.

Thông điệp thật rõ ràng ở đây cho thấy tinh thần môn đệ không tùy thuộc ở việc chúng ta có đủ khả năng hay đủ lực để có thể tự lo tự làm, nhưng đúng hơn là ở việc Thiên Chúa có thể làm với những gì chúng ta trao vào tay Ngài. Thiên Chúa muốn chúng ta là những người cộng tác với Ngài trong việc tông đồ. Thiên Chúa muốn làm việc nơi chúng ta và qua chúng ta. Ngài muốn chúng ta là những cánh tay và đôi chân nối dài của Ngài. Thiên Chúa luôn là nguyên nhân cho sự thành công của các môn đệ. Ngài làm việc qua các phương tiện mà chúng ta hiến dâng cho Ngài. Các môn đệ cần thấu hiểu họ chỉ là những dụng cụ của Thiên Chúa chứ không phải là nguồn mạch của các ơn huệ. Việc tông đồ của Giáo Hội tùy thuộc nơi Thiên Chúa chứ không được quyết định hay bị giới hạn bởi khả năng chúng ta có trong tầm tay. Khi các môn đệ hiểu họ là những khí cụ hơn là nguồn của các ân huệ, họ sẽ trở nên rộng lượng hơn đối với những người khác và tin tưởng phó thác hơn nơi sự quan phòng của Thiên Chúa. Điều Thiên Chúa có thể làm qua chúng ta thì luôn luôn lớn lao hơn là cái chúng ta có thể làm cho chính mình.

Một cô giáo dạy toán cho các em học sinh lớp một kể về học sinh trong lớp của cô. Trong lớp có một nhóm học sinh là con của một số gia đình mới đến tị nạn. Bài học hôm đó học làm toán chia. Cô giáo giải thích sự khác biệt giữa số lượng một của phần tư và số lượng của một phần hai. Sau đó cô bảo các em học sinh làm bài thực tập về chia kẹo. Cô chia cho các em kẹo cho-co-la và muốn các em viết xuống là các em thích một phần tư thanh kẹo cho-cô-la hay thích một phần hai thanh kẹo cho-co-la.

Cô giáo rất ngạc nhiên khi đọc thấy câu trả lời của các em. Nhiều học sinh con em của những người tị nạn viết câu trả lời là các em thích ¼ thanh kẹo cho-co-la thay vì ½. Cô nghĩ là các em chưa hiểu bài toán chia. Trước khi sửa sai, cô hỏi các em tại sao các em đó lại chọn ¼ thay vì ½ thanh kẹo cho-co-la. Một em bé gái trả lời, “Em chọn ¼ để nhiều người cũng được ăn kẹo cho-co-la.”

Những em học sinh này có cái nhìn giống cách nhìn của Chúa Giê-su, biết cảm thông và chia sẻ.

Lm John Trần Khả