CHÚA NHẬT XXIII TN A:

GIÚP NHAU SỬA CHỮA SAI LỖI



Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – GP Xuân Lộc




“Ngại và sợ” không dám lên tiếng, là thái độ của nhiều người Việt Nam khi đối diện với điều sai, điều xấu của người khác. Từ đó, dẫn đến tình trạng nhắm mắt làm ngơ trước các việc làm cho dù là tốt hoặc xấu của anh em, coi đó như chuyện không liên quan đến mình. Ví dụ: Việc bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường chung quanh sạch đẹp là việc của mọi người. Tuy nhiên nhiều người vẫn không thấy có liên quan đến mình, vì thói quen, vì lợi nhuận, họ xả thải, xả rác ra môi trường cách tuỳ tiện. Dầu vậy, người chung quanh không dám lên tiếng vì ngại. Trong gia đình, khi con cái, anh em có những dấu hiệu sa đà hư hỏng, các thành viên nhắm mắt làm ngơ như người không liên quan. Ngoài xã hội, xảy ra những bất công, sai trái, nhiều người sợ phiền phức, không dám lên tiếng.

Tin Mừng hôm nay mời gọi mỗi chúng ta xây dựng mối tương quan tốt đẹp với mọi người trong gia đình, xã hội, ủng hộ những việc tốt và lên án việc xấu, đồng thời sống có trách nhiệm với người khác và cùng giúp nhau nên tốt hơn. Tuy nhiên, việc giúp người khác sửa lỗi vẫn đòi chúng ta thực hiện trong tinh thần bác ái và tôn trọng phẩm giá của họ.

Nhắc nhở người đã và đang làm điều xấu, giúp họ thức tỉnh là trách nhiệm của mỗi người. Trong cuộc sống chung, hành vi của người này, có ảnh hưởng trên người khác. Việc tốt của một người có ảnh hưởng trên cộng đoàn, thì việc xấu cũng có tác động trên cộng đoàn. Vì thế, để xây dựng cộng đoàn tốt đẹp, mỗi người đều phải có trách nhiệm với mình và với nhau. Thiên Chúa đã nói như thế qua tiên tri Êzêkiel: “Ta đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Israel… Nếu ta nói với kẻ gian ác, chắc chắn ngươi phải chết, mà ngươi không chịu nói để cảnh báo nó từ bỏ con đường xấu xa, nó sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta đòi ngươi phải đền nợ máu của nó. Ngược lại, nếu ngươi đã cảnh báo nó, nhưng nó không sám hối…ngươi sẽ hết trách nhiệm”. Những lời này cho thấy trách nhiệm nhắc bảo anh em khi họ sai lỗi, không chỉ là trách nhiệm xã hội, mà còn có liên quan đến trách nhiệm lương tâm trước mặt Chúa, ảnh hưởng đến phần linh hồn của chính chúng ta.

Thánh Phaolô trong thư Roma nhấn mạnh hơn về đòi buộc của tình yêu thương. Tình yêu không cho phép ta dửng dưng hay làm ngơ khi thấy anh em sai lỗi, hư hỏng, cũng không cho phép chúng ta loại trừ anh em, nhưng đón nhận người tốt cũng như người xấu trong tình anh em con cùng một cha trên trời. Tình yêu thương không cho phép chúng ta xúc phạm đến phẩm giá hoặc làm tổn thương anh em dưới bất cứ hình thức nào, vì tất cả chúng ta đều là con của Chúa. Hơn nữa, tình yêu thương đòi buộc chúng ta phải tôn trọng anh em và yêu anh em như yêu chính bản thân mình. Khi có một tình yêu như thế, ta không thể làm ngơ khi thấy anh em đi vào con đường lầm lạc, nhưng phải can ngăn, khuyên bảo trong tình anh em chân thành. Ta phải góp ý sửa lỗi cho anh em theo cách nào?

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta cách để giúp anh em nhìn nhận sai lỗi và giúp anh em sửa sai lỗi lầm của họ: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi”. Như vậy, bước đầu tiên để giúp anh em sửa lỗi, được thực hiện trong sự kín đáo chân thành, trong tình anh em, chỉ mình anh với nó thôi, không lu loa, không chỉ trích cũng không hạ nhục anh em. Dù anh em có những sai lỗi, ta vẫn phải tôn trọng danh dự phẩm giá của họ, ta không có quyền làm tổn thương họ, cũng không làm ngơ trước sai lỗi của họ. Găp gỡ người anh em sai lỗi cách riêng tư là cách thức tế nhị, tôn trọng phẩm giá, danh dự của anh em mình.

“Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em đó. Còn nếu nó không chịu nghe thì hãy đem theo một hay hai người nữa để công việc được giải quyết căn cứ vào lời của hai hoặc ba nhân chứng”. Đây là bước thứ hai trong việc giúp anh em sửa lỗi. Việc có thêm hai ba nhân chứng không nhằm kết tội anh em, nhưng là để cho người đó thấy việc làm sai trái của họ đang ảnh hường tiêu cực trên cộng đoàn. Việc hai ba người cùng lên tiếng về một việc làm sai trái, chứng tỏ rằng việc sai lỗi là trầm trọng và những người chung quanh đang cố gắng để giúp người sai lỗi vì tình huynh đệ chứ không phải vì ác cảm cá nhân.

Bước tiếp theo trong việc giúp anh em sửa lỗi là: “Nếu nó cũng không nghe họ, thì hãy thưa với Hội Thánh”. Chúng ta là con cái trong gia đình Hội Thánh, mỗi thành viên có trách nhiệm và có tương quan với nhau, cùng nhau nhìn nhận thẩm quyền của Hội Thánh. Tiếng nói của Hội Thánh là tiếng nói công minh, không thiên tư, là tiếng nói của sự thật. Là thành viên của Hội Thánh trong một cộng đoàn, khi phải giải quyết những việc sai trái, ta cần nghe theo tiếng nói và sự dạy bảo của Hội Thánh. Vì Hội Thánh dùng Lời Chúa để chỉ dạy chúng ta, dùng tình yêu thương để nâng đỡ, cảm thông và giúp người sai lỗi hoán cải.

Tuy nhiên: “Nếu Hội Thánh mà nó cũng không nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế”. Đây là bước sau cùng, khi người sai lỗi vẫn cố tình, cố chấp trong sự sai lỗi của mình, thì chính họ trở thành kẻ từ chối Hội Thánh, tách mình ra khỏi sự hiệp thông, hiệp nhất với Hội Thánh. Hội Thánh là mẹ các tín hữu, chỉ có con cái có thể từ chối cha mẹ, chứ cha mẹ không thể từ chối con cái. Cũng vậy, Hội Thánh không thể loại trừ con cái mình ra khỏi cộng đoàn, nhưng khi một người từ chối quyền bính và không nghe lời răn bảo của Hội Thánh, thì kẻ ấy tự tách mình ra khỏi cộng đoàn. Trong trường hợp này, Hội Thánh hoàn toàn tôn trọng tự do và quyết định của kẻ ấy.

Cuối đoạn Tin Mừng, Chúa Giêsu nhắc cho tất cả chúng ta một cách thế hết sức quan trọng và là ưu tiên trong việc sửa lỗi cho anh em, đó là cầu nguyện cho anh em. Chúng ta không thể giúp anh em sửa lỗi mà lại không cầu nguyện cho họ. Vì hơn ai hết, những người sống trong tình trạng tội lỗi là người đang cần lời cầu nguyện của chúng ta hơn cả những lời khuyên bảo. Vì lời cầu nguyện cùng với ơn Chúa sẽ có sức thay lòng đổi dạ con người, giúp người sai lỗi có sức mạnh từ bỏ con đường tội lỗi của mình để quay trở lại với Chúa. Như thế, cầu nguyện cho người sai lỗi là phương thế tốt nhất và hữu hiệu giúp họ biến đổi. Chúa Giêsu đã quả quyết: “Thầy bảo anh em, nếu ở dưới đất hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời sẽ ban cho”. Như vậy, nếu những người sai lỗi được cả cộng đoàn cùng nhau cầu nguyện xin Chúa biến đổi họ, chắc chắn họ sẽ được ơn biến đổi.

Thưa quý OBACE, trong thực tế, chúng ta đã không cư xử với nhau theo những bước thứ tự như Chúa dạy. Chúng ta cũng không tôn trọng đủ phẩm giá danh dự của anh em khi họ sai lỗi, và quên điều quan trọng là chúng ta chưa cùng nhau cầu nguyện cho họ.

Trong cuộc sống chung của gia đình và cộng đoàn, khi thấy anh em có điều sai lỗi, chúng thường có thái độ chỉ trích phê phán, kết án hơn là chân thành gặp gỡ góp ý; chúng ta bị cám dỗ làm to chuyện cho mọi người biết hơn là gặp gỡ đối thoại để tìm ra sự thật. Nhiều khi chúng ta mạo danh sự góp ý để làm tổn thương hạ thấp danh dự của anh chị em mình. Nói đúng hơn, chúng ta cư xử không có tính yêu thương và tôn trọng người sai lỗi.

Khi vợ, chồng hoặc con cái làm điều sai lỗi, hãy lấy tình yêu thương để chỉ bảo cho nhau, giúp nhau sửa lỗi hơn là đe dọa, kết án loại trừ. Khi vợ chồng có điều sai lỗi hoặc xích mích, đừng vội đưa nhau ra toà đời, đừng đưa ra quyết định gì lúc mình thiếu sáng suốt hoặc đang nóng nảy. Vì, sự nóng nảy chỉ đưa đến đổ vỡ và gây thêm tổn thương cho nhau mà thôi. Bên cạnh đó, khi vợ chồng, con cái có điều sai lỗi, các thành viên trong gia đình phải hết sức kiên nhẫn chờ đợi và cùng nhau cầu nguyện thật nhiều cho người sai lỗi. Đấy là việc làm quan trọng nhiều khi chúng ta đã bỏ qua, không cầu nguyện cho vợ, chồng, con cái của mình khi họ sai lỗi, trái lại chỉ than trách và kết án.

Nhờ Lời Chúa hướng dẫn, xin cho chúng ta biết cư xử khoan dung với vợ chồng, con cái, anh em khi họ sai lỗi, kể cả khi họ gây tổn thương cho ta. Xin cho chúng ta biết kiên trì cầu nguyện cho họ và biết dùng những cách thế khôn ngoan Chúa dạy để giúp người thân và anh em mình sửa chữa lầm lỗi của họ. Amen.