CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN / A
Bài đọc 1 : ( Ed. 18: 25-28). Bài đọc 2 : ( Pl. 2: 1-11).Tin Mừng : ( Mt. 21: 28 – 32 )

HỐI HẬN

Người kia có hai người con. Một hôm, ông đến với người con thứ nhất và bảo: “ Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha!” Nó thưa lại rằng: “ Con không đi”. Nhưng sau đó, nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: “ Thưa cha vâng, con đi”. Nhưng nó lại không đi.
Sau khi đưa ra hai trường hợp về hai người con trai, Chúa Giêsu hỏi các thượng tế và kỳ lão đang có mặt: “ Các ông nghĩ sao? Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?” Họ và có lẽ cả chúng ta nữa đều đồng ý là người con thứ nhất.
Trên đây là dụ ngôn về hai người con trai đã được Thanh Matthêu thuật lại qua bài Tin Mừng Chúa nhật 26, mùa Thường niên, năm A.
Nếu bảo đi là đi, bảo không đi là không đi; đó là chuyện bình thường; đó là thái độ của những người con biết vâng lời và sẵn sàng thực thi những ý muốn của cha mình. Nhưng bảo đi, lại không đi; bảo không đi, rồi lại đi; đây mới là chuyện không bình thường.
Chúng ta nghĩ gì về thái độ của người con thứ hai? Anh ta hứa với cha là sẽ đi làm vườn nho, nhưng rồi lại không đi; cũng như bảo không đi, nhưng rồi lại đi. Cái mâu thuẫn của người con thứ hai là giữa: hãy và đừng, giữa thiện và ác, giữa tốt và xấu. . Đó là những giằng co, níu kéo trong chính bản thân mỗi người, đồng thời cũng là những mâu thuẫn giữa cái tích cực và tiêu cực trong cuộc sống của chúng ta.
Biết bao lần chúng ta đã hứa mến Chúa, yêu người, nhưng vẫn cứ oán ghét, thù hận anh em; biết bao lần chúng ta đã quyết từ bỏ tính hư tật xấu của con người xác thịt tội lỗi, nhưng vẫn cứ kiêu ngạo,ích kỷ…Hứa không làm, rồi lại làm. Quyết từ bỏ, nhưng lại tái phạm.
Để khuyên người có lỗi “ biết lỗi, sửa ngay”, Mạnh Tử đã đưa ra một ví dụ: Có một người kia, mỗi ngày ăn trộm một con gà của hàng xóm. Có người bảo anh ta: “ Anh làm thế không phải là cách cư xử của người lương thiện”. Anh ta đáp: “ Ông nói phải lắm, nhưng tôi chưa thể chừa ngay được. Xin để cho tôi chừa dần, từ nay tôi hứa mỗi tháng chỉ ăn trộm một con thôi. Đợi đến sang năm, tôi sẽ chừa hẳn”. Nói như thế, nghe có được không?
Phàm ai làm việc gì cũng vậy, chưa biết phi nghiã thì thôi, chớ đã biết là phi nghiã thì phải bỏ cho mau, cho chóng, sao lại còn đợi đến sang năm?
Trên con đường tu đức của chúng ta đôi lúc cũng như thế. Chúng ta hứa với Chúa: Vâng, con đi, nhưng lại không đi. Vâng, con tin, nhưng con lại ngờ vực. Vâng, con hứa từ bỏ, nhưng con vẫn “ ngựa quen đường cũ”. Vâng, con quyết, nhưng con vẫn chần chừ…
Người con thứ hai đi từ tích cực vào tiêu cực; ngược lại, người con thứ nhất lại đi từ tiêu cực sang tích cực: con không đi, nhưng rồi lại đi. Động cơ nào đã dẫn anh ta từ quyết định không đi, sang quyết định đi? Động cơ ấy là HỐI HẬN. Anh ta hối hận vì : “ Thưa cha, con có lỗi với trời và với cha. Con không còn đáng là con cha nữa.” Đó là tâm tình ăn năn, sám hối thực lòng, chứ không phải lợi dụng tội lỗi để được tha thứ!
Người phụ nữ phạm tội ngoại tình, ông Phêrô ba lần chối Chúa, ông Saolê bắt bớ, triệt hạ những ai theo Giêsu hay các thánh đang hưởng nhan thánh Chúa… cũng đã một lần ăn năn thống hối, làm lại cuộc đời và họ đã được sống một cuộc sống đích thực, vĩnh cửu trong nhà Cha trên trời như lời Thiên Chúa đã hứa trong sách tiên tri Êgiêkiel:“… Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống”.
Trở về với cuộc sống cộng đồng, ai là người bảo: “ Thưa cha vâng, con đi”, nhưng lại không đi? Đó là người mà Thiên Chúa đã quở trách qua tiên tri Êgiêkiel: Họ là người “ công chính từ bỏ lẽ công chính và phạm tội ác, nó phải chết”.
Đó là những người Kitô hữu tự mãn mình là người đạo dòng, đạo gốc, là người xứng đáng là con Chúa, vì đã được nhận phép Thánh tẩy, là người tự phụ mình thánh thiện hơn người khác… cũng như các biệt phái, kỳ lão và thượng tế trong đền thờ, chỉ nghĩ đến luật lệ, sống xơ cứng trong luật lệ. Họ tự coi mình là những người gương mẫu trong đời sống tôn giáo, vì họ giữ nghiệm ngặt các lề luật đến mức độ cực đoan. Họ coi thường, cho những người bất hạnh, lỗi luật là phường tội lỗi không được tham dự vào các lễ nghi phựng vụ. Đối với họ, ai đã một lần phạm tội là bất xứng với Nước trời.
Cũng như các thượng tế và kỳ lão, chúng ta tự mãn, kiêu hãnh với chính bản thân mình và quên đi nhiệm vụ đối với tha nhân. Chúa Giêsu đã đến để phá bỏ thành kiến hẹp hòi này:“ Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không biết hối hận mà tin ngài”.
Chúa đã trách các thượng tế, kỳ lão và cả chúng ta nữa là các ông không biết hối hận
Vâng theo luật lệ, nhưng lại không đi làm vườn nho, chỉ giữ đạo cho mình mà không sống đạo, không thực hành giới răn Chúa thì cũng như những người biệt phái, kỳ lão và thượng tế: nói mà không làm. Họ luôn miệng: Lạy Chúa , lạy Chúa… nhưng chỉ là đầu môi chót lưỡi.
Ngược lại, những người bảo không đi, nhưng hối hận lại đi. Họ là những người thu thuế và gái điếm: họ nói không với Chúa, nhưng hối hận, họ lại nhiệt tình làm theo ý Chúa.
Hối hận, thức tỉnh, hoán cải là con đường dẫn đến cứu độ, là chía khóa mở cửa Nước trời. Chẳng có ai trong chúng ta là hoàn toàn vô tội. Khiêm nhường để nhận ra tội lỗi của mình, từ đó vươn lên đón nhận ơn Chúa, ra đi làm vườn nho Nước trời, không mặc cảm tội lỗi để sống chai lì trong tình trạng tội lỗi của mình: “ Nếu kẻ gian ác bỏ đàng tội lỗi, thì người ấy sẽ được sống.” Giáo hội không là một tập thể toàn những người khoẻ mạnh và toàn thiện, nhưng là một cộng đồng của yêu thương và bác ái.
Điều quan trọng là đi làm vườn nho: công việc làm vườn nho là xới đất, làm cỏ, bỏ phân, tưới nước, tỉa cành..Tất cả những công việc ấy trong vườn nho Thiên Chúa là sống đạo, rao giảng, sống và làm chứng cho Tin Mừng.
Ra đi làm vườn nho Nước Trời là nhiêm vụ của mỗi thành viên trong gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa. Không ra đi làm vườn nho là thiếu bổn phận, là trốn tránh trách nhiệm vậy!