CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN/ A
Bài đọc 1 : ( Is. 25: 6-10). Bài đọc 2 : ( Pl. 4: 12-14, 19-20).Tin Mừng : ( Mt. 22: 1 -14 )

KHƯỚC TỪ HAY KHÔNG MẶC ÁO CƯỚI?

Hôm nay, tất cả chúng ta được mời tham dự hai đám tiệc: Một đám tiệc được tiên tri Isaia thông báo : “ Chúa các đạo binh sẽ thết đãi tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc, đầy thịt và rượu; thịt thì béo, rược thì ngon.” Và bữa tiệc thứ hai là bữa tiệc Nước trời được Thánh Matthêu thuật lại qua dụ ngôn của Chúa Giêsu về Tiệc cưới của Hoàng tử: “ Nước trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử.” Trong bữa tiệc này cũng có thịt bò và các súc vật béo tốt khác.Nhưng trong bữa tiệc này, chúng ta thấy có vui buồn lẫn lộn; đồng thời chúng cũng còn được mời dự một bữa tiệc khác gần gũi hơn, cụ thể hơn đó là tiệc Thánh Thể.
Bữa tiệc mà Thiên Chúa hứa thết đãi dân Người qua miệng tiên tri Iasia là một bữa tiệc vui. Tiệc Cứu độ. Trong bữa tiệc này, Thiên Chúa hứa “ sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân, và tấm liệm trên mọi đất nước. Người sẽ tiêu diệt sự chết đến muôn đời, sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt và cất khỏi mặt đất sự tủi hổ của dân Người”; Những người khách tham dự trong bữa tiệc này là dân riêng của Chúa, những người đã một lòng trung tín và theo Người; những người đã cam chịu chết chóc, đau thương vì Người: “ Nầy đây Chúa chúng ta, chúng ta đã chờ đợi Người và Người sẽ cứu chúng ta. Đây là Chúa, nơi Người, chúng ta đã tin tưởng, chúng ta hãy hân hoan và vui mừng vì ơn Người cứu độ”.
Còn trong Tiệc cưới Nước Trời thì sao?
Đây là một Tiệc cưới qúi phái, sang trọng. Đám cưới hoàng gia: vua cha tổ chức tiệc cưới cho hoàng tử.
Được nhà vua mời dự tiệc cưới của hoàng tử, thật là một vinh dự!
Tiệc đã sẵn. Giờ khai mạc đã đến. Thế nhưng những người đầu tiên được nhà vua gửi thiệp mời vẫn chưa thấy đến. Vua đã phải cho đầy tớ đi mời từng người. Nhưng vì lý do này lý do khác, họ đã khước từ: người thì không đếm xiả gì tới và bỏ đi, người thì bảo bận đi thăm trại, người thì chối vì phải đi buôn bán, thậm chí có người bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi.
Rồi vua lại bảo các đầy tớ: “ Tiệc đã sẵn. Những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngã đường, gặp bất cứ ai, mời vào dự tiệc cưới”.
Khách mời lần này là dân chúng, bất luận là thành phần nào trong xã hội, là người tốt hay xấu trong đó có cả chúng ta. Phòng cưới đã chật ních khách dự tiệc.
Vua đi quan sát một vòng, tình cờ thấy một người không mặc y phục lễ cưới. Vua hỏi anh ta. Anh ta lặng thinh. Vua bèn ra lệnh trói chân tay anh ta lại và ném vào nơi tối tăm, ở đó phải khóc lóc và nghiến răng! Thật tội nghiệp!
Bữa tiệc mất vui vì khách được mời không đến; cuối cùng chỉ có những người khách không mời lại được tham dự: những người khách bất đắc dĩ!
Ai đã một lần tổ chức tiệc tùng, gặp trường hợp này, chắc sẽ mất vui, hết hào hứng!
Khách được mời là những người thuộc hoàng tộc, những người thân cận của nhà vua…; thế nhưng họ lại không đến, không thèm gửi hồi báo và vua đã phải cho người đi mời riêng từng người; nhưng họ vẫn từ chối.
Họ không đến vì bận rộn về công việc làm ăn. Thực ra những lý do bận rộn đi thăm trại, bận buôn bán, chẳng có gì là quan trọng. Hôm nay không đi thăm trại, mất một buổi đi buôn thì mai đi cũng chẳng sao.
Họ không đến vì khinh thường, chẳng đếm xỉa gì đến, chẳng có gì quan trọng. Họ cho là mất thời giờ, chẳng ích lợi gì.
Họ không đến vì đường lối của nhà vua đối nghịch với cách sống của họ. Họ thù ghét nhà vua, cho rằng đường lối của vua là “ thuốc phiện ru ngủ”, nên bắt đầy tớ vua và giết đi.
Tóm lại, họ là những người không ưa gì nhà vua, thậm chí còn thù ghét.
Tiếp đến là những người khách “ bất đắc dĩ”. Họ là những người qua đường, không phải là những người khách được tuyển chọn. Họ tốt xấu, sang hèn như thế nào, không cần biết, cứ thấy ai là mời vào dự tiệc.
Thật tội nghiệp cho người không mặc áo cưới! Đang đi giữa đường, lấy đâu ra y phục lễ cưới mà mặc? Bắt tội anh ta như thế thật oan uổng! Nhưng tại sao bao nhiêu người khác có y phục lễ cưới mà chỉ riêng anh ta lại không có? Nếu người Do Thái thời ấy có phong tục trong đám cưới của nhà vua hay của nhà qúy tộc, mỗi người vào dự tiệc cưới đều được phát cho một chiếc áo cưới, anh chàng nọ không mặc, như thế là ngạo mạn, khinh thường nhà vua, phạm tội khi quân. Thế thì đáng đời, chẳng oan uổng gì nữa!
Tiệc cưới Nước trời, lẽ ra là một bữa tiệc tưng bừng, lình đình, vui vẻ; nào ngờ lại là một bữa tiệc buồn nhiều hơn vui. Vua buồn vì lòng tốt của mình đã bị những người thân thuộc, những người được vua yêu mến đặc biệt lại khước từ, buồn vì họ đã không đối xử tốt với những ngôn sứ được sai đến với họ, thậm chí còn giết đi, buồn vì ân huệ, lòng thương xót mình muốn ban tặng cho những người khách “ bất đắc dĩ”, những người lam lũ, bơ vơ ngoài đầu đường xó chợ, những người vô danh…, lại có người dám ngạo mạn khi quân không hèm mặc y phục lễ cưới, buồn vì tình cảm yêu thương của mình bị chà đạp xem thường…
Tiệc của ngôn sứ Isaia giới thiệu là Tiệc mừng Cứu độ mà Thiên Chúa muốn ban không chỉ cho dân Israen mà còn cho mọi dân tộc trên trái đất một cuộc sống sung mãn. Chúa Giêsu dùng hình ảnh Tiệc Cưới Nước Trời, Tiệc Yêu Thương, cũng để nói lên cuộc sống ấy. Những người được mời dự tiệc cuới trước tiên là người Do thái, nhưng họ đã khước từ; và chỗ của họ đã được dân ngoại thay thế.
Y phục lễ cưới là chiếc áo tình thương, là tấm áo lòng thương xót của Chúa với những người đang bơ vơ lạc lõng ngoài đầu đường xó chợ. Y phục lể cưới là niềm vui ơn cứu độ tỏa sáng trên gương mặt, là niềm tin nơi tâm hồn…!Ao cưới là lòng tin, là tín thác , là sám hối, là nhận biết mình là kẻ bất xứng để đón nhận Thánh thể? Không y phục lễ cưới không thể vào Nước ấy được.
Là người Kitô hữu, chúng ta tất cả cũng được mời tham dự Tiệc Cứu Độ, Tiệc Yêu Thương và ngày nay Tiệc Thánh Thể,Tiệc Hiệp Nhất, và chúng ta có thái độ nào? Không đếm xiả gì đến hay khước từ vì bận rộn chuyện đời thường? Hay ngạo mạn, tự mãn mà không thèm mặc áo cưới?

Hoàng Trung