LỄ CẦU HỒN 2020:
SỐNG THẢO HIẾU – BIẾT ƠN TỔ TIÊN

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp Xuân Lộc


Có người đặt vấn đề, ông bà cha mẹ của tôi qua đời cách đây mấy chục năm, năm nào tôi cũng xin lễ cầu nguyện, chắc chắn các ngài đã được hưởng nước Thiên Đàng rồi. Vậy, tôi có cần phải cầu nguyện thêm cho các ngài mỗi năm hay không?

Thưa quý OBACE, chúng ta tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa, tin rằng những hy sinh vất vả của ông bà cha mẹ, cùng với những lời cầu nguyện chân thành của con cháu, chắc chắn ông bà chúng ta đã được hưởng hạnh phúc bên Chúa. Tuy nhiên hàng năm Giáo Hội vẫn dành trọn một tháng để mời gọi mọi tín hữu cầu nguyện cách chung cho các linh hồn và cách riêng cho ông bà tổ tiên. Nhắc nhở mọi người cầu nguyện cho tổ tiên ông bà, không phải vì Giáo Hội hồ nghi về ơn cứu rỗi mà các linh hồn đã được, nhưng qua tháng cầu hồn này, Giáo Hội dạy chúng ta nhiều điều: Dạy ta về mầu nhiệm các thánh cùng hiệp thông; Giáo Hội dạy ta tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa và dạy ta sống lòng hiếu thảo biết ơn tổ tiên ông bà, cha mẹ và các linh hồn.

Trước hết, Giáo Hội dạy ta sống cách cụ thể mầu nhiệm Các Thánh cùng Hiệp thông trong Hội Thánh. Chúa Giêsu đã thiết lập chỉ một Giáo Hội duy nhất, vừa hữu hình vừa vô hình. Giáo Hội ở trần gian mà chúng ta đang là thành viên, chính là Giáo Hội hữu hình và những thành phần khác vô hình, mà chúng ta tuy không trông thấy bằng mắt thường, nhưng các thành phần đó vẫn đang hiện diện và hoạt động để chuyển thông ơn Chúa cho chúng ta. Đó là các thánh trên thiên đàng và các linh hồn đang thanh luyện chờ ngày được gặp Chúa. Nói cách dễ hiểu hơn, các tín hữu còn sống ở trần gian được gọi là Giáo Hội lữ hành hay Giáo Hội chiến đấu; các thánh trên thiên đàng được gọi là Giáo Hội chiến thắng; các linh hồn đang thanh luyện được gọi là Giáo Hội đền bù.

Như vậy, ngày mồng một, Giáo Hội mừng chung lễ Các Thánh nam nữ, tức là Giáo Hội mừng kính các vị đã hoàn thành hành trình trần thế một cách tốt đẹp và các vị đã hoàn tất thời thanh luyện, nay được vào chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa. Các thánh có thể là ông bà tổ tiên của chúng ta. Các ngài ở bên Chúa, chắc chắn các ngài sẽ cầu bầu cùng Chúa một cách đắc lực cho Giáo Hội trần thế, đang phải chiến đấu và cố gắng để nên hoàn thiện theo lời mời gọi của Chúa.

Các linh hồn là những người còn thiếu sót cách nào đó. Họ đang trải qua thời gian thanh luyện để nên hoàn hảo hơn, xứng đáng hơn để được gặp gỡ Thiên Chúa. Đau khổ của các linh hồn không phải là đau khổ của sự tuyệt vọng dằn vặt, nhưng là đau khổ vì yêu mến, vì khao khát được gặp mặt Thiên Chúa. Các linh hồn vì không còn thân xác, nên không thể lập công phúc cho chính mình được. Các ngài cần đến sự hy sinh của những người còn sống và lời cầu nguyện cho các ngài. Mặc dù không thể tự lập công phúc cho chính mình, nhưng các linh hồn lại có thể dâng những đau khổ và khao khát của mình, để cầu nguyện phù hộ cho con cháu còn sống. Qua những điều Giáo Hội dạy như thế, nhắc chúng ta sống mầu nhiệm hiệp thông trong Giáo Hội. Mỗi người sẽ không phải là những cá nhân riêng lẻ, nhưng là một thành phần có liên đới với các thành phần khác trong Giáo Hội, lời cầu nguyện và sự hy sinh của người này, sẽ mang ơn Chúa đến cho người kia.

Điều thứ hai Giáo hội dạy chúng ta trong ngày lễ hôm nay là tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Qua các bài đọc Lời Chúa hôm nay, Giáo hội muốn hướng chúng ta đến một niềm tin chắc chắn: Thiên Chúa Đấng cứu độ con người, Ngài muốn cho tất cả mọi người được ơn cứu rỗi và Ngài tạo mọi điều kiện để con người công tác vào việc đem ơn cứu rỗi đến cho chính mình và cho anh em.

Sách Macabê đã nói lên niềm tin vào sự sống đời sau của những người đã qua đời. Trong khi nhiều dân tộc khác chỉ tin linh hồn bất tử, nhưng không biết các linh hồn đó sẽ như thế nào, thì sách Macabê đã cho thấy, niềm tin của anh em nhà Macabê vào việc cầu nguyện cho các linh hồn. Họ tin rằng linh hồn của các binh sĩ cần lời cầu nguyện và sự hy sinh của người còn sống, để được giải thoát khỏi tội lỗi. Vì thế, họ đã quyên góp và gửi hai ngàn quan tiền về Giêrusalem để xin dâng hy lễ tạ tội, cầu nguyện cho các binh sĩ đã tử trận.

Sách Khải Huyền cho cho chúng ta thấy rõ hơn niềm tin vào hạnh phúc Nước Trời và sự sống đời sau. Những người sống lành thánh, sau khi qua đời, linh hồn họ không đi lang thang, nhưng được về hợp đoàn với các thánh trong thế giới của Thiên Chúa, mà tác giả gọi là Trời mới Đất mới. Nơi đây ngập tràn ánh sáng, niềm vui và hạnh phúc, vì có chính Thiên Chúa là chủ và là vua thống trị mọi loài, điều khiển mọi loài, Ngài thoả mãn mọi khát vọng của con người: “Thiên Chúa sẽ lau khô mọi giọt lệ trên mắt họ, sự chết chóc sẽ không còn nữa, không còn than khóc, kêu la và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã qua đi”.

Qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cho thấy cách rõ ràng nhất Người chính là sự sống lại và là sự sống của cả nhân loại. Ai tin vào Người thì dù có chết cũng sẽ được sống và ai sống mà tin Người, thì không bao giờ phải chết nữa. Đó là điều Chúa Giêsu quả quyết với cô Matta khi đến thăm gia đình và em cô là Lazarô mới qua đời. Để minh chứng cho cô Matta và mọi người thấy quyền năng Thiên Chúa, Đấng ban sự sống, Chúa Giêsu đã cho Lazarô chết bốn này được hồi sinh, trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Cái chết là nỗi sợ hãi nhất, đau khổ nhất, ám ảnh nhất đối với con người. Tuy nhiên, chính nhờ Đức Giêsu đã chết và sống lại, Ngài đã thay đổi ý nghĩa của cái chết, biến nó trở thành một ngưỡng cửa mà mọi người phải bước qua để được sống đời đời.

Như vậy, bất cứ ai tin vào Đức Giêsu, tin vào lòng thương xót của Chúa thì được hưởng sự xót thương của Chúa. Các linh hồn ông bà tổ tiên của chúng ta đã một đời tin theo Chúa Giêsu Kitô, chắc chắn Người không thể bỏ rơi các linh hồn trong đau khổ, Người sẽ ra tay cứu vớt và đem các linh hồn về chung hưởng hạnh phúc với Người như Người đã hứa. Tuy nhiên, việc Giáo Hội muốn chúng ta dành nhiều việc hy sinh, cầu nguyện, dâng lễ để cầu cho các linh hồn là để dạy chúng ta biết sống thảo hiếu biết ơn đối với ông bà tổ tiên.

Giáo Hội dạy chúng ta sống thảo hiếu biết ơn đối với ông bà, cha mẹ ngay khi các ngài còn sống và kể cả khi các ngài đã qua đời. Trên đời này không ai yêu thương con cái bằng cha mẹ, không ai dành cả một đời vất vả hy sinh, liều thân cho chúng ta bằng mẹ cha. Công ơn sinh thành, dưỡng dục là công ơn trời bể, không có gì có thể đáp đền cho cân xứng. Ai đã nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ; làm mẹ bây giờ mới hiểu được mẹ ngày xưa! Cha mẹ đã phải một nắng hai sương, tần tảo mỗi ngày, sinh thành, nuôi dưỡng để ta khôn lớn, được học hành và trưởng thành nên người, nên cơ đồ sự nghiệp hôm nay. Kể làm sao hết được tình thương cha mẹ dành cho con cái. Phận làm con phải biết ơn và sống thảo hiếu với các ngài, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho tuổi già của các ngài. Chăm sóc, phụng dưỡng ông bà cha mẹ khi các ngài tuổi cao sức yếu, chân chậm tay run. Ngày xưa khi ta còn nhỏ, cha mẹ đã hết sức kiên nhẫn để chăm sóc nuôi dưỡng, dẫn dắt chúng ta từng bước, chỉ cho chúng ta mọi điều. Nay, nhiều khi ta đã không kiên nhẫn đủ với các ngài, đã không kính trọng, không yêu thương các ngài, như chúng ta đã được các ngài yêu thương. Khi cha mẹ nằm xuống, nhiều gia đình, anh em tranh giành, phân bì nhau về tiền đóng góp, cãi nhau về việc chia nhau tiền phúng điếu, về thừa kế của cải.

Lòng biết ơn không dừng lại ở việc tổ chức những đám tang thật lớn, mua cỗ hòm đắt tiền, xây ngôi mộ thật to, nhưng chúng ta phải thể hiện lòng biết ơn qua việc tổ chức giỗ chạp hằng năm, không chỉ là ăn uống, mà là đọc kinh, cầu nguyện, nhắc cho con cháu hy sinh dâng lễ cầu nguyện cho ông bà cha mẹ đã qua đời. Hơn thế nữa, còn phải nói cho con cháu của mình, biết về công ơn của ông bà tổ tiên và nhắc nhau sống và gìn giữ những gia sản thiêng liêng, truyền thống tốt đẹp, mà ông bà, cha mẹ để lại cho con cháu và dòng họ.

Tháng các linh hồn là dịp tốt nhất để mỗi người, nếu còn thiếu sót cách nào trong bổn phận thảo hiếu, biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thì hãy dành thời gian này để bù đắp lại những thiếu sót ấy; Bù đắp lại những thiếu sót với ông bà, cha mẹ, bằng việc làm nhiều việc hy sinh, cầu nguyện, xin lễ, dâng lễ nhớ đến các ngài. Xin các ngài đang ở trước nhan Chúa, tiếp tục cầu bầu và phù hộ cho con cháu, luôn sống đẹp lòng Chúa và sống trọn đạo làm con trong gia đình. Amen.