HỌC CÁCH CẦU NGUYỆN VỚI GIÁO HỘI SƠ KHAI VÀ PHÂN BIỆT VỚI 4 TIÊU CHUẨN SAU:

Kathleen N. Hattrup - xuất bản ngày 25/11/20

Sự mô tả của Thánh Luca về những Kitô hữu đầu tiên cho chúng ta biết làm thế nào chúng ta có thể cảm nghiệm Chúa Kitô như họ đã cảm nghiệm.

Thánh Luca viết trong Sách Công vụ Tông đồ: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.” (Luca 2: 42).

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra đoạn văn này khi ngài tiếp tục loạt tiếp kiến thứ Tư về lời cầu nguyện vào ngày 25 tháng 11. Sau khi nhìn vào lời cầu nguyện của Chúa Kitô và lời cầu nguyện của Đức Mẹ, hôm nay ngài hướng sự chú ý của chúng ta đến Giáo hội sơ khai.

Ngài nói: “Cộng đồng kiên trì cầu nguyện”.

Đức Giáo Hoàng nói, việc đọc Sách Công vụ Tông đồ tiết lộ cho chúng ta biết “các buổi nhóm họp cầu nguyện có thể là một động lực cho việc rao giảng Tin Mừng mạnh mẽ như thế nào.”

Ngài giải thích rằng những ai tập họp trong những giây phút cầu nguyện đầu tiên này trong Giáo hội sơ khai, “thực sự cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Giêsu và được Thánh Linh tác động”.

Các thành viên của cộng đoàn đầu tiên - mặc dù điều này luôn áp dụng, ngay cả đối với chúng ta ngày nay - cảm thấy rằng tường thuật về cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu không dừng lại ở giây phút Lên Trời, mà còn tiếp tục trong cuộc sống của họ. Khi kể lại những gì Chúa đã nói và đã làm – nghĩa là lắng nghe Lời Chúa - trong việc cầu nguyện để đi vào hiệp thông với Ngài, mọi sự trở nên sống động .

Đức Thánh Cha lưu ý rằng Sách Giáo Lý nói về điều này như thế nào: “Chúa Thánh Thần, Đấng nhắc lại mầu nhiệm Chúa Ki-tô cho Hội Thánh đang cầu nguyện, cũng dẫn đưa Hội Thánh vào Chân Lý trọn vẹn và khởi hứng những mẫu kinh mới để diễn tả mầu nhiệm khôn dò thấu về Chúa Kitô, Đấng đang hoạt động trong cuộc sống, trong các bí tích và trong sứ vụ của Hội Thánh.” (Giáo lý Công giáo, số 2625).

Đức Thánh Cha nhấn mạnh, vì vậy, Chúa Thánh Thần khiến chúng ta nhớ đến Chúa Giêsu, nhưng “không phải như một bài tập ghi nhớ”.

Kitô hữu, đang đi trên con đường sứ vụ, hãy nhớ đến Chúa Giêsu trong khi họ làm cho Ngài hiện diện một lần nữa; và từ Ngài, từ Thánh Linh của Ngài, họ nhận được “sự thúc đẩy” để đi, để rao giảng, để phục vụ.

Trong lời cầu nguyện, người Kitô hữu đắm mình trong mầu nhiệm của Thiên Chúa, mầu nhiệm yêu thương mỗi người, Thiên Chúa mong muốn Tin Mừng được rao giảng cho mọi người. Thiên Chúa là Thiên Chúa cho tất cả mọi người, và trong Chúa Giêsu, mọi bức tường ngăn cách đã hoàn toàn sụp đổ: như Thánh Phaolô đã nói, “Vì chính Ngài là sự bình an của ta, Ðấng đã làm cho đôi bên nên một, triệt hạ tường ngăn thành chắn, (tiêu biểu cho) mối hằn thù -nhờ thân xác Ngài”, tức là “Đấng đã biến chúng ta từ hai thành một” (Êphêsô 2:14). Chúa Giêsu đã tạo ra sự hợp nhất.

Phân biệt những gì cần làm
Đức Thánh Cha nói rằng bốn hoạt động này được Thánh Luca nêu ra - “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.” (Luca 2:42) - có thể đóng vai trò như một khuôn khổ cho bất cứ hoạt động nào của Giáo hội.

Mọi thứ trong Giáo Hội phát triển bên ngoài những “yếu tố phối hợp” này đều thiếu nền tảng. Để phân biệt một tình huống, chúng ta cần tự hỏi mình về bốn yếu tố phối hợp này: Làm thế nào trong hoàn cảnh này, có được bốn yếu tố phối hợp này - rao giảng, liên tục tìm kiếm sự hiệp thông huynh đệ, tình bác ái, bẻ bánh (nghĩa là đời sống Thánh Thể), và lời cầu nguyện.

Bất cứ tình huống nào cũng cần được đánh giá dưới góc độ của bốn yếu tố phối hợp này. Bất cứ điều gì không thuộc các yếu tố phối hợp này đều thiếu tính giáo hội, đó không phải là giáo hội.

Đức Giáo Hoàng cảnh báo rằng nếu không có những tiêu chí này, chúng ta có thể nhầm tưởng Giáo hội như một nhóm doanh nhân đang tiến hành một kế hoạch kinh doanh mới, hoặc một đảng phái chính trị đang tìm kiếm ý kiến đa số trước khi đưa ra quyết định, thay vì công việc của Chúa Thánh Thần.

Ngài nhấn mạnh: “Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần được đảm bảo chính xác bởi bốn yếu tố phối hợp này.

Nếu thiếu điều này thì thiếu Chúa Thánh Thần, và nếu thiếu Chúa Thánh Thần thì chúng ta là một tổ chức cao đẹp, nhân đạo, làm nhiều điều tốt, việc tốt, việc tốt… thậm chí là một phe đảng Giáo hội, có thể nói như vậy. Nhưng đó không phải là Giáo hội.

Đó chính là lý do Giáo hội không phát triển nhờ những điều này: Giáo hội không phát triển nhờ lôi kéo người khác, như bất cứ công ty nào khác, Giáo hội phát triển bởi sự hấp dẫn. Và ai là người khơi gợi sự hấp dẫn? Chính Chúa Thánh Thần.

Chúng ta đừng bao giờ quên lời của Đức Bênêđictô XVI: “Giáo hội không phát triển nhờ việc chiêu mộ dụ dỗ người khác theo đạo, giáo hội phát triển bởi sự lôi cuốn.” Nếu thiếu Chúa Thánh Thần, Đấng thu hút [mọi người] đến với Chúa Giêsu, thì Giáo hội không có ở đó. Có thể có một câu lạc bộ tình bạn đẹp, tốt, với mục đích tốt, nhưng không phải là Giáo hội, không phải là cộng đoàn công giáo.

Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ.