ĐÂY CÓ PHẢI LÀ THỜI KỲ ÂN SỦNG CHO GIÁO HỘI KHÔNG?


Trong thời kỳ khó khăn này, nhiều người, kể cả người Công giáo, đang nghi ngờ và chán nản. Họ tự hỏi tại sao những lời cầu nguyện của họ vẫn không được đáp lại khi họ tiếp tục chứng kiến​​quá nhiều bất công, đau khổ và xấu xa ở đất nước chúng ta và trên thế giới.

Giữa những lúc như vậy, mọi người có xu hướng hỏi, "Tại sao Chúa cho phép đau khổ?" Câu trả lời ngắn gọn là Thiên Chúa cho phép đau khổ mang lại điều tốt đẹp hơn. Trước tiên, Thiên Chúa ban cho chúng ta ý chí tự do bởi vì Ngài đã dựng nên chúng ta theo hình ảnh và giống Ngài và Thiên Chúa hoàn toàn tự do. Thứ hai, Ngài đã tạo ra chúng ta với khả năng yêu thương và tình yêu đòi hỏi tự do. Thứ ba, vì bản chất con người sa ngã, chúng ta thường lạm dụng ý chí tự do của mình, chọn điều ác và tội lỗi hơn là tình yêu và điều tốt. Nhưng ngay cả khi đó, Thiên Chúa có thể và thực sự mang đến điều tốt từ điều ác.

Thánh Tôma Aquinô viết,
Như Thánh Augustinô đã nói, 'Vì Thiên Chúa là sự thiện hảo cao nhất, nên Ngài sẽ không cho phép bất kỳ điều ác nào tồn tại trong các tác phẩm của Ngài trừ khi sự toàn năng và sự thiện hảo của Ngài có thể mang lại điều tốt ngay cả từ điều ác. Đây là một phần của lòng nhân lành vô biên của Thiên Chúa, Ngài để cho điều ác tồn tại và từ điều ác đó sinh ra điều tốt lành.” (Tôma Aquinô, Tổng luận thần học. Tập I. Bản dịch của các Cha Dòng Đa Minh Tỉnh Dòng Anh Quốc. (Grand Rapids, Mich: Christian Classics, 1981.) I, q. 2, a. 3.)

Tuy nhiên, thông thường, chúng ta không thể nhận ra điều tốt lành mà chỉ có thể nhìn thấy điều ác. Điều tốt có thể không rõ ràng cho đến sau này, khi cái ác đã giảm bớt. Nhưng những người có đức tin có thể tìm thấy và tạo ra cái thiện giữa cái ác và đau khổ.

Thánh Phaolô nói với chúng ta: “… Luật đã xen vào để sa ngã gia tăng; song ở đâu tội đã gia tăng, thì ơn siêu bội, …” (Rôma 5,20). Thiên Chúa cho phép sự đau khổ và sự dữ tốn tại để chúng ta có thể gia tăng ân sủng. Không còn nghi ngờ gì nữa, ngay lúc này chúng ta đang bị thử thách bởi sự kéo dài của COVID-19, bởi hậu quả của các cuộc bầu bán và sự gia tăng lan rộng của chủ nghĩa thế tục trong quốc gia của chúng ta và trên thế giới. Trong khi nhiều người trẻ của chúng ta tiếp tục xa rời Thiên Chúa và Giáo Hội, những người Công giáo khác đã trở nên trung tín và nhiệt thành hơn trong đời sống cầu nguyện và bí tích của họ. Tôi đã nhận thấy sự gia tăng tham dự Thánh lễ hàng ngày tại giáo xứ của tôi và nhiều người đến với bí tích hòa giải hơn.

Ngay cả khi những lời cầu nguyện của chúng ta không được đáp lại theo thời gian và theo cách thức phù hợp với sở thích của chúng ta, thì việc cầu nguyện và thờ phượng là tốt cho chính chúng ta. Chúng đưa chúng ta đến gần Chúa hơn và đặt chúng ta vào mối quan hệ đúng đắn với Chúa. Trong lời cầu nguyện, chúng ta thừa nhận rằng mình không tự đủ đầy, nhưng còn yếu đuối, dễ bị tổn thương và hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa và lòng thương xót của Ngài. Cầu nguyện giúp chúng ta đạt được điều mà Thiên Chúa đã dự định ban cho chúng ta khi chúng ta cầu xin, và vô số các ân sủng khác.

Thánh Tôma Aquinô giải thích rằng chúng ta thường không nhận được những gì chúng ta cầu xin trong lời cầu nguyện bởi vì, một là, chúng ta xin một cách không kiên trì hoặc hời hợt; Hai, những gì chúng ta cầu xin không có lợi cho sự cứu độ của chúng ta; Ba, chúng ta không cầu xin với sự khiêm tốn, đức tin và sự tôn kính; Và cuối cùng, chúng tôi đã ngừng cầu xin quá sớm. Vì vậy, chúng ta hãy kiên trì cầu nguyện và phó thác để Chúa ban cho chúng theo thánh ý của Ngài.

Khi chúng ta bị cám dỗ về sự thiếu kiên nhẫn và vô vọng, chúng ta cũng hãy ghi nhớ những lời này của Thánh Phaolô: “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định.” (Rôma 8:28). Ngay cả sự bất công, đau khổ và tội lỗi cũng có thể tác động sinh lợi ích cho chúng ta và lợi ích của Giáo hội và thế giới. Tôi tin rằng đây là thời gian đầy ân sủng cho Giáo hội. Sự đe dọa của sự dữ, tội lỗi và sự hủy diệt đã khiến cho nhiều người ngày càng quay trở lại với Chúa. Tại Hoa Kỳ, trước bầu cử, có nhiều nhóm cổ động việc đọc kinh Mân Côi và tuần cửu nhật. Không lâu sau cuộc bầu cử, một người bạn của tôi nói rằng số người đi lễ tại giáo xứ của cô ấy tăng lên. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng những ai tìm thì sẽ thấy, và rằng Chúa Cha không thờ ơ với nhu cầu của chúng ta, và vì vậy chúng ta phải có đức tin và kiên trì trong lời cầu nguyện, hy vọng và tình yêu.

Trong lịch sử của Giáo Hội, khi sự dữ trỗi dậy trên thế giới, thì sự thánh thiện đang trỗi dậy trong Giáo Hội. Người Công giáo trung thành không tuyệt vọng, nhưng đáp lại đầy đủ hơn ơn sủng của Thiên Chúa. Ân sủng siêu nhiên đòi hỏi chúng ta phải hợp tác để sinh hoa trái. Các bí tích và lời cầu nguyện là những kênh chính yếu của ân sủng, nhưng cũng là những tâm thế thích hợp của linh hồn. Những nhân đức như khiêm nhường, đức tin, và sự buông bỏ cho sự quan phòng của Thiên Chúa, làm đẹp lòng Thiên Chúa và sẽ mang lại vô số ân huệ của Thiên Chúa, không chỉ cho cá nhân mà còn cho Giáo hội và cuối cùng là thế giới.

Chúng ta được kêu gọi nên thánh, không chỉ vì sự cứu rỗi của chính chúng ta, mà còn cho những người xung quanh - gia đình, bạn bè và cộng đồng của chúng ta. Ơn gọi của chúng ta là thánh hóa Nhiệm Thể Chúa Kitô và xây dựng Nước Thiên Chúa trên trần gian. Trong những thời gian thử thách này, chúng ta nên đặc biệt hướng về Đức Mẹ, Đấng đầy ân sủng, không chỉ để khẩn cầu xin Mẹ chuyển cầu mạnh mẽ, mà còn để học hỏi từ Mẹ cung cách nhận được nhiều ân sủng hơn. Đặc biệt, Mẹ Maria đã chấp nhận mọi khó khăn và thập giá trong cuộc đời Mẹ và cuộc đời của Con Mẹ, vì biết rằng chúng là một phần trong kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa. Mẹ đã đáp ứng hoàn toàn sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần và luôn luôn làm cho ý muốn của mình phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Đức Mẹ của chúng ta không bao giờ nghi ngờ hay nản lòng, nhưng vẫn kiên định trong sự tin cậy, hiệp nhất đau khổ của Mẹ với Chúa Giêsu, và dâng hiến mọi hành động yêu thương vì vinh quang Thiên Chúa và sự cứu rỗi của chúng ta.

Con lắc của điều thiện và sự ác không ngừng chuyển động. Hiện tại, nó dường như đang đi sai hướng — theo hướng xấu hơn, mù quáng và hủy diệt. Do đó, vấn đề là tùy thuộc vào Kitô hữu chúng ta và những người có thiện chí có muốn chuyển nó quay lại với Thiên Chúa, với sự thật và sự hòa hợp hay không. Chúng ta làm điều này bằng cách đón nhận các bí tích thường xuyên và nhiệt thành, cũng như gia tăng cầu nguyện và thực hành các nhân đức. Chúng ta biết rằng sự dữ không có tiếng nói cuối cùng.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắc nhở chúng ta đừng sợ hãi vì “Quyền năng của Thập giá và Sự Phục sinh của Chúa Kitô lớn hơn bất kỳ điều ác nào mà con người có thể hoặc phải sợ hãi” (Bước qua ngưỡng cửa hy vọng, 219) [1]. Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang trải qua thời kỳ đen tối và mọi thứ có thể trông rất ảm đạm. Nhưng người ta thường nói trời luôn luôn tối tăm nhất trước khi bình minh xuất hiện. Tôi tin rằng Chúa Kitô muốn đổi mới Giáo hội của Ngài trong những thời điểm khó khăn này. Trong cuốn sách In Sinu Jesu [2], Chúa Giêsu nói với một Tu sĩ Biển Đức, một điều trong nhiều điều khác, rằng Ngài muốn bắt đầu một mùa xuân thánh thiện trong Giáo hội và trên thế giới, và việc tôn thờ Thánh Thể là phương thế chính để thực hiện sự đổi mới này. Đây là thời gian của ân sủng, và sự thánh thiện của Giáo hội bắt đầu từ bạn và tôi. Chúng ta hãy kiên trì sống nhân hậu và trung tín, đồng thời hiệp nhất đau khổ của chúng ta với Trái Tim Sầu Bi của Mẹ Maria và Thánh Tâm Chúa Giêsu, để Chúa Thánh Thần có thể đổi mới bộ mặt trái đất vì vinh quang Thiên Chúa và ơn cứu độ các linh hồn.

Cha Trần Quân là một linh mục Công giáo La Mã của Giáo phận Orange ở California. Cha Trần Quân hiện là Cha phó của giáo xứ Thánh Bonaventura ở Huntington Beach. Ngài cũng là Thư ký Ủy ban Mục vụ của Giám mục Kevin Vann. Cuốn sách mới nhất của ngài là Theo gương Đức Maria: Chìa khóa để tăng trưởng nhân đức và ân sủng. (The Imitation of Mary: Keys to Growth in Virtue and Grace).

[1]ND: Tác phẩm “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng” được hình thành do nhà báo Vittorio Messori tập hợp các câu trả lời của ĐGH Gioan Phaolô II cho những câu hỏi mà ông đặt ra. Những câu hỏi mà nhà báo này đặt ra cũng là những câu hỏi của con người thời đại chúng ta như: có Thiên Chúa không? tại sao Thiên Chúa lại để cho đau khổ xảy ra? Những câu hỏi về ơn cứu độ của Chúa Kitô như: tại sao lại cần phải cứu độ? Tại sao Thiên Chúa lại cứu độ bằng Thập giá...những câu hỏi về thách đố cho sự tồn tại và phát triển của Giáo hội…tất cả được trả lời dưới cái nhìn đầy hy vọng của vị giáo hoàng với một đức tin kiên vững.
[2]ND: Tựa bên lòng Chúa (Giêsu), khi con tim nói với con tim; tạp chí của một linh mục cầu nguyện.

Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ.