CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG B: MỞ ĐƯỜNG CHO CHÚA



Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc



Ở Việt Nam, việc giải toả mở đường đã thành quen thuộc, khiến khi nói đến mở đường, người dân hình dung đến các dự án treo, các dự án giả để nâng giá đất hoặc mở đường là cái cớ để tham nhũng lên đến hàng ngàn tỷ. Có những con đường đang mở rộng thì bị thắt lại vì vướng nhà quan chức; có những con đường phải chấp nhận bị bẻ cong vì tránh nhà cán bộ; có những con đường chưa đi đã hỏng... Những thuật ngữ hoặc xảo ngữ trong ngành làm đường như đường chờ lún, đường chờ nghiệm thu đã trở thành quen thuộc. Đường sắt Cát Linh - Hà Nội lỡ hẹn đến lần thứ 9, mà vẫn không hoạt động. Đường cao tốc ở Đà Nẵng chưa khánh thành đã hư. Vì nhiều bê bối trong việc giải toả mở đường, khiến cho dân chúng cảm thấy mệt mỏi, chán nản khi nghe đến các dự án mở đường.

Hôm nay, bước vào Chúa nhật thứ hai Mùa Vọng, Lời Chúa mời gọi chúng ta phải mở một con đường cho rộng, cho thẳng để Chúa có thể đến với mỗi người và cũng là con đường để mình có thể đến được với anh chị em. Vào mỗi Mùa Vọng, chúng ta lại được mời gọi mở đường cho Chúa, nhưng có lẽ con đường trong tâm hồn chúng ta cũng vẫn còn dang dở nhiều năm, là con đường chưa đi đã hỏng hoặc còn vướng các lô cốt nên không thể mở rộng, uốn thẳng được.

Một lần nữa, trong bài đọc một, tiên tri Isaia kêu gọi: “Hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang hãy mở một con lộ thẳng băng. Mọi thung lũng phải được lấp đầy, mọi núi đồi phải bạt xuống, nơi lồi lõm phải san cho bằng”. Lời này được tiên tri kêu gọi trong hoàn cảnh dân Do Thái đang bị nô lệ tại Babylon. Họ bị đóng kín trong tình trạng khốn khổ tuyệt vọng. Ước mơ của họ là tìm ra một con đường giải thoát để trở về quê hương. Nhìn thấy khao khát này của dân tộc, tiên tri Isaia không chỉ nói đến việc phải mở một con đường băng qua sa mạc từ Babylon về đến Giêrusalem, nhưng quan trọng hơn là mở ra cho Israel một con đường hy vọng.

Tuy nhiên, Isaia không nói đến con đường băng qua sa mạc, nhưng vị tiên tri muốn dùng hình ảnh con đường, để kêu gọi dân Israel thực hiện một dự án cụ thể và quyết liệt, đó là mở con đường trong tâm hồn. Muốn có con đường đẹp và rộng, đòi phải hy sinh để giải toả những gì còn vướng mắc hoặc cản lối. Cũng vậy, để mở đường trong tâm hồn cũng đòi phải dẹp bỏ những lô cốt, những lấn chiếm trong tâm hồn: “Mọi thung lũng phải được lấp đầy, mọi núi đồi phải bạt xuống, nơi lồi lõm phải san cho bằng. Bấy giờ vinh quang của Đức Chúa sẽ tỏ hiện và mọi người phàm sẽ được nhìn thấy”.

Một khi đã dám mở đường cho Chúa, Chúa sẽ đến trong vinh quang, mọi người sẽ được nhìn thấy Ngài. Ngài sẽ cất khỏi dân nỗi nhọc nhằn khốn khổ, sẽ thể hiện uy quyền của Ngài trước mặt muôn dân. Thiên Chúa sẽ tiêu diệt và loại trừ những kẻ gian ác. Còn những ai sống công chính thì được Ngài yêu thương, chăm sóc, như mục tử chăm sóc đoàn chiên: “Lũ chiên con, Ngài ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, Ngài tận tình dẫn dắt”.

Bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta một nhân vật đặc biệt của Mùa Vọng đó là Gioan Tiền Hô. Ông được chọn để trở thành người dọn đường cho Thiên Chúa, chuẩn bị cho dân chúng đón nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Ông còn là mẫu gương sống Mùa Vọng. Thánh Marcô đã trích lại lời tiên tri Isaia để nói về Gioan: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi. Có tiếng kêu từ trong hoang địa: Hãy dọn đường cho Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”.

Trước khi thi hành sứ vụ là người dọn đường cho Chúa, Gioan đã trải qua thời gian chay tịnh, sống ẩn dật trong sa mạc: “Ăn châu chấu, uống mật ong rừng”. Trong lúc mọi người chạy theo cuộc sống hưởng thụ, ăn chơi, Gioan chọn vào nơi thanh vắng; trong lúc mọi người tìm kiếm giàu sang vật chất, Gioan chọn sống đơn giản, hoà mình với thiên nhiên: “Mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú”. Chính đời sống nhiệm nhặt của Gioan đã thành một lời chứng cho mọi người. Mọi người thấy cuộc sống khác thường của ông, họ hỏi nhau ông là ai? Ông có phải là Đấng phải đến không? Người dân tưởng rằng ông sẽ trả lời cho những thắc mắc của họ, nhưng không, ông hướng họ đến một hành động: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”, bằng việc sám hối, xin ơn tha tội và lãnh nhận phép rửa.

Như vậy, việc dọn đường để đón Chúa trước hết là làm việc sám hối. Sám hối có nghĩa là nhìn lại và thay đổi từ suy nghĩ, đời sống, hành động của mình. Sám hối là dám điều chỉnh lại đời sống, lời nói, việc làm của mình, cho phù hợp với những đòi hỏi của Thiên Chúa, đồng thời còn phải hạ mình khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa để xin ơn tha thứ. Sự kiêu ngạo đã ăn sâu vào trong đời sống của con người, biến con người trở thành kẻ đối đầu với Thiên Chúa và cho mình là kẻ ngang hàng với Thiên Chúa. Sự kiêu ngạo cũng đã hình thành nên những lô cốt những núi cao trong tâm hồn, làm cho con đường trong tâm hồn trở nên chật hẹp gập ghềng. Sự kiêu ngạo khiến cho con người gạt bỏ Chúa ra khỏi đời mình, biến tâm hồn thành hoang mạc khô cằn là nơi trú ẩn của rắn rết và thú dũ. Sám hối là khiêm nhường để cho Lời Chúa san phẳng lại những lồi lõm trong tâm hồn, giải toả những lô cốt kiêu căng và uốn nắn lại những chỗ quanh co gập ghềnh.

Gioan Tẩy Giả kêu gọi việc sám hối còn phải đi kèm với một hành động cụ thể bên ngoài, đó là chịu phép thanh tẩy. Mặc dù Gioan biết rất rõ phép rửa ông thực hiện không thể tẩy xoá được tội lỗi cho con người, nhưng những ai khiêm nhường cúi xuống để đón nhận phép rửa của Gioan, Thiên Chúa sẽ mở ra trong tâm hồn họ một khao khát đón rước Chúa và đó cũng là con đường để Chúa đến với họ. Vì Chúa chỉ có thể đến và cư ngụ trong những tâm hồn khiêm nhường và khao khát Chúa mà thôi.

Gioan cũng giới thiệu cho mọi người biết về Đấng sẽ đến sau ông: “Có Đấng quyền thế hơn tôi sẽ đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống để cởi quai dép cho Người”. Mặc dù được dân chúng tin tưởng kéo đến để nghe ông giảng và chịu phép rửa, Gioan đã không giữ mọi người lại cho mình, nhưng ông dẫn mọi người đến với Đấng Cứu Thế sẽ đến sau ông. Ông nhận mình chỉ là kẻ dọn đường và phép rửa ông thực hiện chỉ là cách giúp mọi người chuẩn bị tâm hồn, Đấng đến sau ông mới là Đấng dùng Thánh Thần để tẩy rửa tội lỗi, giải thoát và cứu độ nhân loại: “Tôi chỉ rửa anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần”.

Thưa quý OBACE, Chúa Kitô đã đến và đã cứu chuộc nhân loại, nhưng chúng ta có đón nhận được ơn cứu độ hay không là hoàn toàn tuỳ thuộc ở nơi mỗi người. Nếu mỗi người cũng biết khiêm nhường nhìn lại cuộc sống mình và chấp nhận sự sám hối thay đổi, thực hành những việc làm cụ thể, để thể hiện lòng sám hối, chúng ta sẽ đón nhận được ơn cứu độ.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta uốn nắn lại những chỗ quanh co gập ghềng gian dối trong tâm hồn, san bằng những đồi núi kiêu căng tự mãn và dám giải toả những thói quen xấu là những lô cốt lấn chiếm trong tâm hồn để đón Chúa bước vào tâm hồn. Mỗi người biến tâm hồn mình trở nên một con đường ngay thẳng, rộng rãi, thông thoáng cho Chúa đến với ta, để ta đến với Chúa và đến với anh em. Chúa Cứu Thế đã đến và Ngài sẽ trở lại với mỗi người. Vì thế trong khi mong chờ Người trở lại, thánh Phêrô nhắc mỗi người: “Anh em phải cố gắng sống sao để Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an”.

Chuẩn bị tâm hồn mừng lễ Chúa Giáng Sinh, chúng ta có thể mất nhiều thời gian để chuẩn bị cho những trang trí bên ngoài hoặc lên kế hoạch cho chương trình ăn uống, du lịch. Nhưng quan trọng hơn, mỗi người cần chuẩn bị tốt con đường trong tâm hồn cho Chúa đến với mình và gia đình. Có thể con đường sống đạo của cá nhân, của gia đình, lâu ngày đã bị những thói quen xấu, sự lười biếng như cỏ dại, như lô cốt lấn chiếm. Cũng có thể con đường trong gia đình và tâm hồn đang xuất hiện những vết nứt, hố sâu nguy hiểm đó là sự giận dữ thù hằn, sự bất khoan dung thiếu cảm thông. Những vết nứt, hố sâu này có thể nuốt chửng hạnh phúc của gia đình và cũng có thể vùi lấp cuộc đời của mỗi thành viên.

Xin Chúa giúp chúng ta nhờ Lời của Chúa và dùng Bí Tích Thánh Thể làm sức mạnh để giải toả những vướng mắc trong cuộc đời và uốn nắn lại nếp sống của bản thân và gia đình, làm nên con đường ngay thẳng để đón Chúa đến với ta và để ta đến với anh em. Amen.