GIÁNG SINH: MÙA CỦA CON TIM



Bạn có bao giờ tự hỏi — nếu bạn đang sống vào thời điểm Chúa Giêsu sinh ra — liệu bạn có biết, giống như những người chăn cừu và Các Hiền Sĩ ở Phương Đông, về sự kiện kỳ ​​lạ đang diễn ra ở thị trấn Bêlem không?

Nếu bạn cũng đã đến Bêlem để khai báo tên tuổi, bạn có nhận thấy rằng, giữa sự hối hả và nhộn nhịp của đám đông và nhu cầu cấp thiết của bạn, có điều gì bất thường xảy ra không?

Có lẽ tất cả chúng ta đều đã tự hỏi mình những câu hỏi này, nhưng liệu chúng ta có ý thức được sự ra đời của Đấng Mêsia được mong đợi nhiều vào thời điểm và địa điểm nào trong lịch sử hay không. Điều này thực sự không quan trọng. Điều quan trọng đối với chúng ta là bây giờ chúng ta có đang ý thức về sự sinh ra của tinh thần Chúa Kitô trong chúng ta không, sự hiện diện của Thiên Chúa, mà Chúa Giêsu là hiện thân, trong mỗi con người, nam cũng như nữ và trẻ em không?

Cử hành sự ra đời của Chúa Giêsu vào lễ Giáng sinh một cách vô tâm và như thể đó là “chuyện của người khác” là bỏ mất toàn bộ sứ điệp về sự ra đời Ngài. Tất nhiên, chúng ta hãy cùng “Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa, đàn hát lên mừng Danh Thánh rạng ngời, nào dâng lời ca tụng tôn vinh!” (Thánh vịnh 66: 1) khi chúng ta kỷ niệm sự ra đời của Chúa Giêsu, là Đấng Cứu Độ và là Người dẫn đường của chúng ta, và bằng mọi cách, chúng ta hãy giữ những đồ trang trí yêu dấu đặc trưng của Mùa Lễ, nhưng chúng ta cũng hãy lướt nhìn qua chúng để hiểu ra tất cả ý nghĩa của sự ra đời của Chúa Giêsu, đặc biệt là trong thế giới nội tâm suy nghĩ và cảm giác của chúng ta. Giáng sinh là một mùa lễ cần được tổ chức chừng nào nó vẫn còn ý nghĩa.

Tình yêu, hòa bình, niềm vui và thiện chí không chỉ dành cho một thời khắc nhất định nào đó trong năm.

Một số người sợ Giáng sinh sắp đến vì họ gắn kết nó với sự lo lắng, căng thẳng và chuẩn bị vào phút cuối. Một năm nọ, ngay sau khi mùa lễ kết thúc, tôi tình cờ nghe ai đó nói một cách nhẹ nhõm: "Cảm ơn Chúa, mọi chuyện đã kết thúc!" Bạn có thể đã nghe người khác nói: "Có điều năm nay tôi không lãnh nhận được tinh thần Giáng sinh”.

Nhưng làm thế nào để chúng ta bước vào tâm tình thực sự của Giáng sinh? Chúng ta phải loại bỏ mọi thứ có xu hướng can thiệp vào ý nghĩa thực sự của nó, và nhiều khi cảm xúc riêng tư của chúng ta cản đường. Chúng ta phải từ bỏ những gì thấp kém hơn - từ bỏ những yêu sách cá nhân của chính chúng ta hoặc của những người thân yêu của chúng ta - bất kể chúng có vẻ đòi hỏi như thế nào vào lúc này.

Khi chúng ta làm như vậy và nâng lòng lên với Thiên Chúa để ngợi khen và cảm tạ, chúng ta sẽ nhận được rất nhiều phần thưởng phong phú của một lễ Giáng sinh đích thực. Mẹ Maria là một mẫu gương tuyệt vời về cung cách đi vào tinh thần Lễ Giáng sinh. Ngay cả trước khi trẻ Giêsu được sinh ra, Mẹ Maria đã nhận thức được hoàn cảnh tế nhị của mình với chồng là Thánh Giuse, và bằng cách nào đó, Mẹ biết rằng mọi thứ cuối cùng sẽ diễn ra một cách đáng ngưỡng mộ. Với lòng tin, sự khiêm nhường và lòng biết ơn, Mẹ tuyên bố: “Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!” ( Lc 1: 46-47,49).

Đối với những nhu cầu đặc biệt của chúng ta vào Lễ Giáng sinh hoặc bất kỳ lúc nào khác, chúng ta cũng có thể áp dụng một tâm tình tương tự. Chúng ta hãy làm theo sự cương quyết, lòng can đảm và sự hiểu biết của Mẹ Maria, vì Mẹ thực sự là người đầu tiên thực sự cử hành ngày sinh của Chúa Giêsu.

Mùa lễ của chúng ta có thể kéo dài cả năm. Không phải bằng cách sử dụng chính xác các yếu tố truyền thống của mùa lễ mà bằng cách gạt bỏ bất cứ điều gì có thể gây phiền hà cho chúng ta vào lúc đó và hòa mình vào tất cả những gì mà Chúa Kitô ngự trong lòng chúng ta bày tỏ.

Những thách thức sẽ xảy đến trong năm tới. Chúng ta sẽ không ứng phó với những thách thức đó trong tinh thần Giáng sinh hay sao? Sự lạc quan, tình yêu và niềm tin vào việc làm đúng đắn sẽ thắng thế. Gợi lên ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh vào bất kỳ thời điểm nào trong năm có thể là “một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân” (Lc 2:10) mà chúng ta luôn có thể đón nhận trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Cũng như các Nhà Thông Thái đến từ Phương Đông “họ mừng rỡ vô cùng” (Mt 2:10) khi tìm thấy Chúa Giêsu, chúng ta cũng vậy có thể tìm thấy niềm vui và sự sung mãn nơi Chúa Kitô mới sinh ra trong chúng ta suốt cả năm.

Chúng ta hãy suy nghĩ về sự sống thần lnh, vì Chúa Giêsu mới sinh ra biểu trưng cho ý tưởng này. “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Gioan 14: 6), Chúa Giêsu nói với các môn đệ về sự kết thúc sứ vụ của Ngài trên trần gian. Đối mặt với nhu cầu chữa lành nơi bản thân hoặc nơi người khác, chúng ta thực sự có thể mừng sự sống nội tâm với niềm hân hoan giống như chúng ta mừng sự sống của Chúa Kitô đến trong thế gian và trong lương tâm của chúng ta vào dịp Giáng sinh.

Món quà của cuộc sống là liên tục và không thay đổi. Chúng ta có thể nhìn thấy nó trong Chúa Giêsu mới sinh ra vào lễ Giáng sinh hoặc trong chính chúng ta và những người thân yêu vào bất kỳ thời điểm nào khác trong năm. Sự chữa lành luôn có thể được thực hiện khi chúng ta ca tụng sự sống — sự sống nội tại của Chúa Kitô — ở đây và bây giờ.

Có lẽ chúng ta cảm thấy những rung động của tình yêu, của bình an và niềm vui trong mùa lễ nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong năm. Mọi người nói chung tử tế, lịch sự và tốt bụng hơn. Hầu như mọi người đều mỉm cười dễ dàng hơn; những nỗi đau và những tội lỗi trong quá khứ bị lãng quên. Và điều này nên xảy ra, vì rồi ra, chúng ta đang kỷ niệm sinh nhật của Hoàng tử Hòa bình.

Giờ đây, chúng ta có thể mang tinh thần thiện chí và thấu hiểu đó vào các mối tương quan của chúng ta suốt cả năm qua. Tại sao lại để cho những cảm xúc và tâm tình đó trở nên nguội lạnh khi năm mới bắt đầu? Chúng ta hãy ghi nhớ những cảm xúc và tâm tình đó, hồi sinh chúng và ghi nhận chúng trong tâm ý của chúng ta một cách không thể xóa nhòa để chúng có thể phục vụ chúng ta khi đường dây liên lạc của chúng ta với người khác cần được sửa chữa.

Khi mùa lễ kết thúc và khi chúng ta cất đồ trang trí đi, có lẽ sẽ hữu ích nếu bạn để một món đồ trang trí ra bên ngoài và đặt nó ở nơi có thể nhìn thấy. Nó sẽ nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa sâu sắc của mùa lễ. Một tấm thiệp, một vật trang trí trên cây Giáng Sinh, một bức tượng nhỏ, một ngọn nến — bất kỳ vật lưu niệm đặc biệt nào gần gũi với tâm hồn của chúng ta — rất có thể khiến chúng ta nhớ rằng sự ra đời của Chúa Giêsu một lần nữa diễn ra ở đây, trong chúng ta, với thông điệp rạng ngời về tình yêu, đức tin và bình an.

Đúng vậy, chúng ta có thể kỷ niệm sự ra đời của Chúa Kitô trong tâm hồn bất kỳ lúc nào trong năm. Giáng sinh dành cho tất cả các mùa, vì đó là mùa của con tim, của tâm hồn! [1]

Những câu chuyện của con tim, của tâm hồn

Trong cuộc sống, chúng ta gặp rất nhiều câu chuyện cảm động từ chính những người xung quanh ta.

-Bạn quên bố mẹ nhưng bố mẹ thì không bao giờ quên bạn

Hôm nay tôi gặp một cụ già cầm chiếc điện thoại cũ đi sửa. Nhân viên cửa hàng sửa chữa đã nói với cụ chiếc điện thoại đó không bị hỏng. Cụ già bỗng òa khóc:

“Vậy tại sao con tôi lại không gọi điện cho tôi?”.

-Một bà lão đi xóa hộ khẩu cho người bạn đời mới qua đời của mình, bà nhẹ nhàng hỏi tôi:

“Cháu à, các cháu có thể đừng thu chứng minh thư của ông ấy được không. Thỉnh thoảng những lúc muốn nhìn ông ấy, bà có thể nhìn cái chứng minh thư này”.

Sau đó chúng tôi đã không thu mà chỉ cắt bỏ một góc chứng minh thư và đưa lại cho bà cụ

-Dù bận thế nào hãy luôn cố gắng về nhà ăn cơm
“Tối nay ăn cá rán, thịt hầm. Còn có cả đậu Hà Lan xào nữa …”.
“Tối nay anh không ăn cơm nhà đâu.”
“Ồ, thế à … Vậy anh chơi vui vẻ nhé”

-Hãy trân trọng người phụ nữ, người nguyện kết hôn cùng bạn để tạo lập một gia đình …

Từ khi cô ấy lấy tôi, cô ấy đã phải trải qua 3 lần phẫu thuật

Lần thứ nhất mổ đẻ đứa con đầu lòng. Lần thứ 2 mổ đẻ đứa con thứ 2. Lần thứ 3 mổ ung thư, lần đó mổ xong cô ấy đã không tỉnh lại nữa. Tôi nợ cô ấy, nhưng giờ đây không trả được nữa.

-Năm nay mẹ đã phải vào viện 6 lần, bây giờ nằm liệt trên giường bệnh, không nói được nữa.

Ngày ngày bố ngồi bên bóp chân bóp tay cho mẹ, dù mẹ không phản ứng gì nhưng bố vẫn kiên trì chờ đợi.

Bác sĩ nói mẹ rất khó có thể hồi phục, bố vẫn hàng ngày nói vào tai mẹ:

“Em hãy nhanh khỏe lại đi, sau này anh sẽ không đi làm gì nữa. Ngày ngày ở nhà nấu cơm cho em ăn, buổi tối chúng mình cùng đi bộ.”

-Tôi nghĩ, không rời xa chính là tình yêu đích thực.

Hôm nay trên tàu hỏa có 2 cụ bà ngồi cạnh tôi, một cụ đi tiễn một cụ còn lại. Hai cụ tay trong tay nói chuyện không ngừng. Tàu chuẩn bị chạy, một cụ xuống tàu và ngoái lại nói:

“Chị, hôm nay em 89, chị 90, đây là lần cuối cùng chị em mình gặp nhau.”

Lời nói rất chân thật của cụ bà nhưng làm mọi người nghe thấy đều thấy nhói lòng

-Trong chiến tranh thế giới thứ 2, một bé gái bị chôn sống, em đã nói với người lính của Đức quốc xã:

“Chú ơi, chú hãy chôn cháu nông nông một chút chú nhé, nếu không mai mẹ sẽ không tìm thấy cháu…”

Câu chuyện này đã được tái hiện lại trong bộ phim kinh điển “Bản danh sách Schindler.”

-Hy sinh vì tình yêu đó là điều cần phải trân trọng

Hồi mới yêu dù 2 đứa chưa có việc làm. Cô ấy đã ngày ngày cầm đồ ăn sáng đến cho tôi, cô ấy nói dối tôi là cô ấy đã ăn ở nhà rồi.

Rất nhiều năm sau tôi mới biết suốt thời gian đó ngày nào cô ấy cũng đến lớp với cái bụng trống không. Hiện nay cô ấy đã thành vợ của tôi.

“Lấy được cô ấy tôi như vớ được cục vàng”.

Hãy luôn nhớ rằng: phải quý trọng tất cả những người xung quanh ta, không nên để đến khi mất họ mới thấy hối hận, khi đó đã quá muộn…[2]

Phêrô Phạm Văn Trung chuyển nghĩa và tổng hợp.

Chú thích:

[1] Luis Mora: https://www.unity.org/resources/articles/christmas-season-heart
[2] Quỳnh Chi / Đại Kỷ Nguyên