CHÚA NHẬT II TN B - ĐẾN – XEM VÀ Ở LẠI VỚI CHÚA



Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp Xuân Lộc



Mùa Giáng sinh vừa qua, nhiều trang face book đăng hình những hang đá đẹp nhất, giáo xứ trang trí điện đẹp nhất, cây thông cao nhất và đã thu hút được rất nhiều người đến xem. Nhiều người đã đến, đã xem vì tò mò, hiếu kỳ; nhiều người khác chỉ đến xem các hang đá, cây thông, để tạo dáng, chụp hình mà không hề thấy Chúa và không gặp được Chúa. Cũng vậy, nhiều người kể cả các linh mục tu sĩ, vẫn đến nhà thờ hằng ngày, vẫn nói về Chúa hằng ngày, nhưng rất có thể chúng ta cũng vẫn chưa gặp được Chúa bao giờ.

Chúng ta không gặp được Chúa là vì Chúng ta chỉ đến và xem, nhưng lại không ở lại với Chúa. Mùa Giáng Sinh vừa qua chúng ta mừng kỷ niệm ngày Con Thiên Chúa đã đến trong trần gian. Ngài không đến để xem như chúng ta đi xem hang đá và cây thông, nhưng Ngài đến để ở lại với nhân loại, để tìm gặp mỗi Chúng ta. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay kể lại những câu chuyện về những con người đã đến, đã ở lại và đã gặp được Chúa.

Bài đọc một kể về cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa của cậu bé Samuel. Samuel vừa đến tuổi khôn, cậu đã vào trong Nhà Chúa để được ở lại phụng sự Chúa và giúp việc cho thầy thượng tế Hêli. Điều đó cho thấy cậu Samuel đến với Chúa với tất cả lòng thành đơn sơ của một cậu bé. Cậu chỉ làm những công việc hết sức tầm thường đó là giúp việc. Tuy nhiên, nhờ được giúp việc trong nhà của Thiên Chúa, cậu có cơ hội ở lại trong đền thờ, được sống dưới ánh mắt của Chúa và được ngủ trong sự bảo vệ của Chúa. Vì có một tâm hồn khao khát, đơn sơ và sẵn sàng như thế, cậu mới có thể nghe được tiếng Chúa gọi vào đêm khuya, cậu chạy đến với thầy Heli và thưa: Thưa Thầy, Thầy gọi con!

Thầy Heli trong vai trò là một thượng tế, ông đã giúp Samuel phân định được tiếng gọi của Chúa với các tiếng nói khác. Ông chỉ cho cậu biết đáp lại tiếng Chúa với một tâm hồn sẵn sàng quảng đại: Nếu Ngài còn gọi con, thì con hãy thưa: Lậy Chúa, xin cứ nói vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe. Lần thứ ba, Samuel đã nghe và nhận ra tiếng Chúa mời gọi, cậu đã thưa lại: Lậy Chúa, xin cứ nói vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe. Samuel đã được gặp Chúa. Câu chuyên được kết luận: Samuel lớn lên, Đức Chúa luôn ở với cậu và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu. Như thế, Samuel đã đến để được ở trong đền thờ của Chúa, được gặp Chúa, thì giờ đây, Chúa lại đến ở trong cậu và chọn cậu, sau này, trở thành một ngôn sứ và được sai đến với dân Israel để truyền đạt ý Chúa cho họ.

Bài Tin Mừng kể lại hai chàng trai trẻ đến gặp gỡ Đức Giêsu và họ đã được biến đổi. Hai chàng trai này là Anre và người môn đệ kia, là Gioan, cả hai đều là môn đệ của Gioan Tiền Hô. Có lẽ hai chàng trai này vẫn đang khắc khoải tìm kiếm một con đường, một lẽ sống mà Gioan Tiền Hô không thể giúp các anh. Vì vậy, khi nghe Gioan giới thiệu về Đức Giêsu: Đây là Chiên Thiên Chúa, hai chàng trai này liền đi theo Đức Giêsu.

Chúa Giêsu thấu hiểu tận đáy lòng của hai chàng trai này, Ngài chủ động quay lại mở lời: Các anh đi tìm gì? Hai chàng trai này đã không trả lời vào câu hỏi của Đức Giêsu, vì có lẽ các anh tin rằng Đức Giêsu đã nhìn thấy khao khát từ tận đáy lòng họ, các anh thể hiện ước muốn của mình qua câu hỏi: Thưa Thầy, Thầy ở đâu? Các anh đã theo Chúa, tìm Chúa đã được gặp Chúa. Các anh còn khao khát, mong ước hơn việc gặp mà còn muốn được ở với Chúa. Vì thế Câu trả lời của các anh cho thấy ước mong của hai chàng trai là được ở với Chúa: Thưa Thầy, Thầy ở đâu? Một lần nữa, Chúa Giêsu đã hết sức quảng đại với những tâm hồn khao khát tìm kiếm Người, Chúa mở lời mời gọi các anh: Hãy đến mà xem. Tác giả đã ghi lại cảm xúc ấn tượng của lần được gặp Đức Giêsu và được ở lại thân tình bên Người bằng lời nhận định: Họ đã đến xem chỗ Người ở và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười. Điều này cho thấy, một khi được gặp Chúa sẽ là một cơ hội, một ấn tượng không thể phai mờ. Kể lại câu chuyện này sau đó nhiều chục năm mà tác giả còn nhớ như mới xảy ra và ghi lại: Lúc đó khoảng giờ thứ mười.

Tin Mừng cũng cho thấy, những ai đã được gặp Chúa chắc chắn sẽ được Chúa biến đổi và trở nên những người nói về Chúa cho người khác và đưa người khác đến với Chúa. Ông Anre sau khi được ở lại với Chúa, ông đã về tìm em mình là Simon và nói với em: Chúng tôi đã gặp Đấng Mesia và dẫn Simon đến gặp Chúa Giêsu. Đến lượt ông Simon đến gặp Chúa Giêsu cũng được Chúa Giêsu biến đổi. Nhìn thấy Simon, Đức Giêsu nói với anh: Anh là Simon con ông Gioan, từ nay anh sẽ được gọi là Phêrô. Chúa Giêsu không chỉ đổi tên cho Simon, mà việc đổi tên này còn là thay đổi hoàn toàn con người của anh. Chúa Giêsu đã biến Simon trở nên đá tảng của Giáo Hội sau này và trao cho anh một sứ mạng lớn lao hơn đó là trở thành thủ lãnh trong anh em.

Thưa quý OBACE, con người trong thế giới hôm nay chỉ lo tìm kiếm và đáp ứng cho những nhu cầu vật chất và thể xác mà quên tìm kiếm thoả mãn khát khao của tâm hồn. Có những trào lưu xã hội còn đề cao cách tuyệt đối vật chất và thân xác, khiến cho nhiều người chỉ còn chăm lo cho xác mà quên chăm lo đời sống linh hồn. Đời sống của cộng đoàn Corintô cũng đang xảy ra như thế. Thánh Phaolô đã cảnh báo tín hữu tại Corintô: Thân xác con người không phải để gian dâm, mà là để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác…. Như vậy việc thờ phượng Thiên Chúa và gặp gỡ Ngài không chỉ là việc của linh hồn, mà là sự tham gia của các xác và hồn. Đời sống đạo của tâm hồn cần được thể hiện qua thể xác và đời sống của thể xác bên ngoài thể hiện tình trạng của tâm hồn. Vì thế, ta không thể đến với Chúa bằng một cái xác không hồn hoặc chỉ thờ Chúa trong hồn, mà không quan tâm đến sự hiện diện của thể xác.

Thánh Phaolô chỉ cho thấy giá trị cao quý của thể xác theo cái nhìn Kitô giáo: Thân xác anh em là một phần thân thể Đức Kitô… là Đền thờ của Chúa Thánh Thần và đã được Đức Kitô cứu chuộc. Vì thế cả linh hồn và thân xác chúng ta đều thuộc về Thiên Chúa, phải dành cho việc phụng thờ Thiên Chúa và sống gắn bó mật thiết với Chúa. Cũng vì thế, thánh Phaolô nhắc chúng ta: Anh em hãy tránh xa những gian dâm, vì lối sống gian dâm sẽ làm nhơ bẩn, ô uế đền thờ của Thiên Chúa là linh hồn và thân xác anh em.

Để tránh xa khỏi những lôi kéo của vật chất và những ham muốn của thể xác, chúng ta cần có ơn Chúa trợ giúp. Do đó, càng gần Chúa bao nhiêu, chúng ta càng thanh thoát bấy nhiêu; càng gặp Chúa nhiều, ta càng có thêm sức mạnh để chống trà với những cám dỗ của vất chất và xác thịt; càng ở với Chúa nhiều chúng ta càng được an toàn, bình an vì được Chúa bảo vệ.

Cuộc sống vật chất hưởng thụ ngày nay đang là một cám dỗ rất lớn và rất mạnh; nó có thể biến một tâm hồn từ đạo đức trở nên nguội lạnh nhanh chóng; nó cũng có thể biến con người từ nhiệt thành siêng năng trở nên suy thoái lười biếng; nó biến gia đình êm ấm hạnh phúc trở nên rạn nứt đổ vỡ, nếu không cảnh giác. Nhiều gia đình hiện nay đang trở thành nạn nhân của vật chất và những hưởng thụ xác thịt. Vật chất đang khiến nhiều người bỏ quên mối tương quan với Chúa. Lời Chúa hôm nay nhắc cho mỗi người, mỗi gia đình không ngừng tìm Chúa mỗi ngày, gặp Chúa mỗi ngày và ở lại với Chúa mỗi ngày. Khi đã được gặp Chúa, được ở với Chúa, Chúa sẽ ở trong tâm hồn mỗi người và Chúa đến ở với gia đình, Chúa sẽ ban sức mạnh để ta chống lại những cám dỗ của xu hướng xã hội hôm nay.

Chúng ta được mời gọi tìm đến với Chúa mỗi ngày qua các giờ kinh chung trong gia đình hoặc riêng tư; chúng ta sẽ gặp Chúa qua những phút cầu nguyện sớm tối. Đặc biệt, chúng ta được mời gọi ở lại với Chúa qua việc đón rước Chúa Giêsu Thánh Thể và viếng Chúa Thánh Thể mỗi ngày. Mỗi người, mỗi gia đình khi dành cho Chúa những phút giây riêng tư mỗi ngày, chắc chắn Chúa sẽ đến để ta được gặp Người và sống thân tình với Người, đồng thời Chúa sẽ biến ta thành những người nói về Chúa cho người khác và đưa người khác đến với Chúa.

Xin Chúa cho mỗi chúng ta, cách riêng các bạn trẻ, luôn biết tìm Chúa là mục tiêu là cùng đích và là hạnh phúc đích thật cho cuộc đời mình. Amen.