LỜI MỜI GỌI TRƯỞNG THÀNH – KHÓC CHO THÀNH GIÊRUSALEM

Trưởng thành có nhiều mức độ khác nhau. Trưởng thành cơ bản được định nghĩa chính yếu là phải vượt qua tính ích kỷ bản năng mà chúng ta được sinh ra, để bây giờ động lực và hành động của chúng ta được định hình qua nhu cầu của người khác chứ không chỉ qua nhu cầu của chúng ta. Đó là mức tối thiểu cơ bản, mức tối thiểu để được trưởng thành. Sau mức độ này, còn có các mức độ và trình độ tùy theo mức độ động cơ và hành động của chúng ta là vị tha hay vị kỷ.

Trong các sách Tin Mừng, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta có các mức độ trưởng thành ngày càng sâu sắc hơn, dù đôi khi chúng ta có thể bỏ lỡ lời mời vì nó được thể hiện một cách tinh tế chứ không như lời mời đạo đức được truyền đạt một cách rõ ràng. Một lời mời tinh tế, nhưng rất sâu sắc để có được một mức độ trưởng thành cao hơn như việc Chúa Giêsu khóc cho thành Giêrusalem. Có gì bên trong hình ảnh này?

Và đây là hình ảnh và khung bối cảnh của nó. Chúa Giêsu vừa bị bác bỏ, cả về con người lẫn thông điệp của Ngài, và Ngài thấy rõ nỗi đau mà người dân sẽ gánh chịu do sự từ chối này. Phản ứng của ngài là gì? Ngài có phản ứng theo cách mà hầu hết chúng ta thường nghĩ: “Quỷ tha ma bắt! Tôi hy vọng bạn gánh đủ toàn bộ hậu quả của chính sự ngu ngốc này của bạn!” Không! Ngài khóc, giống như cha mẹ đối xử với đứa con ương ngạnh bằng tình yêu; ngài mong trong từng thớ thịt, có thể cứu con mình khỏi các hệ quả của các lựa chọn không tốt của nó. Ngài cảm nhận được vết thương của con cái hơn là vui vẻ nhìn nỗi đau của chúng.

Ở đây có một thách thức kép. Đầu tiên là vấn đề cá nhân: chúng ta vui mừng khi những người từ chối lời khuyên của chúng ta đau khổ vì sự sai trái của họ, hay chúng ta khóc trong lòng vì nỗi đau mà họ đã tự mang lại? Khi chúng ta thấy các hệ quả trong cuộc sống của những người có các chọn lựa không đúng, dù đó là do vô trách nhiệm, do lười biếng, do ma túy, tình dục, phá thai, do ý thức hệ, do thái độ chống tôn giáo, hoặc do ý xấu, chúng ta có vui mừng khi các lựa chọn bắt đầu cắn họ như rắn cắn (Này, đã làm thì ráng chịu!) hay chúng ta khóc vì họ, vì bất hạnh của họ?

Phải thừa nhận, thật khó để không vui khi thấy người từ chối lời khuyên của mình bị lãnh đủ với quyết định cứng đầu của họ. Đó là cách hoạt động tự nhiên của trái tim, vì thế sự đồng cảm có thể đòi hỏi một mức độ trưởng thành rất cao. Ví dụ, trong đại dịch Covid-19, các chuyên gia y tế (hầu như không có ngoại lệ) yêu cầu chúng ta mang khẩu trang để bảo vệ người khác và bảo vệ chính mình. Phản ứng tự phát khi chúng ta thấy ai coi thường cảnh báo này, chúng ta có nghĩ họ thông minh hơn bác sĩ, không mang khẩu trang và sau đó bị nhiễm vi-rút không? Chúng ta có vui thầm khi thấy họ phải gánh hậu quả việc họ làm hay chúng ta, một cách ẩn dụ, “khóc cho thành Giêrusalem” không?

Ngoài thách thức đưa ra cho mỗi chúng ta để tiến tới một mức độ trưởng thành cao hơn, hình ảnh này còn chứa đựng một thách thức mục vụ quan trọng đối với Giáo hội: trong tư cách Giáo hội, làm thế nào chúng ta thấy một thế giới thế tục hóa đã khước từ nhiều niềm tin và giá trị của chúng ta? Khi chúng ta thấy các hệ quả thế giới đang phải trả cho điều này, chúng ta vui mừng hay thông cảm? Chúng ta có thấy thế giới thế tục với tất cả những vấn đề mà nó đang tự gây ra do từ chối một số giá trị Tin Mừng như một đối thủ (người mà chúng ta cần bảo vệ cho chính chúng ta) hay như đứa con đau khổ của mình? Nếu bạn là cha mẹ hoặc ông bà đang đau khổ vì đứa con hay đứa cháu chướng khí, bạn sẽ có thể hiểu ý nghĩa của “khóc cho Giêrusalem.”

Hơn nữa, cuộc đấu tranh để “khóc” cho thế giới thế tục (hoặc với bất cứ ai từ chối các giá trị chúng ta bảo vệ) còn bị làm trầm trọng hơn vì một động lực khác chiến đấu chống lại sự cảm thông. Trong chúng ta có một khuynh hướng cảm xúc và tâm lý sai lệch hoạt động theo cách này. Bất cứ khi nào chúng ta bị tổn thương nặng nề, chúng ta cần phải đổ lỗi cho ai đó, cần phải tức giận chống ai đó và cần phải đả kích ai đó. Và bạn biết ai là người chúng ta luôn chọn để đổ lỗi không? Một người mà chúng ta cảm thấy đủ an toàn để làm tổn thương vì chúng ta biết họ đủ trưởng thành để không trả đũa lại!

Có rất nhiều chỉ trích Giáo hội ngày nay. Đúng, có rất nhiều lý do chính đáng để chỉ trích. Do các thiếu sót của Giáo hội, một phần của sự thù địch này là chính đáng; nhưng một số sự thù địch thường vượt ra ngoài những gì được chứng minh. Cùng với sự tức giận chính đáng, đôi khi cũng có rất nhiều tức giận vô cớ, tự nguyện. Phản ứng của chúng ta trước những tức giận vô cớ và lời buộc tội không công bằng đó là gì? Chúng ta có phản ứng bằng trả đũa không? “Anh vượt giới hạn rồi, đi chỗ khác mà nổi giận!” Hay là, như Chúa Giêsu khóc cho thành Giêrusalem, chúng ta đáp lại tức giận và buộc tội bất công bằng nước mắt cảm thông, và lời cầu nguyện rằng một thế giới đang giận dữ với chúng ta sẽ được tha thứ cho các lựa chọn không đúng của họ không?

Triết gia Soren Kierkegaard đã viết câu nổi tiếng: Chúa Giêsu muốn có đồ đệ, Ngài không muốn có người ngưỡng mộ Ngài! Lời khôn ngoan. Trong phản ứng của Chúa Giêsu trước sự từ chối mình, khi Ngài khóc cho thành Giêrusalem, chúng ta thấy sự tinh tế trong mức độ trưởng thành con người. Và chúng ta được kêu gọi trưởng thành trong tư cách cá nhân cũng như trong tư cách cộng đồng giáo hội. Chúng ta cũng thấy đây là trái tim rộng lớn cảm nhận được nỗi đau của người khác, ngay cả nỗi đau của người từ chối mình.

Rev. Ron Rolheiser, OMI