MỒNG MỘT TẾT TÂN SỬU 2021
NĂM MỚI – NIỀM VUI VÀ HY VỌNG MỚI


Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp Xuân Lộc


Người Việt chúng ta có một thói quen rất đẹp vào mỗi dịp Tết, đó là vệ sinh, dọn dẹp làm mới lại ngôi nhà, với hy vọng năm mới sẽ là khởi đầu cho niềm vui và hy vọng mới. Không chỉ làm đẹp cho ngôi nhà, dịp Tết cũng là dịp mọi người thường chuẩn bị quần áo, đầu tóc mới, làm cho tâm hồn được thanh thản nhẹ nhàng. Vì vậy, vào dịp Tết, người có đạo thường đi xưng tội để làm mới tâm hồn và cũng là dịp để con cái nói lời xin lỗi ông bà cha mẹ; ngày Tết, anh em làm hòa với nhau, những bất đồng, bất bình được gác qua một bên để cùng nhau đón Tết trong niềm vui. Những ngày Tết, dù thân quen hay xa lạ khi gặp nhau cũng có thể nói với nhau những lời cầu chúc tốt đẹp nhất. Đó là những nét đẹp trong truyền thống ngày Tết Việt Nam.

Truyền thống tốt đẹp ngày Tết của người Việt còn được Lời Chúa soi dọi và làm cho nó mang một ý nghĩa thánh thiêng hơn. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng ta niềm vui và hy vọng vì tin rằng Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và quan phòng. Ngài yêu thương chăm lo cho chúng ta như cha mẹ chăm lo cho con cái.

Bài đọc trích trong sách Sáng Thế nhắc cho chúng ta về quyền năng của Thiên Chúa thể hiện qua công trình tạo dựng vũ trụ trời đất và muôn loài. Điểm giáo lý đặc biệt mà đoạn Kinh Thánh hôm nay muốn nhấn mạnh đó là Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ này chỉ bằng một lời tuyên phán: “Hãy có, thì mọi loài liền xuất hiện theo đúng ý Ngài”. Điểm kế tiếp mà đoạn Kinh Thánh nhấn mạnh cho chúng ta: Vì Thiên Chúa là Đấng tạo dựng vũ trụ, nên Ngài cũng là Chủ và là Đấng điều khiển mọi trật tự, không gian và thời gian trong vũ trụ: “Thiên Chúa phán: Phải có vầng sáng trên trời để phân tách ngày và đêm, làm dấu chỉ xác định các ngày lễ, ngày và năm tháng”. Vì thế, năm tháng ngày giờ là của Thiên Chúa và do Thiên Chúa xếp đặt. Mỗi ngày mặt trời mọc lên đẩy lui bóng tối, là báo hiệu một ngày mới với nhiều điều mới mẻ do Thiên Chúa tặng ban. Cũng vậy, mỗi khi đêm về, mặt trăng dịu mát cùng bầu trời đầy tinh tú, giúp cho con người và mọi vật được nghỉ ngơi thảnh thơi.

Đoạn sách thánh được đọc trong ngày đầu năm mới này giúp chúng ta sống tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì sự quan phòng kỳ diệu của Ngài. Sự xoay vần của vũ trụ từ xuân, hạ sang thu, đông tạo nên thời tiết bốn mùa thay đổi là do Thiên Chúa xếp đặt. Vì thế, đón chào mùa xuân mới hôm nay, chúng ta cùng tạ ơn Thiên Chúa vì thời gian, thời tiết và cả mùa xuân mới là món quà Chúa ban tặng cho ta. Đồng thời, nhắc ta sống tin tưởng và phó thác cuộc đời mình cho sự quan phòng lo liệu của Thiên Chúa.

Sống phó thác và tin tưởng vào Thiên Chúa không phải là sự ỷ lại hay lười biếng, nhưng là nỗ lực vận dụng mọi khả năng, sức lực Chúa ban, để cộng tác với Chúa làm những công việc bổn phận hàng ngày trong sự hiện diện và trợ giúp của Thiên Chúa. Đó cũng là điều bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu muốn chỉ dạy chúng ta.

“Thầy bảo anh em: Đừng lo lắng cho mạng sống lấy gì mà ăn, đừng lo cho thân thể lấy gì mà mặc”. Cơm áo gạo tiền là mối lo hằng ngày của con người, vậy mà Chúa lại dạy chúng ta đừng lo đến chuyện cái ăn, cái mặc. Khi dạy như thế, Chúa không dạy chúng ta lười biếng ù lỳ hoặc không cần ý chí phấn đấu, không cần làm việc. Chúng ta vẫn phải cố gắng mỗi ngày, vẫn phải đánh đổi mồ hôi công sức để có cơm, bánh, áo quần, giúp cho cuộc sống bản thân và gia đình thoải mái hơn. Tuy nhiên, có nhiều người đã không biết giới hạn, họ dành cả cuộc đời không phải để kiếm cơm áo, mà để làm giàu và kiếm thật nhiều tiền bằng mọi giá. Họ nghĩ rằng có thể làm được tất cả chỉ nhờ sự nỗ lực của bản thân, họ lao vào công việc đến độ bỏ quên Thiên Chúa, quên gia đình và bỏ quên cả bản thân. Họ biến mình trở thành kẻ nô lệ cho công việc và kiếm tiền để thỏa mãn tính tự cao và ham muốn chạy theo danh vọng địa vị.

Như vậy, Chúa dạy chúng ta đừng lo đến của ăn, đến độ quên sự quan phòng của Thiên Chúa. Vì mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, tất cả mọi thành công và cả thất bại trong cuộc sống, đều nằm trong ý định của Thiên Chúa. Những người Chúa ban cho thành công, có của ăn của để, nhằm cung cấp cho nhu cầu của gia đình, thì cũng biết quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ các anh chị em khác. Những người đã cố gắng hết mình mà vẫn chưa thành công, cũng nhận ra được sự nâng đỡ của Thiên Chúa để không chán nản thất vọng và để bắt đầu lại: “hãy xem chim trời, chúng không gieo không gặt… thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý hơn chúng sao?”

Chúa cũng dạy như thế về việc tìm kiếm cái mặc: “Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem bông huệ ngoài đồng…Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế. Mạng sống chẳng quý hơn của ăn, thân thể chẳng quý hơn áo mặc sao?” Quần áo không chỉ che ấm thân xác, nhưng còn để làm đẹp. Tuy nhiên, chúng ta không dừng lại ở việc tìm kiếm của ăn cho sự sống thường ngày hoặc tìm kiếm áo mặc trang sức cho thân xác. Quan trọng hơn, đó là lo cho đời sống của linh hồn mỗi ngày được nuôi dưởng và trở nên phong phú hơn; gìn giữ bảo vệ thân xác và tâm hồn trong sạch hơn. Trang trí cho mình bằng các việc làm tốt lành, thì quý hơn lụa là gấm vóc; gìn giữ linh hồn và thân xác trong sạch, xa tránh tội lỗi đam mê, thì quý hơn những trang điểm vật chất; nuôi dưỡng linh hồn bằng những của ăn thiêng liêng là Lời Chúa và Thánh Thể thì quý hơn là cơm bánh thường ngày. Vì thế, cuối đoạn Tin Mừng Chúa đã dạy chúng ta: Đừng vì ham mê của cải vật chất mà bỏ quên việc tìm kiếm lương thực nuôi dưỡng linh hồn; đừng vì tìm kiếm những tiếng tăm danh vọng như những đồ trang sức bên ngoài, mà bỏ quên việc trang bị cho mình nhiều nhân đức và công phúc thiêng liêng: “Tiên vàn, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ ban thêm cho”.

Nhiều người luôn muốn biết về tương lai của mình, trong đó có nhiều người có đạo. Họ tìm đến với các hình thức coi bói, xin quẻ, xin xăm trong ngày đầu năm. Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta nhớ rằng, Thiên Chúa là Chủ thời gian. Quá khứ, hiện tại, tương lai đều là của Chúa. Chúa căn dặn chúng ta: “Anh em đừng lo lắng về ngày mai, vì ngày mai có cái khổ của ngày mai… Ngày nào có cái khổ của ngày ấy”. Con người cho dù có biết trước về số phận tương lai của mình trong cuộc sống này, cũng sẽ không thay đổi được gì. Vì thế, chúng ta được mời gọi sống trong sự tín thác cho Thiên Chúa, như trẻ thơ trao phó đời mình trong tay cha mẹ. Chúa sẽ ban ơn trợ giúp cho ta. Điều quan trong hơn là con người cần quan tâm lo liệu cho tương lai đời đời của linh hồn mình và mọi người trong gia đình. Chúng ta có thể thay đổi tương lai đời đời nên tốt hơn, hạnh phúc hơn, nếu từ bây giờ chúng ta điều chỉnh cuộc sống bản thân cho phù hợp với giới răn lề luật của Chúa. Trái lại, nếu chúng ta không thay đổi từ hôm nay, thì chúng ta cũng không thay đổi được số phận bất hạnh của mình sau này.

Thưa quý OBACE, khi mỗi người biết sống tin tưởng và phó thác cho Thiên Chúa, lo tìm kiếm và làm đẹp cả thân xác và linh hồn bằng những nhân đức, chuẩn bị cho tương lai đời mình bằng những việc lành phúc đức, chúng ta sẽ có được niềm vui của Chúa trong tâm hồn. Khi sống tín thác cho lòng thương xót của Chúa, chúng ta sẽ không còn bị quá khứ dằn vặt, không bị những khó khăn của hiện tại đè bẹp và cũng không bị lo lắng của tương lai làm chúng ta chán nản, nhưng có Chúa là nguồn vui và sự đỡ nâng của tâm hồn.

Trong ngày mồng Tết hôm nay, chúng ta nghe lại lời khuyên của Thánh Phaolô trong thư Philip: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại, vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã đến gần. Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn van xin và tạ ơn mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa… Thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực, tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh đáng khen, thì xin anh chị em hãy để ý”.

Đó cũng là điều Mẹ Giáo Hội muốn cầu chúc cho mỗi chúng ta trong ngày đầu năm mới Tân Sửu này. Xin cho mỗi người, mỗi gia đình cùng quyết tâm thực hiện những điều Lời Chúa nhắn nhủ hôm nay. Amen.









MỒNG HAI TẾT TÂN SỬU 2021:
KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ CHA MẸ


Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp Xuân Lộc


Thưa quý OBACE, những ngày cuối năm ai cũng tất bật để đón Tết. Những người đi làm xa, mong trở về nhà, các chuyến bay và các chuyến xe lúc nào cũng đấy ắp người với ánh mắt mong mỏi được gặp người thân của mình. Năm nay, vì ảnh hưởng của dịch Covid, nhiều Việt kiều và những người làm ăn xa quê đã không thể trở về. Nhưng cũng có nhiều người đã tìm mọi cách để về quê. Trong hai tháng vừa qua, có hàng ngàn người Việt tìm đường để về quê bằng cách trốn qua biên giới mặc dù hết sức nguy hiểm.

Người ta cũng không giải thích được vì sao những ngày Tết được trở về bên cha mẹ, ông bà và mọi người trong gia đình lại linh thiêng ấm cúng đến như thế. Sự ấm cúng, bầu khí linh thiêng của ngày Tết không tùy thuộc vào ngôi nhà lớn hay nhỏ, nhưng tùy thuộc vào bầu khí của gia đình trong ngôi nhà đó. Gọi là về nhà ăn Tết, nhưng không phải để ăn cho bằng để xum họp, cảm nhận bầu khí linh thiêng ấm cúng của gia đình; để bày tỏ lòng thảo hiếu biết ơn với tổ tiên, ông bà cha mẹ, những người còn sống cũng như đã qua đời. Đối với ông bà cha mẹ còn sống, ngày Tết là ngày xum họp để con cháu kính chúc tuổi mới các ngài, bày tỏ lòng biết ơn và các ngài cũng cầu chúc những điều tốt lành cho ta; đối với các bậc đã qua đời, ngày Tết con cháu xum họp thắp lên một nén hương để tưởng nhớ với lòng kính trọng.

Ngày mồng hai Tết, Giáo Hội nhắc chúng ta về lòng biết ơn đối với tổ tiên ông bà cha mẹ. Lòng thảo kính, biết ơn, vừa là giới răn của Thiên Chúa, vừa là đạo hiếu trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Đối với người Việt, đạo hiếu là bổn phận căn bản của tất cả mọi người. Một khi không chu toàn đạo hiếu đối với tổ tiên ông bà cha mẹ, thì không thể chu toàn được đạo làm con đối với Chúa.

Người Việt quan niệm: Cha mẹ hiền lành để đức cho con. Vì vậy, các bậc cha mẹ chính là những người xây nên nền tảng đạo đức cho gia đình mình. Bổn phận của con cháu khi thừa hưởng nền tảng, nếp sống đạo đức của gia đình, là phải tiếp tục vun đắp, làm cho đạo đức và truyền thống tốt đẹp của gia đình được củng cố và phát huy hơn nữa. Truyền thống đạo đức của gia đình được đặt trên nền tảng của các đức tính nhân bản như: Nhân, lễ, nghĩa… Gia đình thực hiện tốt các nếp sống nhân bản này sẽ được gọi là gia đình đạo hạnh, tức là đạo đức và hạnh phúc.

Bài đọc sách Huấn Ca chỉ cho chúng ta chu toàn đạo hiếu trước hết bằng việc gìn giữ những giá trị đạo đức tốt đẹp của cha ông: “Giờ đây chúng ta hãy ca ngợi các vị danh nhân là cha ông chúng ta qua các thế hệ. Các ngài là những vị đạo hạnh, công đức các ngài không chìm vào quên lãng”. Ngày nay, với nhịp sống của xã hội hiện đại, nhiều người đã mau chóng loại bỏ những giá trị truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, quên lãng nếp sống đạo hạnh của gia đình mà ông bà đã vun đắp. Như vậy, sách Huấn Ca muốn dạy chúng ta biết ơn tổ tiên, ông bà bằng việc nhắc lại cho con cháu các giá trị tốt đẹp truyền thống mà tổ tiên đã xây dựng.

Việc làm tiếp theo để gìn giữ giá trị đạo đức của gia đình, đó là biết giáo dục con cái trở nên những con người đạo đức, sống có ích, làm rạng danh tổ tiên ông bà. Gia sản của dòng họ không chỉ là của cải cho bằng là chính các thế hệ con cháu. Vì thế, việc giáo dục con cháu theo truyền thống đạo đức của cha ông, chính là cách duy trì gia sản tinh thần mà cha ông để lại cho hậu thế. Việc giáo dục con cái không chỉ nhắm đến việc thành công, thành đạt trong xã hội, nhưng quan trọng hơn là giáo dục con cháu nên người đạo đức, trưởng thành. Vì đời sống đạo đức sẽ là nền tảng cho mọi cách sống, cách cử xử và làm ăn của con người. Khi con cháu sống đạo đức, làm ăn có đạo đức, cư xử có đạo đức, sẽ làm rạng danh cho gia đình. Sách Huấn Ca dạy: “Gia tài quý báu của các ngài là lũ cháu đàn con. Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước…và sẽ muôn đời tồn tại. Vình quang các ngài sẽ chẳng phai mờ…danh thơm của các ngài sẽ lưu truyền hậu thế”.

Người Do Thái được biết đến như là một trong những dân tộc có truyền thống giáo dục con cháu trong gia đình theo tập tục đạo đức của cha ông. Tuy nhiên, ngoài việc giữ Mười Điều và luật Môsê, người Do Thái còn tuân giữa rất nhiều tập tục và các quy định khác, đến độ làm lu mờ luật của Thiên Chúa. Tin Mừng Matthew hôm nay kể về cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và các người Biệt phái về vấn đề tuân giữa truyền thống của tiền nhân. Chúa Giêsu chỉ cho những người Biệt Phái thấy, họ đã đi trật đường, khi đề cao tập tục tiền nhân mà xem nhẹ luật Thiên Chúa. Họ trách Chúa Giêsu và các môn đệ: “Tại sao thầy trò các ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không rửa tay khi dùng bữa?”

Chúa Giêsu đã trả lời cho các biệt phái bằng một câu chất vấn quan trọng hơn: “Tại sao các ông dựa vào truyền thống của cha ông mà vi phạm luật của Thiên Chúa?” Câu chất vấn này chỉ rõ cho thấy vấn đề đang diễn ra trong đời sống và cách thực hành đạo của người Biệt Phái: Họ đã không chu toàn bổn phận làm con với Thiên Chúa và không tuân giữa giới răn lề luật của Chúa. Một khi không tôn trọng luật Chúa, thì việc giữ các tập tục khác chỉ là giả dối, hình thức, đánh lừa lương tâm của mình.

Chúa Giêsu đã nêu ra một ví dụ cho thấy cái sai của họ. Thiên Chúa dạy: “Ngươi phải thờ cha kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử”. Giới răn này đòi hỏi một cách triệt để trong việc chu toàn đạo hiếu qua việc thờ cha kính mẹ. Thờ cha kính mẹ có nghĩa là có bổn phận yêu mến, kính trọng và vâng lời các ngài dạy bảo. Khi khôn lớn trưởng thành, có nhiệm vụ chia sẻ với cha mẹ trong trách nhiệm với gia đình, giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần. Khi cha mẹ về già, nhất là khi các ngài đau bệnh, phận làm con phải có bổn phận phụng dưỡng, chăm sóc các ngài, không để các ngài phải cô đơn buồn phiền tủi nhục; lo liệu cho các ngài được lãnh nhận các bí tích. Khi các ngài qua đời, con cái phải lo tang lễ chu đáo và nhớ đến các ngài ngày giỗ chạp qua việc đọc kinh cầu nguyện, xin lễ cho các ngài và còn nhắc nhở con cháu thường nhớ đến cầu nguyện cho ông bà tổ tiên. Luật còn ra một hình phạt rất nặng cho kẻ bất hiếu: “Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử”.

Người Do Thái đã sai trong việc chu toàn bổn phận thảo hiếu khi đưa ra một tập tục: “Các ông lại bảo: Ai nói với cha mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều đã được dâng cúng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa!” Theo tập tục này, những ai hứa dâng cúng tài sản của mình vào Đền Thờ, thì không phải chu toàn bổn phận thảo hiếu phụng dưỡng cha mẹ. Truyền thống này của người Do Thái quả là phi lý. Vậy mà họ vẫn cứ nhắm mắt lưu truyền cho nhau, trong khi bỏ qua đòi buộc của giới răn Thiên Chúa: “Ngươi phải thảo kính cha mẹ”. Thiên Chúa không bao giờ đón nhận một của lễ được dâng với sự vô ơn với cha mẹ như thế. Chúa Giêsu đã chỉ cho những người Do Thái thấy cái sai của họ, giúp họ điều chỉnh lại nếp sống và các tập tục của mình. Các tập tục, thói quen đạo đức là tốt, nhưng không thể vì bất cứ lý do gì mà con người có thể tự ý thay đổi hoặc vi phạm luật Chúa.

Thưa quý OBACE, theo truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu với cha mẹ ông bà. Đây là nét đẹp trong văn hóa và còn là giá trị đạo đức trong cuộc sống. Những giá trị này lại được luật Chúa soi dọi và làm cho nó trở nên tốt đẹp hơn nơi giới răn Thứ Bốn trong Mười Điều răn. Thiên Chúa dạy: “Thảo kính cha mẹ”. Như thế, khi chúng ta chu toàn chữ hiếu với ông bà cha mẹ, thì cũng đồng thời chúng ta chu toàn giới răn lề luật của Chúa. Khi chúng ta thiếu sót bổn phận đối với tổ tiên ông bà cha mẹ là chúng ta cũng lỗi giới răn của Chúa.

Những ngày đầu năm mới là dịp tốt đẹp để mỗi người thể hiện lòng thảo hiếu tôn kính các bậc tổ tiên còn sống cũng như đã qua đời. Đối với những ai còn ông bà, cha mẹ, đó là điều vô cùng hạnh phúc. Vì thế, hãy cố gắng làm tất cả những gì có thể để đem đến niềm vui và hạnh phúc cho các ngài. Có thể trong quá khứ, có người có những ấn tượng không tốt, không đẹp về cha mẹ ông bà, nhưng hôm nay, Lời Chúa cho thấy, các ngài dù khiếm khuyết cách này cách khác, nhưng các ngài đã quảng đại cộng tác với Chúa để sinh chúng ta vào đời, yêu thương và chăm sóc cho chúng ta thay cho Thiên Chúa. Với những người không còn cha mẹ, những ngày xum họp đầu năm quả là trống vắng. Chúng ta cùng nhau biểu lộ lòng biết ơn đối với tổ tiên ông bà cha mẹ bằng việc giữ gìn nếp sống đạo đức, gia phong và những điều tốt đẹp tổ tiên đã vun đắp và đề lại cho chúng ta. Đồng thời giáo dục con cái nên tốt hơn mỗi ngày để làm rạng danh tổ tiên ông bà. Đó là cách báo hiếu tốt hơn các hình thức khác.

Xin Chúa thương cho ông bà cha mẹ của chúng con được trường thọ, hạnh phúc an vui bên con cháu xum vầy và cho các đấng đã qua đời được hưởng mùa xuân hạnh phúc Nước Trời. Amen.






MỒNG BA TẾT TÂN SỬU 2021
XIN CHÚA CHÚC LÀNH CHO CÔNG VIỆC CỦA NĂM MỚI

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp Xuân Lộc




Thưa quý OBACE, theo dự báo của các nhà chuyên môn, năm 2021 vẫn là một năm nền kinh tế, tài chính còn hết sức khó khăn. Tình hình dịch Covid vẫn chưa được ngăn chặn, mặc dù đã có vắc-xin phòng ngừa, nhưng chưa biết kết quả sẽ ra sao. Hậu quả của đại dịch đã khiến cho nền kinh tế thế giới sa sút trầm trọng. Các công ty vẫn chưa thể làm ăn trở lại bình thường, số người thất nghiệp ngày càng gia tăng. Kinh tế thế giới không chỉ bị ảnh hưởng bởi đại dịch, mà còn bị ảnh hưởng bởi tình hình chính trị xã hội của thế giới. Ngay sau khi ông Biden ngồi vào ghế tổng thống Hoa Kỳ chưa đầy hai ngày, nhiều sắc lệnh được ban hành khiến cho thế giới xáo trộn, tình trạng di dân ồ ạt, và có thêm hàng chục ngàn người tại Mỹ mất việc, giảm thu nhập.

Nước Việt Nam không phải là ngoại lệ. Chúng ta cũng phải chịu ảnh hưởng bởi Covid và ảnh hưởng bởi tình hình chung của thế giới. Chính vì vậy, mặc dù đón Tết, nhưng nhiều người vẫn trăn trở về những toan tính và dự định cho công ăn việc làm trong năm mới này. Hôm nay, bước qua ngày Mồng Ba Tết, Giáo Hội muốn chúng ta nhìn về tương lai theo cái nhìn của Tin Mừng để biết tin tưởng phó thác công việc và các toan tính cho Chúa là Đấng quan phòng, là Cha yêu thương.

Bài đọc một sách Sáng Thế khẳng định cho chúng ta: Thiên Chúa là Đấng tạo dựng, là Chúa và là Đấng làm chủ vũ trụ muôn loài, đồng thời là Đấng quan phòng cho mọi sự tốt đẹp. Bằng một lối kể chuyện bình dân, Kinh Thánh muốn nhấn mạnh cho chúng ta thấy Thiên Chúa chính là Đấng làm cho vũ trụ trái đất này có sự sống. Nếu không có Thiên Chúa, tất cả chỉ là khô cằn chết chóc: “Từ khi chưa có cây cối ngoài đồng nào trên mặt đất…Thiên Chúa cho một dòng nước từ đất trào lên tưới khắp mặt đất… Thiên Chúa khiến mọc lên từ đất đai đủ mọi thứ cây trông thì đẹp mắt, ăn thì ngon”. Thiên Chúa là Đấng quan phòng Ngài quan tâm săn sóc cho từng cây cỏ trên mặt đất, cho mưa từ trời tưới gội, cho mạch nước từ đất chảy ra để cho cây cỏ mọc lên, đem lại cho trái đất sự sống và xinh đẹp.

Khi dựng nên con người, Thiên Chúa còn trân trọng con người hơn tất cả các loài khác. Kinh Thánh diễn tả Thiên Chúa giống như một người thợ thủ công cần mẫn, “Ngài lấy bụi đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở nên một sinh vật…và Thiên Chúa đặt con người vào vườn Eđen để cày cấy và canh giữ đất đai”. Điều này diễn tả rằng Thiên Chúa yêu thương chăm sóc con người một cách hết sức đặc biệt, vì chính Ngài đã “vất vả” để nhào nặn nên nó. Hơn thế nữa, Thiên Chúa đã chia sẻ sự sống, hơi thở của mình cho con người khi thổi sinh khí vào lỗ mũi và làm cho con người từ nắm đất, trở nên một sinh vật sống động. Thiên Chúa còn tín nhiệm trao cho con người trách nhiệm quản lý, cày cấy, canh giữ đất đai. Ngày từ đầu, con người đã được trở nên cộng tác viên của Thiên Chúa, được làm việc và có nhiệm vụ gìn giữ bảo vệ trái đất vũ trụ này.

Qua câu chuyện gợi lên cho chúng ta nhiều điểm giáo lý quan trọng: vũ trụ và con người đều do Thiên Chúa dựng nên, nhưng con người được Chúa ưu ái cách đặc biệt, được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa, trở nên giống Thiên Chúa, cùng cộng tác với Thiên Chúa để làm việc, canh tác và gìn giữ vũ trụ trái đất này. Như vậy, làm việc là do ân huệ của Thiên Chúa. Chúng ta phải làm việc với thái độ nào? Và phải làm gì để canh giữ bảo vệ vũ trụ trái đất, mà Chúa đã tín nhiệm trao ban?

Câu chuyện trong bài Tin Mừng nhấn mạnh cho thấy thái độ làm việc thì quan trọng hơn công việc. Thiên Chúa muốn chúng ta làm việc với một thái độ tích cực, làm việc với niềm vui, vì biết rằng, Thiên Chúa yêu thương tín nhiệm mình. Chúa Giêsu kể dụ ngôn về các đầy tớ và những nén bạc: “Một ông chủ sắp đi xa, gọi các đầy tớ đến mà trao phó của cải mình cho họ. Ông đưa người này năm nén, người kia hai nén, người khác một nén tùy khả năng riêng của mỗi người. Điều này cho thấy ông chủ đặt trọn niềm tin tưởng vào các đầy tớ. Vì thế, ông đã trao phó hết tất cả tài sản của mình cho họ. Ông chủ còn rất tế nhị khi giao cho mỗi người số lượng khác nhau, tùy theo khả năng của mỗi người. Điều đó ông chứng tỏ ông biết rất rõ khả năng của từng người và ông giao cho họ cũng tùy theo khả năng họ có thể quản lý, sinh lời. Chúa không đặt gánh nặng hoặc trách nhiệm quá sức con người, nhưng mỗi người được trao phó những công việc, trách nhiệm phù hợp với khả năng của họ. Người có khả năng lãnh một nén, Chúa trao một nén, người có khả năng nhận hai nén, năm nén, Chúa trao cho năm nén, hai nén. Vì thế, ta không nên bì tị hoặc oán trách Chúa.

Điểm thứ hai câu chuyện cho thấy thái độ khác nhau của các đầy tớ: “Người lãnh năm nén lập tức đem số vốn đi làm ăn và sinh lời năm nén; người lãnh hai nén cũng sinh lời được hai nén. Còn người lãnh một nén thì đi chôn giấu số bạc của chủ”. Khi ông chủ trở về, tất cả đều phải trình lại cho ông cả vốn lẫn lời. Khi người lãnh năm nén và hai nén trình với ông chủ về thành quả của mình. Ông chủ không hề thu hồi số vốn và số lời đó, vì ông đã cho họ. Ông khen hai người này: “Anh là đầy tớ tài giỏi và trung tín”. Ông còn ban thêm phần thường: “Được giao ít mà anh đã trung thành thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh”. Như thế, ông chủ mong đợi nơi các đầy tớ đó là sự trung tín và trung thành. Những người lày làm việc vì không muốn phụ lòng tin của chủ và luôn trung thành với chủ, không phản bội.

Trái lại, điều khiến ông chủ không hài lòng đó là thái độ của người lãnh một nén. Anh biện minh cho sự lười biếng, thất tín, thất trung của mình khi anh lớn tiếng: “Tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi sợ hãi đem chôn giấu nén bạc của ông. Của ông đây tôi trả lại ông”. Lời biện minh của anh, nói lên thái độ của anh đối với ông chủ. Anh không nhận ra tình thương, sự tín nhiệm mà chủ dành cho anh, anh tỏ ra sợ hãi hơn là yêu mến. Anh lãnh nhận nén bạc như một gánh nặng hơn là thấy sự tín nhiệm của chủ. Anh lười biếng không làm gì với những khả năng của anh, dù bằng cách thức đơn giản nhất, là gửi số bạc ở ngân hàng để kiếm chút lời. Vì thế, ông chủ đã nổi giận thu hồi nén bạc của anh để trao cho người khác, còn anh bị ném ra bên ngoài nơi phải khóc lóc nghiến răng.

Thưa quý OBACE, đại dịch Covid vẫn đang đe dọa tàn sát thế giới và cả Việt Nam chúng ta. Chắc chắn công ăn việc làm trong năm nay sẽ rất khó khăn. Nhưng dựa vào sự soi sáng của Lời Chúa, chúng ta tin rằng, Thiên Chúa là Cha yêu thương, là Đấng quan phòng, Ngài luôn muốn và luôn làm mọi sựt tốt đẹp cho con người. Chỉ có con người mới gây đau khổ, tổn hại cho nhau, còn Thiên Chúa thì không thể và không bao giờ muốn hay làm điều gì xấu cho con người. Vì thế, chúng ta vững lòng tin tưởng phó thác cho Chúa tất cả công việc và dự tính của chúng ta trong năm này cho Chúa. Chúng ta tin rằng mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên để chúng ta không chán nản thất vọng khi chưa được thành công như ý và cũng không kiêu căng ngạo mạn khi thành công thành đạt. Vì chúng ta tin rằng không có Chúa chúng ta sẽ chẳng làm được gì và tất cả những gì ta làm được đều nhờ bởi ơn Chúa.

Khi xác tín như thế, chúng ta cố gắng nỗ lực vận dụng mọi khả năng trí tuệ, sức lực, thời giờ, cơ hội Chúa ban, để làm việc và sinh lời số vốn mà Chúa tín nhiệm trao gửi nơi ta. Số vốn Chúa trao cho ta không chỉ là tài sản, của cải vật chất mà còn là gia đình, là vợ chồng, con cái. Số vốn Chúa ban chính là sức khỏe, tuổi trẻ, khả năng trí tuệ. Mỗi người cần biết tận dụng, phát huy tất cả số vốn ấy để đem lại lợi ích cho bản thân và gia đình, làm cho cuộc sống thêm chất lượng và hạnh phúc. Ai để mình rơi vào thái độ lười biếng hoặc thất tín thất trung với Chúa, phí phạm sức khỏe, tuổi trẻ và khả năng vào những việc vô ích, thì cũng không khác gì đã chôn giấu số vốn ấy.

Thời giờ là một nén bạc Chúa trao đồng đều cho tất cả mọi người, dù là Giáo Hoàng, tổng thống hay một người dân thường cũng chỉ có hai mươi bốn giờ mỗi ngày. Vì thế, mỗi người cần tận dụng tối đa thời gian Chúa ban để vun đắp cho cuộc sống đạo đức cũng như cuộc sống thường ngày thêm tốt hơn; dùng thời gian Chúa ban để để làm gia tăng tình yêu thương trong gia đình và để làm nhiều việc bác ái tốt đẹp cho người chung quanh. Khi biết tận dụng và trung thành làm việc với thái độ trung thành và trung tín với Chúa, Chúa sẽ chúc phúc và sẽ ban phần thưởng cho chúng ta ngay tại cuộc đời này và nhất là được vào chúng hưởng hạnh phúc với Chúa đời sau. Amen.