CN VI TN / B
Bài đọc 1 : ( Lv. 13: 1-2,45-46). Bài đọc 2 : ( 1 Cr. 10: 31- 11:1).Tin Mừng : ( Mc. 1: 40-45)

NẾU NGÀI MUỐN

Theo sách Lêvi, khi thấy “ da thịt mình xuất hiện những màu sắc khác thường, hoặc mụn nhọt hay những vết bóng láng; đó là dấu hiệu của bệnh cùi, phải đem họ đến tư tế Aaron, hoặc đem đến một vị nào trong các con trai của ông”. Khi đã xác nhận là mắc bệnh cùi và tư tế đã ra lệnh ở riêng thì bệnh nhân “ phải mặc áo rách, đầu để trần, lấy áo che miệng và la to rằng mình mắc bệnh truyền nhiễm và ô uế. Bao lâu người đó còn mắc bệnh, họ phải ở riêng một mình ngoài trại”.
Bị cách ly với mọi người, sống cô độc, bị xã hội ruồng bỏ, xa lánh, đó là những nỗi khổ đau mà người mắc bệnh cùi phải gánh chịu. Thân xác tiêu tan, tinh thần băng hoại. Cuộc sống của người bệnh không gì khác hơn là những tháng ngày tủi nhục, rên siết đau thương trong khốn cùng tuyệt vọng.
Tìm đến với Chúa Giêsu để van xin Ngài chữa lành là can đảm, mạnh dạn vượt qua những rào cản, cấm kỵ mà xã hội đã đặt ra. Không còn con đường nào khác, không còn tia hy vọng nào khác nếu không một lần đến gặp Đấng ấy. Với một niềm tin tưởng mạnh mẽ, một tinh thần phó thác vào quyền năng của Đấng ấy, anh ta đã tiến lại gần Chúa Giêsu và van xin: “ Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.
Anh ta không cậy vào lòng thương xót của Chúa để xin Ngài chữa lành như lời van xin của hai người mù: “ Lạy con vua Đavít, xin thương chúng tôi”( Mt. 9:27), như lời cầu xin của viên đại đội trưởng: “ Lạy Chúa, thằng nhỏ nhà tôi đau nằm ở nhà, nó bị tê liệt đau đớn lắm!”( Mt. 8: 6), như lời cầu khẩn của người mẹ ở Cananêa:“ Lạy Ngài là con vua Đavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm”.( Mt.15: 22), hay như van nài của một người có con bị kinh phong:“ Lạy Ngài, xin thương xót con trai tôi, vì nó mắc chứng kinh phong rất trầm trọng”. ( Mt. 17: 14); nhưng anh lại nại đến quyền năng và ý muốn của Chúa trong tinh thần vâng phục và phó thác vào tình thương của Chúa giữa cảnh đời tuyệt vọng: “ Nếu Ngài muốn…”
Trước thái độ khiêm tốn, vâng phục phó thác của người bệnh, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương, giơ ta đụng vào anh ta và bảo: “ Tôi muốn”. Thay vì chỉ cho người bị phong cùi cách này hay cách khác hoặc đến gặp nhân vật này, nhân vật kia để được chữa lành như Ngài đã làm; lần này Ngài đã trực tiếp chữa lành cho anh ta bằng câu nói: “ Tôi muốn”.
“Cái muốn” của anh phong cùi hoà hợp với “cái muốn” của Chúa; kết quả là anh ta đã được chữa sạch.
Thiên Chúa toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ; Thiên Chúa muốn điều lành, điều tốt, Ngài không muốn điều dữ , điều xấu; Ngài muốn yêu thương, không muốn thù hận…; ngược lại, con người, tuy “nhân chi sơ tính bản thiện”, nhưng qua cuộc sống, qua môi trường xã hội, đã đánh mất “ cái thiện ban đầu” để rồi phải sống giằng co giữa ý riêng và lương tâm, giữa “ cái muốn” và “cái không muốn”, giữa tốt và xấu, giữa lành và dữ, giữa việc lựa chọn đi theo “ con đường rộng hay con đường hẹp” để theo Chúa, giữa thái độ dứt khoát làm tôi một chủ hay làm tôi hai chủ.
Nếu con người muốn điều Thiên Chúa muốn hay không muốn điều Thiên Chúa không muốn, thì giữa con người và Thiên Chúa, có sự hòa hợp, có sự chữa lành, có hạnh phúc như anh bị phong cùi đã được chữa lành; ngược lại, nếu con người muốn điều mà Thiên Chúa không muốn hoặc con người không muốn điều mà Thiên Chúa muốn, thì như thế chỉ có sự bất đồng, xung khắc, không có đồng tâm ý hợp. Một lần kia, có một chàng thanh niên giàu có đến nói với Chúa Giêsu: “ Tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Ngài bảo anh ta: “ Nếu ngươi muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải của ngươi có và bố thí cho người nghèo khó, thì ngươi sẽ được kho tàng trên trời, rồi đến mà theo Ta”. Điều Chúa muốn thì anh ta không muốn; và chàng thanh niên kia đã một đi không bao giờ trở lại.
Nếu Ngài muốn” cũng có nghĩa là nếu điều tôi xin hợp với ý Chúa muốn, thì Ngài có thể làm cho tôi được sạch. Đó là thái độ vâng phục, chấp nhận theo ý muốn của Thiên Chúa.
Nếu Ngài muốn” là một lời van xin khiêm tốn, phát xuất từ đáy lòng của một người nhận ra quyền năng của Đấng mình đang cầu xin. Anh ta không dám tỏ ý mình muốn được Chúa chữa lành, có thể anh cảm thấy mình không xứng đáng để dược Ngài xót thương, anh ta chỉ mỏng manh dựa vào ý muốn của Chúa: Ngài muốn thì được, Ngài không muốn thì cũng đành chịu vậy, vì mình chẳng có công trạng gì để Ngài đoái đến.
Nhà thần học Teuler người Đức thuật lại: “ Có lần tôi muốn tìm một định nghiã về thánh ý Chúa, tôi suy nghĩ mãi nhưng tìm không ra; tôi cứ thơ thẩn dạo quanh các vườn hoa, vào các nhà thờ, lục tìm trong các thư viện, nhưng vẫn không tìm ra. Một hôm, tôi vào cầu nguyện trong nhà thờ; lúc đi ra, tôi thấy một ông cụ già ăn mày đang đứng ở cửa nhà thờ ngả mũ xin tiền. Theo thói quen, tôi lấy tiền biếu cụ và chào: “ Chúc ông một ngày tốt đẹp”. Cụ già trả lời: “ Ngày nào lại chẳng phải là một ngày tốt!” Nghĩ là ông già gàn, bướng bỉnh, tôi dừng lại và hỏi:
- Xin lỗi cụ. Cụ đói rách thế này mà cụ bảo là ngày nào cũng tốt được sao?
Ông cụ trả lời:
- Thưa ông, tôi theo ý Chúa. Chúa muốn mưa, tôi cũng muốn; Chúa muốn nắng, tôi cũng muốn; Chúa muốn sướng, tôi cũng muốn; Chúa muốn cực, tôi cũng muốn chấp nhận tất cả. Phần tôi, tôi đã phấn đấu làm việc lúc còn trẻ, nên cũng đủ ăn; giờ này, già cả rồi, nhờ bà con rộng lòng bố thí , cũng đủ ăn. Ngày nào cũng đẹp, cũng tốt!”
Ông Teuler kể tiếp: “ Cụ già này thông minh hơn tôi. Chính ông đã cho tôi định nghiã thánh ý Chúa là gì!” ( HY Nguyễn văn Thuận- Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng)
Sống theo thánh ý Chúa là tin tưởng vào quyền năng và lòng thương xót của Chúa để vâng phục, chấp nhận và phó thác.
Ý muốn của Thiên Chúa khác với ý muốn của con người.
Đừng trách Thiên Chúa sao không nghe theo ý muốn của mình mà hãy tìm biết ý Chúa muốn gì cho mình. Chúa không muốn, không thỏa mãn những lời cầu xin của chúng ta, không phải vì Ngài ghét bỏ, nhưng là tránh cho chúng ta những bất hạnh.
Chúng ta thường cầu xin Chúa theo ý riêng của mình, thường đòi hỏi, áp đặt ý muốn của mình vào ý muốn của Chúa.
Trong cuộc sống người Kitô hữu, có thể đôi lúc chúng ta bị câm, khi không dám mở lời để rao giảng Tin Vui cứu độ đến cho mọi người, khắp mọi nơi; bị điếc khi bịt tai không muốn nghe những lời giáo huấn của Chúa; bị phong cùi khi chỉ biết thoả mãn ý riêng và né tránh ý muốn của Thiên Chúa. Chúng ta muốn điều Chúa không muốn, và không muốn điều Chúa muốn, đó là ngã rẽ bất hạnh; nhưng khi Chúa muốn, chúng ta cũng muốn; Chúa không muốn, chúng ta cũng không muốn; đó là bí quyết hạnh phúc.
Và những lúc gặp khó khăn, khốn khổ, bất hạnh trong cuộc sống là lúc chúng ta cùng Chúa Giêsu cầu nguyện như Ngài đã van xin Chúa Cha trong cơn hấp hối: “ Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin Cha cất chén này xa con. Nhưng xin đừng theo ý con muốn, một theo ý Cha”.( Lc. 22: 42 )
Cha muốn- con muốn, Cha con chúng ta muốn ; Cha không muốn- con không muốn, Cha con chúng ta không muốn. Đó là con đường đồng tầm ý hợp tuyệt vời !

Hoang Trung