CN III MC/ B
Bài đọc 1 : ( Xh. 20: 1-17). Bài đọc 2 : ( 1 Cr. 1 : 22-25)
Tin Mừng : ( Ga. 2: 18-25 )

HOẶC LÀ ĐỀN THỜ HOẶC LÀ NƠI BUÔN BÁN

Hôm nay, chúng ta được chứng kiến một sự việc khác thường: Chúa Giêsu nổi giận: “ Ngài chắp giây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ, Ngài hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây. Đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”.
Câu nói cuối cùng của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy hai môi trường sinh hoạt khác nhau: Nhà Cha Ta, tức đền thờ và nơi buôn bán tức chợ búa.
Đền thờ Giêrusalem.
Đó là một thánh đường nguy nga, với những dãy cột đồ sộ bằng cẩm thạch muôn màu óng ả; những cây cột này được dát vàng trên chóp và đỡ nâng một mái lớn cũng dát vàng.
Sau khi qua một khu đất gồm nhiều dãy hành lang rất đẹp, ta phải leo lên một cái thang mười bốn cấp rồi qua một trong 9 cửa; đó là cửa Đẹp, cửa chính để vào Sân phụ nữ. Qua Sân phụ nữ, bước lên mấy bậc, ngang qua cửa Nicanor lộng lẫy, ta sẽ vào Tiền đường Israel rộng 300 thước vuông, chứa được một ngàn người. Tiến vào trong nữa là Sân các tư tế. Từ sân ấy, leo lên 12 bậc nữa là đến Nội điện. Trong thâm cung Nội điện, chìm mờ trong ánh sáng mờ nhạt là một căn phòng hình chữ nhật dài 20 thước, rộng 10 thước. Đây là Cung thánh, giữa nổi lên một bàn thờ bằng vàng, ngày đêm nghi ngút khói hương. Bên hữu bàn thờ, là một chân nến bằng vàng 7 ngọn cung kính đứng đối diện với một bàn thờ nhỏ dát vàng ở bên tả, trên có 12 chiếc bánh không men tượng trưng cho 12 chi tộc Do Thái.
Cung Thánh là nơi tôn nghiêm thánh thiện, chỉ có chủ tế mới được vào mỗi ngày hai lần để dâng hương, ngoài ra không ai được lai vãng. Nhưng chính trong Cung Thánh, còn một nơi trang nghiêm hơn nữa, quen mệnh danh là Nơi Cực Thánh. Một tấm màn lớn mỗi bề 6 thước ngăn Nơi Thánh và Nơi Cực Thánh này. Xưa kia, đây là chỗ đặt Hòm bia và cây gậy nở hoa của Aaron; bây giờ chỉ còn trơ lại một phiến đá đã dùng làm bệ đỡ. Ngoài ra, không còn đồ vật nào khác. Vì nó biểu hiệu nơi Đấng Tối Cao ngự trị một cách đặc biệt, nên chỉ mình vị Thượng Tế mới được diễm phúc mỗi năm một lần vào đó để tế lễ mà thôi.( ĐHV số 246)
Chợ đền thờ.
Hàng năm, vào những dịp đại lễ như Lễ Vượt Qua, lễ Ngũ Tuần…theo tập tục đã trở thành như một luật buộc các tín hữu khi đến đền thờ dự lễ phải dâng vào đền thờ một lễ vật nào đó như là của lễ dâng lên Thiên Chúa.
Người giàu có thì dâng chiên, bò; người nghèo thì chim bồ câu hay những thứ khác…Vì gần đền thờ không có chợ, nên các tư tế đã lợi dụng những dịp này để làm ăn trục lợi. Những người được buôn bán các thứ lễ vật trong đền thờ là chính các tư tế hay người nhà của họ hoặc những con buôn đã nộp thuế cho họ. Như thế việc buôn bán trong đền thờ là đặc quyền, đặc lợi dành cho hàng tư tế, và nó đã trở thành một thông lệ: Một hình thức Hội chợ ngày xưa! Một thứ chợ phiên vào những ngày đại lễ!
Và cũng theo luật buộc, mỗi năm, những người trưởng thành phải nộp một nửa đồng Xêken, tức là một nửa đồng tiền Do thái; đây là một thứ thuế nghiã vụ phải nộp bằng tiền Do thái chứ không bằng thứ tiền nào khác, tuy vào thời ấy, tiền Rôma và tiền Hy lạp rất thông dụng, vì những thứ tiền ấy in hình vua ngoại đạo, nên cấm lưu hành trong khu vực đền thờ. Vì thế, những người đến dự lễ phải có tiền Do thái để nộp cho đền thờ; những bàn đổi tiền, những dịch vụ đổi tiền phát sinh từ đó.
Đền thờ và Chợ đời
là hai môi trường sinh hoạt thuộc hai lãnh vực khác nhau, có những mục đích khác nhau thậm chí còn trái nghịch nhau.
Khác với các siêu thị ngày nay, ở đây hàng hóa đã có giá sẵn, người mua không cần phải kỳ kèo trả gía, thích thì mua không thì thôi…Chợ là nơi buôn bán hàng hóa, trao đổi tiền bạc. Chợ có người bán và người mua. Người bán thì tìm đủ cách để kiếm lời. Không có lợi nhuận thì chẳng ai bỏ công kinh doanh, không đủ doanh thu thì lấy tiền đâu mà đóng thuế… do đó người bán tìm đủ mọi cách để kiếm lời và cũng từ đó sinh ra nhiều mánh khóe lừa lọc. Buôn bán thật thà chỉ có mà thua thiệt!; ngược lại người mua thì mong mua được hàng hóa tốt, giá cả rẻ, không bị hớ, không bị lừa. Mua rẻ, bán đắt! Chợ, một nơi sinh hoạt ồn ào, bát nháo, tham lam, lọc lừa…
Trái lại, đền thờ là nơi trang nghiêm, tôn kính, là nơi linh thiêng thánh thiện, là nơi biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa, là nơi các vị tư tế dùng để giảng dạy về Thiên Chúa, về giáo huấn của Ngài.
Thánh Mathhêu, thánh Máccô và thánh Luca đều nhắc lại lời khẳng định của Thiên Chúa: Nhà Ta là nhà cầu nguyện, và Ngài đã khiển trách những ai đó “ các ngươi” đã biến nó thành “ hang trộm cướp”, thành : “sào huyệt bọn cườp”. Trong Phúc âm của thánh Gioan, chính Chúa Giêsu nói lên vị thế của đền thờ và mối quan hệ giữa Ngài và Chúa Cha: “ Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”.
“Nhà Ta” hay “ Nhà Cha Ta” là nhà cầu nguyện, không ai được biến nó thành “ sào huyệt của bọn cướp, thành hang trộm cướp, thành nơi buôn bán”.
Như thế, dứt khoát hoặc là đền thờ hoặc là chợ. Không được nhập nhằng giữa hai ông chủ như lời Chúa đã cảnh báo: “ Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được”. ( Mt. 6: 24)
Đền thờ vật chất và đền thờ tâm hồn.
Người ta đã biến “ Nhà Cha Ta” thành nơi buôn bán đổi chác, đã biến đền thánh thành cái chợ! Vì thế, Chúa Giêsu đã nổi giận,
Trước thái độ quyết liệt và đứt khoát của Chúa Giêsu, người Do thái đã thắc mắc bất bình: Ông lấy tư cách gì để làm như thế. Và Ngài đã trả lời với họ: “ Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi; nội trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”. Đền thờ mà Chúa thách thức người ta phá đi và sẽ xây dựng lại trong ba ngày: đó là chính thân thể của Ngài.
Mỗi người trong chúng ta cũng là chi thể của Chúa Kitô, là đền thờ của Chúa Thánh Thần như lời Thánh Phaolô đã nhắc bảo: “ Anh em không biết thân xác anh em là là chi thể của Chúa Kitô sao?... Anh em không biết thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong anh em mà anh em đã nhận lãnh nơi Thiên Chúa, và anh em không còn thuộc về chính mình nữa sao?”( 1 Cor 6: 15,19 )
Mỗi người Kitô hữu được coi như là một đền thờ của Thiên Chúa; nhưng chúng ta có biến nó thành một nơi cầu nguyện, một noi xứng đáng để Thiên Chúa ngự đến hay lại biến nó thành một nơi trưng bày đủ thứ hàng hoá vật chất như tham lam, ích kỷ, hận thù, gian dối, lường lọc…? Không biết Thiên Chúa có chiếm được chỗ nào trong tâm hồn chúng ta hay không, hay những cái xấu, tội lỗi… đã chiếm hết chỗ trong đền thờ tâm hồn của chúng ta!
Vì thân xác chúng ta là “ đền thờ Chúa Thánh Thần”, “ hãy lánh xa dâm dật. Mọi tội lỗi người ta phạm đều ngoài thân xác, những kẻ tà dâm thì phạm trong thân xác mình.”
Và còn trầm trọng hơn nữa như lời Chúa đã khuyến cáo:“ Tôi bảo cho các ông: Mọi tội lỗi và mọi lời phạm thượng đều được tha thứ cho loài người, còn tội phạm thượng đến Chúa Thánh Thần sẽ không được thứ tha. Và kẻ nào nói lời chống đối Con Người, sẽ được tha thứ; còn kẻ nào nói lời chống đối Chúa Thánh Thần, sẽ không được tha thứ ở đời này và đời sau”.( Mt. 12: 31-32)
Lời Thiên Chúa phán trong sách Xuất hành:“Ngươi đừng lấy danh Chúa, Thiên Chúa ngươi mà làm những việc bất xứng, vì Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng”, phải chăng đây cũng là một lời cảnh cáo đối với những ai “làm tôi hai chủ”, những người buôn thần bán thánh, những người lợi dụng lòng tin của dân chúng để mưu cầu lợi ích riêng tư!