CN PHỤC SINH / B
. Lễ đêm : ( Mc. 16: 1-8 )
. Lễ ngày : Bài đọc 1 : ( Cv. 10: 34a.37-43 ). Bài đọc 2 : ( Cl. 3: 1-4).
Tin Mừng : ( Ga. 20: 1-9)

TỪ NƠI HANG MỘ TRỐNG

Để tỏ lòng thương tiếc người quá cố, cũng như mọi người, ông Năm cũng thả lên quan tài một bông hoa, một nắm đất. Nắp thiên đóng lại. Thế là ngàn thu vĩnh biệt để rồi mục nát với thời gian…Những tiếng khóc, những tiếc thương, những giọt nước mắt… đã cùng với người quá cố đi vào lòng đất. Mọi người lần lượt ra về… Không gian nghiã trang như đi vào vắng lạnh. Ngoái lại nhìn phần mộ lần cuối, ông uể oải ra về. Từ ngày người bạn thân ra đi, ông cứ miên man nghĩ đến cái chết, và tự hỏi: Chết là gì nhỉ?
Chết, hết giận hết hờn hết oán than
Chết, hết cười hết khóc hết lo toan
Chết, thiên thu giấc ngủ không mơ mộng
Chết, đêm tối lãng quên với thế gian
Chết, buông lỏng bàn tay thôi nắm chặt
Chết, đôi môi khép kín hết than van
Chết, tro tàn một nắm trong lòng đất
Chết, thoát XÁC ngục tù, TÂM hỉ hoan
Số phận của thân xác con người sau cái chết là như thế đó!
Nhưng với con mắt đức tin thì chết là một giây khắc biến đổi, là một sự đổi đời, là một thay đổi tình trạng , như Thánh Phaolô đã viết cho tín hữu Rôma : “ Không phải tất cả chúng ta sẽ chết, nhưng tất cả chúng ta sẽ được biến đổi trong một giây lát, trong một nháy mắt.” ( 1 Cor. 15:51 ); hay như Danneels : “ Với con mắt đức tin, sự chết chẳng có gì thuộc về một cái chết. Nó là một sự sinh ra. Nó không phải là một kết cục, nhưng là một khúc dạo đầu; không phải là một kết luận, nhưng là một lời mở đầu”.
Và tuần lễ sau cái chết của người bạn, ông Năm lại bước vào Tuần Thánh của Mùa Phục sinh. Thứ sáu Tuần Thánh, ngày tưởng niệm đến cái chết của Chúa Giêsu từ hơn hai ngàn năm trước, cái chết của Con Thiên Chúa xuống thế làm người để “ ở giữa chúng ta”, để cứu vớt nhân loại khỏi mãnh lực của tội lỗi. Thế mà con người lại bội phản!
Đứng nghe đọc bài Thương Khó tường thuật lại cuộc “ bức tử” của Chúa Giêsu, có lúc ông thầm oán trách những nhà lãnh đạo xã hội và tôn giáo thời bấy giờ đã đối nghịch, thù ghét Chúa Giêsu, đã tìm cách giết Ngài, vì những lời giảng dạy của Ngài nghịch với tâm tư và lối sống cổ hủ của họ, vì Ngài dám công khai đứng lên bảo vệ cho công lý; và ông cũng cảm thấy bực tức với những nhà lãnh đạo trên thế giời hiện nay đã chà đạp lên công lý, đã dùng quyền lực trong tay để áp bức, bạo hành những ai lên tiếng vì lẽ phải, vì tự do, hòa bình; họ đã dùng mọi thủ đoạn để bảo vệ những quyền lợi ích kỷ, riêng tư của họ, và ông cũng thấy ngán ngẫm cho lòng tin của dân chúng thời bấy giờ và ngay cả đến lòng tin của ông. Chúa Giêsu đã ba năm giảng dạy cho họ chân lý cuộc sống của con người. Họ đã tường nghe Ngài giảng dạy về giáo lý, đã từng chứng kiến những việc lạ lùng Ngài làm, đã tin và đi theo Ngài, đã hoan hô chúc tụng Ngài trên đường tiến vào thành Giêrusalem, để rồi hôm nay họ lại gào thét: Giết! Giết! Đóng đinh! Đóng đinh vào thập gía! rồi lại xin tha tội cho một tên trộm khét tiếng. Cứu Chúa của nhân loại còn thua kém hơn một tên trộm! Xót xa thay cho lòng dạ con người!
Một bản án bất công!
Một cái chết nhục nhã, đau thương, lẻ loi, buồn thảm!
Khi đọc đến đoạn: “ Và Người gục đầu xuống trút hơi thở cuối cùng”, mọi người quì gối trong thinh lặng, ông cũng qùi xuống, đôi tay ôm đầu, ông thầm nghĩ: trong cuộc sống của mình, cũng đã có lúc ông là Giuđa bán Chúa khi chạy theo danh vọng bạc tiền; cũng có lúc ông là Phêrô chối Chúa trước những thế lực của trần gian; và cũng có lúc ông là dân Do thái đã hoan hô, chúc tụng rồi gào thét xin giết , xin đóng đinh Đấng Cứu Chuộc nhân loại. Ông cảm thấy hổ thẹn với chính ông đã phản bội lại tình yêu Thiên Chúa…
Và chiều hôm ấy, trên đồi Canvê,bạn bè thì xa lánh. Chôn cất vội vàng. Chết nhục nhã. Có nỗi đau khổ nào hơn nỗi đau khổ của Người Mẹ:

Mẹ đứng đó uất nghẹn
Đôi mắt lệ cạn khô
Con tim như đã chết
Không nói được một lời.

Đôi tay này mẹ ẳm
Con bú mớm tuổi thơ
Đôi tay này mẹ ẳm
Đem xác con vào mồ.

Chết không mang theo bất cứ thứ gì của trần gian, áo chòang thì bọn lính đã chia nhau, mộ thì mộ của một người khác, trả lại cho thế gian cả khăm liệm và khăn che đầu.
Và từ hang mộ trống, có một cái chết đem lại niềm vui và hy vọng cho con người. Đó là cái chết: vì người mình yêu. Chết vì yêu thương, chết vì hạnh phúc của kẻ khác, chết để cứu sống….Đó là cái chết của Chúa Giêsu trên cây thập giá, và đã sống lại từ hang mộ trống
Dấu chỉ của sự sống lại là hang mộ trống và cuộc hẹn gặp tại Galilê.
Có rất nhiều điều Chúa đã nói với chúng ta rồi, nhưng đến khi thực hiện, thì chúng ta lại “ chạy ra khỏi mộ, sợ, tưởng là ma..” Hãy vào hang mộ trống, để:
Từ nơi hang mộ trống
Nhìn về cuối con đường
Không còn là tăm tối
Nhưng điểm đến lữ hành

Từ nơi hang mộ trống
Nhìn lên dốc núi cao
Không còn là tuyệt vọng
Nhưng hy vọng dâng cao

Từ nơi hang mộ trống
Giữa màn đêm tối tăm
Không còn là đêm tối
Nhưng hừng đông rạng ngời

Từ nơi hang mộ trống
Giữa buốt giá mùa đông
Không còn là băng giá
Nhưng ấm áp mùa xuân

Từ nơi hang mộ trống
Dù nhắm mắt xuôi tay
Thôi không còn tuyệt vọng
Nhưng cuộc sống vĩnh hằng

Từ nơi hang mộ trống
Đã có Ngài ngay bên
Trên con đường dương thế
Là hy vọng , niềm vui
Sáng sớm, thời điểm khởi đầu của một ngày mới, là bình minh của cuộc sống con người.
Ở vào thời điểm bình minh ban đầu của nhân loại, con người đã được Thiên Chúa thổi hơi thở sự sống của Ngài và con người đã trở thành “ linh ư vạn vật”
Và vào lúc sánh sớm, từ nơi hang mộ trống, là bình minh của sự sống mới trong Chúa Giêsu chết và phục sinh. Con người đã được Chúa đổ tràn sức mạnh chiến thắng sự chết của Ngài, và con người trở thành “ con Thiên Chúa”, thành Kitô hữu.
“ Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; … và nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghiã là được sống.”( Rm 5: 12,18).
Vấn đề là sau bình minh đầu tiên của nhân loại, con người đã sa ngã, tự mình tìm cứu cánh nơi chính mình và đã dẫn đến cái chết của Đấng Tạo Hóa. Chết vì sa ngã của con người, chết để giải cứu con người khỏi sự hư nát, chết vì yêu.
Vậy sau bình minh Phục sinh, con người phải suy nghĩ, cư xử làm sao, phải sống thế nào để cho tình yêu của Thiên Chúa, sức mạnh chiến thắng sự chết của Ngài dành cho chúng ta không trở nên vô ích.