Trong bữa cơm gia đình, ông bố cằn nhằn bà vợ, ngày nào cũng nấu cơm dư, tôi không ăn cơm nguội đâu nhé!
Đứa con nói:- Má ơi con không ăn cá, con chỉ thích trứng thôi.
Đứa khác nói:- Con thì thích ăn thịt, không thích ăn trứng.
Ông Bố nói:- Ngày nào cũng rau, chán chết đi được, không biết nấu món khác hay sao? Bà vợ không biết làm sao cho vừa lòng tất cả.
Những người chưa hay ít vào bếp, thường thiếu quan tâm người khác, không tế nhị trong lời nói, rất dễ mất thiện cảm.
Gia đình trở nên ngộp ngạt khó thở, không khí căng thẳng trong bữa cơm, gia đình không vui, thì khó có được hạnh phúc.
Nếu họ biết quan tâm để ý, thông cảm chia sẻ vào bếp, thì họ sẽ hiểu bà vợ hơn (hay người nấu bếp).
Sức ăn của mỗi người cũng khác nhau, và tuỳ theo mỗi người hôm đó có đói hay không, món ăn có ngon hợp khẩu vị hay không? Dù món ăn ngon mà họ chưa đói, thì thức ăn ngon cũng sẽ không ngon.
Ngược lại cũng thức ăn đó, khi họ đói bụng thì thức ăn đó lại là ngon.
Nếu họ vào bếp chỉ nấu phần cơm phụ người đầu bếp thôi, thì họ sẽ hiểu và thông cảm. Cơm khô, cơm sống, cơm nhảo, thiếu cơm hay thừa.
Rất khó nấu cho vừa đủ cho cả nhà ăn, mà không để lại cơm nguội, một là thiếu cơm, hai là dư cơm, ba là đủ cơm cho mọi người ăn.
Nhưng ước lượng cơm cho đủ mọi người ăn mỗi ngày thì rất là khó, không dễ tí nào. Chỉ nấu cơm thôi đã khó như vậy, còn thức ăn lại càng khó hơn, vì mỗi người lại thích món ăn khác nhau.
Không ai lường được sức ăn của mỗi người, và mỗi ngày sức ăn của họ cũng khác nhau, cũng có người ở ngoài đã ăn trước, no hay đã ngang dạ rồi về nhà.
Người đầu bếp khi họ nấu cơm cho gia đình, họ biết món nào bổ hay tốt, có lợi sức khoẻ cho gia đình, thì họ làm tốt nhất có thể trong khả năng và tầm tay họ.
Nhưng người ăn thì họ chỉ thích món ngon đúng khẩu vị, khi đúng khẩu vị thì họ nói sao nấu ít thế, nấu nhiều lên ăn cho đả.
Họ thích nên họ chỉ biết cho họ, còn có những người không thích món đó thì sao? Những câu nói vô tình hay vô tâm sẽ làm tổn thương người khác chỉ vì sự ích kỷ của mình. Và cũng có những người cằn nhằn sao nấu nhiều thế, nhiều thì mình ăn vừa đủ thôi, không ai ép mình là phải ăn cho hết.
Nhiều người thường rất thích ăn ngon cho thể xác, nhưng lại không mấy quan tâm tới thức ăn ngon cho tâm hồn, không có thời gian đọc thơ văn, nhưng có rất nhiều thời gian đi mua sắm ăn nhậu, xem những phim vô bổ có hại cho tâm hồn.
Vì sao các dân tộc khác họ văn minh? Vì dân bản xứ của họ đọc sách báo rất nhiều, những nước văn minh thì khu vực nào cũng có thư viện cho dân chúng, các em học sinh hay sinh viên ra đó đọc sách hay mượn về, cũng có thể ngồi đó dùng vi tính của thư viện học bài hay làm việc.
Những em bé chưa tới trường học, mẹ hay cha mượn những sách truyện hay từ thư viện về, đọc cho các em nghe trước khi ngủ, các trẻ nhỏ đã được ăn những món ăn tâm hồn từ nhỏ nên chúng đã quen và thích thú.
Trong cuộc sống hằng ngày, nếu bạn quan tâm, ý thức và tế nhị một chút, chịu suy nghĩ. Bạn sẽ thấy thương những người bỏ công sức ra lo phục vụ cho bạn, bạn sẽ thấy hạnh phúc hơn, và tránh được ích kỷ chỉ biết nghĩ cho riêng mình.
Nếu mình không biết tiết chế bản thân, chỉ biết đòi hỏi, ngày nào cũng phải có món ngon, thì cơ thể của bạn sẽ trở nên béo phì, sinh ra bệnh tật thân xác lẫn tâm hồn, tham ăn xấu tính, ích kỷ và lười biếng.
Người viết văn thơ cũng chẳng khác gì một người đầu bếp, phục vụ cho rất nhiều người ăn, thì chắn chắn sẽ không hài lòng cho tất cả.
Cách ứng xử của bạn, nó nói lên sự hiểu biết, tế nhị và quan tâm của bạn. Trong đời sống hằng ngày, những lời nói của bạn sẽ trở nên một người có thiện cảm hay một người không có thiện cảm.
Hy vọng bài viết này sẽ có ích lợi cho nhiều người, và mang lại điều tốt đẹp cho Giáo Hội và dân tộc Việt Nam.

Lê Danh Dương
19/4/2018