LỄ CHÚA BA NGÔI
Bài đọc 1 : ( Đnl. 4 : 32-34,39-40). Bài đọc 2 : (Rm. 8 : 14-17).Tin Mừng : ( Mt. 28 : 16-20)

QUYỀN THỪA TỰ

Hôm ấy, mười một môn đệ đi đến miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giêsu đến gần, nói với các ông : « Thầy đã được trao toàn quyền trên trời và dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế » ( Mt. 28 : 16-20)
Đây là đoạn văn kết thúc cuốn Tin Mừng của Thánh Matthêu. Tuy ngắn gọn, nhưng lại mang nhiều ý nghĩa quan trọng.
Tại một điểm hẹn : một ngọn núi thuộc miền Galilê, Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ :
Một sứ mệnh phải làm: đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ.
Một nhân danh phải tuyên xưng : Thiên Chúa Ba Ngôi : Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần
Một ấn tín phải thực hiện để trao ban cho những ai tin và được trở thành con cái Thiên Chúa : làm phép rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Một nhiệm vụ đối với những ai đã trở thành Kitô hữu : dạy bảo họ tuân giữ mọi điều đã được truyền dạy.
Một sức mạnh luôn hỗ trợ cần phải dựa vào: Thầy đã được trao toàn quyền trên trời và dưới đất. Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.
Tóm lại : ra đi, rao giảng, làm phép rửa, dạy dỗ là những tiến trình đi và làm mà các môn đệ Chúa phải thực hiện để cho muôn dân trở thành môn đệ, trở thành con cái của Một Thiên Chúa Ba Ngôi.
Thiên Chúa Ba Ngôi
Lịch sử mặc khải về Chúa Cha, Chúa Con và chúa Thánh Thần được kết thúc với lễ Hiện Xuống: Một người Cha quảng đại yêu thương hết mọi người. Một người Con biểu lộ tình yêu ấy qua cuộc sống ở trần gian, cái chết và sự sống lại của mình. Một Thánh Linh trong lòng khiêm tốn tuyệt vời nhất, được ban cho chúng ta để khám phá, là cội nguồn của chân lý, của hiệp nhất, của hoà bình. Trong sự đồng nhất vĩnh cửu của Ba Ngôi Vị Thiên Chúa, Các Ngài đã nối kết chúng ta lại để dẫn dắt chúng ta đi vào cuộc sống hoà hợp theo dự tính của các Ngài, biến chúng ta thành dân thánh, thành chứng nhân của sự cứu độ được mang đến cho tất cả mọi người.
Hôm nay Giáo hội kết thúc lịch sử ấy bằng việc mừng lễ Chúa Ba Ngôi. Nhưng việc kết thúc này lại là một khởi đầu nơi cuộc sống Kitô hữu của chúng ta qua phép Thánh tẩy mà chúng ta đã lãnh nhận nhân danh Ba Ngôi Vị Thiên Chúa. Chính Một Thiên Chúa Ba Ngôi đã can thiệp vào lịch sử cá nhân của chúng ta. Qua danh hiệu của các Ngài, qua dấu Thánh giá chúng ta làm : nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, chúng ta ghi dấu sự đồng nhất với nhau, trở thành một con người mới, thuộc về một gia đình Ba Ngôi duy nhất trên trời. Nhưng con người là gì mà Chúa phải bận tâm ?
Con cái Thiên Chúa và quyền thừa tự
Con người được tạo dựng « theo hình ảnh của Thiên Chúa ». Không phải là một sự vật, con người là một nhân vị có khả năng tự biết mình, tự làm chủ chính mình và tự do tự hiến và thông hiệp với những người khác. Nhờ sự hiểu biết và tình thương, con người được mời gọi chia sẻ sự sống của Thiên Chúa.
Con người là một hữu thể vừa thể xác vừa tinh thần : Thiên Chúa lấy đất sét nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở nên một sinh vật » ( St 2 : 7). Sinh khí ấy là tinh thần, là linh hồn trong thân xác của con người, nhờ đó con người là hình ảnh của Thiên Chúa và thân xác cũng được dự phần vào phẩm giá con người trong hình ảnh đó. Linh hồn thiêng liêng, bất tử khi lìa khỏi xác trong giờ chết, và sẽ tái hợp vơí thân xác trong ngày phục sinh cánh chung.
Trong tinh thần liên đới, yêu thương, phát xuất từ một nguồn gốc chung, nhân loại tạo thành một thể thống nhất. Tất cả là anh em : « Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại » ( Cv. 17 :26)
Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côlôxê cũng đã xác định : « Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo ;Vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. »
Khi tác thành con người, Thiên Chúa đặt con người trong tình trạng thánh thiện, nhưng vì đánh mất lòng tín thác vào Đấng Sáng Tạo, vì lạm dụng sự tự do của mình, con người đã bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa, chọn ý riêng của mình bấp chấp Thiên Chúa, bất chấp những đòi hỏi của tình trạng thụ tạo và do đó bất chấp cả những điều tốt lành cho bản thân. Cuối cùng, con nguời đã sa ngã vì muốn « nên như Thiên Chúa » ( St. 3 :5) mà không cần đến Thiên Chúa, và không theo Thiên Chúa .( Rm.5 :19)
Nhưng Thiên Chúa Tình yêu vẫn không bỏ mặc cho con người đi vào cõi diệt vong. Bằng nhiều lần, nhiều cách, qua nhiều ngôn sứ, Thiên Chúa vẫn yêu thương con người ; và cuối cùng Chúa Cha đã sai Con Một của Ngài xuống thế làm người để đem con người « hoang đàng » trở về Nhà Cha, để con người « không còn phải nhận tinh thần nô lệ trong sợ hãi nữa, nhưng nhận tinh thần nghiã tử » trong Chúa Thánh Thần Thiên Chúa. « Và trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng : « Abba », lạy Cha. Vì chính Thánh Thần đã làm chứng cho tâm trí chúng ta rằng: “ Chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy nếu là con cái, thì cũng là những người thừa tự : nghĩa là thừa tự của Thiên Chúa, và đồng thừa tự với Đức Kitô : vì chúng ta đồng chịu đau khổ với Người, để rồi chúng ta sẽ cùng hưởng vinh quang với Người » ( Rm 8: 14…)
Con người lại trở thành con cái Thiên Chúa được thừa tự những gì của Chúa Cha đã ban cho Chúa con, Đấng là « khởi nguyên, là Trưởng tử trong số những người chết sống lại »( Cl. 1 : 18), là Đấng : « được trao toàn quyền trên trời và dưới đất ».
Như thế, con người khi đã trở thành con cái Thiên Chúa thì cũng được thừa hưởng sự sống lại vinh quang như Đấng Trưởng Tử trong nhà Cha trên trời với điều kiện là « đồng chịu đau khổ với Người, để rồi chúng ta sẽ cùng hưởng vinh quang với Người. »
Các thánh là những người đã « đồng chịu đau khổ » với Trưởng Tử và đã được hưởng vinh quang trên Nước Trời, còn chúng ta thì sao ? Chúng ta đã và sẽ làm gì để chuẩn bị đón nhận quyền thừa tự mà Chúa đã hứa ban ?
Hình như chúng ta chẳng mấy quan tâm đến quyền thừa tự ! Còn lâu, còn xa mà ! hay cùng lắm cũng chỉ mong cho mình được lên thiên đàng mà quên đi nhiệm vụ : hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.
Chúng ta phải có nhiệm vụ trao ban quyền thừa tự cho hết mọi người. Không phải chỉ cho mình được hưởng vinh quang mà phải chuyển giao quyền thừa hưởng vinh quang ấy cho hết mọi người, nghĩa là phải đi và làm cho mọi người trở thành con cái Thiên Chúa.
Để làm được nhiệm vụ ấy, trước tiên chúng ta phải sống và thực hành Lời Chúa truyền dạy, vì « Lời Chúa là Thần Khí ban sự sống »(Ga. 6 : 63). Ai có lời Chúa là người có Thần Khí, mới thực sự là con cái Thiên Chúa. Và sống kết hợp với Thánh Thể để luôn nhớ rằng :Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.
Ngày kia, một đan viện phụ tìm gặp một vị thiền sư và buồn rầu tâm sự :
Trước đây, tu viện là một trung tâm hành hương thu hút nhiều người mộ đạo. Nhưng chẳng hiểu vì sao bây giờ đã trở thành một nơi vắng vẻ, Nghe xong, vị thiền sư nói : « Tội đã và đang xảy ra nơi tu viện của ngài là tội vô tình. Thiên Chúa đã cải trang thành một người trong cộng đoàn ngài, nhưng anh em trong cộng đoàn đã vô tình không biết, không nhận ra Ngài ». Nghe như thế, mọi người trong tu viện thắc mắc không biết ai là người mà Thiên Chúa đã cải trang. Và từ đó, ai cũng đối xử với nhau như đối xử với chính Chúa. Bầu khí yêu thương, huynh đệ, sức sống và niềm vui đã sống lại .
Với nguồn mạch Tình yêu, Chúa Cha sáng tạo, Chúa Con cứu độ, Chúa Thánh Thần thánh hoá. Đó là Thiên Chúa Tình yêu. Sống yêu thương nhau là lời mời gọi tham dự vào cuộc sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, là sống hiến thân, hy sinh vì anh em với đôi tay rộng mở, với đôi chân lên đường và với tấm lòng quảng đại, vì tất cả là anh em cùng một Cha.

Hoàng Trung