LỄ CHÚA BA NGÔI 2021:
NGUỒN MẠCH TÌNH YÊU TUÔN TRÀN TRÊN CON NGƯỜI VÀ VŨ TRỤ




Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc


Trong bầu khí của Do Thái giáo lúc bấy giờ, việc xuất hiện một nhóm tôn giáo mới được gọi là Kitô giáo quả là điều khó chấp nhận. Cộng đoàn Do Thái giáo là những người tuyên xưng vào một Thiên Chúa duy nhất. Vậy mà, các tín hữu Kitô giờ đây lại tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa và còn trình bày về một niềm tin hết sức đặc biệt đó là Một Thiên Chúa là Cha – Con – Thánh Thần. Với lời tuyên xưng này những người Do Thái cho rằng Kitô giáo đã phá vỡ mầu nhiệm Thiên Chúa của người Do Thái. Vì thế, các tín hữu Kitô giáo bị coi như những kẻ lạc đạo, bị cấm cách bách hại một thời gian dài ngay tại Giêrusalem.

Thưa quý OBACE, niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi không đi ngược với niềm tin vào Thiên Chúa Duy Nhất của Do Thái giáo. Niềm tin Thiên Chúa Duy Nhất Ba Ngôi được bắt nguồn từ niềm tin về Thiên Chúa trong Cựu Ước và được Đức Giêsu mạc khải rõ ràng hơn trong suốt cuộc đời rao giảng của Ngài.

Chúa Giêsu đến trần gian là để nói cho chúng ta về một Thiên Chúa Duy Nhất là Cha yêu thương, là nguồn mạnh sự sống được tuôn trào trên nhân loại. Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là rao giảng về Thiên Chúa Cha, làm theo ý Chúa Cha và trung thành tuyệt đối vào Thiên Chúa là Cha. Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết phải sống sao cho trọn đạo làm con với Chúa Cha và cũng là Đấng chỉ cho chúng ta con đường để trở về nhà Cha là Nước Trời. Những người Do Thái nhiều lần cho rằng Đức Giêsu rao giảng về một Thiên Chúa không còn phải là Thiên Chúa của người Do Thái. Họ đã đặt vấn đề với Chúa Giêsu về các giới răn, lề luật của Do Thái giáo: “Trong các giới răn điều nào là trọng nhất?” Đức Giêsu đã lấy kinh Shema của người Do Thái để trả lời cho họ: “Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa là Thiên Chúa Duy Nhất, ngoài Ngài ra không có Chúa nào khác…” Như vậy, Đức Giêsu cho thấy rằng, Thiên Chúa mà Ngài rao giảng cũng chính là Thiên Chúa của người Do Thái

Đoạn sách Đệ Nhị Luật hôm nay, ông Môsê đã giải thích cho dân Israel nhận ra một vị Thiên Chúa yêu thương trao ban sự sống thần linh của Ngài cho nhân loại qua công trình tạo dựng vũ trụ. Thiên Chúa của Israel đã chủ động tìm đến để nói chuyện với con người, truyền đạt lề luật và bảo vệ con người: Anh em cứ gẫm mà xem, chưa bao giờ có chuyện vĩ đại như vậy xảy ra trên trái đất này: “Có dân nào được nghe tiếng Chúa phán từ trong đám lửa như anh em đã nghe mà vẫn còn sống không? Có thần nào đi chọn cho mình một dân tộc như Thiên Chúa đã chọn anh em không? Và còn dùng cánh tay hùng mạnh để bảo vệ họ như Chúa đã bảo vệ anh em không? Vì thế, anh em phải biết và suy niệm điều này: Trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa chứ không có thần nào khác nữa.”

Trong mạc khải của Đức Giêsu, Ngài đã nói cho mọi người biết Ngài chính là Con Thiên Chúa, đến từ Thiên Chúa và cũng chính là Thiên Chúa. Ngài không phải là một Thiên Chúa đối nghịch với Chúa Cha, nhưng là Con, Ngài ở trong Cha và Chúa Cha ở trong Ngài. Ngài nên một với Chúa Cha đến nỗi: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Cha và Thầy là một.” Đó là những mạc khải hết sức quan trọng của Chúa về Giêsu về tương quan của Ngài và Chúa Cha. Chúa Giêsu đã nhiều lần dùng lời giảng dạy để minh chứng về mạc khải này và làm nhiều phép lạ để cho mọi người thấy quyền năng Thiên Chúa nơi Ngài. Ngài đã cho người què đi được, người câm nói được, người chết sống lại. Ngài thể hiện quyền năng tha tội và chữa lành bệnh tật trong tâm hồn. Những mạc khải và những phép lạ này đã không được người Do Thái đón nhận, vì họ cho rằng Đức Giêsu chỉ là con người mà dám xưng mình là Thiên Chúa. Vì vậy, họ tìm cách loại trừ Đức Giêsu vì cho rằng Ngài nói phạm thượng.

Bên cạnh việc Chúa Giêsu mạc khải Ngài là Thiên Chúa, đến từ nơi Chúa Cha, Chúa Giêsu còn nói cho mọi người biết về Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Đấng Ban Sự Sống, Đấng Bảo Trợ, là Đấng canh tân đổi mới bộ mặt địa cầu. Ngay sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã ban Chúa Thánh Thần trên các Tông đồ, giúp các ông tìm lại được sự bình an và sự sống mới. Chính Chúa Thánh Thần đã thực hiện cuộc biến đổi diệu kỳ trong tâm hồn và trên cuộc đời các Tông đồ. Chúa Thánh Thần còn được ban xuống cách long trọng trên các Tông đồ và mọi người trong ngày lễ Ngũ Tuần, biến các môn đệ của Chúa thành những sứ giả lên đường loan báo Tin Mừng của Chúa cho thế giới.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Matthew đã thuật lại cuộc gặp gỡ sau cùng của Chúa Phục sinh với các môn đệ trước khi Ngài được đưa về trời. Trong cuộc hẹn này, cho dù trong số các Tông đồ còn có những người chưa tin, nhưng Đức Giêsu vẫn tín nhiệm, chính thức trao cho các ông một sứ mạng quan trọng: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.” Với mệnh lệnh này, Chúa Giêsu chính thức tuyên bố về mầu nhiệm Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần. Đấng vừa là mục tiêu của lời rao giảng vừa là động lực, là sức mạnh thúc đẩy việc loan báo Tin Mừng.

Như thế, các Tông đồ sẽ không rao giảng về một Thiên Chúa nào khác mà là rao giảng về Thiên Chúa Duy Nhất là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Và, nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, những người tin vào lời giảng của các môn đệ, sẽ được lãnh nhận phép rửa nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi là Tình Yêu, là nguồn mạch sự sống. Tất cả những ai tin và lãnh nhận phép rửa sẽ trở thành nghĩa tử, thành người nhà của Thiên Chúa, được gia nhập vào gia đình của Thiên Chúa.

Qua Bí tích Rửa tội, chính Chúa Thánh Thần là Đấng sẽ thực hiện sự biến đổi kỳ diệu nơi mỗi tín hữu. Thánh Thần sẽ quy tụ mọi người, mọi dân nên hiệp nhất trong cùng một đức tin, một phép rửa và một việc phượng thờ Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần sẽ làm cho ta nên những con người tự do, không còn bị nô lệ bởi tội lỗi và ma quỷ nữa. Thánh Thần sẽ giúp chúng ta cầu nguyện trò chuyện với Thiên Chúa trong thân tình và giúp chúng ta mạnh dạn thưa lên cùng Thiên Chúa là Abba, gọi Thiên Chúa là Cha của mình.

Thưa quý OBACE, tuyên xưng mầu nhiệm một Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần là đức tin chính yếu của người tín hữu. Tuy nhiên, việc tuyên xưng Chúa Ba Ngôi không phải là một công thức khô cứng, nhưng Thiên Chúa là Cha – Con – Thánh Thần đang thực sự hoạt động và không ngừng thông chuyển tình yêu và sức sống xuống trên mỗi tâm hồn. Thiên Chúa Ba Ngôi không ngừng hoạt động trong Giáo Hội và trong thế giới, để duy trì sự sống, ơn cứu độ và liên kết mọi người nên một theo hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Mỗi gia đình trong trong chúng ta được tạo dựng và liên kết với nhau theo mẫu mực và hình ảnh của gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta được mời gọi làm cho mầu nhiệm Ba Ngôi tình yêu được rõ nét trong gia đình chúng ta. Khi cha mẹ sống trọn vẹn tình yêu thương dành cho nhau, cùng nhau cộng tác với Thiên Chúa trao ban sự sống qua việc sinh sản con cái, là chúng ta đang diễn tả tình yêu tạo dựng của Thiên Chúa. Khi cha mẹ và các thành viên quảng đại đón nhận, tha thứ, cảm thông và hy sinh cuộc đời cho nhau và vì nhau, chúng ta đang diễn tả tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa Ba Ngôi; và, khi các thành viên trong gia đình cùng nỗ lực xây dựng tình hiệp thông và hạnh phúc trong gia đình, cùng nhau chuyên chăm trong việc thờ phượng Chúa, trong cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích là chúng ta đang diễn tả tình yêu thánh hóa của Ngôi Ba Thiên Chúa.

Chúng ta không chỉ tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng điều quan trọng là để cho Thiên Chúa Ba Ngôi hiện diện và hoạt động trong tâm hồn mình. Thiên Chúa Ba Ngôi ban cho ta Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến, do đó chúng ta được mời gọi sống các nhân đức này mỗi ngày trong suốt cuộc đời. Sống Đức Tin đòi chúng ta tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa; sống Đức Cậy để chúng ta dám phó thác và cậy trông nơi Chúa cho dù có gặp đau khổ và những nghịch cảnh; sống Đức Mến để chúng ta gắn bó kết hợp và nên một với Thiên Chúa mọi giây phút trong cuộc đời.

Xin Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần luôn hoạt động và biến đổi chúng ta. Amen.