CN XI / TN/ B
Bài đọc 1: ( Ez. 17: 22-24 ).Bài đọc 2 : ( 2 Cor. 5: 6-10 ).Tin Mừng : ( Mc. 4: 26- 34)

TỪ KHỞI ĐẦU NHỎ BÉ

Để diễn tả cho các môn đệ hiểu về Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã phân vân : “ Chúng ta sẽ lấy gì để so sánh Nước Thiên Chúa? Hay dùng dụ ngôn nào để để diễn tả nước đó được?” Cuối cùng, Ngài đã dùng dụ ngôn hạt giống tự mọc lên và dụ ngôn về hạt cải để diễn tả về Nước Thiên Chúa: “Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất: người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên như thế nào, người đó cũng không hay biết”, và Nước Thiên Chúa cũng “ giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể đến núp bóng được”.
Sao Chúa không lấy một đất nước hay một vương quốc nào đó to lớn, sang trọng, giàu có, nguy nga nhất trên thế giới để so sánh Nước Thiên Chúa mà lại so sánh Nước Thiên Chúa như một hạt giống hay một hạt cải bé tí?
Chồi non cây hương nam
Thiên Chúa đã phán trong sách Êgiêkiel: “ Chính Ta sẽ chặt ngọn cao nhất cây hương nam; Ta sẽ bẻ mọt chồi non từ ngọn mọc ra và sẽ đem trồng nó trên núi cao chót vót. Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi Israel, nó sẽ đâm chồi kết quả và trở thành cây hương nam vĩ đại; các thứ chim trời đều đến ẩn nấu dưới thân cây và làm tổ dưới tàn nó”. ( Ez. 17: 22-24)
Nhìn lại lịch sử hình thành Nước Thiên Chúa, dân của Thiên Chúa nói chung và mỗi bản thân chúng ta nói riêng, “Tất cả những cây rừng đều biết Ta là Thiên Chúa”; thế nhưng Ngài “ đã hạ cây cao xuống và cho cây thấp mọc lên” như Ngài đã xua đuổi Ađam và Evà ra khỏi vườn điạ đàng vì muốn bằng Thiên Chúa, và cất nhắc Evà mới là Đức Maria, một cây rừng khiêm tốn, tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa; và đã “ làm cho cây tươi ra khô héo, và làm cho cây khô héo trở nên xanh tươi” như ban sức sống, ân huệ dồi dào cho những ai tin tưởng và phó thác vào Ngài, và làm héo khô những ai tự phụ tự mãn với ý riêng của mình.
Ngôn sứ Ezêkiel tiên báo sự sụp đổ của Giêrusalem; đồng thời nói về Đấng Mêsia thiết lập Nước Trời cho vũ trụ: Thiên Chúa sẽ lấy một chồi cây hương bá trên đỉnh núi và trồng chối non ấy trên núi Sion. Dưới sự bảo trợ của Thiên Chúa, chồi non ấy sẽ mọc lên thành một cây hương bá to lớn. Ông thoáng thấy một người con sau này của Đavít sẽ cai trị một vương quốc hoàn vũ.
Lời hứa ấy đã được thực hiện trong Chúa Giêsu, Đấng khai mạc Nước Thiên Chúa: Ngọn cây hương bá mà Thiên Chúa ngắt và trồng trên núi Israel chính là Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh trên núi Sọ. Ngài đã “trở thành cây hương nam vĩ đại; các thứ chim trời đều đến ẩn nấu dưới thân cây và làm tổ dưới tàn nó”.
“ Chồi non của cây hương nam” ấy lại được Chúa Giêsu ví như hạt giống tự nẩy mầm, hay như hạt cải bé tí.
Hạ giống hay Hạt cải bé tí!
Đó là biểu tượng ban đầu của Nước Thiên Chúa như hạt giống gieo vào lòng đất, là Hội thánh, làNước Thiên Chúa ở trần thế để phát triển lớn lên thành Nước Thiên Chúa viên mãn vào thời cánh chung.
Có người thắc mắc: sao Thiên Chúa quyền năng lại không một lúc làm ra Nước của Ngài mà lại phải đi từ “một chồi non của cây hương nam vĩ đại” hay từ một hạt cải bé tí để trở thành “một cây rau lớn nhất”?
Từ hạt giống gieo vào lòng đất cho đến khi mọc lên thành cây lớn xum xuê, không phải chỉ một sớm một chiều, nhưng cần có yếu tố thời gian, cần có điều kiện môi trường để nẩy nở và phát triển.
Nếu Nước Thiên Chúa là một vương quốc đã được thiết lập sẵn, thì những ai tin tưởng và cậy trông vào Thiên Chúa , hãy cứ thế bình tâm mà hưởng thụ, mà mong ước cõi thiên đàng! Như thế, con người đã đánh mất phẩm giá cao qúi của mình là cùng với Thiên Chúa xây dựng Nước Trời, và đánh mất vai trò làm con cái của Thiên Chúa: Thiên Chúa muốn cất nhắc chúng ta lên làm vai trò cộng tác viên của Ngài, nhưng chúng ta lại thụ động muốn làm tôi tớ khi chúng ta chỉ biết thụ hưởng!
Hạt giống đã vùi vào lòng đất, cứ thế chịu lột xác và nẩy mần; người gieo hạt “ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên như thế nào, người đó cũng không hay biết”. Đó là việc làm của Chúa. Không có sự cộng tác của chúng ta, Nước Thiên Chúa vẫn hình thành, được phát triển, nhưng mau hay chậm là tùy thuộc vào yếu tố thời gian và môi trường, nghĩa là tùy thuộc vào sự cộng tác của mỗi người Kitô hữu chúng ta.
Công tác viên của Nước Trời
Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô ( 1 Cor. 3: 5-9), thánh Phaolô đã viết: “ Vậy Apôlô là gì? Phaolô là gì? Đó là những tôi tớ đã giúp cho anh em có đức tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban. Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả; nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên mới đáng kể. Kẻ trồng người tưới đều như nhau, nhưng ai nấy sẽ được thù lao theo công khó của mình. Thật vậy, chúng ta là những cộng sự viên của Thiên Chúa”.
Là người Kitô hữu, là con cái thiên Chúa, chúng ta phải ý thức trách nhiệm và thực thi trách nhiệm ấy trong việc xây dựng và phát triển Hội Thánh trần thế hôm nay và Nước Thiên Chúa mai sau.
Gía trị của Nước Thiên Chúa không phải ở thế giới vô hình mà giá trị của Nước ấy được khởi sự ngay từ đời này và viên mãn vào thời cánh chung!
Từ hạt cải bé nhỏ đến Giáo hội hôm nay
Các dụ ngôn về hạt giống tự mọc lên và hạt cải dùng để khích lệ Giáo hội tiên khởi lo lắng về sự phát triển chậm chạp của Nước Chúa. Những diễn tiến của hạt giống cho các môn đệ hiểu rằng phải nhẫn nại, phó thác và đừng chờ đợi những thành quả nhất thời, đừng nóng vội. Qua quyền năng của Thiên Chúa từ những khỏi đầu nhỏ bé, vô nghĩa, Nước Chúa sẽ phát triển thành một nước to lớn.
Nhìn lại sự phát triển của Giáo hội từ buổi sơ khai cho đến bây giờ, cho phép chúng ta tin tưởng rằng không một quyền lực trần thế nào có thể tiêu diệt được công việc của Thiên Chúa.
Chúa Thánh Thần là Đấng hằng luôn chăm sóc, bảo vệ và phát triển Giáo hội trần thế cho đến ngày tận thế.
Để Giáo hội được lớn mạnh và phát triển như hôm nay, Giáo hội tiên khởi đã phải trải qua nhiều gian nan, đau khổ, nhiều bước thăng trầm…
Ngày xưa, các môn đệ của Chúa đã phải chết đau thương như Chúa Giêsu vì sứ mệnh được giao phó. Khi suy niệm về vai trò tổng hợp của việc cầu nguyện trong đời sống của Giáo hội tiên khởi, ĐTC Bênêđíctô XVI đã nói: “ Trước mọi nguy hiểm, khó khăn, đe dọa, cộng đồng Kitô hữu đầu tiên không cố gắng phân tích cách thức để phản ứng hay tìm kiếm các chiến thuật để tự bảo vệ và phải áp dụng biện pháp nào, nhưng trước những thử thách, họ đã cầu nguyện”.
Ngày nay, cầu nguyện, sống đức tin và làm chứng cho đức tin, luôn luôn tin tưởng vào sự hiện diện, trợ giúp và quyền năng của Thiên Chúa là chúng ta góp một hạt cát, một viên gạch để xây dựng Nước Thiên Chúa hôm nay và ngày mai.
Có một câu chuyện về sáng thế như sau: Thiên Chúa tạo dựng thế giới từ từ. Ngài tạo ra cây cối, cỏ hoa, sinh vật, chim cá…Sau khi đã tạo dựng những thứ ấy, các thiên thần hỏi Ngài:
- Thưa Chúa, như vậy thế giới đã xong chưa?
Ngài trả lời:
- Chưa!
Sau cùng Ngài tạo dựng con người và nói với họ:
- Ta mệt rồi. Ta muốn các con hoàn thành thế giới. Nếu các con đồng ý, Ta hứa sẽ cộng tác với các con.
Họ đồng ý. Sau đó, mỗi lần các thiên thần hỏi Ngài thế giới đã hoàn thành chưa, Ngài đều trả lời:
- Ta không biết. Các ngươi cứ hỏi những người cộng tác của Ta.
Và con người, chúng ta trả lời sao?
Hoàng Trung