CN XII / TN/ B
Bài đọc 1: ( G. 1: 8-11)..Bài đọc 2: ( 2 Cor. 5: 14-17).
Tin Mừng: ( Mc. 4:35-41)

CHÚA NGỦ!

Người ta thường ví đời là bể khổ. Sống là vượt biển trần gian, và mỗi một người là một chiếc thuyền rời bến cuộc đời để ra khơi. Nhưng đi về đâu? đỗ bến phương nào? Đó là tùy thuộc ở mỗi con thuyền có cứu cánh, có mục đích, có đích đến cho cuộc sống của mình hay không. Không có bến đỗ, thuyền sẽ bập bềnh nỗi trôi không biết đi về đâu. Chúa Giêsu và các môn đệ lên thuyền ra khơi và bến đỗ, đích đến của chuyến hải hành ấy là “ bên kia bờ hồ”.
Bập bềnh trên biển khơi, gió-nước là hai phương tiện giúp cho thuyền “ thuận buồm xuôi gió” mà cũng là mối lo với bão tố phong ba. Khi biển êm, sóng lặng, thuyền cứ thế êm ả lướt trôi; nhưng khi cuồng phong bão tố nổi lên, thuyền lại phải khó nhọc vất vả chống chọi với hiểm nguy.
“ Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”
Buổi chiều hôm ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ vượt biển để qua bên kia biển hồ. Cùng vượt biển với thuyền của các môn đệ, còn có các thuyền khác. Trên thuyền của các môn đệ, có Chúa Giêsu đi cùng; các thuyền khác đi theo, lại không được may mắn có Chúa bên cạnh.
Chúa cùng đi với các môn đệ, nhưng Ngài lại “ở đàng lái, dựa gối mà ngủ”. Xét về tính chất nhân bản, ngủ thì như chết! Chúa ngủ thì cũng như Chúa có mặt mà cũng như không!
Khi biển êm , sóng lặng, có lẽ các môn đệ cũng chẳng bận tâm đến sự hiện diện của Thầy trên thuyền. Nhưng bổng đâu một cơn bão lớn ập tới. Sóng nước dâng cao ùa vào thuyền làm nó sắp chìm. Các môn đệ hốt hoảng, sợ hãi mới nhớ đến Chúa và đánh thức Ngài dậy: “ Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Chỗi dậy, Ngài đe gió và phán với biển rằng: “ Hãy im đi, hãy lặng đi!” Tức thì gió ngừng thổi, biển lặng như tờ.
Chúa ngủ thật hay giả vờ ngủ! Sóng gió vùi dập như thế mà ngủ sao được! Chúa không ngủ, nhưng giả vờ ngủ để xem phản ứng, thái độ của các môn đệ ra sao.
“ Chúa ở đàng lái dựa gối mà ngủ”
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà tiếng nói và sự hiện diện của Thiên Chúa dường như bị bỏ quên, bị che lấp. Thế giới đang muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi vũ trụ và ngay cả những người “có Thiên Chúa” cũng sống và hành động như Ngài không hiện diện hay đang ở xa tít đâu đó.
Chúa đang ở đàng lái dựa gối mà ngủ trước những hiểm nguy đang dồn dập xô tới. Chúa vẫn ngủ. Đôi khi như thế, chúng ta có cảm tưởng Ngài không hiện diện, không quan tâm đến chúng ta, ngay cả các môn đệ của Chúa Giêsu cũng đã trách móc Ngài như thế: “ Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?”
Trong cuộc sống của mình, những lúc gặp đau khổ, gian nan, thử thách, chúng ta cứ tưởng Thiên Chúa vắng mặt; thực tế, Ngài vẫn đang hành động trong cuộc sống chúng ta bằng cách này hay cách khác; điều quan trọng là chúng ta có nhận ra sự can thiệp của Ngài hay không.
Thiên Chúa kín đáo và im lặng, và Ngài vẫn tiếp tục im lặng như Ngài ngủ khi các môn đệ gặp bão tố, phong ba.
Khi sống trong an bình như biển êm sóng lặng, ngươì ta tự tin vào sức lực của mình, con người khó nhận ra hoặc không nhận ra sự can thiệp của Thiên Chúa. Chỉ khi gặp phong ba bão tố như các môn đệ hôm ấy, chỉ khi gặp thất bại, đau khổ, bệnh tật…con người mới nghĩ đến Chúa, mới nhận ra mình bất tài, bất lực, mới nhớ đến Chúa , mới cầu Chúa can thiệp.
Và khi thoát được những bất hạnh thì có người bảo đó là phép lạ, có người lại cho đó là do tài của mình: Tự mãn, kiêu căng, đóng kín; và ít người nhận ra đó là do sự can thiệp của Thiên Chúa để yêu mến, tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa hơn.
Tiếng đồn ma qủy quấy nhiễu cha Vianney làm cho một số anh em linh mục phì cười mỉa mai: “ Toàn là những chuyện bịa đặt, vô bổ, tung ra chỉ cốt để quyến rủ bà già con trẻ đến cái xứ khỉ ho cò gáy ấy!” Nghe những lời mỉa mai chê trách ấy, cha Vianney đều dâng cho Chúa và thinh lặng chịu đựng.
Một hôm, nhân dịp mở tuần đại phúc tại một xứ đạo trong hạt, ngươì ta đã mời cha Vianney và nhiều linh mục khác đến giúp. Sau bữa cơm tối, cha Vianney nhẹ nhàng nói với anh em: “Thưa các cha, con thường hay bị ma quỷ quấy phá, nhất là những ngày áp những hôm con cứu được nhiều linh hồn tội lỗi nặng. Vì thế, để các cha an tâm đề phòng, con xin trình các cha trước, nếu đêm nay ma quỷ có làm gì thì xin các cha yên tâm và cứ biết vậy. Nó phá một lúc rồi sẽ hết”. Cha Vianney vừa dứt lời, các cha khác đã cười rộ lên: “ Lại chuyện ma quỷ! Để xem sao!”
Cả nhà tắt đèn đi ngủ. Nửa đêm, giữa lúc mọi người đang say sưa giấc điệp thì nhà xứ rung động dữ dội, ghế bàn chạy đi chạy lại, đồ đạc thì rơi xuống lăn lóc trên sàn nhà, cột nhà thì kêu răng rắc như muốn gãy đôi…Các cha khác hớt ha hớt hải mang áo ngủ lùng thùng chạy ra sân, mình toát mồ hồi hột, miệng không ngớt kêu lên: “Dễ sợ quá! Động đất chăng? Lạ quá! Chưa bao giờ thấy chuyện khủng khiếp như thế này
-Thế còn cha Vianney đâu?
- Chắc đang ở trên phòng. Đợi yên, ta lên thử xem.
Các cụ kéo nhau lên gác, gõ cửa. Có tiếng guốc khua trên sàn nhà, cha Vianney mở cửa, các cụ ái ngại hỏi:
- Cha đang ngủ à?
- Vâng. con đang ngủ.
- Thế cha không nghe thấy gì sao? Khiếp quá!
- Có, con có nghe. Thì hồi tối, con đã trình với các cha rồi! Ma quỷ nó hay quấy phá con như thế lắm! Xin các cha cứ an tâm. Có đêm nó làm con nhiều lần như thế, nhưng không sao cả! Vì nó thua to, cay cú nên nó phá vậy thôi.
Nói xong, ngài chào các cha và đi ngủ. Các cha khác cũng trở về phòng, nhưng không sao nhắm mắt được.
Sáng hôm sau, vào giờ điểm tâm, các cha nhắc lại chuyện khủng khiếp tối hôm qua và xác nhận là có”băng hỏa ngục’nó quấy phá cha Vianney; sau cùng các cha đề nghị với cha xứ Ars:
- Suốt tuần đại phúc, chiều nào cũng xin cha về nhà xứ ngủ rồi sáng mai lại chịu khó đến đây. Chứ nếu cha ngủ đây, thì chắc chúng tôi phải di tản hết. Khiếp quá!
Cha Vianney đồng ý:
- Con xin vâng lời các cha. Bắt đầu từ chiều nay, con sẽ về nhà ngủ.
Chỉ có những tâm hồn có đức tin, đơn sơ, trong sáng, và chăm chú mới có thể nhận ra Thiên Chúa hành động qua rất nhiều dấu chỉ của thời đại.
“ Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?”
Giông tố là chuyện thường xuyên xảy ra trên biển cả, thì gian nan, thử thách, cám dỗ cũng thường xảy ra trong cuộc sống của con người và của Giáo hội.
Sóng gió cuộc đời là những thử thách đức tin.
Gian nan, thử thách…là cần thiết để cho con người thức tỉnh, cảnh giác trên chuyến tàu vượt biển trần gian, và để chúng ta biết quay về với Chúa, biết cậy trông vào Ngài. Nếu chúng ta không muốn tìm đến Chúa trong những giây phút an bình của cuộc sống thì có lẽ chúng ta cũng sẽ không tìm thấy Ngài khi những hiểm họa, khổ đau ập tới.
Chúa ở ngay bên cạnh các môn đệ, nhưng họ chưa thực sự tín thác vào quyền năng của Ngài. Chúa giả vờ ngủ để thử thách đức tin của họ.Trước thái độ hoảng hốt lo sợ của các môn đệ, Ngài đã khiển trách các ông: “ Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?”
Thiên Chúa không bỏ rơi, hay bỏ mặc chúng ta, nhưng vẫn luôn quan phòng, cứu giúp. Thiên Chúa làm việc trong im lặng, kín đáo. Chúa giả vờ ngủ để đánh thức lòng tin tưởng, phó thác và trông cậy vào quyền năng của Ngài.
“ Hãy im đi , hãy lặng đi!”, đó là tiếng nói của một Đấng có quyền lực đối với bão tố phong ba của biển cả, đối với gian nan, đau khổ của cuộc đời…Đó là Thiên Chúa quyền năng. Qua những cơn khủng hoảng của cuộc đời, đó là dịp cho chúng ta củng cố đức tin và trở về, tin tưởng, phó thác vào Ngài.
Trong cuộc vượt biển của Chúa Giêsu và các môn đệ, hình như chúng ta thoáng thấy hình ảnh con thuyền cuộc đời của mỗi người chúng ta trong đau khổ, gian nan và con thuyền Giáo hội trần thế hôm nay trước những thế lực xấu đang tìm cách bách hại!