PHAOLÔ, NHÀ CÁCH MẠNG


Trao đổi với ĐGM Penna, chuyên gia Tân Ứớc Đại Học Latran

Từ ngày 26.08.2008, những cuộc hội họp, hội nghị, hội thảo và cử hành phụng vụ liên tiếp nhau trong tất cả các thánh đường trên thế giới để kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh Thánh Phaolô Tông Đồ, Vị thừa sai vĩ đại nhất mọi thời. Hãng tin Zenit đã trao đổi với ĐGM Romano Penna, giáo sư Đại học Latran ở Roma, một trong những chuyên gia lớn nhất về cuộc đời và sự nghiệp của Phaolô Xứ Tarse. Ngài đã cống hiến suốt cuộc đời của một nhà nghiên cứu, giáo sư đại học, cho Vị Tông Đồ Dân Ngoại, xúât bản nhiều tác phẩm nỗi tiếng vì khoa học chặt chẽ, về sự bay bỗng, tất cả được trình bày bằng một thứ ngôn ngữ cuốn hút và hiện đại.
Các chú giải Kinh Thánh của Ngài về những “thư” khác nhau của Vị Tông Đồ, đặc biệt là ba tập sách về “Thư Rôma” và khảo luận “AND của Kitô giáo” được coi là những công trình căn bản. Với tuổi 70 của Ngài, những nhà Kinh Thánh trên thế giới quyết định dành một cuốn sách viết về Ngài. Đó là một tác phẩm dày 500 trang có tựa đề: ”Tân Ước: các nền thần học trong đối thoại văn hoá. Được viết để tôn vinh ĐGM Romano Penna nhân ngày sinh thứ 70 của Ngài”.

ZENIT (H).Thưa giáo sư, người ta có biết chính xác ngày sinh của Thánh Phaolô chăng?

ROMANO PENNA (Đ). Không! Năm Thánh Phaolô mà chúng ta cử hành năm nay được dựa trên một giả thuyết truyền thống theo đó Thánh Phaolô có lẽ sinh ra khoảng trước sau năm 8 sau CN. Nhưng đó chỉ là một giả thuyết. Hơn nữa, ngay chính ngày sinh của Chúa Kitô, người ta cũng không biết chính xác kia mà! Theo tôi, Thánh Phaolô cũng trạc tuổi Chúa Giêsu.

(H).Ngài sinh ở đâu?

(Đ). Ở Tarse, thủ phủ xứ Cilicie, cha mẹ là người Biệt Phái gốc Do Thái. Sách « Công Vụ » [các Tông Đồ] cho biết Ngài là một công dân La Mã và mang quốc tịch La Mã từ khi sinh. Vì thế bên cạnh cái tên Do Thái Saul của Ngài còn có cái tên Phaolô tiếng La Mã.

(H).Gia đình Ngài có phải là một gia đình khá gỉa không?

(Đ). Trong một lá thư, Thánh Phaolô nói Ngài kiếm ăn bằng việc làm lều. Nói chung, con cái thì thường học nghề của cha chúng. Người ta giả định thân phụ của Thánh Phaolô cũng làm nghề nầy. Đó là một nghề thông dụng, phổ thông, cho phép kiếm sống và chu cấp cho gia đình, không có gì khác ngoài.

(H).Ngài đã được giáo dục theo loại nào trong gia đình
Ngài?

(Đ) Cha mẹ của Thánh Phaolô là những người Do Thái sống xa quê hương nói cách khác, họ thuộc những người Do Thái vì muốn trốn tránh các cuộc bách hại hoặc vì những lý do khác, đã di cư xa quê cha đất tổ nhưng vẫn trung thành với các truyền thống cha ông. Phaolô được cắt bì. Ngài được nuôi dạy trong sự tuân giữ Luật Môsê. Nhưng Tarse vốn là một thành phố “quốc tế”, cho nên khi ra khỏi nhà, Ngài hít thở ngay không khí mang đặc tính Hy Lạp và mở ra cho nhiều nền văn hoá khác nhau. Trong gia đình, Ngài nói tiếng Hê-brơ và tiếng Aram, nhưng khi ở bên ngoài, thì nói tiếng Hy Lạp. Vì thế Ngài lớn lên với một não trạng cởi mở, ít ra là cho đến năm 12 – 13 tuổi!

(H). Sau đó thì sao ?

(Đ). Ít nhiều ở độ tuổi nầy, Ngài đi sang Giêrusalem, toàn tâm học hỏi nghiên cứu Kinh Torah bên cạnh giáo sĩ Gamaliel Tiền, một giáo sĩ nổi danh. Kể từ đó Ngài chỉ còn quan tâm duy nhất đến luật lệ Do Thái và văn hoá Israel.

(H).Trong những gì Thánh Phaoô hoặc những người cùng thời với Ngài viết, người ta có thấy được những liên tưởng hoặc những yếu tố có ích cho phép làm cho chúng ta hiểu bề ngoài Ngài giống gì chăng?

(Đ). Chúng ta có một mô tả hình thể Thánh Phaolô thường hay quay đi quay lại. Người ta nói Ngài nhỏ con, mập, chân vòng kiềng, hai hàng lông mày giao nhau, nhưng giống như một thiên thần. Song mô tả nầy có niên đại từ cuối thế kỷ thứ hai. Việc mô tả bằng hình tượng truyền thống giới trình bày Ngài dưới những nét một người rậm râu, hói đầu, theo hình ảnh mà người ta thường gán cho các triết gia sau thế kỷ thứ ba. Trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô nói « không biết ăn nói », một số người cho là Ngài cà lăm. Trong thư gửi tín hữu Galata, Ngài nói: « nếu có thể, hẳn anh em đã móc mắt hiến cho tôi » [x. Gl 3,15. BTGH]. Một số người cho là Thánh Nhân có vấn đề về thị lực.
Riêng tôi thì cho rằng những câu nói nầy phải được hiểu trong một nghĩa ẩn dụ. Chúng ta biết rằng Ngài đã gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc đời: những canh chừng, những chay tịnh, chịu rét giá, ba lần đắm tàu, hàng ngàn cây số trai qua bằng chân không, bị ném đá, năm lần bị người Do Thái đánh đòn, ba lần bị người La Mã đánh roi, bị cầm tù trong những thời gian dài. Tất cả những điều đó cho ta nghĩ rằng Ngài có một thể hình đặc biệt, một ý chí sắt đá và một khả năng thích nghi phi thường.

(H).Có thể nói về tính tình của Ngài qua các thư Ngài viết chăng?

(Đ). Sự việc đã từng là kẻ bách hại hăng say chống lại cộng đoàn Kitô giáo như thế, trước khi xảy ra những chuyện trên đường Damas, đã nói lên nhiểu điều về tính tính cuồng nhiệt của Ngài. Ngài biết rõ rằng khuôn mặt của Chúa Kitô có thể gây nên khủng hoảng cho một số yếu tố cấu thành Đạo Do Thái, và Ngài đã bách hại các Kitô-hữu một cách mạnh mẽ và cứng rắn. Người ta có thể so sánh Ngài với một « taliban » thời nay. Thế rồi xảy ra vụ Damas và có sự thay đổi lớn lao.
Ngài tiếp tục có một tính cách mạnh mẽ, có thể phát biểu dưới những giọng rất dữ dội, cứng rắn, nhưng Ngài thường xen kẻ bằng những ngữ điệu xúc động, hiền từ, đễ thương, gần như yểu điệu. Chính Ngài tự so sánh mình với một người cha, nhưng cả với một người mẹ nữa. Tâm lý của Ngài là một tâm lý phức tạp, có nhiều mặt, rất phong phú. Trong thư gửi tín hữu Roma, Ngài nói rõ ràng phải đón nhận mọi người, hoà hợp với mọi người, chấp nhận cả những kẻ có suy nghĩ khác mình: có chủ nghĩa yêu hoà bình, một ý nghĩa sự đón tiếp, tương quan nhân nhượng, thật sự mang tính chất Phúc Âm.

(H). Thánh Phaolô đã làm gì sau cuộc trở lại trên đường Damas?

(Đ). Ngài đã trải qua ba năm cuộc đời suy niệm trong hoang mạc, sau đó Ngài đi Giêrusalem để gặp cac tông đồ và cộng đoàn Kitô giáo, đoạn Ngài đi Antiôkia nơi Ngài chính thức nhận lệnh truyền bá Phúc Âm. Antiôkia thuộc Syri khi ấy là một thành phố rất quan trọng trong lịch sử Kitô giáo, vì chính trong thành phố nầy mà Phúc Âm đã được loan báo lần đầu tiên cho dân ngoại. Chúa Giêsu chưa bao giờ giảng dạy dân ngoại. Người chỉ dạy dỗ duy nhất dân Do Thái, cũng giống như các tông đồ lúc ban đầu. Chính ở Antiôkia đã có bước ngoặt lớn nầy. Và chính từ nơi ấy mà Thánh Phaolô đã thực hiện hành trình tông đồ đầu tiên của Ngài.

(H). Người ta nói rằng, trong chuyến hành trình đầu tiên nầy, Ngài đã tranh luận với các tông đồ…Có đúng như thế chăng ?

(Đ). Đã có những bất đồng ý kiến. Thánh Phaolô có một cá tính rất mạnh mẽ. Và Chúa Giêsu đã trao phó cho Ngài một sứ mệnh đặc biệt, sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho dân ngoại. Đó là một kế hoạch không tưởng đối với người Do Thái lúc bấy giờ. Và đối với các tông đồ cũng vậy. Họ cho rằng Chúa Giêsu đã đến vì dân Israel, trong khi Thánh Phaolô lại muốn rao giảng cho dân ngoại.

Hơn thế nữa, Thánh Phaolô ở trong một tình thế tế nhị. Các Kitô hữu nhìn Ngài với sự nghi ngờ, nhớ lại sự hăng say của Ngài khi bách hại họ. Người Do Thái thì coi Ngài như một tên làm phản, đã bỏ đạo của cha ông. Ngài hết sức vất vả để làm cho các Kitô hữu tiên khởi chấp nhận ý kiến của mình. Nhất là niềm xác tín rằng Chúa Kitô đã đến không phải chỉ cho người Do Thái, mà là cho hết thảy mọi người. Và rằng các người dân ngoại, để trở thành những môn đệ của Chúa Giêsu không buộc phải gập mình trước mọi quyết định của luật Môsê. Ngay cả trong các tông đồ, mọi người không chia sẻ các ý kiến của Ngài. Bấy giờ Ngài nỗi giận và gọi họ là « anh em giả dối ». Ngài rất bực bội với Thánh Phêrô, người lúc đầu đã tán thành các ý tưởng của Ngài, nhưng sau đó lại rút lui và Thánh Phaolô đã công khai quở trách Thánh Phêrô.

Dù thế nào đi nữa, Ngài cũng vẫn tiếp tục tin vào trực giác Ngài đã có trong lần gặp gỡ bí ẩn với Chúa Kitô trên đường Damas. Ngài cảm thấy một cách hết sức mãnh liệt trong Ngài sự cấp thiết phải rao giảng Phúc Âm cho dân ngoại. Sau hành trình đầu tiên nầy, Ngài còn thực hiện hai chuyến khác nữa, thành lập rất nhiều Giáo Hội. Tất cả các tông đồ cuối cùng cũng đã tán thành các trực giác của Ngài, hiểu rằng Chúa Giêsu đã đến để cứu độ mọi người, chứ không phải chỉ có dân Do Thái.

(H). Đâu là các yếu tố chủ chốt trong lời giảng dạy của Thánh Phaolô ?

(Đ). Sự tự do của luật nằm ở trong tim Thánh Phaolô và ở trung tâm luồng tư tưởng Thánh Phaolô. Thánh Phaolô giảng dạy rằng những gì đáng kể trước hết trong tương quan với Thiên Chúa, không phải là luân lý, mà là ân sủng của chính Thiên Chúa, trong Chúa Giêsu Kitô. Tôi trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa không phải những gì tôi làm nên “tôi”, mà vì những gì Thiên Chúa đã làm cho tôi trong Chúa Giêsu Kitô. Và đức tin là sự chấp nhận quà tặng hồng ân nầy được ban cho tôi.

Lời giảng dạy nầy của Thánh Phaolô đi ngược với quan niệm cho rằng chính “tôi” mới xây dựng nên sự công chính của tôi, sự thánh thiện của tôi trước nhan thánh Chúa. Tôi xây dựng nó qua việc tuân giữ luân lý, cung cách hành xử, đạo đức và tuân giữ các điều răn. Quan niệm nầy là một lập trường rất phổ biến đặt luân lý lên hàng đầu. Nhưng, do được hiểu theo nghĩa hẹp, đây không phải là lập trường tốt.

Một câu nói của Luther, mà chúng ta có thể chia sẻ, giải thích rõ ý niệm nầy: “Không phải bằng việc thực hiện những điều công chính mà chúng ta nên công chính. Nhưng nếu chúng ta là người công chính, thì chúng ta làm những điều công chính”. Nét luân lý của hành động, trong quá trình hoạt động, vì thế chỉ là thứ yếu so với chiều kích của sự việc “là” đi trước và là căn bản.

“Ở trong Chúa Giêsu Kitô” và nhận đươc sự ân cần yêu thương của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô, không lệ thuộc vào đời sống luân ý của tôi mà vì bởi chính “tôi sống” “hữu thể trong Chúa Giêsu Kitô”, chắc chắn sẽ đồng bộ với thực tại tuyệt diệu nầy. Đó chính là điểm chủ chốt và là yếu tố dẫn đừơng cho luồng tư tưởng Thánh Phaolô.

Yếu tố quan trọng thứ hai trong tư tưởng Thánh Phaolô đụng đến “căn tính Kitô giáo”, vốn được định nghĩa không chỉ bằng những phạm trù “pháp lý” như là sự công chính, người công chính, sự công chính hoá, mà còn bằng những phạm trù “bí nhiệm” hoặc “có tính chất dự phần”. Nói cách khác, Kitô hữu là một người ở trước mặt Chúa Giêsu Kitô với đức tin, nhưng “dự phần “ vào chính Chúa Kitô và sống “trong” Chúa Giêsu Kitô.

Giữa người Kitô hữu và Chúa Giêsu xảy ra một sự tham dự liên cá nhân thật sự. Người Kitô-hữu “sống’ trong Chúa Giêsu Kitô và Chúa Giêsu Kitô sống trong Kitô hữu.

Và cách thức tồn tại nầy dẫn chúng ta đến điểm căn bản thứ ba trong lời giảng dạy của Thánh Phaolô: “chiều kích cộng đoàn”, điều mà chính Thánh Phaolô gọi là Giáo Hội. Với Ngài, từ ngữ “Giáo Hội” không hề có một ý nghĩa trừu tượng, nhưng luôn liên quan đến một cộng đoàn cụ thể, ở trong một nơi chốn cụ thể. Có Giáo Hội Côrintô, Giáo Hội Thêxalônica, Giáo Hội Philipphê, v..v…Ngày nay chúng ta đem cho “Giáo Hội” một nghĩa “Công giáo”, nghĩa là hoàn vũ. Nhưng sự hình thành ý niệm nầy đến sau Thánh Phaolô.

Thánh Phaolô đã dùng từ Giáo Hội để chì mỗi một cộng đoàn và Ngài đã cho từ ngữ nầy một nghĩa rộng “sự chia sẻ cộng đoàn” đặc biệt. Nơi các Kitô hữu gặp gỡ nhau là mái nhà, nhà của một tư nhân, nơi họ tụ họp nhau để dùng bửa, để đọc và giải thích các đoạn sách thánh. Như vậy, cộng đoàn hội thánh có một khuôn khổ gia đình. Và chính trong bối cảnh cách thức sống nầy mà đã hình thành và phát triển định nghĩa Giáo Hội theo Thánh Phaolô: Giáo Hội “thân thể của Chúa Kitô”. Ý niệm phi thường nầy chỉ thuộc về Phaolô mà thôi. Người ta có thể tranh luận sau đó về ý nghĩa của câu theo đó “Giáo Hội là Thân Thể của Chúa Kitô”.

Người ta tự hỏi phải chăng qua đó Ngài muốn nói rằng Giáo Hội là một thân thể trong ý nghĩa xã hội của từ ngữ nầy, thuộc về Chúa Kitô, hay là chính Chúa Kitô hiện diện trong thân thể của Người, trong một hình hài thân thể, trong một chiều kích không phải xã hội, mà là cá thể, huyền nhiệm. Tôi cho rằng chính ý niệm thứ hai nầy mới là ý niệm hay đúng. Và luôn nằm trong nhãn giới sự chia sẻ cộng đoàn, Giáo Hội với Thánh Phaolô hoàn toàn “có tính chất bình đẳng”. Ngài giảng dạy rằng trong Chúa Kitô không còn Do Thái, Hy Lạp, không còn nô lệ hoặc người tự do, không còn đàn ông hay đàn bà. Bên trong cộng đoàn nầy cũng có những nhiệm vụ thật sự, nhưng đó không phải là những nhiệm vụ tư tế theo nghĩa phẩm trật mà người ta biết đến sau đó. Có những người chủ toạ, những người được giao trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức việc tụ họp. Ngoài ra không có gì khác.


Ghi lại: Renzo Allegri. Zenit 01.12.2008

BTGH chuyển ngữ.