CN XXVI TN/ B
Bài đọc 1 : ( Gs. 11: 25-29). Bài đọc 2 : ( Gc, 5: 1-6)).
Tin Mừng : ( Mc. 9: 38-43. 47-48)

NGĂN CẢN, TẢNG ĐÁ VẤP NGÃ.

Trên những chặng đường trong sa mạc, có một lần Thiên Chúa nói với ông Môisê: “ Hãy tập họp lại cho Ta bảy mươi người trong số kỳ mục Israen, những người ngươi biết là kỳ mục và ký lục trong dân. Ngươi sẽ đem chúng đến Lều Hội Ngộ, để chúng đứng đó với ngươi. Ta sẽ xuống đó nói chuyện với ngươi. Ta sẽ lấy một phần Thần Khí đang ngự trên ngươi mà đặt trên chúng, chúng sẽ cùng ngươi gánh vác dân này, và ngươi sẽ không còn phải vác một mình nữa”.
Ông Môisê nói lại với dân chúng những lời Thiên Chúa dạy và thực hiện đúng những gì Thiên Chúa truyền.
Bấy giờ, có hai ông được ghi vào danh sách những kỳ mục, nhưng không đến Lều, lại ở lại trong trại. Đó là hai ông Enđát và Mêđát. Thần Khí đậu xuống trên các ông và các ông bắt đầu phát ngôn trong trại. Một thanh niên chạy đi báo tin cho ông Môisê: “Ông Enđát và ông Mêđát đang phát ngôn trong trại!” Nghe thế, ông Giosuê, con ông Nun, từng theo hầu ông Môisê từ hồi còn nhỏ, lên tiếng nói với ông: “Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ!” Nhưng ông Môisê trả lơì: “ Anh ghen giùm tôi à? Phải chi Thiên Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!” ( xem Dân số 11: 25-29)
Bài trích Tin Mừng theo thánh Máccô, Chúa nhật 26 Thường niên năm B cũng thuật lại một sự việc tương tự: Ông Gioan báo cáo lại với Chúa: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ qủy. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta”.
Lý do để các môn đệ của Chúa Giêsu bất bình với người nhân danh Thầy mình để trừ quỷ là vì người ấy lạm dụng danh nghiã, uy tín của Thầy hay vì người ấy không thuộc nhóm của Thầy? Phải chăng các ông cố ngăn cản người ấy nhân danh Thầy mà trừ quỷ chỉ vì, hơn ai hết, các ông là những người theo Thầy, thuộc nhóm được tuyển chọn, được Thầy ban đặc ân chữa bệnh và làm phép lạ nên các ông ganh tị!
Nhân danh Thầy để làm điều xấu, đó là việc cần ngăn cản, nhưng nhân danh Thầy để làm điều thiện thì sao lại ngăn cản?
Chẳng những Chúa không đồng tình với việc họ làm mà còn khiển trách:
“Đừng ngăn cản người ta”, vì người lấy danh nghiã, uy tín, quyền lực của Thầy mà trừ quỷ thì ít nhiều họ cũng đã tin vào quyền năng của Ngài và tuy không thuộc nhóm, nhưng họ không chống đối, không nói xấu tức là đã ủng hộ, đã gián tiếp theo Thầy và thuộc về Thầy.
Hai đảng phái chính trị đối lập, người theo đảng dân chủ không thể nhân danh đảng cộng hòa để làm việc này việc nọ, nhưng khi họ nhân danh đảng đối lập để nói hoặc làm điều gì, thì gián tiếp họ đồng tình hay ủng hộ việc làm của đảng kia, đúng như lời Chúa nói: “Không ai lấy danh nghiã Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”
Lời khiển trách của Chúa Giêsu nói lên thái độ cởi mở và lòng khoan dung đối với hết mọi người trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Sống là chia sẻ : chia sẻ ơn cứu độ, chia sẻ lời Chúa và đừng ngăn cản người ta đến với Chúa bằng bè phái, bằng tự mãn.., đừng làm cớ cho nhau vấp phạm.
Sự lựa chọn của Thiên Chúa không phải là một đặc ân cho cá nhân để độc quyền giữ lấy hay ganh tị khi có người khác cũng được đặc ân ấy, nhưng là một lời kêu gọi phục vụ dân Chúa. Đó là nguyên nhân làm cho người ta sa ngã, làm cho ngươì ta xa lánh.
Như ông Môisê, nghe đệ tử báo lại có người không chịu đến Lều mà cứ ở lại trong trại nói tiên tri, ông không ghen tức với họ, mà còn mong: Phải chi Thiên Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!”
Câu trả lời của Chúa cũng nói lên tính chất phổ quát của đạo Chúa: đạo Chúa không phải chỉ dành riêng cho anh hay cho tôi mà cho tất cả mọi người. Chúng ta không độc quyền chiếm hữu lấy Chúa Kitô, cũng không phải mình là Kitô hữu để rồi kinh miệt người không cùng tôn giáo, cũng đừng hẹp hòi khi thấy người khác cũng được ơn huệ và thành tựu hơn mình, sợ người khác hơn mình, thấy người khác nổi hơn mình, đâm ra ganh tỵ… đó là những vấp ngã, nhưng gương xấu: lạm dụng danh nghiã, đầu óc bè phái., là tảng đá vấp ngã.
Và cuối cùng, Chúa đã khuyến cáo:“Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.” Cụm từ “ một trong những kẻ bé mọn đang tin đây”nói lên trách nhiệm của Giáo hội, của cộng đồng nói chung và của mỗi Kitô hữu nói riêng trong việc sống đạo.
Giáo hội là thân thể của Chúa Kitô, chúng ta là những chi thể: là tay, chân, mắt… Có lúc Giáo hội đã mất một tay, què một chân, mù một mắt, do những gương xấu, những ngăn cản của chúng ta đối với việc loan báo Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa.
Trong thư thứ nhất gửi Timôthê, thánh Phaolô cũng đã cảnh cáo: “Nếu có ai dạy một giáo lý khác, không theo sát lời lành mạnh, tức là các lời của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và không theo sát giáo lý phù hợp với đạo thánh, thì người ấy lên mặt kiêu căng, không biết gì cả, nhưng mắc bệnh ham tranh luận và thích cãi chữ. Do đó sinh ra ganh tị, tranh chấp, lộng ngôn, nghĩ xấu, đấu khẩu liên miên giữa những người đầu óc lệch lạc, mất cả chân lý và coi việc giữ đạo là một nguồn lợi…) ( 1Tm 6: 3-5)
Nhìn lại lịch sử Giáo hội, chúng ta đã bắt gặp những ngăn cản, những tảng đá vấp ngã bên trong và bên ngoài Giáo hội:
- Nestôriô là Thượng phụ Giáo chủ thành Constantinôpôli. Ông chủ trương: Chúa Giêsu có hai ngôi vị là ngôi vị Thiên Chúa và ngôi vị loài người, nên Đức Maria chỉ là mẹ của một con người chứ không phải là mẹ Thiên Chúa. Vì thế, năm 431, Công đồng chung nhóm họp tại Êphêsô đã cất chức Nestôriô và khẳng định: Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và khẳng định thêm: Chúa Kitô chỉ có một ngôi vị và hai bản tính.
- Một trường hợp khác: Vì say mê cô hầu Anne Boleyn, Henri VIII, vua nước Anh muốn ly đị vợ là Catharine xứ Aragon. Đức Thánh Cha Clêmentê VII không chấp thuận. Nổi tức, Henri bèn lập ra Giáo hội quốc gia, phủ nhận quyền của Đức Giáo hoàng. Đến đời vua Edouard VI thì họ hoàn toàn ly khai với Giáo hội. Năm 1563, Nữ hoàng Êlisabeth I tuyên bố chiếu chỉ “ Một tôn giáo duy nhất”, và Anh giáo được thành lập.
-Và thêm một trường hợp nữa: Nữ tu đời Ange Hatti, trong tác phẩm “ Jesus caritas”, thuật lại một câu chuyện như sau: Trước Công đồng Vatican II, có một người bạn vô thần tôi yêu mến nhận định với tôi rằng: “ Hội thánh là một thế lực tiền bạc, là điểm tựa của các nhà độc tài và đại tư bản”. Ông ta thắc mắc về các vị lãnh đạo Hội thánh độc đoán và phe phái, về các tín hữu tự cho mình là tốt mà hành động xấu xa, về các linh mục thụ hưởng và làm giàu…Tôi kiên nhẫn lắng nghe ông, rồi nói: “Tôi đã làm gì anh mà anh hạ nhục tôi như vậy?” Ông sững sờ hỏi lại: “Tôi xỉ nhục cô ư? Tôi đâu có nói gì cô? Tôi không nói gì cô mà cũng không nói gì về một người bạn của cô như linh muc X hay chị Y… Tôi nói đến Hội thánh cách chung mà!” Tôi trả lời: “ Đúng thế! Hội thánh cách chung là tôi, Hội thánh cách chung là tất cả những kẻ mà anh chỉ trích, những kẻ mà anh loại trừ; họ trộn lẫn với nhau một cách không thể phân ly. Hội thánh cách chung là họ, là tôi, là tất cả những người ấy!” Ông bạn từ đó không bao giờ còn thắc mắc với tôi về Hội thánh. Và nhiều lần trước mặt tôi, ông còn tìm cách làm nỗi bật những dấu hiệu tích cực về sự hiện diện của Hội thánh trong thế giới ngày nay nữa. ( trích Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng)
Chúng ta ngăn cản người ta nhân danh Thầy, đến với Thầy bằng ghen tị, tự mãn, hẹp hòi, cục bộ, bè phái.
Chúng ta trở nên tảng đá vấp ngã khi mến Chúa mà không yêu người, chỉ muốn một mình được cứu rỗi, nhìn đến quyền lợi mà quên đi nghiã vụ, nhắm quyền lợi riêng mà quên quyền lợi chung, chú trọng phương tiện hơn là cứu cánh: giữ đạo hơn sống đạo.
Cũng có những lúc chúng ta nhân danh Chúa, nhân danh Kitô hữu nhưng lại không sống và hành động theo gương Chúa,
Chúng ta trở thành tảng đá gây vấp ngã cho người khác khi chúng ta sống thiếu cởi mở và khoan dung, thiếu bác ái yêu thương.
Đạo Chúa không phải là một tôn giáo độc quyền; không phải chỉ những người mang danh Kitô hữu mới được phần phúc mà ngay cả những người chưa nhận biết Chúa , chưa làm con Chúa nhưng sống yêu thương bác ái thì cũng được Chúa ban thưởng: “ Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì thấy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”.
Nếu chưa thể là ánh sáng soi lối cho người ta đi, chưa thể là muối ướp mặn cho đời thì cũng đừng trở nên tảng đá cho người ta vấp ngã.

Hoàng Trung