CHÚA NHẬT XXIX TN B:
PHỤC VỤ BẰNG CHỊU ĐAU KHỔ VÀ HIẾN MẠNG SỐNG


Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp Xuân Lộc


Có một điều chắc chắn là, không ai muốn gặp đau khổ, nhưng cũng không ai có thể tránh được đau khổ. Tuy nhiên, thái độ đón nhận đau khổ của mỗi người thường không giống nhau. Người đón nhận bởi cam chịu buông xuôi thì đau khổ sẽ trở thành kinh khủng; còn người đón nhận trong tư thế sẵn sàng thì đau khổ có thể đem lại những giá trị, những bài học kinh nghiệm tốt đẹp. Cũng vậy, không có cha mẹ nào muốn con mình gặp đau khổ và không thể vui hoặc làm ngơ khi thấy con mình khổ đau. Tuy nhiên, trong tình yêu, đau khổ nó có một ý nghĩa và một giá trị rất đặc biệt, chỉ những ai đã từng trải qua mới có thể cảm nhận được. Nhà thơ Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu đã có câu: Được khổ vì nhau sung sướng biết bao nhiêu! Nhiều bạn trẻ cũng vẫn nói: Yêu là khổ, không yêu thì lỗ - thà chịu khổ còn hơn chịu lỗ. Như vậy, đau khổ không luôn luôn là những điều ghê sợ hoặc tiêu cực, nhưng đau khổ luôn có cái giá trị tích cực và mỗi đau khổ đều có giá trị riêng của nó.

Thiên Chúa không cứu chuộc thế gian bằng sự dễ dãi, nhưng Người đã đón nhận cái chết trong đau khổ, để qua đau khổ đó, Thiên Chúa thể hiện tình yêu của Người đối với nhân loại. Từ đau khổ thập giá, Thiên Chúa biến thành giá chuộc tội cho toàn thể nhân loại.

Đau khổ thập giá của Đức Giêsu không phải là một tai nạn bất ngờ, nhưng đã được tiên tri Isaia nói trước đó năm trăm năm qua hình ảnh về Người Tôi Trung của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã muốn người tôi trung phải bị nghiền nát vì đau khổ…Nhờ nỗi thông khổ của mình người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện… sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ.” Mặc dù là tôi trung của Thiên Chúa, người tôi tớ này không đòi hỏi, không đặt điều kiện gì với Thiên Chúa, nhưng chỉ một lòng vâng phục và đón nhận tất cả đau khổ về phần mình và một lòng trung thành phục vụ thánh ý Thiên Chúa.

Đức Giêsu đến trần gian rao giảng tin Mừng, kêu gọi các môn đệ đi theo và sống như Người, đón nhận đau khổ vì yêu thương và để phục vụ. Tuy nhiên, nhiều người trong các Tông đồ đã không dễ dàng chấp nhận chọn lựa này. Chúng ta có thể thấy Simon Phêrô đã từng phản đối khi Chúa Giêsu nói về việc Người phải chịu đau khổ và sẽ sống lại. Hôm nay, một lần nữa khi thầy trò đang tiến đến gần cuộc đau khổ, thì Giacôbê và Gioan muốn rẽ đi một lối khác. Hai anh em này đến xin Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin cho hai anh em chúng con, một người ngồi bên phải và một người ngồi bên trái Thầy, khi Thầy được vinh quang.” Hai anh em này muốn tìm hạnh phúc, vinh quang, danh dự mà không muốn trải qua gian khổ, hy sinh. Hạnh phúc không nhất thiết phải trải qua gian khổ, nhưng chỉ khi trải qua đau khổ, thì mới biết trân quý hạnh phúc mà thôi. Hai môn đệ này muốn bước một bước đến hạnh phúc, vì các ông đang nuôi trong lòng một tham vọng theo kiểu trần gian đó là danh dự, quyền lực. Nói cách khác, các ông theo Chúa là để tìm kiếm quyền lực hơn là phục vụ, tìm kiếm sự thoải mái hơn là đi vào còn đường tình yêu thập giá.

Đức Giêsu đã điều chỉnh lại suy nghĩ của hai anh em nhà Dêbêdê khi hỏi các ông: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu phép rửa Thầy sắp chịu không?” Hỏi như thế cũng là mời gọi hai anh em này đi vào con đường Chúa đã chọn và đang đi, đó là cuộc đau khổ thập giá. Vì qua con đường thập giá là chén đắng mà Chúa sắp chịu, mới có thể nói lên trọn vẹn tình yêu Người dành cho nhân loại: “…vì không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu.” Hai môn đệ kia có lẽ cũng chỉ hiểu một cách lờ mờ, nhưng cũng dám thưa với Chúa: “Thưa Thầy được.” Hai ông nói lên việc chấp nhận bước vào con đường tình yêu như Thầy dù chưa hiểu hết. Vì thế, Đức Giêsu đã hứa cho các ông được chia sẻ vào chén đắng và phép rửa mà Chúa sắp trải qua đó là cuộc tử nạn thập giá. Khi dám dấn thân như thế, thì việc ngồi bên hữu hay bên tả sẽ không còn quan trọng nữa, mà mọi sự sẽ do Thiên Chúa sẽ chuẩn bị cho ai là tùy ý Ngài.

Các môn đệ khác không hiểu được việc Chúa Giêsu vừa đưa hai anh em Giacôbê và Gioan bước vào chung một con đường, một lý tưởng mới, nên đã tỏ ra ghen tị, tức tối. Đức Giêsu, lại một lần nữa giúp các học trò của mình suy gẫm lại những gì họ đã thấy nơi Thầy mình và so sánh với những gì người đời vẫn thường làm: “Thủ lãnh các dân thì dùng quyền mà thống trị dân. Nhưng anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn, thì phải làm đầy tớ phục vụ mọi người.”

Trước hết Chúa Giêsu điều chỉnh lại thái độ ghen tị của các Tông đồ. Ghen tị là một thói xấu và ghen tị trong việc phục vụ và công tác tông đồ lại càng xấu hơn, vì nó đánh mất giá trị của việc phục vụ. Vì thế, những người có tâm hồn và thái độ phục vụ đích thật sẽ phải loại bỏ khỏi mình mọi hình thức ghen tị. Việc tông đồ, phục vụ anh chị em là điều cần thiết và là đòi buộc tất cả các môn đệ của Chúa. Mọi người, tùy theo khả năng, sức lực điều kiện của mình, phục vụ anh chị em cách vô điều kiện, do đó không tính toán so bì nhiều, ít, hơn, thiệt. Việc phục vụ anh chị em phải phát xuất từ lòng yêu mến và sự khiêm tốn, quảng đại. Vì phục vụ là cho không, phục vụ là quên mình, phục vụ đến độ hy sinh.

Đức Giêsu mời gọi các Tông đồ nhìn vào tấm gương sống và phục vụ của Người: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống vì muôn người.” Đây là đỉnh cao của việc phục vu, phục vụ cho đến độ dám hy sinh cả mạng sống vì người khác. Đức Giêsu đến trần gian không tìm vinh quang danh dự của trần gian, Người cũng không chiếm chỗ nhất chỗ nhì trong nhân loại, nhưng đã trở nên một trong muôn người, để cứu độ toàn thể nhân loại. Người đã phục vu tất cả mọi người không trừ một ai, từ người giàu đến người nghèo, từ người sang đến người thấp hèn, từ những người thân tín đến những kẻ ghen ghét Người; và cuối cùng là chấp nhận cái chết để cứu chuộc mọi người cách nhưng không.

Thưa quý OBACE, theo khuynh hướng tự nhiên, ai cũng tìm sự dễ dãi, sung sướng, thoải mái cho mình, ngại gian khổ, ngại hy sinh, ngại phục vụ. Nhưng là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi vượt qua khuynh hướng tự nhiên để vươn tới những giá trị siêu nhiên hơn. Chúng ta được mời gọi vượt qua sự nhỏ nhen ghen tị tầm thường để sống quảng đại yêu thương, vượt qua sự ích kỷ để sẵn sàng phục vụ anh chị em.
Có nhiều người rất quảng đại, kể cả những người không phải là Kitô hữu, trong lúc dịch bệnh này, họ không ở yên trong nhà, nhưng bước đến với anh em để chăm sóc, sẽ chia từng bịch gạo, mớ rau, hộp cơm cho những kẻ túng thiếu. Có nhiều người vì sự phục vụ anh chị em, mà bị lây bệnh và chết trong đại dịch. Đó là những cái chết đẹp, đáng trân trọng. Sống và chết như thế là sống theo gương Đức Giêsu: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống vì muôn người.”

Chúng ta cũng có thể thấy nhiều người cha người mẹ cả một đời hy sinh, vất vả và đau khổ vì con cái, đương đầu với khó khăn gian khổ, như con chim kiếm mồi về cho con. Những người cha người mẹ ấy, không hề than thân trách phận những họ vẫn vui, vẫn hạnh phúc vì thấy con cái khôn lớn, thành đạt. Người ta nói: Con cái là triều thiên của cha mẹ. Nhưng để có ngày đón nhận được triền thiên hạnh phúc này, thì cha mẹ phải đánh đổi cả một cuộc đời gian khổ, hy sinh.

Chúng ta cũng có thể thấy có nhiều bạn trẻ tìm mọi cách để chia sẻ với anh chị em đau khổ trong lúc thiếu thốn vì dịch bệnh. Nhiều người, không sợ nguy hiểm đến tính mạng, tình nguyện tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh, phục vụ tại những bệnh viện dã chiến, những khu cách ly đầy nguy hiểm. Đó là nét đẹp của tuổi trẻ mà không phải ai cũng nhận ra. Còn đa số các anh chị Giáo lý viên khác, tuy không ra tuyến đầu, nhưng trải qua nhiều tháng nhiều năm hy sinh thời giờ công sức và tuổi trẻ của mình để góp phần vào việc giáo dục đức tin cho các em. Đó là sự hy sinh thầm lặng những mang một giá trị siêu nhiên và nhân văn to lớn.

Xin cho chúng ta biết học nơi Chúa Giêsu để biết hy sinh cuộc đời mình phục vụ vụ anh chị em chung quanh. Amen.