Sống từng giờ với Chúa, dễ không?

LỜI MỞ ĐẦU VỚI CON CHÁU: Những dòng Ba viết dưới đây là những suy tư được ghi lại trong những lúc suy niệm hằng ngày. Khởi đầu Ba viết cho chính Ba, nhưng gần đây Ba đã sắp xếp lại cho thứ tự gọn gàng để truyền lại cho các con. Ba muốn các con coi đây là những lời khuyên dạy cuối cùng của Ba. Đây là đề tài thuộc tâm linh, không nên chỉ căn cứ vào lý luận mà nên dành một phần cho cảm nghiệm.
Đức tin là một ơn to lớn không chỉ do lý luận mà có, ta phải biết cởi mở tâm trí để đón nhận. Ba chỉ biết dùng những ngôn từ thông thường và trình bày những tư tưởng gần gũi với cuộc sống hằng ngày để các con có thể cảm nhận vấn đề một cách dễ dàng hơn.
(Bài này là một trong những bài phụ của bài chính là VÌ SAO MÌNH PHẢI TIN CHÚA)
__________________________________________________

Dưới đây là những tiêu đề Ba chọn lựa để trả lời cho đề tài này.

ĐỀ TÀI XA VỜI NHƯNG KHẢ THI
Đọc thoáng qua thì đề tài này chỉ để cho những vị tu trì hoặc các người già rảnh rỗi hay một số người trẻ nhưng có ơn đặc biệt tu đức. Còn đại đa số người thường, lam lũ với công việc kiếm cơm hằng ngày thì thật xa vời, bất khả thi.
Nhưng Ba muốn mở ngoặc ở đây để kể cho các con nghe chuyện thực trong đời của Ba:

Từ khi Ba Mẹ có 3 đứa con thì đời sống kinh tế đã bắt đầu nặng nề, rồi tới lúc có tới 5 đứa con thì Ba phải làm 2 jobs trong nhiều năm. Hai chữ thất-nghiệp đối với Ba thật kinh hoàng. Chẳng những làm 2 jobs, Ba còn phải học hỏi thêm để giữ được việc làm. Đến khi có 8 đứa con thì đầu óc luôn lo lắng, nhìn vào tương lai đầy màu xám. Ba chưa từng dám mong là sẽ lo được cho các con học được hết trung học. Có lúc thiếu thốn phải đong gạo chịu…Đời sống vật chất như xung khắc với đời sống tinh thần, thờ ơ lạnh nhạt. Công việc của Ba liên hệ nhiều đến việc coi giữ tiền bạc, khi túng thiếu, cám dỗ thật nhiều nhưng vì nhát gan nên may mắn chưa phạm tội ăn cắp… Kể ra vài hàng này, Ba muốn nói rằng, những điều Ba sẽ viết sau đây là kinh nghiệm sống chứ không khuyên bảo các con theo sách vở học thuộc lòng.

Tuy trải qua những thời kỳ nghèo khó nhưng nhìn chung quanh còn rất nhiều người khổ hơn gia đình mình. Vì vậy Ba thấm thía được giá trị của đồng tiền đối với tầng lớp nghèo, lo từng bữa ăn, nhà cửa rách nát, thiếu thốn mọi thứ căn bản nhất, cha mẹ thất học và con cái cũng thất học. Vì nghèo túng mà sinh ra trộm cắp, hút sách…những tội lỗi này tất nhiên do họ trực tiếp làm nhưng gián tiếp thì là do những tầng lớp giàu sang đạo mạo nhưng phán đoán hời hợt và thiếu trách nhiệm với xã hội.

HÃY THAY ĐỔI CÁCH NHÌN: Từ nhỏ tới giờ Ba vẫn nghe những lời chỉ trích rằng thanh niên ngày nay sa đọa, gia đình ngày nay thối nát v.v…Ba nghĩ thay vì nhìn tiêu cực, mình nên khai thác, khen thưởng những hành vi đạo đức mà ta nghe được trong tin tức hằng ngày như một anh taxi nhặt được tiền do khách để quên, đem nộp cho sở cảnh sát; có em nhỏ nhảy xuống sông cứu bạn; hay mới đây bao nhiêu hình ảnh đẹp của người Nhật trong tai nạn lụt, không ai đập phá để hôi của, rồi một năm sau, hàng trăm người nhặt được két sắt đã đem nộp cho cảnh sát v.v..Bài học này xứng đáng cho cả thế giới và người Công Giáo ta càng nên suy nghĩ về mình. Những tin tức tốt lành này đáng phổ biến hơn là kể lể những thống kê rằng bao nhiêu giây có một vụ tự tử, phá thai v.v… Phổ biến loại thống kê tiêu cực này phải chăng chỉ gây chán nản buông xuôi.

Trở về đề tài chính, Ba không có ý nói “sống từng giờ với Chúa” là phải đọc kinh liên miên trong ngày. Ba chỉ muốn nói đến cách tập luyện sống với mọi người theo tinh thần Phúc âm, nghĩa là khi mình đối xử công bằng, bác ái với người khác thì cũng là mình làm cho chính Chúa. Chúa phán: cho kẻ đói ăn, khát uống, thăm viếng bệnh nhân, tù nhân…nếu chỉ hiểu theo nghĩa đen thì những việc này năm thì mười họa ta mới có dip thực hiện. Ba muốn nói đến cách đối xử giữa người và người bằng những việc ở trước mặt hàng ngày, đó là sống theo đạo nghĩa vợ chồng, cha mẹ, anh em, đến người chung quanh hàng xóm hay đồng nghiệp v.v. Đây là bước khởi đầu làm cầu nối giữa ta với Chúa. Giữa người với người thì thực tế hơn, là bước dễ thực hiện hơn. Trong Phúc âm nhiều lần Chúa nói đến phương cách là nếu ta làm việc gì tốt cho kẻ bé mọn nào thì cũng là làm cho chính Chúa, nghĩa là ta có thể đến với Chúa qua hành động yêu người chung quanh.

Để sống có chiều sâu thì phải cần luyện tập để mình luôn luôn ý thức rằng sống tốt với mọi người là bổn phận của mình: vợ chồng phải cư xử theo đạo vợ chồng, cha mẹ có đạo của cha mẹ, con cái, anh em cũng vậy…Khi cha mẹ nhìn đứa con ngoan thì mình vui và đây là dịp mình tập hướng về Chúa để cảm ơn Người; khi thấy đứa con đau ốm hoặc hư hỏng, ta lo buồn từng giây từng phút thì đây ta hãy lợi dụng sự lo buồn này làm động lực cho ta tập cầu nguyện.

Khi gặp những bất bình với người khác, mình thường hay bực bội và tìm lý luận để tranh thắng nhưng ít khi mình bình tĩnh để tìm hiểu xem mình có ích kỷ hay nhỏ nhen không. Với Ba thì có khi phải hàng năm sau nhìn lại Ba mới nhận ra sự hẹp hòi nhỏ nhen của mình. Khi dám nhận ra là mình sai quấy thì cũng là tốt rồi vì đây là khởi điểm để sửa đổi và tất nhiên mình phải sửa đổi, nếu đủ can đảm xin lỗi người khác thì rất tốt vì hành động này sẽ xóa được ấn tượng xấu giữa mình với họ và tình thương yêu sẽ tăng tiến đáng kể.

TÓM TẮT: Những điều Ba khuyên đây cũng vẫn là những điều Ba còn đang tập luyện. Ba lược những ý chính như sau:

1. Khi mình phải vật lộn với cuộc sống vật chất thì đầu óc luôn luôn âu lo đến việc kiếm tiền và khó còn chỗ cho Chúa trong đầu óc. Nhưng ngược lại nếu làm 2 jobs được thì khi mình chỉ làm có 1 job thôi thì chắc mình phải còn thì giờ cho Chúa chứ.

2. Trường hợp mình có những thú vui, say mê điều gì đó như rượu chè, cờ bạc, người yêu thì dù bao nhiêu jobs mình vẫn còn chỗ cho sự say mê của mình, nghĩa là nếu mình muốn say mê Chúa thì vẫn có cách.

3. Dùng những phương cách yêu người trước rồi đi tới mến Chúa nhưng trước hết là tu thân.
Mình thường hiểu tu có nghĩa là để làm cha, làm sơ, nghĩa là dầu có tu thân nhưng thiên về hướng ngoại để phục vụ tha nhân, còn tu thân theo đạo Khổng thì thiên về hướng nội, chú ý xây dựng cho chính bản thân mình thành một người chính nhân quân tử, xứng đáng là con người có nhân cách rồi tự nhiên từ mình toát ra những hành vi tốt đẹp. Vậy cho dẫu mình ở trên hoang đảo không cần phục vụ ai mình vẫn tu thân và không màng đến sự khen chê của người đời.
Nếu tập luyện được đạo đức bản thân thì việc đối xử với tha nhân sẽ có thể phát ra tự nhiên như bản năng và khi mình thấm nhuần được mức độ đạo đức thì dễ dàng bước sang lãnh vực yêu Chúa, mến Chúa.

4. Sau bước yêu người là bước mến Chúa: Ta thường nghe những lời dạy dỗ như sáng dậy nên dành những giây phút đầu tiên với Chúa bằng cách này, cách kia, đó là những lời thật tốt nhưng nhiều khi vì lười hay thân xác uể oải, tâm trí không đủ hứng khởi nên ta bỏ qua không làm hoặc miễn cưỡng đọc kinh một cách vội vã v.v…Vậy ta thử mượn vài phương tiện kỹ thuật để gây cảm hứng cho tâm linh thế này: chọn một số bài hát để gây cảm ứng tâm linh mà mình ưa thích. Thâu những bài hát này vào máy báo thức mỗi buổi sáng, mỗi ngày mấy bài khác nhau. Và mỗi buổi sáng nhờ vào những dụng cụ bên ngoài tác động ta dễ dàng nâng tâm hồn lên để hướng về Chúa.
Cách này có thể áp dụng cho toàn thời gian trong ngày, nếu cảm thấy thích hợp. Thế rồi trong ngày khi mắt thấy tai nghe những chuyện đời, ai cấm mình hướng về Chúa. Ví dụ khi nghe một người đau ốm tại Việt Nam thiếu thày, thiếu thuốc, mình có thể liên tưởng đến sự may mắn của mình ở bên Mỹ này có đủ mọi thứ thuốc men chữa chạy cao cấp nhất mà không mất tiền; hoặc biết bao chuyện bất hạnh của những người khác mà mình may mắn không gặp phải. Nghĩa là mọi điều mắt thấy tai nghe mình đều có thể lợi dụng để liên tưởng tới Chúa.

Mặt khác khi ta đối đầu với chuyện bất bình thì ta có thể tập tự kiềm chế, vài giây thôi, lắng lòng xuống và tự hỏi mình: ta nên xử sự thế nào cho xứng đáng với địa vị của mình là cha mẹ, con cái hay bề trên, chủ nhân hay ông nọ bà kia. Sao cho chính tâm, thành ý, đừng nên ngụy biện để tranh thắng rồi sau này khỏi hổ thẹn với chính mình.

LỜI KẾT:
Trên đây là những suy luận của riêng Ba, đặt ra như những tiêu chuẩn để cho chính mình tập luyện. Ba chỉ biết lý giải đơn giản đến đây thôi, việc còn lại là do chính mỗi người chúng ta với Chúa.

Mấy lời tóm tắt Ba khuyên là:
  • Ta phải tập ý thức bổn phận của mình với đời sống thiêng liêng đời này và đời sau.
  • Nếu mỗi ngày ta cố gắng một tí để cài đặt vào tiềm thức một ý thức bổn phận đạo đức thì ta sẽ đạt đến trạng thái tự động, nghĩa là ta có thể phát ra những hành động tốt như một thói quen.
  • Cho dù có tập luyện bao nhiêu cũng đừng nghĩ là mình đã đạt được đỉnh cao đạo hạnh đâu.
  • Vẫn tu và rồi vẫn tội, nếu sa ngã thì đừng tìm cách biện bạch để che giấu lỗi lầm mà hãy can đảm nhận lỗi, ít ra là với chính thâm tâm mình. Điều quan trọng là luôn giữ được ý thức rằng tu thân là bổn phận, phục vụ tha nhân cũng là bổn phận chứ không phải là bố thí hay làm ơn.
  • Mục đích đầu tiên của tu thân là hướng nội với thành ý, coi chừng hạt giống Danh và Lợi nảy mầm và rồi mình che đậy với cái áo khoác tu thân.
  • Khi mình dư dả vật chất thì rất khó để sống cách nghèo khó nhưng nếu chỉ tập sống dản dị thì không khó mấy đâu, nhất là khi mình nhận thức được rằng giá trị tâm linh mới là quan trọng hoặc khi mình đạt được chút vốn liếng trí đức thì mình sẽ dễ coi những cái bề ngoài Danh Lợi là hư không.
Nguyễn Thất Khê