Thanksgiving: Cám ơn Trời, cám ơn Đời, cám ơn Người.

Mỗi năm, trong dịp mừng lễ “Tạ ơn” tôi vẫn nhắc nhở các con cháu về ý nghĩa cao đẹp của ngày lễ này.
Gia đình chúng tôi cố gắng tập trung vào tinh thần của ngày lễ và tạ ơn Chúa đã cứu vớt gia đình chúng tôi từ hơn 40 năm qua và rồi hằng ngày nâng đỡ chúng tôi qua những người bản xứ đã luôn rộng mở đón nhận những người di dân hoạn nạn.
Suốt thời gian từ năm 1975, mỗi dịp lễ tạ ơn, tôi lại thắm thía thêm về mức độ dâng lòng tạ ơn đến Thiên-chúa đã cứu vớt gia đình tôi qua khỏi một cuộc hiểm nguy. Chúng tôi coi như được tái sinh và vì vậy chúng tôi đã cố gắng nâng lòng tạ ơn với tinh thần gấp đôi.

Có lẽ hàng triệu người Việt đã may mắn được sang định cư ở đất Mỹ này cũng đồng ý với chúng tôi rằng:
  1. Cả ngàn năm nay, người Việt muốn xuất ngoại thì khó như lên trời, mà nay, hàng triệu người đã dễ dàng qua đây: do tị nạn, di dân hoặc vượt biên v.v. tất cả đều là do “thời cơ” mà thời cơ thì chính là “Thiên cơ”, hơn là do một cá nhân nào. Và đó là lý do ta phải tạ ơn Trời.
  1. Cho dầu tôi có tài xoay sở để đi ra khỏi Việt Nam thì đó mới chi là nửa phần và phần còn lại là làm sao nước Mỹ, người Mỹ cho chúng tôi được vào Mỹ và rồi mở rộng lòng đón nhận, giúp đỡ đủ thứ bao năm qua. Tôi đọc vài tài liệu lịch sử thì thấy rằng: ngay từ 1975, chính phủ Mỹ đã có vài đạo luật đặc biệt cứu giúp người Đông Dương về mọi chương trình xã hội, và ông Nghi-sĩ Ted Kenedy là tác giả và đồng tác giả mấy điều luật lớn giúp dân Việt tị nạn và những điều luật này vẫn còn hữu hiệu cho tới nay. Những chương trình đón nhận các dân tị nạn là truyền thống của người Mỹ từ lâu không phân biệt đảng phái. Và đó là lý do thứ hai, chúng tôi phải tạ ơn Trời, tạ ơn Người.
  1. Tôi phải làm gì cụ thể để tạ ơn.
Ngày xưa, tôi quan niệm việc tạ ơn khá đơn giản, đầy hình thức: Đối với chúa, thì xin lễ tạ ơn và nếu tốt hơn nữa thì là đi dự lễ và sau đó có thể là họp gia đình, ăn uống v.v.
Đối với người đời thì tôi đặt nặng về quà cáp và những dịp lễ tết thì có thể long trọng hơn một chút đó là đăng báo cảm ơn hoặc trên mạng v.v. Nhưng từ khi suy tư nhiều hơn về lễ tạ ơn, tôi thấy thêm được chiều sâu của tinh thần tạ ơn cũng như ta phải thể hiện lòng tạ ơn với hành động cụ thể trong cuộc sống:
  • Nuôi lòng mình đón nhận những người xấu số như người Mỹ đã đón mình ngày xưa.
  • Đóng góp cho đất nước này như mọi người công dân khác, để khỏi làm gánh nặng cho xã hội.
  • Làm bổn phận công dân để xây dựng, đóng góp cho nền dân chủ tự do cho đất nước này.
  • Tránh lời nói và hành động vô trách nhiệm đối với mọi người, với đất nước này.
(Tôi xin mở ngoặc để kể cho quý vị một bài học cá nhân: đó là khi tôi bị mổ đầu gối và quỹ an-sinh xã-hội phải trả hơn 130 ngàn đô-la cho vụ mổ. Một người bạn già của tôi nói: Chi một vụ mổ này mà ông tiêu hết số tiền mà ông đã đóng thuế hằng chục năm nay đấy, tôi nói: tôi đóng thuế mấy chục năm nay nhiều lắm chứ. Ông nói: Thứ tiền thuế mà ông đóng để cho các chi phí về Bác sĩ, nhà thương, thuốc men dụng cụ là thứ thuế FICA. Nghia là chỉ có 7.65% trên một số lương giới hạn cho mỗi năm và số thuế FICA này tối đa là khoảng 10 ngàn đô-la cho mỗi năm ông đã đóng mà thôi và bây giờ ông tiêu hơn 130 ngàn đô-la thì bằng hơn 13 năm đóng thuế FICA đấy ông ạ. Còn mấy thứ thuế khác là để cho chi phí Quốc-gia như: Cầu đường, an-ninh nội địa và cả Quốc-tế nữa.
Theo thống kê thì những người già chúng ta, mỗi năm quỹ an-sinh xã hội phải chi cho mỗi người khoảng 100 ngàn đô-la trung bình, nghĩa là mỗi người chúng ta đã “lạm chi” vào thuế của 10 người lớp trẻ đóng thuế cho một người già chúng ta).

Trở về với chuyện hiện tại: Ta thấy những chương trình đang được thảo luận trong Quốc Hội về việc tăng quỹ xã hội, ví dụ: trợ giúp thêm cho học sinh sinh viên, trợ cấp săn sóc trẻ nhỏ đế người mẹ có thể đi làm hoặc giảm tốn phí về giữ trẻ v.v. Một số người chỉ trích các chương trình này là “Chủ nghĩa xã hội”?
Tôi tự hỏi có phải ở các nước “Xã hội chủ nghĩa” thì chính phủ cho các gia đình hàng ngàn đô-la mỗi tháng để giúp con cái họ chăng?
Tôi chỉ biết rằng nếu mọi chương trình được Quốc Hội chấp thuận thì các con cháu tôi sẽ được giúp trả tiền giữ trẻ cho con của chúng hằng ngàn đô-la mỗi tháng và chúng phải biết tạ ơn.

Ta nên phân định rõ ràng hơn rằng “chương trình xã hội” và “Chủ nghĩa xã hội” thì khác nhau. Nước nào cũng có chính sách xã hội để giúp đỡ thành phần nghèo khổ. Hàng triệu người chúng ta đã và đang lãnh nhận trợ cấp xã hội là của một nước Mỹ “Dân-chủ Tự-do” chứ không phải là của “Chủ nghĩa xã hội”.
Nhận định rõ ràng để ta giữ một lòng biết ơn đất nước này.

KẾT LUẬN:
  • Chúng ta nên nâng cấp lòng tạ ơn lên và đặt nặng về nội tâm và thực tiễn hơn thay vì nặng về hình thức và nên phổ biến đến lớp con cái về lãnh vực này.
  • Mỗi khi nghe hoặc thấy một cảnh nghèo khổ của người khác, ta nên tập cảm tạ Chúa đã thương ta hơn người và đồng thời ta phải tập xúc cảm đến những người đau khổ để giúp đỡ họ.
  • Mỗi khi ta nghe có cảnh bất công xảy đến cho ai thì ta cũng tự nhủ là mình phải tập sống công chính đã khỏi gây bất công với người khác hoặc hay hơn nữa là hãy tham gia vào các công việc cải tạo sự công bằng chung quanh mình.
  • Cầu xin cho Cộng-đồng của chúng ta sớm thanh lọc được những tệ đoan: tham nhủng, lừa đảo lấn nhau để minh có thể ngửa mặt với Người, với Đời.
__________________________________________________

PHụ LụC:

Cảm nghĩ về hoạt động của các Sơ và những người thiện nguyện ở tuyến đầu.
(trích một đoạn email của tôi và đứa cháu là Sơ Thu Hà ở Đaminh Hà-tĩnh, nhân mùa Thanksgiving)


Cháu Hà, Cảm ơn cháu đã cho Bác biết những thành quả của công việc.
Thực ra việc cháu sửa soạn hình ảnh và tài liệu cũng đã tốn nhiều công và thì giờ. Việc này bác muốn cháu là không cần nhưng nghĩ lại thì nó cũng có ích lợi để bác suy nghĩ và chia sẻ với gia đình về những cảnh nghèo khổ và bệnh tật khắp nơi mà hàng ngàn người đang phải chịu mà ở bên này bác và gia đình không biết đến.
Bác nhớ lại một chuyện mà cách đây chừng 20 năm có cậu bé chừng 5,6 tuổi bị bệnh ung thư xương đến thời kỳ cuối, một nhà báo hỏi rằng em có than trách là tại sao lại là em bị bệnh hay không, em trả lời rằng “bao nhiêu người đã bị bệnh rồi thì tại sao lại không phải là tôi”. Cậu bé con này hơn bác nhiều.
Rồi bác lại nhớ đến một vài năm trước đây, trên Tivi có chuyện một ông cụ gần 90 tuổi mà vẫn đạp xe xích lô, nhà báo hỏi thì ông cho biết phải đạp xe để kiếm sống và nuôi người vợ đau ốm ở nhà. Ông cụ này khổ hơn bác nhiều quá, “tại sao không phải là bác nhỉ”.
Thời gian Covid ở VN, bao nhiêu hình ảnh về những người trong giới nghèo khổ đã chia sẻ cơm cháo hoặc đồ ăn trợ cấp với người chung quanh (họ là hình ảnh bà quả phụ cho hết hai đồng tiền mình có), những cử chỉ đầy tình thương này nếu không phải là người đã từng trải qua đói nghèo thì khó mà hiểu thắm thía được.
Coi lại những hình ảnh mà nơi này nơi kia gửi cho Bác, nhiều Sơ phải đi giúp những người nghèo khổ ở tận xóm làng xa xôi, không kể trời mưa nắng lut lội… thì bác bừng tỉnh nhận ra công lao của mọi người ở tuyến đầu mới là đáng kể.

Người ta thường kể đến công lao của các nhà hảo tâm đóng góp tiền của, nhưng ước gì ta có thể vượt hơn mức mà Chúa đã phê rằng “họ chỉ cho đi những của cải dư thừa” hoặc tệ hơn nữa là những người ăn chặn đồ cứu trợ. Cầu cho họ tỉnh ngộ để cải thiện cho xứng đáng là “Con người”.

Bác sực nhớ tới chuyện một người phải bán đồ đạc đi để mua gạo, món đồ đáng hơn triệu đồng, nhưng người mua bắt bí và chỉ trả có 100 ngàn, họ còn nói là tôi mua để làm ơn mà thôi! Đáng thương thay.

Công việc cứu giúp người khác là một bổn phận, ta không nên dùng từ ngữ “bố thí” hay là “cho” (Donation) mà nên dùng từ đóng góp (Contribution), vì mọi của cải mình có được đều thuộc về của nhiều người khác. Nếu mọi người giàu có trên thế giới này (nhất là giàu có nhờ bất công, bất chính), nếu họ biết chia sẻ cho người khác thì hàng triệu triệu người sẽ bớt khổ và các tội lỗi do nghèo khổ cũng sẽ bớt đi nhiều.
Dịch bệnh này là tiếng chuông cảnh tỉnh và dường như những người cứng lòng đang chịu hậu quả nhiều hơn!

Cháu Hà,
Bữa nay người bác già này đã dài dòng lắm cầm. Tại vì bài và hình ảnh của cháu làm bác liên tưởng tới những bài và hình ảnh của mấy chỗ khác gửi về cho bác và đặc biệt là mấy hình ảnh trên Tivi về chuyện một người chia sẻ nửa cái bánh mì cho người bên cạnh và hình ảnh một người khác chia sẻ một phần túi rau quả cho gia đình hàng xóm. (Bác có làm được như vậy không?)
Số phận của bác và gia đình của bác lẽ ra cũng có thể như nhiều triệu người trong nước: “tại sao bác và gia đình của bác lại không phải là họ”.
______________________________________________________


Nguyễn Thất-Khê.