BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN NĂM C



Kính thưa quý OBACE. Tin mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu trở về quê hương, nơi Ngài sinh ra để rao giảng Tin mừng. Dịp này Ngài vào hội đường để cùng với dân làng lắng nghe Lời Chúa. Việc vào hội đường để lắng nghe Lời Chúa là thói quen thường xuyên của Chúa Giêsu từ thuở nhỏ như kinh thánh đã xác nhận. Điều này cho chúng ta thấy Chúa Giêsu rất coi trọng việc đọc sách thánh và nghe giải thích Lời Chúa. Mỗi người tín hữu chúng ta cũng nên xét lại thái độ của chúng ta khi nghe Lời Chúa mỗi khi đến dự thánh lễ và nghe giảng. Sau khi nghe Lời Chúa chúng ta có suy nghĩ gì về lối sống và tư tưởng của chúng ta ?
Ngày xưa trong thời cựu ước thầy tư tế Esdras đọc sách thánh xong thì toàn thể dân chúng đều khóc, khóc vì sung sướng được nghe Chúa nói với họ. Họ nghe như thể nuốt ấy từng lời của Chúa, và Lời của Chúa đối với họ trở nên rất ngọt ngào. Ngay cả thái độ lắng nghe của họ cũng rất khác với chúng ta ngày nay. Sách Nơ-khe-mia kể lại : “khi thầy Esdras mở sách, thì tất cả đều đứng lên. Esdras chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Cao Cả thì toàn dân đưa tay lên đáp lại: Amen, amen. Sau đó họ cúi mình và phủ phục trước Thiên Chúa, mặt họ cúi sát đất.” Thái độ thật là khiêm nhường và cung kính đáng cho chúng ta học theo.
Chúa Giêsu hôm nay trong bài giảng của Ngài đã cho mọi người thấy Lời Chúa đã ứng nghiệm, nghĩa là đã trở thành hiện thực ngay trước mắt mọi người đang nghe, nghĩa là Ngài chính là Đấng mà kinh thánh đang nói đến : “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”. Vâng, người được Thánh thần Chúa ngự vào đó chính là Chúa Giêsu, người đang đứng trước mặt họ. Còn lời giảng nào hay hơn khi mà lời kinh thánh đang được được ứng nghiệm, đang trở thành hiện thực trước mắt họ.
Còn đối với chúng ta ngày nay thì sao khi chúng ta nghe đọc Lời Chúa và nghe lời giảng của linh mục cử hành : chúng ta có cảm thấy Lời Chúa nói gì với chúng ta hay không, chúng ta có xúc động chút nào không, Lời Chúa có ứng nghiệm trong cuộc sống của chúng ta hay không ? Tôi và quý OBACE chúng ta mỗi người đều phải suy nghĩ và đánh giả lại bản thân mình : chúng ta đã có thái độ nghiêm túc của một người đang đọc và lắng nghe Lời Chúa hay không, có mở rộng long để Lời Chúa thấm sâu vào tâm hồn hay tâm trí chúng ta không ? Nếu chúng ta chẳng cảm thấy gì thì chúng ta hãy học hỏi nơi người Do Thái xưa kia trong cựu ước cũng như người trong thời Chúa Giêsu để sửa lại những sai sót nơi bản thân mình.
Thánh Phao lô nói gì với chúng ta hôm nay ? Ngài chỉ rõ mối tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu và giữa chúng ta với nhau để làm gì vậy ? . Mối tương quan mà ngài nói tới có một sự liên đới thật đặc biệt, đó là mối tương quan của một cơ thể con người : Trong đó Chúa Giêsu là thân mình, còn chúng ta là chi thể của Người, người là chân của Chúa, người là tay của Chúa ; người là tai của Chúa, người là mắt của Chúa. “Con mắt không thể nói với bàn tay: “Ta không cần mi”. Ðầu cũng không thể nói với chân: “Ta không cần các ngươi”.” Tóm lại là mọi người tín hữu chúng ta cùng chung một thân thể là Đức Kitô, nên chúng ta không thể nói là chúng ta không cần đến nhau. Chúng ta là một trong Chúa.
Ước gì mọi người tín hữu chúng ta ý thức được sự liên kết thiêng liêng này để chúng ta yêu thương nhau hơn, biết lấy Lời Chúa để liên kết với nhau hơn. Xã hội ngày nay đang trở nên thiếu tình người, thiếu đạo đức khi mà các vụ bạo hành trẻ em, bạo lực gia đình liên tục đưa tin trên mạng xã hội, cụ thể như mới nhất là trường hợp một đứa bé gái mới lên 3 đã bị người tình của mẹ hành hạ dã man, nào là đóng liền một lúc 9 cái đinh lên đỉnh đầu bé, bắt bé nuốt đinh tán, bắt bé uống thuốc diệt cỏ pha với nước ngọt. Trước đó là vụ ‘dì ghẻ’ 26 tuổi ở tỉnh Gia Lai, mụ ta hành hạ đến chết một bé gái 8 tuổi là con riêng của chồng một cách rất tàn bạo: camera ghi lại cảnh cô ta dùng cây gỗ to dài cả mét đánh mạnh rất nhiều lần lên mông, lưng, đầu, trán, lấy chân đạp mạnh vào bụng, mông, âm hộ, ngực của cháu gái, có lúc dùng dây trói tay chân, bắt quỳ rồi dùng tay tát mạnh vào vùng đầu , dùng chân đạp cho cháu té ngã , rồi lại kéo cháu ngồi lên, rồi lại đạp xuống cho đến khi cháu gái ngã gục xuống đất, và ngất lịm đi… khi ông chồng về thấy vậy đưa cháu đi bệnh viện, chưa đến nơi cháu đã chết.
Thưa quý OBACE. Đó là những hồi chuông cảnh báo tình trạng đạo đức gia đình ngày nay đang xuống dốc trầm trọng. Các gia đình chúng ta là gia đình Công giáo, là những người con cùng một Chúa là Cha, đã được tháp nhập vào Thân Thể mầu nhiệm của Đức Kitô, là tay chân, là mắt mũi là chi thể của Chúa Kitô, chúng ta phải yêu thương, bao bọc che chở lẫn nhau. Dù đó là con của ai, là người trong gia đình hay lối xóm, chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ sự sống của con người. Muốn ý thức được trách nhiệm thiêng liêng này, hằng ngày chúng ta phải mời gọi mọi người, nhất là con cái chúng ta, ngay từ nhỏ phải học theo gương Chúa Giêsu, đến nhà thờ nghe Lời Chúa dạy bảo, sống Lời Chúa trong từng phút giây, Cha mẹ phải yêu thương con cái, con cái phải thảo hiếu lễ phép với cha mẹ. Có như thế xã hội này mới an vui hạnh phúc, sự sống con người mới được bảo đảm.
Khi ấy ước vọng của Chúa Giêsu mới được thành toàn như Lời kinh thánh nói : “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng” . Amen.

https://thanhcavietnam.org/thienngad...le/Cn3TnC.docx