CN IV TN/ C
Bài đọc 1 : ( Gr 1:4-5, 17-19). Bài đọc 2 : (1 Cor. 12:31- 13-18) Tin Mừng : ( Lc.4:21-30)

SỐ PHẬN NGÔN SỨ

Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng Tin Mừng. Được quyền năng của Thần Khí thúc đẩy, Ngài trở về miền Galilê, và tiếng tăm Ngài đồn ra khắp vùng lận cận. Ngài giảng dạy trong các hội đường của họ, và được mọi người tôn vinh.
Rồi Ngài đến Nadarét, là nơi Ngài sinh trưởng. Ngài vào hôi đường như Ngài vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Mở sách ngôn sứ Isaia, gặp đọn chép rằng: “ Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn.Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Ngài. Ngài bắt đầu nói với họ: “ Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà qúi vị vừa nghe”; thế nhưng không hiểu vì sao người ta lại đi từ sự tán phục đến xoi mói, rồi cuối cùng dẫn đến phẩn nộ.
Nghe Chúa Giêsu giảng dạy, “mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người” ; nhưng họ lại không dễ tính để tiếp nhận “ lời hay ý đẹp”, đã không đón nhận Ngài như một ngôn sứ của Thiên Chúa; và tệ hại hơn, khi nghe Chúa Giêsu áp dụng lời của ngôn sứ Isaia cho chính Ngài: “ Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà qúi vị vừa nghe”, họ đã không nhận ra Đấng đang nói với họ là ai; họ chỉ nhìn Ngài như một con người bình thường, vì họ biết rõ thân thế và gia cảnh của Ngài, nên nẩy sinh xoi mói, ganh tị rồi hạ nhục Ngài: “ Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?”.
Có thể những người đồng hương đến với Chúa không phải để nghe Ngài giảng dạy mà để xem Ngài làm những việc lạ như người ta đồn thổi; họ muốn tận mắt xem những lời người ta nói có đúng không: “ Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Caphanaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!”
Người ta chỉ mới biết Chúa Giêsu là con người theo nhân tính chứ chưa nhận ra Ngài về thiên tính.
Hiểu được lòng dạ họ, Chúa Giêsu đã dẫn chứng một câu tục ngữ để vạch trần tâm địa của họ: “Hẳn các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình!” và Ngài kết luận: “ Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”.
Và sau khi nghe Chúa Giêsu gián tiếp chê trách họ về lòng tin qua hai dẫn chứng cụ thể trong thời ngôn sứ Êlia và Êlisa: “Thiếu gì bà góa ở trong nước Israen vào thời Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thế mà ông không được sai đến giúp một bà goá nào, nhưng chỉ được sai đến giúp bà góa Xarépta miền Xiđon. Cũng vậy, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Israen vào thời ngôn sứ Êlisa, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Xyria mà thôi”.
Nghe đến đây, họ cảm thấy mình bị xúc phạm
Người ta phẩn nộ vì ganh tị, vì đố kỵ với Chúa Giêsu, vì Ngài giảng dạy như một người có thế lực, dám lên mặt dạy đời.
Người ta phẩn nộ vì Ngài lên án họ thiếu lòng tin, vì Ngài gián tiếp chê trách họ không hơn gì người ngoại giáo và tỏ vẻ ưu đãi người ngoại giáo hơn họ; và“ mọi người trong hội trường phẩn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành…Họ kéo Người lên tận đỉnh núi để xô Người xuống vực”
Tiên tri Êlia và Êlisê đã làm phép lạ không phải chỉ ở Israen và chỉ cho người Do thái mà còn làm phép lạ ngoài Israen cho nhiều người thuộc các dân tôc khác. Chúa Giêsu cũng không phải chỉ được sai đến cho dân Do thái mà thôi, Ngài còn là ơn cứu độ cho muôn dân, là vinh quang cho Israen, và cũng là ánh sáng của dân ngoại.
Thiên Chúa đã yêu thương thế gian và ban Con Một Ngài là Chúa Giêsu Kitô cho thế gian để tất cả những ai tin Ngài thì được cứu rỗi, ai không tin thì bị luận phạt.
Theo thời gian của lịch sử cứu độ, Chúa Giêsu đã đến giữa dân Israen, trong quốc gia và lịch sử của họ, nhưng họ đã không nhận biết Ngài, không tôn kính Ngài tại quê hương Israen lại còn lên án và giết Ngài trên Thánh giá.
Giống như nhiều ngôn sứ trước và sau Chúa Giêsu, Ngài cũng đã bị những người đồng hương loại bỏ, chống đối. Tại sao họ lại bỏ, chống đối Ngài? vì Ngài dám nói lên những điều trái với ý muốn của họ, dám đem ánh sáng để xoá bỏ bóng tối.
Nhiệm vụ của ngôn sứ không phải đến để thoả mãn những đòi hỏi của người ta, không phải đến để làm vui lòng người ta theo như ý muốn của họ, nhưng là để nói lên sự thật, dám phê phán những sai lầm, dám tố giác những sai trái để đưa con người đến ánh sáng và chân lý.Tất cả những nhiệm vụ ấy được thực hiện vì tình thương, vì bác ái chứ không phải để khoe khoang, để tự cho mình là xứng đáng; và ngôn sứ là người phải đặt tin tưởng vào Thiên Chúa như lời Ngài đã phán với ngôn sứ Giêrêmia: “Vậy phần ngươi, ngươi phải thắt lưng, hãy chỗi dậy, và nói cho họ biết tất cả những điều Ta truyền dạy cho ngươi. Đừng run sợ trước mặt họ, vì Ta không làm cho ngươi kinh hãi trước mặt họ. Hôm nay Ta làm cho ngươi nên một thành trì vững chắc, một cây cột bằng sắt, một vách thành bằng đồng, trước mặt các vua Giuđa, các hoàng tử, các tư tế và dân chúng xứ này. Họ sẽ chiến đấu chống ngươi, nhưng họ không thắng được ngươi, vì Ta ở với ngươi, để giải thoát ngươi”.
Là người Kitô hữu, chúng ta cũng có nhiệm vụ làm ngôn sứ của Chúa cho mọi người, mọi nơi, qua mọi thời đại; nhưng chúng ta thực hiện sứ vụ ấy như thế nào?
Có thể chúng ta sợ người ta chê cười là nhẹ dạ, ấu trĩ…không dám mạnh dạn, can đảm nói lên sự thật, bênh vực công lý, hoặc ngược lại, có thể chúng ta tự mãn, khoe khoang mình: “nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần, được ơn nói tiên tri, được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, có đem hết gia tài cơ ngiệp mà bố thí hay nộp cả thân xác để chịu thiêu đốt, nhưng lại thiếu đức mến thì cũng chẳng là gì”; vì “ Bái ái là kiên tâm, là nhân hậu. Bác ái không đố kỵ, không khoác lác, không kiêu hãnh, không ích kỷ, không nỗi giận, không suy tưởng điều xấu, không vui mừng trước bất công, nhưng chia vui cùng chân lý, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, trông cậy tất cả, chịu đựng tất cả”.( 1 Cor. 13:1-5)
Làm ngôn sứ của Chúa mà không lấy bác ái yêu thương để truyền đạt thì “ chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xong xoãng”; có thể chúng ta truyền đạt giáo lý của Chúa chỉ để phô trương cá nhân mình hơn là rao giảng Tin Mừng của Chúa bằng chính cuộc sống của chúng ta; có thể, vì ganh ghét xét đoán, đố kỵ mà chúng ta không đón nhận lời truyền đạt của anh em, của cộng đoàn, của Hội thánh.
Tăng Tử, tức Tăng Sâm là người thành thực và rất có hiếu, là học trò giỏi của thầy Không Tử, có lần ông nói với đức Khổng Tử: Tôi biết thầy có ba điều, tôi học mãi mà chưa làm được. Ba điều đó là:
- Thấy người ta có được một điều phải mà quên cả trăm điều trái của người ta, thế là thầy dễ tính.
- Thấy người ta có điều gì phải, thì vui vẻ như là mình có, thế là thầy không ganh tị.
- Nghe thấy điều gì phải, nhất quyết làm, rồi sau mới nói, thế là thầy chịu khó.
Thầy là người dễ tính, là nguời không ganh tị, là người chịu khó, tôi học mãi ba điều ấy của thầy mà chưa thể làm được. ( Thuyết Uyển- Cổ học Tinh Hoa)
Ba điều này mới nghe tưởng dễ, nhưng thực hành mới thật là khó! Thói thường, người ta chỉ hay nói xấu nhau, ghen tị nhau, nói giỏi mà làm không giỏi.
Ngày nay, giả như Chúa Giêsu cũng sinh ra và sống với chúng ta tại một nơi đó trên quả đất này như xưa Ngài đã sinh ra tại Bêlem thành Nadarét, cũng được trực tiếp nghe Ngài giảng dạy, chắc gì chúng ta sẽ đối xử với Ngài khác hơn những người cùng quê với Ngài ngày xhưa, hay lại cũng như họ cần học lấy ba điều mà thầy Tăng Tử muốn học nơi đức Khổng Tử!

Hoàng Trung