Hồi tưởng những chuyện quá khứ, (bài 2).
(Tưởng nhớ ông cụ tôi, Nguyễn văn Phê, người cha già đáng kính mến).

Lời mở đầu:
Tuy viết về ông cụ tôi là chuyện riêng tư, nhưng tôi muốn chia sẻ với giới trẻ những trải nghiệm của tôi là: Khi ta còn trẻ, bận rộn với cuộc sống, ta ít có dịp nhận ra được tình thương yêu của ông bà cha mẹ, ngày đêm lo lắng, hi sinh cho ta, hoặc tệ hơn nữa là đôi khi ta đã xúc phạm, khinh thường cha mẹ hoặc cho là cha mẹ lỗi thời, quê mùa chỉ vì ta đã văn minh, có học hơn.

Tôi đã trải nghiệm được chân lý chắc nịch là tình thương cha mẹ dành cho con cái không ăn nhậu gì đến học thức là thuộc về tri thức, nó chỉ lưu trữ sách vở còn tình yêu là sự sống có chiều sâu thẵm vô đáy.
Cha mẹ có thể chịu thương chịu khó mọi sự cho con cái, sống cho con cái và có thể chết cho con cái.

Xin mở ngoặc ở đây để kể một câu chuyện của ông hàng xóm của tôi: Thời kỳ “đổi đời” ở Việt Nam, nhiều người lâm vào cuộc sống hụt hẫng, công việc cũ không còn, công việc mới không có, ông hàng xóm của tôi đã vất vả làm mọi việc để nuôi sống mấy đứa con nhỏ. Công việc ngày có ngày không và cuộc sống thì nhiều ngày không đủ gạo nấu cho mọi người, và người cha đã âm thầm chịu đói để dành chút cháo cho các con. Tình trạng này dĩ nhiên không kéo dài mãi được và một hôm, trên đường đi tìm việc làm, ông không còn sức đạp xe nữa và đã ngã quị bên lề đường, sức lực đã kiệt quệ và ông đã qua đời…
Sau khi điều tra và hỏi chuyện mấy đứa con, người ta biết được rằng bố của chúng đã nhịn đói để nhường cho các con ăn…

Khi về già, người ta có khuynh hướng hồi tưởng lại quá khứ. Tôi cũng vậy, khi ngồi yên lặng một mình, tôi tưởng nhớ đến hồi còn nhỏ rất nhiều chuyện, trong đó nổi bật là cha mẹ.
  • Con người của ông cụ tôi, tư cách, nhân phẩm:
Ông cụ tôi mồ côi và trải qua nghèo đói từ nhỏ. Nhưng được sự yêu thương và giúp đỡ rất đặc biệt từ cha xứ Thất Khê và bà con trong xứ đạo. Ngay từ lúc nhỏ tới khi lớn và cả lúc già, ông cụ tôi, mọi thời mọi lúc, đều được bà con trong xứ và hàng xóm mến yêu và kính trọng vì hạnh kiểm cũng như những đóng góp cho khu vực, không phải là những công việc lớn nhưng là mọi việc đơn giản và kín đáo, đặc biệt là thời kỳ xóm đạo gặp khó khăn, ông cụ đã can đảm gánh vác công việc trong xứ đạo ở thời kỳ 1945 tới 1950 và sau này khi ở miền Nam các năm sau 1975 cũng vẫn can đảm giữ các công việc trong xứ.

Bà cụ tôi mất lúc ông cụ tôi mới chừng 45 tuổi. Ông cụ “đã ở vậy” nuôi đàn con nhỏ, 6 đứa, tôi là con cả mới 16 tuổi và đứa nhỏ nhất là 1 tuổi.
Năm 1950, sau khi bị chế độ Việt-minh tịch thu tài sản, gia đình tôi lâm cảnh nghèo khó kiệt quệ, có lúc phải nhờ họ hàng giúp đỡ nhưng ông cụ tôi vẫn một lòng đạo đức, vững tin và không ngã lòng. Ngoài việc lo cho gia đình con cái, ông cụ vẫn đảm đương công việc của xứ đạo, rất can đảm đối với sự gò bó của chế độ lúc đó. Cha chính địa phận, Nguyễn Khắc Ngữ (sau này là Giám-mục Long-xuyên) có lần đã nói với tôi rằng thầy mày rất can đảm và khôn khéo.
Sau này ông chú tôi cũng kể lại rằng ở thời kỳ mới thay đổi chế độ nhất là ý thức hệ vô thần thì làm một ông Trùm còn phải đối ngoại nhiều thứ, nhưng thầy anh đã vượt qua nhiều khó khăn nhờ lòng thành thật đức độ mà một số người đối nghịch cũng phải nể nang.
Câu chuyện cụ thể dưới đây chứng tỏ sự đức độ của ông cụ, đó là khi Việt Minh đánh bại quân Pháp thì họ bắt hết những người làm cho Pháp kỳ đó và khi đến lượt họ xét xử ông cụ tôi thì có 2 người đứng ra bênh vực (2 người này đều là công nhân dưới quyền của ông cụ tôi ngày trước, họ là những đảng viên cao cấp nằm vùng ngày xưa), họ khai rằng: anh Phê là người rất tốt với mọi người, anh luôn thương những người nghèo khó khi đau ốm mà không hề trừ lương… Xin Ủy ban nhẹ tay cho… Thế là ông cụ tôi không bị đi tù ở xa mà chỉ bị đi “làm việc” tại công an địa phương khoảng chừng 1 năm.

Chưa ai thấy ông cụ nóng nảy hay mất lòng ai cả. Trong họ hàng kể cả các bậc đàn anh đều kính nể ông cụ tôi và mỗi khi có vấn đề quan trọng thì mọi người đều bàn hỏi coi trọng ý kiến của ông cụ tôi. Tính tình nhẫn nhục chịu đựng của ông cụ càng được nhiều người chung quanh luôn nhắc đến suốt mấy chục năm hoạt động với các xứ đạo ở xóm mới Sài Gòn.
  • Đối với con cái, ”Gà-Trống-nuôi-con”:
Có ai nhìn thấy cảnh một con gà trống dắt một lũ gà con chưa?. Nếu con gà mái có dáng vóc nhẹ nhàng hiền hòa, xòe cánh ôm đàn con, thì con gà trống với hình dáng to cao, bước đi mạnh mẽ nặng nề, nhưng ở trường hợp nuôi đàn con nhỏ, nó cũng biết đị chậm lại và đầu nó cũng cúi xuống lúc lắc, kêu gù gù như nói chuyện với đàn con đang lăng xăng kêu chít chít...
Hồi nhỏ, lúc ở quê, tôi chỉ nhìn cảnh này một cách hững hờ không cảm giác gì cả, cho tới sau này khi trưởng thành và thấy những cảnh vui buồn trong cuộc sống nhất là nhìn đến hoàn cảnh của chính ông cụ tôi, thì sự cảm nhận thật là sâu xa và tha thiết. Ông cụ tôi đã hi sinh tất cả cuộc đời mình để sống với con, vì con và tất cả cho các con từ buổi thanh xuân cho đến chết!

Sống độc thân trong cô đơn có dễ dàng không? Nhất là khi chung quanh mình có nhiều người đàn bà quý mến mà không sa ngã. Điều gì đã giúp ông cụ có một sức nội tâm mạnh mẽ như vậy? Phải chăng tình thương con cái là động lực thiêng liêng nâng đỡ suốt cuộc đời dài vất vả hằng ngày cho con cái. Ngoài ra,
ông cụ cũng dành hết thì giờ để phục vụ họ đạo và lòng đạo đức này cũng là nguồn năng lực thiêng liêng để quên mình.
Suốt mấy chục năm nuôi đàn từ nhỏ tới lớn, ông cụ tôi không hề một lần lớn tiếng với các con. Tôi xin kể một chuyện là ông cụ tôi đã hy sinh chính mình để dành cho tương lai của tôi đó là năm 1954, khi các chú bác của tôi họp bàn với ông cụ tôi là nó có nên đi di cư vào Nam hay không thì tôi nghe ông cụ tôi nói là hoàn cảnh của ông cụ tôi rất đáng lo ngại vì dù sao thì cha con ở đây, tuy khó khăn nhưng cũng đã có ngăn nắp và có sẵn nhà cửa, công việc, nếu bỏ tất cả để đến một nơi xa lạ và bắt đầu lại từ số không thì rất phiêu lưu cho các con nên ông cụ sẽ không đi. Hôm sau, tôi rụt rè thưa với ông cụ rằng: Đức Cha muốn con di cư vào Nam để có thể trở lại chủng-viện, thế là ông của tôi đổi ý và bằng lòng di cư đem gia đình vào Nam, không nề hà khó khan. Đó là sống cho con, vì con!

Sau khi di cư vào Sàigòn, cha con chúng tôi cũng trải qua nhiều năm khổ sở vất vả. Ông cụ tôi vất vả ngược xuôi làm mọi việc nặng nhọc để nuôi nấng chúng tôi mà không hề một lời than vãn.
Ông cụ tôi rất tháo vát, có thể làm được những nghề nghiệp khác nhau. Đó là vì thời gian trước đây khi ông cụ tôi trông coi mấy công trường xây cất cho nhà cầm quyền Pháp, rồi chỉ vì xem các thợ thuyền làm việc mà sau này ông tự tạo cho mình một tay nghề và ông cụ đã trở thành một ông thợ mộc thật giỏi kể cả đi thầu xây cất sau này.
  • Đối xử với những người làm, công nhân và khách hàng:
Đối với công nhân thợ thuyền, ông cụ luôn gọi họ là những người làm chung và đối xử rất rộng rãi với mọi người, nâng đỡ họ khi gia đình họ gặp khó khăn.
Sau này khi cao tuổi ông cụ tôi mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ ở trong xóm. Trong công việc buôn bán, ông cụ đã để lại gương cho chúng tôi về công bằng và bác ái, luôn luôn thành thật không bao giờ lợi dụng thời cơ tích trữ hoặc lừa dối khách hàng, ngay cả những thời kỳ kinh tế khó khăn, rất nhiều người không có tiền, ông cụ tôi cũng vui vẻ bán chịu. Chúng tôi ngăn cản thi ông cụ nói tuy có thể họ không trả nhưng vì họ rất cần cho nên mình cũng phải để cho họ sống chứ. Nhiều người đã kính phục và biết ơn cho nên khi họ có thể trả được nợ thì họ trả cho ông cụ trước

Câu chuyện dưới đây minh chứng cho sự chân thật của ông cụ: Hai đứa em tôi có đàn gà, vào thời kỳ dịch cúm ở quanh vùng, hai đứa tìm được người mua và nói dối rằng đàn gà khỏe mạnh nhưng thực ra là vài con gà đang có dấu hiệu bệnh. Khi ông cụ nghe giá cả xong xuôi, mới chạy ra và nói với người mua rằng: Tôi ở trong nhà và đã nghe xong mọi chuyện nhưng tôi xin nói cho bà biết rằng hai đứa con tôi không nói đúng sự thật đâu nhé vì thực sự thì đã có vài con có dấu hiệu bệnh rồi đó... Thế là trời như tối sầm lại, mọi người nín thở và khựng lại, yên lặng ngẩn ngơ nhìn nhau, nhưng rồi sau đó bà người mua đã ôn tồn cảm ơn ông cụ và lại tiếp tục việc mua bán với giá hạ hơn. Bà không tiếc lời khen ông cụ và mấy đứa em tôi cũng không hề oán trách ông cụ. Câu chuyện trên đây được mọi người chung quanh cảm phục.
  • Đối với đại gia đình, họ hàng:
Khi di cư vào miền Nam thì họ hàng chúng tôi không còn dịp ở gần nhau nữa: 3 chị em ruột của ông cụ tôi thì người em ruột phải ở lại với bên chồng ở ngoài Bắc và chị ruột thì ở Đà Lạt, còn ông cụ tôi thì ở Sài-Gòn. Ngoài ra các ông bác và các ông chú họ thì ở rải rác nhiều nơi khác nhau. Trong hoàn cảnh chiến tranh và và kinh tế khó khăn nhưng ông cụ vẫn thường xuyên liên lạc thăm viếng mọi người. Riêng người em ruột ở Thất Khê thuộc vùng Cộng-sản, không thể liên lạc trực tiếp được thì ông cụ cũng đã cố liên lạc qua nước Pháp. Một chuyện là đáng ghi ra đây là ông cụ tôi, sau khi đất nước đã thống nhất và có thể đi lại được thì một lần ông cụ tôi đã viết thư cho cô ruột tôi ở Thất Khê với lời nhắn nhủ rằng: hãy cố gắng vào thăm bà chị ở Đà Lạt kẻo trễ! (mặc dầu bà chị sức khỏe vẫn bình thường) bà cô tôi đã mau mắn vâng theo, mặc dù kinh tế đường xá khó khăn cũng đã đi vào Đà Lạt ngay để thăm bà chị và điều thật ngạc nhiên là sau khi rời khỏi Đà Lạt thì chỉ mấy ngày sau là bà chị qua đời! (có phải do linh tính mãnh liệt của tình máu mủ anh chị em mà ông cụ tôi đã biết được số phận của chị em mình không).
Những chuyện trên đây chỉ sau này tôi mới biết hết, vì vậy ngày cuối cùng của ông cụ, trên giường bệnh tôi đã hứa với cụ là: Con sẽ tiếp tục công việc của ông.

Kết luận:
Mỗi khi nghe chuyện đau lòng về cảnh “Mẹ ghẻ con chồng”, tôi lại liên tưởng đến chuyện năm xưa khi còn ở ngoài bắc thì hàng xóm muốn mai mối mấy bà cho ông cụ tôi. Giờ đây suy xét lại tôi mới hiểu rõ rằng nếu ngày đó ông cụ tôi mà “bước-đi-bước-nữa” thì chúng tôi sẽ khốn khổ vô cùng, vì sau này mới rõ ra rằng rằng mấy đứa con của hai người này đều khôn lớn và sắc xảo hơn chúng tôi và hậu quả tất nhiên là chúng tôi sẽ khổ sở suốt đời…
Càng suy tư, tôi càng cảm kích sâu xa lòng thương con cái đã hy sinh cả đời để sống cho con cái.
Sự hy sinh nhờ lòng đạo đức ký thác vào Thiên-chúa mà có.

Nguyễn Thất-Khê