CHÚA NHẬT IV PS:
MỤC TỬ VÀ ĐOÀN CHIÊN CÙNG HIỆP HÀNH


Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp Xuân Lộc


Chúng ta đang cùng với Giáo Hội tiến hành Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới 2023. Một trong những điểm đặc biệt của THĐGM lần này có thể nói, đó là sự đảo ngược hoàn toàn tiến trình. Trước đây, các THĐ diễn ra được đúc kết thành những văn kiện, tông huấn và phổ biến cho toàn Giáo Hội. Nhưng lần này lại là tiến trình từ dưới đi lên, các ĐGM muốn lắng nghe cách chân thành những kinh nghiệm sống và những góp ý của toàn thể dân Chúa, thấu hiểu tâm tư của mọi thành phần dân Chúa, từ đó trong cầu nguyện và dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội phục vụ và hướng dẫn dân Chúa theo đúng ý Chúa hơn.
Hôm nay cùng với Giáo Hội mừng lễ Chúa Chiên Lành, Lời Chúa cho chúng ta chiêm ngắm gương mẫu của vị Mục Tử Giêsu, Đấng nghe được tiếng chiên, biết được tâm tư của chiên, thấu hiểu đoàn chiên và mời gọi đoàn chiên cùng tin tưởng bước theo Người tiến về đồng cỏ Nước Trời; đồng thời mời gọi mỗi người tự xác định xem, mình đang đứng ở vị trí nào và có thái độ nào đối với Chúa Giêsu và Giáo Hội của Ngài.

Hình ảnh đoàn chiên hết sức quen thuộc và gần gũi với người Do Thái, là một dân tộc du mục, chăn nuôi chiên cừu. Theo văn hoá Do Thái, đoàn chiên và người mục tử là hình ảnh của sự gắn bó thân thương như người cha với các con của mình. Đoàn chiên không chỉ là tài sản, mà còn là những người bạn, con chiên được coi như những thành viên trong gia đình. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với những người Do Thái: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.”

Chúa Giêsu ví mình như người mục tử nghe được tiếng của chiên và chiên nghe được tiếng của người mục tử. Quả thật, Mục tử Giêsu là người nghe được tiếng của chiên. Ngài nghe được tiếng lòng đau khổ, khốn cùng của nhân loại do ma quỷ và tội lỗi gây ra, Ngài thấy nhân loại như một đoàn chiên bơ vơ không có người chăn và Ngài chạnh lòng thương xót họ. Mục tử Giêsu đã hiến mình trở nên lương thực thiêng liêng để nuôi dưỡng đoàn chiên của Ngài. Cuối cùng, Mục tử Giêsu đã chấp nhận cái chết trên thập giá để bảo vệ đoàn chiên khỏi ma quỷ và đã phục sinh để đem lại cho đoàn chiên sự sống. Mục tử Giêsu là người biết chiên của mình, Ngài biết rõ, thấu hiểu từng tâm hồn, từng hoàn cảnh của mỗi người. Chúa nhìn thấu tận sâu thẳm tâm hồn những người thành tâm tìm đến với Ngài. Ngài biết Simon nhiệt thành nhưng yếu đuối, biết Giuđa mang trong lòng âm mưu phản bội và biết các tông đồ như những đứa con bé nhỏ cần được chăm sóc. Chúa cũng biết rõ nỗi đau của những người cha người mẹ tìm đến với Ngài để cầu xin Ngài chữa lành cho con của họ, Chúa thấu tỏ tấm lòng của những người thành tâm thiện chí như Giakêu tìm đến với ngài; như người phụ nữ lấy nước mắt rửa chân và dầu thơm xức chân Chúa, … Và còn nhiều những con người bị xã hội loại trừ khinh miệt khác như những người thu thế và phong cùi. Chúa cũng biết sự thay dạ đổi lòng mau chóng của đám đông dân chúng. Họ đi theo Chúa chỉ vì được ăn uống no nê. Nhưng, cho dù họ đến cùng Chúa với lý do gì và với ý định nào, thì Chúa cũng đón nhận và mời gọi họ gia nhập vào đoàn chiên của Chúa, để được Chúa chăm sóc yêu thương và dẫn dắt.

Nếu như Mục tử Giêsu là người nghe chiên, biết chiên, thì ngược lại đoàn chiên thực sự thuộc về Mục tử Giêsu cũng phải nghe được tiếng nói của Ngài và đi theo Ngài: “Chiên tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi.” Nghe được tiếng mục tử có nghĩa là phải có thái độ sẵn sàng, khiêm tốn lắng nghe, suy gẫm, đem ra thực hành và để cho Chúa biến đổi. Sống trong thế giới có rất nhiều thứ âm thanh hỗn tạp như ngày nay, việc nghe được tiếng của Mục tử Giêsu cũng đồng thời là việc phân biệt và loại trừ những thứ âm thanh, tiếng nói của ma quỷ, thế gian và tội lỗi. Ma quỷ và thế gian không ngừng tạo ra những âm thanh, tiếng nói ngọt ngào, hấp dẫn để cám dỗ nhiều người đi theo nó. Ma quỷ tạo ra những lời hứa hẹn, tiền bạc, của cải, địa vị, danh vọng của trần gian để lôi kéo nhiều người xa lìa Mục tử Giêsu và tách mình ra khỏi đoàn chiên của Ngài. Lời mục tử Giêsu là sức mạnh là khiên thuẫn chở che. Những ai nghe Lời Ngài, thì Lời Ngài sẽ là sức mạnh giúp người ấy chống trả với các cơn cám dỗ và là vũ khí bảo vệ linh hồn người ấy khỏi sự tấn công của ma quỷ.

Chiên của mục tử Giêsu chắc chắn phải đi theo Ngài. Đi theo Mục tử Giêsu là dám đi trên con đường Ngài đã đi, đi đến nơi Ngài đã đến. Con đường của Mục tử Giêsu là con đường của Tin Mừng, con đường của Tám mối Phúc thật, đích đến của Người là Nước Trời. Những ai đi theo sự hướng dẫn của Ngài thì sẽ đạt tới đồng cỏ là Nước Trời. Con đường của Mục tử Giêsu là con đường yêu thương phục vụ và tự hiến chính bản thân mình. Vì thế, là chiên của Chúa, chúng ta không thể tìm một con đường nào khác, mà phải ngoan ngoãn bước đi trên con đường của Ngài. Cuối cùng, con đường của Mục tử Giêsu là con đường hẹp, đường thập giá. Ngài mời gọi mỗi người phải dám từ bỏ bản thân, vác thập giá mình hằng ngày để bước theo Chúa. Chỉ những ai dám bước theo Ngài trên con đường thập giá, thì mới được chia sẻ vào niềm vui phục sinh và sự sống đời đời với Ngài.

Đoàn chiên của Mục tử Giêsu là tất cả mọi người, mọi dân tộc, mọi thành phần xã hội. Sách Khải Huyền diễn tả đoàn chiên đó như sau: “Tôi thấy một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc và mọi nước, mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và đứng trước con Chiên.” Trong đoàn chiên của Chúa không ai bị loại trừ hoặc phân biệt đối xử, nhưng tất cả đều được Mục tử Giêsu đón nhận, yêu thương và chăm sóc cho từng người. Sau khi hoàn tất hành trình trần thế, Đức Giêsu đã trao phó đoàn chiên của Ngài là Giáo Hội cho Simon Phêrô và các tông đồ cùng những đấng kế vị các ngài. Các tông đồ và những đấng kế vị đã miệt mài với sứ mạng Chúa trao phó là trở nên hiện thân của Mục tử Giêsu giữa đoàn chiên.

Vì mang trên mình sứ mạng của Chúa Giêsu trao phó: “Hãy chăm sóc các chiên mẹ và chiên con của Thầy” Giáo Hội nỗ lực mỗi ngày để nên giống vị Mục tử Giêsu, yêu thương chăm sóc đoàn chiên của Chúa. Giáo Hội đang từng ngày lắng nghe để thấu hiểu đoàn chiên, đang cúi xuống để chăm sóc băng bó những tâm hồn đau thương giập nát và cảm thông chia sẻ với những tín hữu; và cũng đang cùng với đoàn chiên tiến bước theo Mục tử Giêsu để vào Nước Trời.

Nhờ ơn của Bí tích Rửa tội, mỗi chúng ta được tháp nhập vào Chúa Kitô và trở thành thành viên của Gíao Hội. Vì thế, chúng ta mang cùng một bổn phận và trách nhiệm với Giáo Hội, đó là cùng hiệp hành, hiệp thông để thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Chúng ta không thể biến mình trở thành người xa lạ trong Giáo Hội, hoặc biến mình thành con chiên xa đàn để rồi dẫn đến lạc đường. Là đoàn chiên được Đức Kitô cứu chuộc bằng máu của Ngài, chúng ta không thể để máu Chúa Kitô trở nên vô ích trong cuộc đời, trái lại phải làm cho sức sống của Chúa bén rễ và trổ sinh hoa trái trong cuộc đời chúng ta.

Là đoàn chiên của Chúa Giêsu được trao phó cho Giáo Hội, chúng ta được mời gọi thể hiện lòng trung thành, tin tưởng nơi Chúa và Giáo Hội, chia sẻ và đồng cảm với Giáo Hội. Chúng ta cùng mang trong mình thao thức đem Chúa đến với anh chị em, trở nên khí cụ của lòng thương xót Chúa trong thế giới hôm nay. Sống trong cùng một Giáo Hội, cùng một đức tin, chúng ta được mời gọi sống và hành động theo sự thúc đẩy của Tin Mừng, đón nhận và giải quyết các vấn đề phát sinh trong cộng đoàn bằng cái nhìn đức tin.

Trong tinh thần của đức ái, chúng ta cùng nhau, giúp nhau mỗi ngày một thăng tiến hơn, thay vì những chỉ trích nói xấu nhau, chúng ta kiên nhẫn lắng nghe để cảm thông thấu hiểu lẫn nhau. Chúng ta còn có trách nhiệm xây dựng tình hiệp thông hiệp nhất trong đoàn chiên của Chúa cho dù có nhiều khác biệt. Đoàn chiên cụ thể là giáo xứ nơi chúng ta đang sống: hãy thể hiện sự hiệp thông hiệp nhất, gắn bó với giáo xứ của mình, xây dựng giáo xứ ngày càng phát triển về đời sống đạo đức và đời sống huynh đệ hằng ngày.

Xin Chúa thương bảo vệ đoàn chiên của Chúa trước sự tấn công của ma quỷ, trước sự chia rẽ của thế gian và trước sự huỷ hoại của tội lỗi. Xin cho chúng ta biết lắng nghe và bước theo Mục tử Giêsu để có thể tiến vào được đồng cỏ Nước Trời. Amen.