CN VI PS / C
Bài đọc 1 : ( Cv. 15:1-2.22-29). Bài đọc 2 : ( Kh. 21:10-14.22-23)
Tin Mừng : ( Ga. 14: 23-29)

BÌNH AN TÂM HỒN

Khi con người cảm thấy bất lực trước những sức mạnh của thiên nhiên, của vũ tru; hay khi con người phải chịu những bất ưng do cái chết, khổ cực của cuộc sống, con người đã đi tìm một thế lực thần thánh nào đó để mong tìm được một lối thoát cho những xao xuyến, sợ hãi. Chính đó là lý do dẫn con người đến chỗ sáng tạo ra những thần thánh để giảm bớt những nỗi kinh hoàng, thắc mắc.
C on người thời nguyên thủy sống giữa thiên nhiên, luôn luôn tiếp xúc với thiên nhiên, nên ước ao tìm hiểu, cắt nghiã thiên nhiên; vì thế, những chuyện thần thoại đầu tiên đều nói đến các hiện tượng thiên nhiên. Chưa hiểu được thiên nhiên, con người cho mọi hiện tượng tự nhiên trong trời đất, từ các tinh tú vận hành, giông tố, sấm sét, bão lụt… đến những ngọn cây, hòn đá…đều do những năng lực siêu việt gây nên. Những nhân vật thần thoại có năng lực siêu việt ấy đều được gọi là thần. Các thần có nhiều hình ảnh khác thường cùng những hành động khác thường.
Nhìn qua Thần thoại Việt Nam, chúng ta thấy có: Thần sét, thần mưa, thần gió, thần lửa…thần đất, thần núi, thần biển, thần nước ,thần bếp…Đó là những vị thần thuộc phạm vi trời, đất.
Đi vào lãnh vực đời sống của con người, đứng trước những trái nghịch với ước muốn có một cuộc sống an bình hạnh phúc, người ta đã sáng chế ra chiêm tinh, bói toán, tử vi…
Ngay chính trong dân Thiên Chúa chọn là dân Israen, tuy Thiên Chúa đã lập với họ những giao ước trên núi Xinai:
“ Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi khỏi đất Ai cập, khỏi cảnh nô lệ.
Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta
Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên cao cũng như dưới đất, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất mà thờ.
Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi là vị thần ghen tuông. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông.
Còn những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh cha Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghiã đến ngàn đời” ( Xh. 20: 3-5). Đây là những nét chính yếu trong điều răn mến Chúa.
Thế nhưng suốt cuộc hành trình giải thoát từ kiếp nô lệ ở Ai cập để đi về miền đất hứa, dù họ tin rằng Thiên Chúa là Đấng sáng tạo vũ trụ và con người, dù họ biết rằng Thiên Chúa đã giải thoát họ khỏi kiếp nô lệ để đưa họ về miền đất hứa; nhưng suốt cuộc hành trình gian khổ ấy, đã có lúc dân Ngài đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa, lại oán trách Ngài trước những gian khổ mà họ phải trải qua. Xu hướng đi tìm những thế lục thần thánh vẫn luôn ám ảnh họ.
Theo lệnh của Thiên Chúa, Môsê lên núi để gặp Chúa. Chờ lâu quá, không thấy ông xuống núi, dân chúng bèn tụ tập bên ông Aharon và nói với ông: “ Xin ông đứng lên, làm cho cho chúng tôi một vị thần để dẫn đầu chúng tôi, vì chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra cho cái ông Môsê này, là người đã đưa chúng tôi lên từ núi Ai cập”. Ông Aharon nói với họ: “ Hãy gỡ các khuyên vàng mà vợ và con trai con gái anh em đeo ở tai, rồi đem đến cho tôi”. Toàn dân gỡ các khuyên vàng đeo tai và đem đến cho ông Aharon. Ông lấy vàng từ tay họ trao cho, đem đúc và dùng dao mà gọt đẽo thành một con bê. Bấy giờ họ nói : “ Hỡi Israen, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai cập”.( Xh. 32: 1-4)
Thiên Chúa nổi giận và ông Môsê đã phải cầu xin Thiên Chúa tha cho họ.
Dân Israen hành động như thế vì lòng họ lo âu, xao xuyến , sợ hãi.
Trong bữa Tiệc Ly trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu đã nói những lời cáo biệt:“Thầy còn ở với anh em một ít nữa thôi”. Ông Phêrô hỏi: “ Thầy đi đâu vậy?”. Chúa Giêsu trả lời: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ theo”. Biết các môn đệ xao xuyến và sợ hãi, Chúa Giêsu đã trấn an các ông: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” ( Ga. 14: 27).
Chính lòng xao xuyến, sự sợ hãi làm cho con người cảm thấy bất an. Đó là sự bất an về tinh thần. Chúa Giêsu hứa để lại bình an cho các môn đệ và ban bình an của Ngài cho họ; và Ngài cũng cho các ông biết: “ Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng”. Bình an mà Chúa để lại và ban cho các môn đệ là bình an bình an tâm hồn, một sự bình an mà loài người không thể ban tặng. Bình an Chúa ban tặng khác với bình an của thế gian.
Con người có thế giết chết thân xác nhưng không thể giết chết linh hồn. Thế gian cũng có thể ban tặng cho con người sự bình an thể xác, nhưng không thể ban cho con người sự bình an tâm hồn.
Dựng vợ gả chồng cho con, cha mẹ đến tham khảo ý kiến thầy bói toán, thầy bảo: Hai tuổi này không hạp, lấy nhau sẽ đỗ vỡ!” nhưng đôi trai gái vẫn quyết chí sống chung với nhau và sống mãi cho đến tuổi già; hay một trường hợp khác, thầy bói toán bảo: “ Hai tuổi này rất hạp, lấy nhau sẽ phát đạt, hạnh phúc, cha mẹ được nhờ”; nhưng lấy nhau chưa được ba tháng, đã vác đơn ra tòa xin ly đị. Đó là thứ bình an mò mẫm mà thế gian ban tặng!
Bình an mà Chúa Giêsu để lại cho chúng ta là bình an tâm hồn, bình an lương tâm phát xuất từ Thiên Chúa chứ không phải phát xuất từ một đối tượng nào khác. Chính vì thế Chúa Giêsu mới bảo các môn đệ: “ Thầy để lại bình an cho anh em”. Chính Chúa Giêsu chiếm hữu được sự bình an ấy nên Ngài mới để lại cho chúng ta. Bình an mà Ngài có được là tin tưởng vào Chúa Cha và tuân phục ý cũa Ngài, là hiệp thông với Chúa Cha : “ Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy”. Đó là sự bình an mà Ngài hứa ban cho chúng ta.
Bình an mà Chúa Giêsu để lại cho chúng ta là đặt hết tin tưởng vào Ngài như Ngài đã đặt hết tin tưởng vào Cha Ngài: “Ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm việc lớn hơn nữa”.
Chúa Giêu là sự bình an, vì ai tin tưởng phó thác hoàn toàn vào Ngài thì Ngài sẽ ban tặng cho chúng ta sự bình an. Sự bình an như thế là một ơn huệ phát xuất từ Thiên Chúa.
Bính an là một tình trạng thanh bình thâm sâu và có những quan hệ chính đáng với Thiên Chúa và với người khác. Bình an đích thực vượt qua mọi tư tưởng của con người, không thể do nỗ lực của con người đem lại, nhưng là một ơn huệ của Thiên Chúa “ ban tặng”.
Làm sao có thể có được bình an khi đói kém, chiến tranh, giữa sự rối loạn, giữa những hỗn tạp …! Chỉ có thể có được bình an đích thực trong sự tin tưởng, phó thác và hiệp thông với Thiên Chúa và yêu thương con người.
Được thịnh vượng, có cuộc sống hạnh phúc về vật chất, nhưng chắc gì chúng ta đã có sự bình an tâm hồn khi lương tâm vẫn cắn rứt dày vò!
Tại sao chúng ta là những người đã tin vào Thiên Chúa lại không đặt niềm tin vào Ngài mà lại cậy nhờ vào tử vi, bói toán để giải thoát những nỗi xao xuyến lo âu?
Hằng ngày chúng ta xé một tờ lịch và chăm chú xem nên kiêng việc gì, nên làm việc gì, giờ nào tốt giờ nào xấu mà lại không mở Kinh Thánh xem Chúa bảo nên làm gì và không nên làm gì, bao nhiêu thời gian dành cho Chúa và bao nhiêu thơi gian dành cho ý riêng dục vọng?
Sao không đặt tin tưởng vào những lời Chúa đã hứa thực hiện cho chúng ta: “Thầy đi để dọn chỗ cho anh em. Thầy đi rồi Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.Thầy sẽ không để anh em mồ côi” mà lại lo âu xao xuyến bất an?
Bình an đích thực là trạng thái an toàn viên mãn. Chỉ khi nào con người tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa, sống hiệp thông hoàn toàn với Thiên Chúa và yêu thương anh em, chúng ta mới có sự bình an đích thực.
Bình an mà Chúa Giêsu muôn để lại cho chúng ta là bình an lương tâm. Người làm những điều ác, bị lương tâm cắn rứt, dày vò, họ không có sự bình an tâm hồn, những người chính trực có được sự bình an đích thực
Chỉ khi nào chúng ta đặt hết niềm tin của mình vào Thiên Chúa và phó thác mọi sự trong tình thương quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta mới có được sự bình an như thánh Phaolô đã cảm nghiệm: “Tôi được chan chứa an ủi và tràn ngập niềm vui trong mọi nỗi gian truân của chúng tôi!”( 2 Cor 7:4)

Hoàng Trung