CHÚA NHẬT VI PS C:
CHÚA THÁNH THẦN LÀM SỐNG ĐỘNG HỘI THÁNH


Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp Xuân Lộc


Một trong những nét đặc biệt của Thượng hội đồng Giám mục thế giới lần này, đó là thực hiện tiến trình thỉnh ý dân Chúa. Qua việc thỉnh ý này, các Giám mục muốn lắng nghe tiếng nói của mọi thành phần dân Chúa. Việc thỉnh ý này không phải là dịp để trút giận, tố cáo hay kết án nhau, nhưng là trong tinh thần cầu nguyện và dưới sự soi sáng, tác động của Chúa Thánh Thần, mỗi người chia sẻ kinh nghiệm sống đức tin và sống mối dây hiệp thông trong Giáo Hội. Qua đó, Chúa Thánh Thần giúp mỗi người sống lại ký ức đức tin của mình và làm cho đức tin được củng cố thêm vững mạnh và thúc đẩy mọi thành phần dân Chúa cùng nắm tay nhau để bước tới trên con đường Chúa muốn, thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng của Chúa cho muôn dân.

Lịch sử Giáo Hội cho thấy, từ những ngày đầu tiên khi mới được Đức Kitô quy tụ và thiết lập, Chúa Giêsu đã nói về vai trò và sự hoạt động của Chúa Thánh Thần. Các bài đọc hôm nay muốn giúp chúng ta nhận ra vai trò và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh qua những giai đoạn khác nhau.

Chúa Thánh Thần giúp nhớ lại những điều Chúa Giêsu truyền dạy. Bài Tin Mừng thuật lại những lời căn dặn của Chúa Giêsu trước khi chia tay với các tông đồ để bước vào cuộc khổ nạn. Ngài mong muốn các môn đệ giữ mãi tương quan mật thiết với Ngài và thể hiện lòng yêu mến cách cụ thể với Ngài. Lòng yêu mến mà Chúa Giêsu mong muốn không gì khác hơn, đó là mỗi người tuân giữ Lời của Ngài hay nói cách khác tuân giữ giới răn lề luật Ngài đã truyền dạy: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy.” Giữ lời Chúa, không phải là lưu trữ trong sách hoặc trong kho, nhưng là tuân giữ, là thực hành, là làm theo những lời Thầy chỉ dạy. Những ai làm theo những lời Chúa Giêsu chỉ dạy là kẻ yêu mến Chúa và trở nên bạn hữu nghĩa thiết với Chúa. Những ai yêu mến Chúa Giêsu thì cũng sẽ được Chúa Cha yêu mến; Chúa Cha sẽ yêu mến người ấy như Ngài yêu mến Chúa Giêsu Con của Ngài. Hơn nữa, Chúa Giêsu và Chúa Cha còn thể hiện tình yêu mến bằng việc đến ở trong tâm hồn của những người ấy.

Điều quan trọng mà Chúa Giêsu hứa trước khi chia tay với các tông đồ đó là Ngài sẽ xin Thiên Chúa Cha sai Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần đến trên những kẻ yêu mến Người. Vì Thánh Thần là Lò lửa sốt mến, là Tình yêu của Thiên Chúa. Khi đến, Ngài sẽ dạy chúng ta biết sống tình yêu đích thực và còn giúp cho chúng ta nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã dạy. Chúa Thánh Thần sẽ không ban một điều luật nào mới, mà Ngài giúp nhớ lại lề luật Tin Mừng của Chúa Giêsu, soi sáng, khai trí để hiểu và mở cửa tâm hồn giúp ta đón nhận giáo huấn của Tin Mừng. Thánh Thần của Thiên Chúa cũng là sự bình an mà chúa Giêsu để lại cho các tông đồ. Giống như vào chiều ngày phục sinh khi hiện ra với các tông đồ, Chúa ban bình an và đồng thời thổi hơi ban Thánh Thần giúp các ông có sức mạnh vượt qua sợ hãi và nhiệt thành lên đường rao giảng Tin Mừng.

Thánh Thần là Đấng hoạt động cách mạnh mẽ trên các tông đồ. Ngay khi nhận Thánh Thần, các tông đồ đã hăng hái lên đường loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Phục Sinh cho thế giới, bất chấp những khó khăn thử thách. Sách Công Vụ hôm nay kể lại một sự kiện quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình của Giáo Hội, tách khỏi truyền thông Do Thái Giáo để bước đến với muôn dân. Vấn đề được đặt ra là: Những anh em gốc dân ngoại khi tin theo Chúa Giêsu có phải giữ tập tục cắt bì của đạo Do thái không?

Trước vấn đề lớn này, Phaolô và Barnaba đã thể hiện sự hiệp thông hiệp nhất trong Giáo Hội, hai ông đã lên Giêrusalem để thỉnh ý các tông đồ. Trong tinh thần cầu nguyện và hiệp nhất, dưới sự soi sáng hướng dẫn của Chúa Thầnh Thần. Phêrô trong vai trò là thủ lãnh Giáo Hội đã đứng lên tuyên bố: “Thánh Thần và chúng tôi quyết định, không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác.” Các tông đồ đã đưa ra một quyết định quan trọng cùng với Thánh Thần và nhờ Thánh Thần: “Thánh Thần và chúng tôi quyết định.” Nhờ quyết định này, con thuyền Giáo Hội như dỡ bỏ được những vật cản, những ràng buộc để căng buồm ra khơi đến với muôn dân. Cũng Thánh Thần sắp xếp để cho Phêrô và một số vị phục vụ cho các anh chị em gốc Do Thái, còn Phaolô, Barnaba và một số các tông đồ khác mạnh dạn đến với các vùng đất xa xôi của dân ngoại. Tất cả các vị đều có chung một sứ mạng là đem giới răn lề luật của Chúa Kitô và Tin Mừng Phục sinh đến với muôn dân.

Thánh Thần quy tụ muôn dân làm nên Giáo Hội của Chúa Kitô. Đó là viễn cảnh mà thánh Gioan đã nhìn thấy trước: “Tôi thấy thành thánh là Giêrusalem từ trời, từ nơi Thiên Chúa, chói lọi vinh quang.” Hình ảnh Giêrusalem mà Gioan nhìn thấy là hình ảnh Giáo Hội là gia đình, là thân mình của Chúa Kitô. Tất cả mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ đều được mời gọi bước vào gia đình Giáo Hội. Nơi đây, mọi người cùng sống theo một lề luật chung là Tin Mừng, cùng hiệp thông, hiệp nhất thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất. Cũng từ nơi Giáo Hội, mọi người lại tiếp tục sứ mạng lên đường đem Chúa đến cho mọi dân tộc.

Thưa quý OBACE, thao thức của Chúa Giêsu trước khi chia tay với các môn đệ cũng là điều Ngài mong đợi nơi mỗi chúng ta, đó là giữ mối dây yêu thương với Ngài. Vì một khi tách ra khỏi mối dây yêu thương của Chúa, chúng ta sẽ rơi vào đau khổ và sẽ trở thành thù nghịch với Chúa và anh em. Giữ mối dây yêu thương với Chúa là tuân giữ những điều Chúa truyền dạy cho chúng ta. Chỉ khi chúng ta thực thi những điều Chúa dạy, chúng ta mới là môn đệ, là người thân của Chúa. Hơn nữa khi chúng ta thành tâm thực thi Tin Mừng của Chúa; Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần sẽ đến ở trong tâm hồn chúng ta. Có Chúa trong tâm hồn, chúng ta sẽ có bình an, niềm vui và hạnh phúc ngay ở đời này và chắc chắn sẽ đạt tới hạnh phúc viên mãn nơi Thiên quốc mai sau.

Thượng hội đồng Giám mục lần này, Đức Thánh Cha mong muốn mỗi người tham gia cách tích cực và sống mầu nhiệm Giáo Hội. Qua dịp Thượng hội đồng này, ĐTC mong muốn như một ngày Lễ Hiện xuống mới, để Chúa Thánh Thần đưa mọi thành phần dân Chúa trở lại với căn cội của Giáo Hội, giúp ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong Giáo Hội và với Giáo Hội. Nhiều người trong chúng ta dường như đã quên trách nhiệm của mình với Giáo Hội và sứ mạng loan báo Tin Mừng. Chúng ta cho rằng đó là công việc của hàng giáo sĩ hay của ai đó chứ không phải của mình. Vì thế, chúng ta sống cách thờ ơ, thụ động trong Giáo Hội. Có nhiều người chỉ nhớ đến Giáo Hội mỗi khi cần lãnh các Bí tích mà thôi. Trong khi đó, với ơn của Bí tích Rửa tội và Thêm Sức, chúng ta được trở nên một thành viên trưởng thành trong Giáo Hội, có trách nhiệm xây dựng và mở rộng Giáo Hội. Vì là một thành viên trưởng thành, chúng ta phải mang cùng một cảm thức, ưu tư trăn trở với Giáo Hội, chứ không thể như một người xa lạ hoặc đứng bên lề Giáo Hội.

Giáo Hội cụ thể mà chúng ta đang sống và thuộc về đó là giáo phận, giáo xứ. Cộng đoàn giáo phận, giáo xứ là hình ảnh thu nhỏ của Giáo Hội hữu hình. Nơi đây, chúng ta có một chủ chăn là thừa tác viên được các đấng kế vị các tông đồ ủy thác, chúng ta có chung việc phụng thờ Thiên Chúa và cùng sống đức tin, cùng mối dây hiệp thông, cùng chung sứ vụ loan báo Tin Mừng. Vì thế, mỗi người cần cầu nguyện cho giáo xứ, giáo phận và xây dựng Giáo hội tại địa phương của mình, làm cho giáo xứ thực sự trở nên một gia đình, một cộng đoàn sống giới răn yêu thương và cùng nhau thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Giáo hội thu nhỏ hơn nữa là các gia đình. Nơi gia đình, các cha mẹ chính là những người lãnh đạo, đồng thời cũng là những người phục vụ. Các thành viên khác sẽ là những cộng tác viên đắc lực nhiệt thành trong việc vun đắp cho gia đình trở thành cộng đoàn yêu thương. Chính từ nơi gia đình, mỗi người sẽ được học và thực hành bài học yêu thương từ nơi nhau và cùng nhau vun đắp cho hạnh phúc của gia đình, cùng nhau sống và làm chứng cho Chúa qua đời sống của các gia đình. Mỗi gia đình sẽ trở nên như men, như muối trong môi trường xóm ngõ để làm cho cả khu xóm, khu phố dậy men Tin Mừng của Chúa.

Xin Chúa Thánh Thần soi sáng, tác động và gợi lên cho mỗi người nhớ lại những gì Tin Mừng của Chúa đã dạy, ban sức mạnh để ta sống những đòi hỏi của Tin Mừng và thúc đẩy ta nhiệt thành sống làm chứng cho Tin Mừng trong môi trường hôm nay. Amen.