[COLOR=var(--primary-text)]Lễ THĂNG THIÊN
Bài đọc 1 : ( Cv. 1:1-11). Bài đọc 2 : ( Ep. 1: 17-23)
Tin Mừng : ( Lc. 24:46-53)

1.SAO CÒN ĐỨNG NHÌN TRỜI!

Trước khi về trời, Chúa Giêsu nhắc lại cho các môn đệ con đường mà Thầy phải đi qua đã ứng nghiệm như các sách Luật Môsê, các sách Ngôn Sứ và và các Thánh Vịnh đã chép về Ngài và Ngài nhắc lại cho các môn đệ : “ Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều ấy.
“Và đây, chính Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống”
Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.( Lc. 24: 46-53)
Chỉ một vài lời ngắn gọn như thế và Chúa Giêsu đã về trời.
Sự kiện Chúa sống lại và về cùng Cha có lẽ đã giải đáp được cho những ai thắc mắc: Có đời sau hay không? con người chết rồi sẽ đi về đâu?..
Việc Chúa Giêsu về trời cùng với Chúa Cha giúp chúng ta khẳng định rằng có thế giới hữu hình và thế giói vô hình, rằng chúng ta cũng có một quê hương thứ hai là Nước Trời, có một đại gia đình và có chung một Người Cha.
Sống ở hạ giới để đi về thượng giới. Đối với chúng ta, những người tin vào Thiên Chúa, tin có đời sau, tin kẻ chết sống lại thì việc Chúa Giêsu về trời không phải là một nỗi buồn thất vọng, nhưng là một niềm hy vọng, vì chúng ta có Thầy đi để dọn chỗ cho chúng ta để Thầy ở đâu, chúng ta cũng ở đó.
Sống ở hạ giới là bước chuẩn bị cho cho cuộc sống ở thượng giới. Đó cũng là niềm hy vọng và đích đến cho cuộc sống của những ai tin tưởng nơi Thiên Chúa. Chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu trên thượng giới hay chôn vùi cuộc sống ở hạ giới, đó là do quyết định của mỗi người chúng ta.
Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại, thì tất yếu Ngài phải về trời, về chính nơi Ngài đã ra đi. Chúa Giêsu lên trời là ngày trở về nhà Cha.
Chúa Giêsu về trời. Ngài vắng mặt, không hiện hiện với con người qua thân xác của con người, nhưng Ngài lại hiện hiện cách siêu việt, hiện diện ở khắp mọi nơi. Không gian và thời gian không còn là những hạn chế cho sự hiện diện của Ngài nữa.
Sự kiện Chúa Giêsu lên trời đánh dấu môt giai đoạn mới. Không phải là giai đoạn Chúa Giêsu khôi phục Nước Israen như các môn đệ nghĩ: “ Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israen không?”; nhưng là giai đoạn cả Thầy và lẫn trò cùng lên đường để thực hiện một chương trình mới. Phạm vi hoạt động trong giai đoạn mới không phải chỉ đóng khung tại Giêrusalem mà trải dài trên mọi nơi trên thế giới như lời Thầy nhắn nhủ: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” ( Cv. 1: 6-8).
Qua lịch sử cứu độ của Thiên Chúa đối với con người, thời kỳ Thiên Chúa hoạt động qua các tiên tri và ngôn sứ đã qua, tiếp đến là thời chính Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người để ở cùng chúng ta cũng đã đi đến giai đoạn cuối, sau khi Con Thiên Chúa đã chết đi và sau ba ngày đã sống lại. Nhưng lịch sử cứu độ không dừng lại ở đó. Chúa Giêsu lên trời là khai mở một thời kỳ mới: thời kỳ hoạt động rao giảng và làm chứng về Đức Kitô, là thời kỳ của Giáo Hội nơi trần thế có sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần.
Đây là giai đoạn ra đi, lên đường của các môn đệ và của Giáo Hội sơ khai ngày xưa, và của chúng ta, của Giáo Hội hôm nay để thực hiện nhiệm vụ Ngài đã giao phó trước khi về trời: “Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cỏi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều ấy”( Lc. 24: 45-48).
Chúa Giêsu lên trời, hoàn tất nhiệm vụ trần gian thì các môn đệ lại là những người kế tục công việc của Ngài ở trần gian: Chúa về trời, các môn đệ ra đi. Chúa Giêsu về trời, hoạt động trên thượng giới, các môn đệ ra đi, hoạt động trên khắp thế gian.
Nhưng chúng ta rao giảng và làm chứng cho Đức Kitô như thế nào?
Khi Chúa Giêsu sống lại, về trời, một thiên thần đến hỏi Ngài:
- Lạy Chúa, Chúa đã trao cho ai nhiệm vụ tiếp tục công việc Chúa?
Chúa Giêsu trả lời:
- Một nhóm người, cả nam lẫn nữ. Họ là những người đã tin Ta và yêu mến Ta.
Thiên thần lại hỏi:
- Nhưng lạy Chúa, liệu những con người ấy có đủ khả năng đảm trách những gì Chúa truyền cho họ không? Giả như thử thách xảy đến, những người ấy sa ngã, thế thì tất cả những gì Chúa thực hiện và truyền lại cho họ sẽ ra vô ích hay sao?
Chúa Giêsu trả lời:
- Nếu như họ sa ngã, bỏ cuộc, thì tất cả những gì Ta đã thực hiện sẽ ra uổng công vô ích.
Thiên thần lại hỏi thêm:
- Không còn gì nữa sao?
Suy nghĩ một lúc, Chúa Giêsu đáp:
- Nhưng những gì Ta thực hiện sẽ không ra vô ích, vì Ta biết họ tin tưởng và yêu mến Ta. Trước khi về trời, Ta đã thử hỏi anh Simon Phêrô ba lần: “ Simon Phêrô, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy hơn những người này không?”. Anh ta đã ba lần xác quyết: “ Thưa Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Ta tin nhờ có sự giúp đỡ của Đấng Bảo Trợ, họ sẽ chẳng sa ngã đâu.
Trước tiên, nhiệm vụ làm chứng của chúng ta không dễ gì thành đạt trước những thế lực trần gian, nếu không dựa vào quyền lực mà Chúa Giêsu đã được tôn vinh và dựa vào Đấng Bảo Trợ mà Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha sai phái đến với chúng ta.
Chúng ta làm chứng bằng lời nói, tức bằng rao giảng Tin Mừng; nhưng sẽ là những lời nói suông, những lời rao giảng dối trá nếu chính bản thân chúng ta không tin, không sống , không bảo vệ những điều chúng ta tin.
Việc làm chứng nhân của Đức Kitô phải được thể hiện bằng việc làm và bằng chính đời sống của mỗi người chúng ta. Nều chúng ta rao giảng luật mến Chúa yêu người mà chúng ta không tin, không yêu mến kẻ đồng loại là chúng ta nói dối! Nói mà không làm là giả hình!
Để thực hiện được nhiệm vụ Chúa giao phó là “ phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ họ sám hối để được ơn tha tội, và trở thành chứng nhân cho Đức Kitô, chúng ta phải cầu xin như thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Ephêsô: “Xin Thiên Chúa ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mặc khải để nhận biết Người; xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là những kẻ tin, chiếu theo hành động của sức mạnh quyền năng Người, công việc mà Chúa dã thực hiện trong Đức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời” ( Ep. 1: 17-20)
Chúa Giêsu đã trải qua đoạn đường khổ nhục để đi đến vinh quang. Ngài được Chúa Cha “ tôn lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai” ( Eph. 1:21)
Thiên Chúa Cha đã làm cho Đức Kitô chỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời. Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh.
Chúa Giêsu đã đi từ khổ nhục đến vinh quang. Nhận nhiệm vụ mới:“ Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, chúng ta cũng phải ra đi , lên đường để hành động cho ngày Chúa Giêsu lại đến, chứ không phải đứng đó ngây ngất mãn nguyện.
“Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lià các ông mà lên trời, sẽ đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời”.

[/COLOR]





[COLOR=var(--secondary-text)]

2Chuc Tuy and Phạm Tiên




[/COLOR]