CN XX TN / C
Bài đọc 1 : ( Gr. 38: 46, 8-10). Bài đọc 2 : ( Dt. 12: 1-4)
Tin Mừng : ( Lc. 12: 49-53)

1.KHÔNG THUẬN THÌ NGHỊCH.

Có lần Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “ Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi”.( Ga. 14: 27) Thế mà hôm nay, qua Tin Mừng của thánh Luca, Ngài lại bảo: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ”.( Lc. 12: 51-53)
Quả đúng như lời ông Simêon chúc phúc cho hai ông bà và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: “ Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israen phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng” ( Lc. 2: 34).
Hai sự việc mà ông Simêon tiên báo , đã được Chúa Giêsu xác định: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất! ( Lc. 12: 49); đó là việc rao giảng Tin Mừng cứu độ và việc Ngài sẽ trở thành “dấu hiệu bị người đời chống báng”, bị kết án là “người gây rối loạn” để cuối cùng phải chịu tử nạn để phục sinh lên trời, là “phép rửa” mà lòng Ngài “khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất”.
Lời tiên tri của ông Simêon: “ Cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israen phải vấp ngã hay được chỗi dậy” đã được Chúa Giêsu nhắc lại: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ”.
Không thuận thì nghịch. Không theo thì chống! Đó là thực trạng của con người và xã hội mà Chúa Giêsu đã khẳng định: “ Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán”( Lc. 11:23)
Chúa ném lửa vào mặt đất. Lửa có khả năng thiêu đốt và cũng có khả năng thanh luyện; lửa tàn phá, lửa thanh lọc, lửa đem lại hơi nóng và ánh sáng. Ánh lửa xóa tan bóng tối và bóng tối không chấp nhận ánh sáng; và từ đó, đã phát sinh một cuộc chiến đấu giữa tốt và xấu, giữa thiện và ác, giữa thánh thiện và tội lỗi, giữa Thiên Chúa và Satan, và cũng từ đó, đã nẩy sinh chia rẽ.
Đem Lửa Tin Mừng xuống thế gian, Ngài ước mong cho lửa ấy cháy bùng lên. Lẽ ra con người phải vui sướng được đón nhận Tin Mừng cứu rỗi, thì con người lại vì Tin Mừng mà gây chia rẽ!
Sự chống đối, chia rẽ mà Chúa Giêsu nêu lên: “Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng”, là một điển hình cho sự chống đối và chia rẽ nẩy sinh từ nội tâm của mỗi người, từ nơi chính mình với tha nhân, từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội, từ tổ chức, tập thể tôn giáo xã hội này đến tổ chức, tập thể tôn giáo xã hội khác .
Giáo huấn của Ngài gây chia rẽ giữa đạo cũ và đạo mới: Ngài dạy vương quốc của Ngài mở ra cho hết mọi người, bất kể là thánh nhân hay người tội lỗi, là dân ngoại hay dân Do Thái, thì người ta lại cố chấp, thủ cựu không muốn đổi mới canh tân để sinh ra phân biệt, đố kỵ tôn giáo.
Trong thời kỳ sơ khai của Giáo Hội, hoán cải theo Kitô giáo hầu như dẫn đến việc bị gia đình từ bỏ, do đó người trở lại phải chọn giữa Đức Kitô và gia đình.
Người ta chống đối và chia rẽ vì Lửa Tin Mừng chống lại những khát vọng, đam mê, sở thích của con người, vì Ngài đã mạnh dạn lên án: “Khốn cho các ngươi là những người giàu có, những người bây giờ được no nê, những người bây giờ được vui cười, những người được mọi người ca tụng, vì họ là những ngôn sứ giả” ( xem Lc. 6: 24-26), nhưng lại chúc phúc cho những người “ nghèo khó, những kẻ bây giờ đang phải đói, những kẻ bây giờ đang phải khát vì Nước Thiên Chúa, cho những ai bị người ta oán ghét, khai trừ, xỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa” vì Tin Mừng.( Xem Lc. 6: 20-22)
Người ta chống đối Ngôn Sứ Giêsu, vì theo đạo cũ, con người đối xử với nhau cách sòng phẳng: ‘yêu kẻ yêu mình, ghét kẻ ghét mình’ thì Lửa Tin Mừng lại dạy: “ hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho ghét mình” , và vì Ngài cũng đã mạnh mẽ phê phán những người Pharisiêu và biệt phái là giả hình, đạo đức giả.
Không theo thì chống, mà đã chống thì tốt cũng thành xấu; thực tế ấy Chúa Giêsu đã chứng minh: “Ông Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo: ‘ Ông ta bị qủy ám’. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế, và phường tội lỗi’ ( Lc. 7:33). Chúa trừ qủy, thì họ cho là nhân danh qủy mà trừ quỷ
Số phận của các ngôn sứ và của chính Chúa Giêsu bi kết án là “ những người gây rối loạn”. Giêrêmia bị ném xuống giếng bùn vì bị kết án là nói những lời làm lũng đoạn tinh thần chiến sĩ. Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá vì bị kết án là nói lộng ngôn phạm thượng!
Thế gian là một bãi chiến trường của cuộc giao tranh giữa hai phe thiện và ác, tốt và xấu, thánh thiện và tội lỗi, giữa Thiên Chúa và Satan và nội tâm của mỗi người cũng là một chiến trường trong cuộc chiến đấu ấy.
Không thuận thì nghịch. Không theo thì chống . Trong cuộc chiến ấy, thánh Phaolô đã khuyên:“ Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí. Quả thật, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu”. ( Dt 12: 3)
Trong Giáo hội, trong mỗi cộng đoàn, có nhiều tổ chức như nhiều chi thể trong một thân thể, thiếu sự hiệp nhất giữa các chi thể trong thân thể Chúa Kitô, chúng ta đã tạo cơ hội cho chia rẽ nẩy sinh như thánh Phaolô đã nói: “ Nhân danh Đức Kitô Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận, một lòng một ý với nhau…Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: “ Tôi thuộc về ông Phaolô,
tôi thuộc về ông Apôlô, tôi thuộc về ông Kêpha, tôi thuộc về Đức Kitô”. Thế ra Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư?”( 1Cor .1: 12- 13)
Là những chiến sĩ trong cuộc chiến đấu vì Lửa Tin Mừng, chúng ta cũng không thể tránh khỏi những chống đối gây chia rẽ; phải sẵn sàng vượt mọi trở ngại để thực hiện ước mong của Chúa: “ Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”.

Hoàng Trung