NGÀY 22 THÁNG HAI
TÔNG TÒA THÁNH PHÊRÔ
Lễ Kính
Ngày lễ này kỷ niệm sự kiện thánh Phêrô Tông Đồ thiết lập tông tòa tại Roma. Lễ này đã được mừng từ trước thế kỷ IV. Tên nguyên thủy của lễ này trong các lịch phụng vụ cổ xưa là Natale Petri de Cathedra, và được mừng vào ngày 22 tháng Hai.
19.1 Ý nghĩa của ngày lễ.
Chúa phán cùng Simon Phêrô: ‘Thầy đã cầu nguyện cho con để con khỏi mất đức tin. Phần con, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em con nên kiên vững.’1
Tông tòa của thánh Phêrô tượng trưng quyền bính của ngài. Các giáo phụ đã dùng từ ngữ tông tòa làm biểu tượng quyền bính của giám mục, đặc biệt là giám mục Roma. Vào thế kỷ III, thánh Cyprian đã viết: Thánh Phêrô giữ quyền tối thượng để chứng tỏ Giáo Hội của Chúa Kitô là duy nhất, và Tòa của ngài là duy nhất. Thiên Chúa là duy nhất. Đức Kitô là duy nhất. Giáo Hội là duy nhất. Tòa được Chúa Kitô thiết lập cũng duy nhất.2
Suốt nhiều năm, các tín hữu Roma đã giữ gìn một chiếc ghế bằng gỗ, tương truyền của chính thánh Phêrô. Về sau, thánh Damasus đã đưa thánh tích này đến phòng rửa tội của thánh đường Vatican được xây dựng vào thế kỷ IV. Chiếc ghế ấy đã được hàng ngàn tín hữu hành hương từ khắp nơi đến chiêm ngắm. Đến thời kỳ đền thờ thánh Phêrô như hiện tại được kiến thiết, người ta cho rằng nên dùng đồng và vàng bọc chiếc ghế ấy để bảo quản cho tốt hơn.
Trước thế kỷ IV, trong các lịch phụng vụ của Giáo Hội, ngày lễ này có tên là Natale Petri de Cathedra, nghĩa là nhớ việc thành lập tòa thánh Phêrô. Ngày lễ này minh định giám mục Roma có quyền tài phán trên toàn thể Giáo Hội. Nhiều giáo phận vẫn có tập quán là kỷ niệm ngày đức giám mục được tấn phong. Nhưng cuộc mừng ấy chỉ giới hạn trong phạm vi từng giáo phận. Tuy nhiên, Tông tòa của thánh Phêrô là duy nhất, bao quát toàn thể Giáo Hội ngay từ thế kỷ I. Thánh Augustine đã nói đến điều này trong một bài giảng: Cha ông chúng ta đã dùng danh xưng ‘tông tòa’ cho ngày lễ này để nhắc chúng ta nhớ rằng vị Tông Đồ trưởng đã được ủy thác địa vị ‘chiếc ghế’ trên giám mục đoàn.3 Chúng ta hãy xét lại lòng yêu mến và tùng phục của chúng ta đối với Đức Giáo Hoàng.
19.2 Thánh Phêrô tại Roma.
Theo truyền tụng trong Giáo Hội,4 thánh Phêrô đã sống một khoảng thời gian tại Antioch, nơi các tín đồ lần đầu tiên được gọi là Kitô hữu.5 Từ đó, thánh nhân rao giảng Tin Mừng, và sau đó trở lại Jerusalem, nơi vừa bộc phát một cuộc bách hại đẫm máu. Thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra tay ngược đãi một số người trong Hội Thánh. Nhà vua đã cho chém đầu Giacôbê là anh của Gioan. Thấy việc đó làm vừa lòng người Do Thái, nhà vua lại cho bắt cả Phêrô nữa. Bấy giờ đang là tuần lễ Bánh Không Men.6 Sau khi được thiên thần giải thoát khỏi tù ngục, thánh Phêrô đã rời Palestine và đến một nơi khác.7 Sách Tông Đồ Công Vụ không nói thánh Phêrô đi đâu, nhưng truyền thống cho chúng ta biết rằng ngài đến Kinh Thành Muôn Thuở. Thánh Jerome cho rằng thánh Phêrô đã đến Roma vào năm thứ hai triều đại vua Claudius (năm 43), và lưu lại đó khoảng 25 năm, cho đến khi tử đạo.8 Một số tác giả khác tin rằng thánh Phêrô đã thực hiện hai chuyến hành trình đến Roma: lần đầu, ngay sau khi bị bắt tại Jerusalem; và lần thứ hai, sau khi trở lại Palestine để chủ tọa công đồng Jerusalem vào năm 49. Sau đó, ngài còn thực hiện nhiều cuộc hành trình truyền giáo khác nữa.
Thánh Lêô Cả đã lý luận: Thánh Phêrô đã đến kinh thành thế giới để có thể loan truyền ánh sáng chân lý tốt hơn từ đầu đến thân. Chủng tộc nào không có đại diện ở thành phố này? Dân tộc nào lại làm ngơ những điều Roma nói? Đây là đúng là nơi để phản bác các triết thuyết giả dối, để thách đố sự ngu xuẩn của lý luận thuần túy nhân loại, để hủy diệt các hiến tế rỗng tuếch của các thứ thờ cúng. Có thể nói, Roma là nơi qui tụ mọi thứ lầm lạc.9
Người ngư phủ xứ Galilê đã trở nên đá tảng và nền móng của Giáo Hội. Ngài đã muốn thiết lập nền móng này tại Kinh Thành Muôn Thuở. Tại đây, ngài rao giảng Tin Mừng như ngài đã làm tại Judea, tại Samaria, tại Galilê và tại Antioch. Từ tông tòa ở Roma, thánh Phêrô đã cai quản toàn thể Giáo Hội. Thánh Phêrô đã hy sinh mạng sống vì đức tin tại Roma, noi gương Thầy Chí Thánh.
Mộ phần của vị Tông Đồ Trưởng ở ngay dưới bàn thờ chính của vương cung thánh đường thánh Phêrô. Truyền tụng từ xưa vẫn tin như thế, và mới đây đã được xác định nhờ các cuộc điều tra khảo cổ. Ngôi mộ này như một biểu tượng bền vững cho chân lý: Simon Phêrô – theo sự ưu tuyển của Thiên Chúa, đã là nền móng của Giáo Hội. Tiếng nói của Đấng Cứu Thế vẫn được lắng nghe suốt các thế kỷ, qua lời giáo huấn của các Đức Giáo Hoàng.
19.3 Yêu mến và tôn kính Đức Giáo Hoàng.
Phúc Âm hôm nay ghi lại lời hứa muôn đời của Chúa Giêsu phán với thánh Phêrô và những vị kế nghiệp ngài: Thầy nói cho con biết: con là Phêrô, nghĩa là Đá, trên Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực hỏa ngục sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho con chìa khóa nước Trời: dưới đất, con cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, con tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.10 Thánh Augustine đã chú giải đoạn Phúc Âm này như sau: Chúc tụng Chúa, Đấng đã đoái thương đặt thánh Phêrô Tông Đồ trên toàn thể Giáo Hội. Nền tảng này được tôn kính thật xứng hợp bởi vì đó là phương thế để chúng ta có thể được lên thiên đàng.11
Từ Roma, thánh Phêrô đã an ủi, dạy dỗ, và củng cố rất nhiều giáo đoàn tản mác khắp đế quốc Roma. Trong bài đọc Một hôm nay, thánh Phêrô kêu gọi các vị lãnh đạo Giáo Hội tại Tiểu Á hãy chăn dắt đoàn chiên bằng tình bác ái: Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy.12 Những lời thánh Phêrô gợi lại giáo huấn Thầy Chí Thánh đã nói về người mục tử tốt lành.13 Chúng ta có thể nhớ lại bối cảnh cảm động sau khi Chúa đã phục sinh và căn dặn Simon Phêrô: Hãy chăn các chiên con của Thầy… Hãy chăn các chiên mẹ của Thầy.14
Đó là sứ mạng Chúa đã ủy thác cho thánh Phêrô và các đấng kế vị: hãy chăm sóc đoàn chiên Chúa, củng cố đức tin dân Chúa, bảo toàn đức tin và phong hóa, giải thích các chân lý trong kho tàng mặc khải với ơn phù trợ của Chúa Thánh Thần. Thánh Phêrô đã viết trong bức thư thứ hai của ngài: Vì thế, tôi sẽ luôn nhắc cho anh em nhớ lại những điều trên, mặc dù anh em đã biết rồi và đang sống vững vàng theo sự thật anh em hiện đang nắm giữ. Tôi thiết nghĩ: bao lâu còn ở trong cái lều này, tôi phải nhắc nhở để thức tỉnh anh em, đó là điều phải lẽ, vì biết rằng sắp đến thời tôi phải bỏ lều này, như Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cũng đã tỏ cho tôi biết. Nhưng tôi sẽ cố gắng, để trong mọi trường hợp, sau khi tôi ra đi, anh em sẽ có thể nhớ lại các điều ấy.15
Ngày lễ hôm nay cho chúng ta một cơ hội để đào sâu niềm tôn kính thơ thảo của chúng ta đối với Đức Thánh Cha và các giáo huấn của ngài. Chúng ta hãy xét lại lời chúng ta cam kết trung thành và đem ra thực hành các giáo huấn của ngài.
Lòng yêu mến Đức Thánh Cha là biểu chứng cho lòng yêu mến của chúng ta đối với Chúa Kitô. Lòng yêu mến và tôn kính này cần phải được cụ thể hóa trong lời chúng ta cầu nguyện và hy sinh hằng ngày cho các ý chỉ của ngài: Dominus conservet eum et vivificet eum et beatum faciat eum in terra… Chúa gìn giữ người, thêm xuống sinh lực, và ban cho người đời này hạnh phúc, đừng trao người cho ác tâm quân thù. Chúng ta hãy chứng tỏ lòng yêu mến này trong đời sống thực tế: những khi chúng ta thực hiện một chuyến đi với mục đích tông đồ, khi chúng ta bệnh tật, khi người ta chống báng Giáo Hội, khi chúng ta giới thiệu bạn hữu về đức tin của Giáo Hội. Công Giáo, công cuộc tông đồ, Roma! Tôi muốn bạn hãy là chính Roma, hãy nao nức thực hiện chuyến hành hương đến Roma, để nhìn thấy thánh Phêrô – videre Petrum.16