TÂM SỰ KÍNH GỬI QUÝ CHA Ở NHÀ CHÚA CHA BẢO LỘC | PHẦN I




TMĐP- Những điều mới lạ trái nghịch tận nền tảng với giáo lý đức tin của Giáo hội Công giáo.
Con mạo muội kính gửi quý cha tâm sự của con, một giáo dân không thế giá, chức vị , cũng chẳng nhân danh hay đại diện bất cứ cá nhân hay đoàn thể, tổ chức nào, nhưng với tâm tình của người con trong Giáo Hội, cũng là con của quý cha là những linh mục đang làm công việc đuợc gọi là “công trình cứu chuộc của Chúa Cha trong thời đại mới”, với chị Thiên Thương, người được quý cha công nhận là thư ký của Chúa Cha Cha, và là người được Chúa Cha đích thân trao phó trách nhiệm chính yếu trong việc thực hiện công trình.

Trước hết, con xin minh định sự tôn trọng tuyệt đối của con trước chọn lựa của quý cha khi quý cha chấp nhận bị huyền chức bởi các Đấng Bản Quyền của mình, vì “đi theo Nhà Chúa Cha Bảo Lộc”, như mọi người thường nói, bởi mỗi người có tự do ở lại hay ra đi, đón nhận hay từ chối bất cứ lúc nào và ở đâu, dù đó là tiếng gọi của Chúa như nhiều môn đệ của Đức Giêsu đã bỏ Ngài mà đi, vì không chịu nổi những lời chói tai, khó nghe của Ngài, khi Ngài mặc khải về mầu nhiệm Mình Máu Ngài là lương thực nuôi nhân loại : “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, máu tôi thật là của uống” (Ga 6,54-55). “Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?… Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa” (Ga 6, 60. 66).

Ở đây, trong niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, niềm tin đã được tuyên xưng bởi Phêrô, tông đồ trưởng của Nhóm Mười Hai, là nhóm đích thân Đức Giêsu đã chọn, khi gọi từng người, và từng người trong họ đã đáp lời khi bỏ mọi sự, đứng lên và đi theo Ngài (x.Mc 1,16-20 ), con xin được bày tỏ chọn lựa của con khi viết những dòng này, đó là con công khai tuyên tín niềm tin của các thánh Tông Đồ, con tuyên xưng niềm tin của thánh tông đồ trưởng Phêrô, và ao ước được sống và chết với đức tin của Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền đã được Đức Giêsu xây trên nền tảng Tông Đồ, mà không đặt để niềm tin của con vào bất cứ niềm tin nào khác, ở ngoài niềm tin đã được Tông Đồ trưởng Phêrô tuyên tín, người mà Đức Giêsu đã chính thức trao chìa khoá kho tàng mặc khải, chính thức chọn là người đại diện để quản trị Hội Thánh của Ngài, hầu tiếp tục công cuộc cứu chuộc toàn thể nhân loại của Ngài ở trần gian. Công trình cứu chuộc ấy không chỉ nhắm một số đối tượng, hay một thành phần, nhưng hết mọi người, nhất là không chỉ cứu chuộc con người đến một thời điểm, hay một thời đại mới cũ nào đó, nhưng cứu độ đến tận thế, như Ngài đã nói với các môn đệ khi sai họ đến với muôn dân, và loan báo Tin Mừng cứu độ: “Và đây, Thầy ở cùng anh em cho đến tận thế.” (Mt 28,20).

Vì thế, con xác tín: chỉ Giáo Hội được Đức Giêsu xây trên Tảng Đá Phêrô mới được Đức Giêsu chính thức sai đi “loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”; mới chính thức được Chúa ủy thác sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân, và “làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều” Chúa dạy; sau cùng chỉ Giáo Hội gồm những người tin Đức Giêsu với niềm tin của tông đồ Phêrô mới được Đức Giêsu bảo đảm tính tinh tuyền của chân lý mặc khải, cũng như mới nhận được dồi dào ơn phù trợ của danh Chúa (x. Mt 28,19-20).

Điều này có nghĩa: ngoài Giáo Hội được xây trên tảng đá Phêrô, không một giáo hội nào khác được trao sứ vụ làm chứng Đức Giêsu chịu chết và sống lại một cách chính thức, không giáo hội nào khác được ký thác sứ vụ loan báo Tin Mừng một cách toàn vẹn; không một giáo hội nào khác được Đức Giêsu và Chúa Thánh Thần bảo đảm sự tinh tuyền của chân lý mặc khải, và cũng không giáo hội nào khác có đầy đủ phương tiện siêu nhiên để cứu rỗi con người.

Niềm xác tín của con vào đức tin tông truyền còn được củng cố khi Tin Mừng khẳng định bài sai ra đi loan báo Tin Mừng đã được Đức Giêsu đích thân trao tận tay các Tông Đồ, khi thánh sử Mátthêu ghi lại rành mạch những dòng này : “Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giêsu đến gần, nói với các ông : ” Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ ….” (Mt 28,16-18)

Nói như thế không có nghĩa phủ nhận một phần chân lý ở các tôn giáo, giáo hội khác nhưng không thể vì không phủ nhận, mà phải công nhận tính toàn phần của chân lý mặc khải trong các tôn giáo, giáo hội không phải Giáo Hội công giáo, tông truyền, vì một lý do duy nhất, đó là Giáo Hội của Đức Giêsu đã được Đức Giêsu xây trên nền móng các Tông Đồ, mà không xây trên một nền móng nào khác.

Tâm sự với quý cha niềm xác tín ấy, con muốn tin rằng xác tín của con cũng là niềm tin của quý cha, vì quý cha đã bỏ mọi sự mà đi theo Đức Giêsu làm môn đệ Ngài, và Ngài đã sai quý cha đi làm chứng và rao giảng Tin Mừng cứu độ của Ngài cho muôn dân.

Nhưng chính vì muốn tin quý cha vẫn trung thành ở lại trong đức tin của Giáo Hội công giáo, tông truyền mà con đâm ra hoang mang.

Con hoang mang, khi nghe quý cha vẫn tiếp tục tuyên bố mình ở trong Giáo Hội, nhưng quý cha lại công khai loan truyền rất nhiều điều trái nghịch với tín điều của Giáo Hội, và công bố trên chương trình Tiếng Nói Sự Thật, là tiếng nói chính thức của Nhà Chúa Cha Bảo Lộc.

Những điều mới lạ, đi ngược giáo lý đức tin của Giáo Hội Công Giáo mà quý cha luôn tự hào thuộc về thực sự không thể chấp nhận được, vì đối nghịch tận nền tảng với giáo lý đức tin của Hội Thánh. Những sai lạc ấy, con đã trình bày rất tỉ mỉ trong hai mươi bảy bài viết của con trước đây để chia sẻ với mọi người trên trang Tin Mừng Đường Phố, chắc quý cha cũng đã đọc qua.

Cũng chính vì những sai lạc tận nền tảng đó, mà các Đấng Bản Quyền trong Giáo Hội đã không thể đáp ứng lời mời “đến mà xem” Nhà Chúa Cha và những việc trọng đại Thiên Chúa làm ở đó của quý cha và chị Thiên Thương, bởi nếu các ngài đến, các ngài sẽ bị sa lầy vì việc thân hành đến mà xem ấy hoặc sẽ bị xuyên tạc như một đồng thuận, đồng tình, hoặc sẽ được suy diễn như đồng ý chứng thực, trong khi điều kiện “sine qua non” được Đấng Bản Quyền giáo phận Đà Lạt, cũng như Hội Dòng đặt ra là tháo xuống một số clip có nội dung trái với giáo lý đức tin đã không được quý cha thực hiện. Vì thế, việc quý cha trách móc các Đấng Bản Quyền đã không quan tâm, chăm sóc quý cha cũng như Nhà Chúa Cha là điều khó có thể quan niệm, vì quý cha đã không mở ra con đường để hai bên có thể cùng đồng hành bằng chấp nhận quyền của Đấng đã sai mình đi.

Khi từ chối thực hiện điều Đấng Bản Quyền với lý do phải nghe lời Thiên Chúa hơn nghe lời người thế gian, vâng phục Thiên Chúa hơn vâng phục người đời, làm theo thánh ý Chúa soi cho riêng mình hơn là thực hành ý của Đấng Bản Quyền giáo phận, Hội Dòng, quý cha đã quên Giáo Hội được Đức Giêsu thiết lập là một Giáo Hội có phẩm trật với mục đích gìn giữ sự hiệp nhất của Thân Thể mầu nhiệm, và bảo đảm lợi ích chung của các chi thể và từng chi thể. Đàng khác, phẩm trật được lập ra không để thống trị, nhưng để phục vụ, như Đức Giêsu đã kỹ càng giải thích cho các môn đệ Ngài : “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20,26-27), cũng như thánh Phaolô đã cắt nghĩa sự hiệp nhất trong Hội Thánh bằng hình ảnh Thân Thể trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrinthô (x. 1Cr 12).

Là gương mẫu của các Linh Mục, Đức Giêsu đã không làm gì theo ý riêng mình, nhưng hoàn toàn theo thánh ý Chúa Cha, như chính Ngài đã khẳng định: “Tôi tự trời mà xuống không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,38) và thánh Phaolô đã quảng diễn trong thư gừi giáo đoàn Philipphê: ” Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8).

Vì thế, sự thánh thiện, đặc biệt của đời sống thánh hiến, tức của hàng giáo sĩ, tu sĩ hệ tại ở sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa mọi nơi mọi lúc, trong mọi tình huống, hoàn cảnh, bằng tuân theo quyết định của Đấng Bản Quyền là người được Thiên Chúa uỷ thác trách nhiệm quản trị Hội Thánh, Hội Dòng theo ý Thiên Chúa, ngay cả các vị ấy còn nhiều khuyết điểm, thiếu sót trong đời sống, và chưa thực sự là người lãnh đạo có tài có đức, có tâm có tầm như lòng mọi người mong ước, nhưng vì được Thiên Chúa giao phó trách nhiệm, nên các vị cần được kính trọng, vâng phục để có thể thực hiện tốt đẹp sứ vụ hầu đem lại hiệp nhất và lợi ích thiêng liêng cho Giáo Hội, hay cộng đoàn tu sĩ.

Do đó, vâng phục Đấng Bản Quyền như Đức Giêsu vâng phục Chúa Cha là sống bí tích Hiệp Nhất, vì mơ ước cháy bỏng của Đức Giêsu là “tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17,21). Cũng thế, không hiệp nhất nhờ vâng phục, người môn đệ sẽ không làm cho thế gian tin Đức Giêsu là Đấng đã được Chúa Cha sai đến thế gian để cứu chuộc, và đương nhiên, chính người môn đệ, vì không vâng phục Đấng Bản Quyền, là Đấng sai mình, cũng sẽ không được ai tin là người được sai đi bởi Đức Giêsu.


Jorathe Nắng Tím